Thái Bá Tân - Thơ năm chữ - Dân Làm Báo

Thái Bá Tân - Thơ năm chữ

Ăn nhậu

Hôm nọ bị anh bạn, 
Chính xác hơn, người quen, 
Cứ bắt đi ăn nhậu. 
“Đừng lo, tớ ối tiền”. 

Con người “ối tiền ấy” 
Đưa tôi vào nhà hàng, 
Gọi con tôm hai triệu, 
Đựng trên đĩa dát vàng. 

“Ăn đi cậu, cho bõ. 
Ta đã khổ suốt đời. 
Nay phải enjoy life! 
Ý tớ, phải ăn chơi!” 

Cảm ơn bạn chiêu đãi. 
Cảm ơn tôm triệu đồng. 
Nhưng tôi cứ nghịch đũa, 
Mặc bạn hỏi ngon không. 

Tôi thầm đáp: Ngon lắm, 
Ngon bằng cả tháng lương 
Công nhân khu công nghiệp, 
Nếu có việc bình thường. 

Định đưa lên miệng cắn, 
Thế mà không hiểu sao 
Tự nhiên thấy phẫn nộ, 
Xấu hổ và nghẹn ngào. 

Người ta làm cả tháng 
Bằng giá con tôm này. 
Người ta ăn một bữa 
Bằng lương ba mươi ngày. 

Đúng theo phép lịch sự, 
Được mời ăn, không chê. 
Tôi chờ bạn ăn hết 
Nửa tháng lương, rồi về. 

Nửa tháng lương còn lại 
Trên chiếc đĩa dát vàng 
Bầy lợn sẽ được chén, 
Hợp pháp và đàng hoàng. 

“Cảm ơn cậu, tôi nói, 
Vì bữa ăn hôm nay. 
Tiếc tớ không ăn được 
Vì chứng bệnh dạ dày.” 

Tạm gác chuyện tế nhị - 
Tiền ấy ở đâu ra. 
Có tiền thì ăn nhậu, 
Đó là quyền người ta. 

Nhưng việc ăn một bữa 
Mà bằng cả tháng lương 
Công nhân khu công nghiệp - 
Chuyện ấy không bình thường. 

Dạ dày tôi còn tốt, 
Nhưng trái tim thì đau. 
Cảm ơn, và xin lỗi, 
Tôi không nuốt nổi đâu. 


Nhục! 

Hoa hậu là biểu tượng 
Cái đẹp của nước nhà. 
Thế mà cái hoa ấy 
Bán mình cho đại gia. 

Đọc báo thấy dân Việt 
Đói, sang Lào kiếm ăn, 
Giở trò câu trộm chó, 
Bị Lào đánh gãy chân. 

Cũng đọc báo mới biết 
Rằng cái trò rải đinh 
Duy nhất trên thế giới 
Chỉ có ở nước mình. 

Xem báo, kèm cả ảnh, 
Thấy con gái Long An 
Xếp hàng đứng e lệ 
Cho mấy bác Đại Hàn 

Chọn vợ như chọn lợn. 
Dám chắc mấy ông này 
Có kiểm tra mông vú 
Để bảo đảm giống hay. 

Nhiều cô gái Đại Việt, 
Tự nguyện hay bị lừa, 
Sang Căm Bốt làm điếm 
Rồi bị bắt, sướng chưa? 

Mà cái thằng Căm Bốt 
Nghe nói nghèo hơn mình. 
Sao mình làm điếm nó, 
Mà nó không điếm mình? 

Rồi bao nhiêu chuyện khác, 
Không thiếu một thứ gì 
Đến báo không buồn đọc, 
Không buồn mở ti-vi. 

Vì sợ đài và báo 
Lại khen ta anh hùng, 
Cao đẹp rồi vĩ đại... 
Đúng là đài báo khùng. 

Tóm lại là thấy nhục. 
Vừa nhục vừa đau lòng 
Cho thực trạng đất nước. 
Hay các bác thấy không? 


Ông chủ và đầy tớ

Lạ thật, sao thế nhỉ, 
Cái gì cũng Nhân Dân. 
Công An rồi Quân Đội, 
Rồi Tòa Án, vân vân. 

Dân được bọn đầy tớ 
Hầu hạ suốt đêm ngày, 
Được tôn làm ông chủ, 
Được tâng bốc lên mây. 

Thế mà thằng dân láo, 
Sướng quá mà hóa điên. 
Những gần ba triệu đứa 
Bỏ đầy tớ, vượt biên. 

Lại xúi nhau giữ đất. 
Mà đất được đền bù 
Sòng phẳng và thỏa đáng. 
Đúng là thằng dân ngu. 

Thằng tư bản nó nói, 
Về hạnh phúc, dân ta 
Xếp thứ hai thế giới. 
Thế còn chưa sướng à? 

Dân được hưởng dân chủ 
Hơn triệu lần nước người. 
Mấy ai sướng như thế? 
Có đứa láo, còn cười. 

Chống Tàu có Nhà Nước. 
Được sướng thì sướng đi, 
Sao cứ phải tranh luận, 
Rồi biểu tình, làm gì? 

Đầy tớ như con trẻ, 
Có đứa hỗn, hay quên, 
Mới đạp có tí mặt 
Mà đã làm ầm lên. 

Tóm lại, bọn mày, chủ, 
Vô ơn, không biết điều. 
Được cung phụng tận đít 
Mà còn mở mồm kêu. 

Dạ, thưa bác đầy tớ, 
Em, dân quê, thấp hèn, 
Em cứ muốn khiêm tốn 
Làm thằng dân không tên. 

Em chẳng dám phiền bác 
Hầu hạ em làm gì. 
Bác cứ hầu hạ bác. 
Chữ Nhân Dân, quên đi. 

Lại nữa, xin được hỏi, 
Nghiêm túc và thật lòng: 
Em muốn thay đầy tớ. 
Bác có cho em không? 


Tiếng gọi non sông

Tổ tiên xưa để lại 
Giang sơn gấm vóc này. 
Nhiều, rất nhiều máu đổ 
Để có ta hôm nay. 

Chim trên trời có tổ, 
Thú trong rừng có hang. 
Ta, con người, ta có 
Đất nước và xóm làng. 

Xóm làng và đất nước 
Thân yêu của chúng ta 
Đang bị giặc đe dọa. 
Ta ru rú ở nhà? 

Không! Con Rồng cháu Lạc, 
Chung sức và chung lòng, 
Thà hy sinh tất cả, 
Quyết bảo vệ non sông! 


Nước Nam người Nam ở. 
Trời định thế từ lâu. 
Đừng tìm cách xâm phạm, 

Kẻo lại bị đánh đau. 

Hai Bà Trưng, Bà Triệu, 
Mai Hắc Đế, Ngô Quyền, 
Lý Thường Kiệt đánh Tống, 
Rồi vua Trần đánh Nguyên... 

Vẫn âm vang, còn đó 
Bài Nam Quốc Sơn Hà. 
Lẽ nào ta để giặc 
Âm mưu thôn tính ta? 

Không, con Rồng cháu Lạc, 
Với khí thế Diên Hồng, 
Chúng ta nguyện chung sức, 
Quyết bảo vệ non sông! 

Giờ là lúc thử lửa, 
Thử lương tâm mọi người. 
Hèn nhát, hay đứng thẳng, 
Kiêu hãnh với đất trời? 

Không nhường một tấc đất, 
Không mất một bờ khe. 
Trần Nhân Tông đã dạy, 
Ta, con cháu, phải nghe. 

Chúng xưa nay vẫn thế, 
Nham hiểm và thâm sâu. 
Chúng cậy lớn ăn hiếp, 
Không lẽ ta cúi đầu? 

Không! Không để mất nước! 
Theo tiếng gọi non sông, 
Chúng ta hãy xứng đáng 
Là con Lạc, cháu Rồng! 


Khẩu hiệu

Hình như cả thế giới 
Chỉ bốn nước, đó là 
Việt Nam và Trung Quốc, 
Triều Tiên và Cu ba 

Là còn có khẩu hiệu. 
Không những có mà nhiều. 
Không những nhiều mà lớn. 
Không những lớn mà điêu. 

Khẩu hiệu đỏ rực phố. 
Khẩu hiệu đỏ rực làng. 
Khẩu hiệu trong phòng họp, 
Khẩu hiệu trong nhà hàng. 

Mà khẩu hiệu gì nhỉ? 
À, thi đua, muôn năm. 
Muôn năm cái gì nhỉ? 
Muôn năm cái quyết tâm. 

Hình như có qui luật 
Là không gì trên đời 
Muôn, muôn năm, mãi mãi, 
Cả vật và cả người. 

Vậy thì sao khẩu hiệu 
Lại cứ hô muôn năm? 
Hay nghĩ cứ hô mãi 
Là sẽ thành muôn năm? 

Nói thật với các bác, 
Tôi không dám ra ngoài 
Vì sợ thằng khẩu hiệu 
Làm lóa mắt, ù tai. 

Lại còn thi đua nữa. 
Mà thi đua cái gì? 
Làm việc tốt, học tốt? 
Thôi, đừng vờ, quên đi. 

Chỗ thân tình, hỏi thật, 
Vừa họp thi đua xong, 
Có ai trong các bác 
Làm việc tốt hơn không? 

Hình như trên thế giới 
Chỉ bốn nước, đó là 
Việt Nam và Trung Quốc, 
Triều Tiên và Cu Ba 

Là có cái thằng ấy, 
Thằng thi đua, phong trào. 
Thi đua là yêu nước. 
Không thi đua thì sao? 

Cũng chỉ bốn nước ấy 
Dẫu dân kêu nhiều lần, 
Có hộ khẩu, và đất 
Là sở hữu toàn dân. 

Nếu phải hô khẩu hiệu, 
Tôi chỉ hô một câu: 
“Đả đảo các khẩu hiệu!” 
Nói thật, không đùa đâu.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo