Chiều 16/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố bảy Luật và hai Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ ba.
Bảy Luật được công bố lần này gồm Luật giá; Luật giám định tư pháp; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật quảng cáo; Luật tài nguyên nước (sửa đổi); Luật biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013; Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014.
Hai Nghị quyết về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân cũng đã được công bố tại buổi họp báo.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh minh họa
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, Luật giá gồm 5 Chương, 48 điều. So với Pháp lệnh giá, Luật giá có điểm mới là quy định chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng.
Luật giám định tư pháp được thiết kế 8 Chương với 46 điều quy định về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Về phạm vi giám định tư pháp, Luật có mở rộng hơn so với quy định của Pháp lệnh.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết Luật phổ biến, giáo dục pháp luật có 5 Chương, 41 điều quy định về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; chính sách của Nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật và xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật; nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật chung cho công dân và cho một số đối tượng đặc thù.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng giới thiệu một số nét chính của Luật xử lý vi phạm hành chính gồm 6 phần, 12 Chương, 142 điều. So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Luật đã có sự thay đổi theo hướng hạn chế áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi...
Luật quảng cáo gồm 5 Chương, 43 điều. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cho biết Chương I của Luật gồm 11 điều, cơ bản tập trung quy định những vấn đề có tính nguyên tắc. Điểm mới của Chương này là đã quy định cụ thể những loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo gồm thuốc lá, rượu từ 15 độ trở lên, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, bình vú và vú ngậm nhân tạo; sản phẩm hàng hóa có tính chất kích dục và kích động bạo lực; súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao. Ngoài ra Luật còn quy định Chính phủ căn cứ vào tình hình phát sinh trên thực tế để quy định những loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo.
So với Luật tài nguyên nước hiện hành, Luật tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung 39 điều mới hoàn toàn về nội dung và sửa đổi, bổ sung 40 điều. Luật có 10 Chương, 79 điều, bổ sung quy định một số dự án liên quan đến khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng và tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đề cao trách nhiệm, minh bạch thông tin về những tác động tiêu cực có thể gây ra ngay từ khi chuẩn bị thực hiện dự án. Luật cũng quy định phân loại lưu vực sông, nguồn nước làm căn cứ phân công, phân cấp quản lý và bổ sung quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước.
Tóm tắt một số nội dung của Luật Biển Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết với 7 Chương và 55 điều, Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.
Quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam , phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Mọi cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam .
Nhà nước phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện các biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khuyến khích việc sử dụng, khai thác, phát triển kinh tế biển; khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Luật biển Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước láng giềng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Nhà nước ta đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể về biển và đại dương.
Theo TTXVN