_________________________________________________________________________________
An Huy (VnEconomy) - Vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, thường gọi là “bầu” Kiên, ngay lập tức đã thu hút sự chú ý lớn của các tờ báo và hãng tin quốc tế. Các báo nước ngoài bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của vụ bắt giữ này đối với nền kinh tế và hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Một loạt tờ báo và hãng tin quốc tế tên tuổi như Bloomberg BusinessWeek, Reuters, AP, Financial Times, Straits Times… hôm nay đều đăng tin về vụ “bầu” Kiên bị bắt.
Báo Financial Times chạy dòng tít “Arrest of Vietnam tycoon unnerves markets” (tạm dịch: “Vụ bắt giữ doanh nhân Việt Nam gây hoảng hốt cho thị trường”), trong khi hãng tin AFP giật tít: “Vietnam arrests high-flying banking mogul” (tạm dịch: “Việt Nam bắt giữ ‘đại gia’ giàu có ngành ngân hàng”), dòng tít trên Reuters thông báo: “Vietnam arrests banking tycoon, bank shares fall” (tạm dịch: “Việt Nam bắt giữ ‘đại gia’ ngân hàng, giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm”)…
Hầu hết các bản tin đều ghi nhận vị thế đáng nể của ông Nguyễn Đức Kiên trong lĩnh vực kinh doanh và thể thao tại Việt Nam như “một trong những doanh nhân giàu có nhất trong ngành ngân hàng ở Việt Nam”, “đại gia” ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam, “nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực bóng đá ở Việt Nam”...
“Cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ một trong những ‘đại gia’ ngân hàng giàu có nhất về những sai phạm trong hoạt động kinh tế chưa được nêu rõ, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm giữa lúc nước này đang gặp nhiều khó khăn kinh tế”, hãng tin AP cho biết.
Tờ Financial Times thì viết: “Vụ bắt giữ một trong những doanh nhân nổi bật nhất ở Việt Nam đã gây rúng động trên thị trường chứng khoán của Việt Nam”.
Tương tự như thái độ lo ngại của Financial Times, các tờ báo và hãng thông tấn nước ngoài có đưa tin về vụ việc đều đặt vụ bắt giữ trong bối cảnh những khó khăn kinh tế hiện nay ở Việt Nam.
Vụ bắt giữ ông Kiên “châm ngòi trở lại cho những lo ngại về ngành ngân hàng của Việt Nam”, bản tin của Reuters có đoạn viết.
“Tin tức về vụ việc một lần nữa làm dấy lên quan ngại về một hệ thống ngân hàng đã chịu ảnh hưởng tiêu cực của 4 năm lạm phát cao, giá tài sản sụt giảm mạnh và những mối liên hệ tới khu vực kinh tế quốc doanh”, Reuters nhận xét.
Hãng tin AP nhấn mạnh: “Thông tin về vụ bắt giữ đăng tải trên các báo vào ngày thứ Ba đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh, với chỉ số VN-Index giảm khoảng 5% vào buổi trưa”.
Hãng tin này còn nói thêm rằng: “Việt Nam từng được xem là một nền kinh tế ‘con hổ’ mới ở khu vực châu Á, tương tự như Đài Loan và Hàn Quốc, nhưng những lo lắng về sức khỏe của hệ thống ngân hàng, quan ngại về lạm phát, sự mất giá đồng nội tệ, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự sa sút của lượng vốn đầu tư nước ngoài là những nhân tố ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế”.
Trong một bài viết dài và chi tiết về vụ bắt giữ ông Kiên, báo Financial Times nhấn mạnh rằng: “Vụ bắt giữ ông Kiên là động thái đầu tiên thuộc thể loại này đối với một người thuộc thế hệ doanh nhân cỡ bự mới phất lên sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa kinh tế”.
Năm nay 49 tuổi, ông Nguyễn Đức Kiên là người trong nhóm sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất ở Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch của Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội.
Dù không còn giữ chức vụ gì ở ACB và đã giảm cổ phần nắm giữ trong ngân hàng này xuống dưới mức 5%, ông Kiên được cho là còn nắm cổ phần ở nhiều ngân hàng khác của Việt Nam. Ngân hàng Standard Chartered của Anh hiện đang nắm cổ phần 15% tại ACB.
Theo cơ quan cảnh sát điều tra, ông Kiên bị khởi tố về tội "kinh doanh trái phép" theo điều 159 Bộ luật Hình sự. Bước đầu điều tra sai phạm chỉ liên quan đến ba công ty là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại B&B; Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội do ông Kiên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Vụ bắt giữ ông Kiên diễn ra vào ngày hôm qua, 20/8.