Chào Bác,
1911-2012. Thế là đã hơn 100 năm từ ngày Bác xuống bến Nhà Rồng leo lên tàu Tây tìm đường cứu nước theo lịch sử Đảng CS và sách của chú Hồ Giả Tiên; còn theo các cụ ông cụ bà Làng Sen lại quả quyết rằng, cu Công ngày ấy đi là đi tìm đường cứu đói. Nhưng, cứu nước hay cứu đói thì con đường Bác đã như “ma đưa lối quỷ đưa đường “, đẩy đưa dân tộc “lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”.
Bác đang phụ bếp trên tàu Tây Latouche-tréville. |
“Ma đưa lối quỷ đưa đường" cho Thúy Kiều lưu lạc trong mười lăm năm. Còn cao tay ấn hơn quỷ ma, Bác đưa đường cho dân Việt lưu lạc đã 82 năm ròng rã rời rồi mà lối ra còn thăm thẳm nghe các chú nói đâu bên... Tàu.
Đã tám mươi hai năm lưu lạc với bao chốn đoạn trường đất nước dân tộc và cho từng số phận của bao nhiêu chục triệu đồng bào Việt trải dài trên tổ quốc từ Bắc chí Nam. Qua meo này làm sao Tèo có thể báo cáo đầy đủ với Bác được.
Chỉ riêng xứ Nghệ của Bác không thôi đã bao khúc đoạn trường cho đồng hương từ ngày bác vạch lông mằn mò con đường cách mạng Vô Sản. Bác mở màn bằng khúc “Xô Viết Nghệ Tĩnh” 1930-1931. Xô Viết Nghệ Tĩnh! Xô Viết nghĩa là răng? Cỡ cụ Phó bảng cũng chịu thua; nói chi hạng cu Tèo. Những kẻ dựa vào “đức tính giản dị và khiêm tốn nhường ấy” của Bác thì “lý đoán” Xô Viết Nghệ Tĩnh là Xô những người thuộc thành phần nào đó bổ nhào xuống rồi Viết lên mặt hai chữ Nghệ Tĩnh! Nhưng hầu hết đều nghĩ “Xô Viết” là tiếng Nga nên càm ràm. Tiếng Tây đang áp đảo tiếng Ta, chưa “giải” (giải thực) được, Bác lại tròng thêm vào tiếng Nga; nghe mà ứa gan .
Xô Viết... Nghe mà ứa gan. Ứa gan tràn ra ứa máu: “Trí-Phú- Điạ- Hào, đào tận gốc trốc tận rễ”. Cũng may mà cái “gốc” Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã tẩu vào Nam trước đó rồi nên cái “rễ” Nguyễn Sinh Công không bị “trốc”. Theo nhà nghiên cứu lịch sử Minh Võ: "Nông dân được tuyên truyền kích động nổi dậy trừng trị kẻ thù của giai cấp bằng mọi biện pháp kể cả tàn sát và tàn sát bất phân già trẻ lớn bé. Vì, dù là trí, phú, địa, hào thì kẻ nào cũng có gia đình, con cháu trong khi khẩu hiệu nêu rõ phải đào tận gốc, trốc tận rễ nên không thể nương tay” (trích “Hồ Chí Minh - Nhận định tổng hợp”). Cũng may mà cái “gốc” Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã tẩu vào Nam trước đó rồi nên chẳng những đã không bị chính cái “rễ” Nguyễn Sinh Công “đào” ngày đó mà ngày nay còn được chểm chệ trong chùm Đền thờ họ Hồ đang lên phương án xây ở Núi Chung, Nam Đàn.
Thế rồi “Xô Viết” chưa phai “Cải Cách (Ruộng Đất)” lại tới. Nạn nhân chới với nhất cũng không ai khác hơn là đồng bào Nghệ An Hà Tĩnh, “quê choa” của Bác và cu Tèo này. Nhắc tới CCRĐ là trước mặt Tèo lại lù lù hình ảnh Bác đứng cầm khăn mu-soa (mouchoise) lau nước mắt rồi Bác biến thành con cá sấu to tổ bố.
Bác ơi, khuôn khổ meo thì có hạn. Chuyện đoạn trường ruột đứt bác gieo nơi quê nhà không thôi cũng hơi đâu mà kể. Thôi để Tèo gửi Bác tấm hình các cháu ngoan của bác ở Con Cuông mới đây đang làm theo đạo đức Bác về tự do tôn giáo, vì “một tấm hình giá trị bằng ngàn lời nói/viết”
Linh mục JB Nguyễn Đình Thục dâng lễ, bên ngoài côn đồ la ó, chính quyền bắt loa phóng chĩa vào nhà thờ, chúng ta cùng cầu nguyện cho Ngài luôn an tâm vững chí can đảm chu toàn sứ vụ Chúa trao ban.
Từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Con Cuông Nghệ An: 82 năm ruột đứt.
Hẹn Bác meo sau,
Cu Tèo
Nguyễn Bá Chổi