Bao giờ bướm ta nổi loạn - Dân Làm Báo

Bao giờ bướm ta nổi loạn

Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - “Trong cái xã hội trước sau vẫn trọng nam khinh nữ, nơi quyền lực quốc gia, quyền lực trong gia đình và quyền lực trên giường vẫn chủ yếu thuộc về đàn ông, bướm Việt Nam sớm muộn rồi cũng phải nổi loạn.” - Phạm Thị Hoài

Bướm Nga nổi loạn (procontra.asia)
“Ga Vinh một buổi tối trời mưa. Một túp nhà lá nằm nép bên vệ đường, phía sau là khoảng nước dở ao dở rãnh, muỗi và cỏ nhiều. Một ngọn đèn dầu run rẩy vì gió, cháy leo lét được treo trước cửa sổ. Một con chó già còm cõi bê bết bùn đất và lạnh, nằm in bóng đèn dầu dưới cửa sổ, tru ư ử trong họng mà không dám vào nhà vì sợ đòn. Gió hú rít xoáy quanh cửa tranh nhau luồn vào nhà. Có tiếng mái tranh cọ nhau xào xạc như van xin. Tiếng chẫu chuộc gọi cái làm nhịp cho mưa rơi.

Bên này cửa sổ:

“Khêu to đèn thêm tí nữa, không tốn dầu lắm đâu.”

Bên kia cửa sổ:

“Thế này đủ rồi, khách xa thừa sức nhìn thấy.”

Im lặng một lúc lâu.

Bên này:

“Mấy giờ rồi nhỉ…?”

Bên kia:

“Ðồng hồ bán mất rồi… Có lẽ khoảng chín, mười giờ…” 

Có tiếng chân rẽ nước đi tới, rồi một cái đầu đàn ông thò vào cửa sổ, nhễu nước lã chã xuống con chó.

“Bao nhiêu?”

Bên này:

“Năm chục.”

“Ðắt thế, gái Sài Gòn còn chả tới nữa là…”

“Thế muốn bao nhiêu?”

“Hai chục…?”

“Thôi về ngủ với bò cho sướng, để hai chục đấy mai mà ăn cháo.”

“Ðồ đĩ rạc!”

Tiếng chân dậm dựt bỏ đi.

“Ba chục được không?” Có tiếng hỏi với lại.

“Ừ thôi, trời mưa mở hàng để lần sau lấy chỗ đi lại.”

“…”

“Thanh toán trước đi!”

“Gì mà vội thế, chả ‘tình’ tí nào cả.”

“Sao? Có tiền không?”

“Lấy gạo nhé?”

“Gạo gì? Mậu dịch hay gạo mới?”

“Mới chia tiêu chuẩn tháng ở cơ quan về, chưa xem.”

“Gạo mậu dịch rồi, tính bao nhiêu?”

“Hai chục.”

“Ðắt quá, mà cũng không có cân nữa.”

“Mười tám đồng vậy, đong đại bằng ống sữa bò đi…”

“Ừ, thế cho tiện, cân mất công, gạo đi mua nặng ký… mà này, có trộn đá dăm vào không đấy?”

“Mang đèn ra mà soi.”

“Gạo này chỉ mười lăm đồng.”

”Ðong vun tay thế kia thành hai cân của người ta chứ còn gì…”

Một thằng nhóc chừng chín tuổi thình lình hiện ra như chui từ dưới đất lên, đứng mút tay nhìn cảnh đong gạo. Người đàn ông còn đang loay hoay cột lại cái bao của mình thì nó giật túi gạo nơi tay người đàn bà, chạy vụt ra cửa.

“Nấu cơm nhé, đừng nấu cháo… Nhớ để phần cho chị đấy.”

Người đàn bà dặn với theo…

Bên này:

“Thu nhập hằng tháng bao nhiêu?”

“Thất thường lắm, không tính được.”

“Có chồng con gì chưa?”

“…”

“Quê quán ở đâu?”

“Ðô Lương.”

“Sao trôi giạt ra tận đây thế?”

“Ở quê khổ quá…”

“Khổ một chút nhưng cuộc sống lương thiện, có chồng con đàng hoàng có thoải mái hơn không?”

“Ðảng viên phải không?”

“Sao biết?”

“Chơi bao nhiêu lần rồi?”

“Ừ… mới tham quan một lần cho biết…”

“Có thích không?”

“…”

“Không sợ chi bộ biết bao?”

“Chỉ sợ quần chúng, cảm tình đảng thôi.”

“Bí thư phải không?”

“Chưa, mới phó thôi.”

“Sao biết mà mò đến?”

“Bí thư giới thiệu… ấy không phải, bà con quen biết…”

“…”

“Hành nghề bao lâu rồi?”

“Sáu năm.”

“Ðúng dân chuyên nghiệp, có bệnh không? Có không?”

“Cải tạo mới ra, chưa kịp có.”

“Vẫn ngựa quen đường cũ, phải cố gắng đè nén những đam mê thấp hèn mà nghĩ đến tương lai chứ! Chết, chết, ai đấy?”

“Ðừng sợ, con chó nằm ngoài lạnh, cào cửa đòi vào nhà đấy.”

“Ba chục… đắt quá, mất đứt một phần tư tháng lương rồi còn gì?”

“…”

“Cái gì đấy?”

“Ngô nướng…”

“…”

“Bẻ một nửa thôi, chưa được ăn tối đâu.”

Tiếng khóa thắt lưng kêu lách cách, người đàn ông kiểm soát lại cái ví của mình rồi đi ra cửa, nách cắp bao gạo.

Từ buồng trong, một bà già tay chống đầu gối, tay đấm lưng lò dò bò ra. Cầm miếng giấy đang cháy, bà múa mấy vòng tròn như đuổi vía, rồi rán sức bê chậu nước hắt toẹt ra đường.

Căn nhà lại chìm trong bóng tối.” 

(Thế Giang. “Chỗ Nước Đọng”. Thằng Người Có Đuôi. Costa Mesa: Người Việt, 1987. 99-104) 

Khi tác phẩm (thượng dẫn) được xuất bản ở Hoa Kỳ thì cũng là lúc Việt Nam đang “dũng cảm và quyết tâm” bước vào thời kỳ đổi mới. Mười năm sau, đất nước này lại lập thêm một kỳ tích nữa: cả dân tộc (nô nức) bước ra biển lớn – theo như lời kêu gọi (vô cùng) thiết tha của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông cũng là vị lãnh đạo được nhiều người, trong cũng như ngoài nước, đặt nhiều kỳ vọng và đánh giá rất cao như là kẻ có khuynh hướng cấp tiến và "muốn tăng tốc tiến trình đổi mới kinh tế" ("who wants to accelerate the process of economic change").

Tương tự, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (vào thời điểm đó) cũng được dư luận nhận định là nhân vật sẽ năng nổ hơn người tiền nhiệm, đặc biệt trong việc cải tổ kinh tế và pháp luật, lót đường cho VN tiến vào tổ chức WTO ("And there is a widespread perception he will be more active than his predecessor, particularly in implementing economic and legal reforms that pave the way for Vietnam’s accession to the World Trade Organization”) – theo nguyên văn như lời của nhà báo Karl D John (“Vietnam’s South Takes Leadership Wheel”) đọc được trên Asia Times, số ra ngày 28 tháng 6 năm 2006.

Mà thiệt: chỉ cần năm năm sau, sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, hình ảnh của những “chỗ nước đọng” đã (hoàn toàn) đổi khác: linh động, tấp nập hơn thấy rõ, và cũng nổi bật những nét hạch toán của nền kinh tế thị trường – theo như “Ký Sự Quất Lâm” và “Nhật Ký Đồ Sơn”, được giới thiệu bởi ngòi bút của nhà văn Đào Tuấn:

Nguồn ảnh: http://daotuanddk.wordpress.com 

“Đó là nhật ký ‘làm việc’ của một cô gái mại dâm gần như kín các dấu ‘X’. Sở dĩ phải ghi chép là để cuối tháng, cuối tuần, cuối ngày ‘đọ sổ’ với chủ mà thanh toán tiền, giống hệt với một dạng ‘chấm công’. Đây là một đoạn trong bài viết: ‘Những ký hiệu dấu sao ‘*’ trong vòng tròn, đó là ‘đi qua đêm’ và được tính bằng 3 ‘cuốc’ đi nhanh...Dấu ‘X’ có gạch dưới là những lần đi một lần, tính với chủ là 1, nhưng em cho khách làm 2, được bo khá. Còn cái dấu ‘X’ nằm trong ô vuông thì em không nói gì cả, nhất định không chịu nói ra. Như vậy, đây là một dạng ‘văn vật’ có hồn. Có ngày em đánh dấu 16 ‘nhát’, nói chung số ngày có trên 10 ‘nhát’ hơi nhiều. Ngày nhiều nhất là có tới đánh 21 cái dấu X’, lại có 3 gạch chân’. Nhưng 21 lần/ngày vẫn chưa phải là kỷ lục. Cũng chính cô gái này kể lại: Ở Đồ Sơn có đứa dịp 30/4, đã ‘đi khách’ tính với chủ là 50 lần.”

“Ký sự Quất Lâm’, hay ‘Nhật ký Đồ Sơn’ đang cho thấy thêm một hiện thực khác: Các cô gái bán dâm đang phải lao động cực nhọc để kiếm tiền, trong khi số tiền kiếm được rơi tới 70-80% vào túi chủ chứa, còn được gọi là tú ông, tú bà. Có lẽ, điều để lại ấn tượng mạnh là nhận xét của nữ blogger: ‘…Các Tú ông, Tú bà. Họ khác hẳn với tưởng tượng của tôi, và có lẽ là khác tất cả chủ chứa ở những nơi khác. Đa số hiền và lành. Giống như những người tiểu thương ở chợ, hoặc người bán nước chè trên phố. Họ quan niệm cái ‘nghề’ của mình giống như cung cấp dịch vụ thông thường cho du khách y như cho thuê ghế, hay bán quán ăn vậy!”

Thiệt là cởi mở và phóng khoáng. Ngay cả dân tộc Thái Lan, vốn có truyền thống và nổi tiếng vì kỹ nghệ tình dục, chưa chắc đã có quan niệm về chuyện bán dâm cấp tiến đến cỡ đó. Thế mới hiểu thế nào là tính cách “đột phá” của chiến lược đi tắt đón đầu, vẫn thường được nghe ra rả suốt ngày từ hệ thống loa đài – ở Việt Nam.

So với Quất Lâm hay Đồ Sơn thì cung cách hành nghề của chị em ta ở Sài Gòn, xem ra, có vẻ hơi thiếu rộn ràng và cũng kém phần... chuyên nghiệp hơn – chút xíu – theo như ghi nhận của tiến sĩ Kimberly Kay Hoang, qua hai luận văn nghiên cứu điền dã (*) về khu kinh tế mại dâm tại Thành phố Hồ Chí Minh Quang Vinh: 

“Khách của số lớn trong nhóm phụ nữ này là những đàn ông Việt Nam nghèo với thể xác làm họ buồn nôn. Nếu thủ dâm và khẩu dâm không làm khách đạt thỏa mãn, thì giao cấu là biện pháp cuối cùng những người đàn bà này sẽ làm. Chín trong số mười hai phụ nữ mại dâm đã cho tác giả biết họ đều nôn mửa khi mới vào nghề sau khi cảm thấy tinh dịch của khách hàng trên tay hay trong miệng vì họ tởm lợm thể xác của những khách mua dâm... 

Nôn mửa, theo tác giả, là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi cảm thấy tởm lợm vì thể xác đàn ông nói chung, và đặc biệt với thân hình của những người đàn ông lớn tuổi không sạch sẽ. Tất cả những phụ này đều nói là họ đã từng ôm nhau khóc vì họ phải làm những việc, như Trâm nói, ‘mà chỉ có những người đàn bà ở dưới đáy của xã hội mới làm.’

Mỗi bao cao su giá khoảng 40 xu, một giá quá đắt đối với những phụ nữ mại dâm bậc thấp. Vì thế, họ thường cố gắng làm cho khách xuất tinh bằng những cách khác hơn là giao cấu...” 

Công an đang tác nghiệp. Nguồn ảnh: banvannghe.com

Ở Việt Nam cũng có những phụ nữa mại dâm “bậc rất cao” mà giá cả mỗi lần đi khách (có thể) mua được một viên kim cương nho nhỏ, hay nhơ nhỡ. Số này ít lắm và họ chỉ phục vụ cho một giới người (hiếm hoi) được gọi là những đại gia, hay còn gọi là những nhà tư bản đỏ – những kẻ đang thu tóm mọi nguồn lợi của xứ sở này nhờ vào nền Kinh Tế Thị Trường, theo định hướng XHCN. 

“Trong cái xã hội trước sau vẫn trọng nam khinh nữ, nơi quyền lực quốc gia, quyền lực trong gia đình và quyền lực trên giường vẫn chủ yếu thuộc về đàn ông, bướm Việt Nam sớm muộn rồi cũng phải nổi loạn” thôi. Tôi hoàn toàn, và tuyệt đối, không dám nghi ngờ gì về ước vọng (nóng bỏng) của nhà văn Phạm Thị Hoài. Tuy nhiên khi còn rất nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn chưa sắm nổi một cái bao cao su (“giá khoảng 40 xu”) để tự bảo vệ lấy thân, và không ít người còn phải “bán trôn rồi, lại bán cả mồ hôi” (“mà đói rách vẫn quần cho sớm tối”) thì viễn tượng về một cuộc nổi loạn của họ e rằng sẽ rất muộn, chứ khó mà sớm được, với chế độ hiện hành.



__________________________________

(*) Hai luận văn, “Economies of Emotion, Familiarity, Fantasy, and Desire: Emotional Labor in Ho Chi Minh City’s Sex Industry”(1) và “She's Not a Dirty Low Class Girl: Sex Work in Ho Chi Minh City,” (2) là những công trình đã đoạt giải luận văn sinh viên cao học tại các đại học Cornell (2008), UC Berkeley (2010) và những giải thưởng khác cuả ASA và giải Cheryl Allyn Miller, Những nhà Xã hội học cho Phụ nữ trong Xã hội (2011). Tác giả Kimberly Hoàng tốt nghiệp cử nhân về Communication & Asian American Studies tại đại học UC Santa Barbara và theo học Xã hội học tại đại học Stanford trước khi hoàn tất học trình tiến sĩ Xã hội học (chú trọng về phụ nữ, giới tính và tình dục) tại đại học UC Berkeley. [Theo Trần Giao Thủy (dcvonline.net)].


 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo