Thư bạn đọc về ngày 1 tháng 7 - Dân Làm Báo

Thư bạn đọc về ngày 1 tháng 7

Kính thưa các bác, chú, cô, dì cậu bạn đọc Danlambao! 

Con là Lũy Thép. Cho đến ngày 1/7 con mới thấm thía thế nào là sự khổ nhục của mẹ Minh Hằng, bác Phương Bích, anh Phương và các bạn đi biểu tình và bị đàn áp. Con xin nghiêng mình kính phục lòng yêu Tổ Quốc, sự dấn thân, lòng dũng cảm của mọi người và mọi người đã tiếp cho con thêm sức mạnh. 

Rạng sáng ngày 1/7 trọng đại của đời con. Đúng 3 giờ rưỡi, cha đã đánh thức con dậy (cha đã thức trước đó chuẩn bị hành trang đi biểu tình) khi con ngồi lên sau xe thì đã 4 giờ sáng. 

Xe đưa cha con chúng con qua cầu Mỹ Thuận, qua thị trấn Cái Bè, Cai Lậy, thành phố Mỹ Tho, Long An, và đến Sài Gòn. Cha rẽ vào đại lộ Đông Tây chạy đến gần hầm Thủ Thiêm thì rẽ trái vào quận nhất Đô Thành Sài Gòn (cha bảo con phải gọi tên như thế cho đúng với bản chất lịch sử và địa danh hoặc dinh Tổng Thống, dinh Độc Lập chứ không gọi dinh Thống Nhất, quảng trường nhà thờ Đức Bà chứ không gọi công viên 30/4). 

Đúng 8h10 phút, cha và con đã có mặt ngay quảng trường nhà thờ. Cha bảo con đứng đợi và mua vé vào cổng dinh Tổng Thống hết 30 nghìn và gửi xe trong bãi dinh, sau đó cha đi ra nơi con đợi (cha giải thích những bãi xe gần đây ngày hôm nay sẽ không nhận giữ xe thế nên cha phải mua vé vào dinh Độc Lập chỉ để gửi xe). Cha cho phép con tự mang máy ảnh và thoải mái chụp ảnh theo ý thích. Cha ngồi càfe bệt ngay quảng trường. Quảng trường lúc này khá đông bạn trẻ và đông hơn là lực lượng chó săn của đảng. Xe công vụ chạy ngang dọc thật “hùng hồn” con chụp tất cả. Con để ý có một nhóm bạn trẻ (chắc là sinh viên) họ đã chuẩn bị khẩu hiệu và hình ảnh biểu tình. Họ thoải mái trò chuyện, chia sẻ và chụp ảnh lưu niệm, họ nhìn con dò hỏi… 

Con thấy lòng rạo rực niềm vui khôn tả. Bỗng con nghe có tiếng phản đối đằng xa, bên kia đường (đối ngang với nhà thờ Đức Bà dáng một người nước ngoài cao to mà con đã quen biết qua Danlambao, con òa lên: Andre Menras – Hoàng Sa nỗi đau mất mát. Ông cầm tấm bảng trắng, sử dụng viết xóa được viết rất nhiều chữ (song ngữ) bằng hai màu mực xanh và đỏ. Ông to lớn và song song là nhà thơ nhỏ bé Đỗ Trung Quân. Một nhóm dân phòng đến giằng co tấm bảng ấy nhưng ông đã nói rất giận dữ: Tôi là người VN và ông rút giấy CMND ra đưa lên, có những người trí thức cùng tuổi đi cạnh ông khuyên ông bình tĩnh và tiến bước (con không hiểu sao họ cứ xúi ông Menras cầm bảng mà họ không dám, kể cả ông nhà thơ Đỗ Trung Quân). 

Họ băng qua đường và bắt đầu sáp nhập vào đám đông (tất cả những hình ảnh này con đều ghi lại tất cả). Thật ra đám đông này là lũ chó săn đang vây ráp và bắt bớ các bạn sinh viên, họ xô đẩy và nhét các bạn ấy lên một xe buyt cỡ nhỏ. Các bạn ấy gào thét và khóc nhưng vẫn không quên hô vang những từ thật thiêng liêng Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam… Họ ôm lấy nhau, níu kéo lẫn nhau, một bạn nam ôm cột điện và chở che cho một bạn khác. Nước mắt con bỗng trào ra, con khóc cùng những đồng đội của mình, những người mà trước đó con chưa từng một lần gặp mặt. Những gương mặt ấy, những giọng thét ấy sẽ mãi ám ảnh con cho tới những ngày tháng sau. Những gương mặt, nụ cười, nước mắt ấy chỉ mới nhìn thì ta có thể nhận diện ngay đó là những người tử tế. 

Bỗng một thằng côn đồ bất chấp đám đông đang giằng co, xô đẩy, giành giựt bay song phi vào đá mạnh tấm bảng trên tay ông Menras, tấm bảng rớt xuống một số tên cướp mừng rỡ định chộp tấm bảng ấy nhưng con nhanh tay hơn dằn lấy và cùng ông Menras giơ cao tấm bảng quý. Chúng con khó nhọc tiến bước qua lộ, lúc này người đi đường dừng xe nhìn ngó vô tư. Ông Menras ra dấu để ông tô lại những chữ đã bị phai do lũ côn đồ cố tình bôi xóa. Hình ảnh ông cắm cúi bên chiếc ghế công viên nắn nót đồ lại từng chữ trước những cặp mắt của bày thú dữ làm con thấy xúc động nghẹn ngào, con chụp hình ông không nghỉ. Thế là ba tên chó săn đến bắt con, con vùng vẫy hô cướp (vì chúng ăn vận bình thường), có 1 cô gái tuổi khoảng đôi mươi đến gỡ tay con định cướp máy ảnh. Mày định làm gì hả con quỷ, đồ nít ranh, đồ gái hư, đồ tay sai của quỷ…, chúng lôi con đi thật xa nhóm biểu tình, lôi càng xa càng tốt. 

Chúng giật máy ảnh… chúng gọi điện và một xe đến chuyển con đi. Con lên xe và dõi mắt tìm cha, con thấy cha nhìn con nhoẽn cười, ánh mắt cha như muốn nói: Dũng cảm lên nhé con, con của cha đã trưởng thành thật rồi… xe chạy ngang bưu điện và bóng cha khuất dần… 


http://danlambaovn.blogspot.com/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo