Phần 1: Trốn khỏi nhà
Đêm trước biểu tình, tôi quyết định tắt máy tính và đi ngủ sớm. Không khí về đêm vẫn không mấy mát mẻ, báo hiệu một ngày sắp tới oi nồng – lại khổ người biểu tình đây!
11 giờ đêm! Mặc dù buồn ngủ, nhưng tôi vẫn thao thức nghĩ tới cuộc biểu tình ngày mai. Lần trước trên mạng không có lời kêu gọi biểu tình nào mà họ còn chặn tôi, thì chắn lần này họ sẽ cũng làm vậy. Tôi cũng muốn nhân dịp đó để nghỉ ngơi đôi chút. Thậm chí nói với một số bạn bè là chủ nhật này tôi sẽ không đi, mặc có người giận dữ chửi tôi là không đi thì đừng làm người khác nhụt chí. Nhưng rồi nghĩ đến những người từ xa họ còn lặn lội về đây, chỉ để được đi trên bờ Hồ Gươm, để hô lên những tiếng hô đả đảo quân xâm lược, để thét lên những tiếng thét kêu gọi hãy nghĩ về Hoàng Sa và Trường Sa – đừng bỏ rơi một phần máu thịt của Tổ quốc - thì lại không đành lòng.
Xin đừng nghĩ đây là những lời đao to búa lớn của những con dân bé mọn, chỉ lo cho ngày hai bữa chưa đủ no, hay chưa có nổi một chỗ trú thân yên ấm mà vẫn phải lang thang nay đây mai đó... mà hãy nghĩ tại sao bất chấp những khó khăn tứ bề, họ vẫn tìm về Hồ Gươm để được tham gia biểu tình. Nhiều người không có mạng internet thì tìm về Hồ Gươm theo một thói quen, không có biểu tình thì cũng là một cuộc dạo chơi – Hồ Gươm đâu chỉ để dành riêng cho một ai được quyền đến và độc quyền ngăm cấm, chiếm đoạt?
Thêm một điều là cái ý thức phản kháng tự nhiên trong một con người trỗi dậy, khi bị tước đoạt tự do một cách ngang nhiên giữa thời bình thế này. Tôi – một người có đầy đủ quyền công dân, mà lại chịu để ai đó dùng các cách thức không chính danh như thế, ngăn chặn, cấm đoán tôi ư?
Chỉ sau mươi phút trằn trọc, tôi vùng dậy. Không một chút đắn đo, tôi nhanh chóng thay quần áo, nhặt nhạnh đồ lề cần thiết cho ngày mai. Rón rén tưới đẫm thêm cho mấy cái cây ngoài ban công. 11 rưỡi đêm, tôi lẳng lặng xách túi, khóa cửa và đi nhanh xuống hầm để xe. Lấy xe ra là tôi phóng tít mù, luôn luôn để ý xem có người đi theo không. Có lẽ không!
Đến nơi cần đến, chủ nhà giật nảy người khi nghe tôi gọi cửa. Nhà này thường thức khuya nên tôi không ngại. Yên vị rồi, tôi mượn máy tính, vào facebook gõ lên tường thông báo về tình trạng của mình – đã trốn khỏi nhà, đã thoát!
Ối giời! Bao nhiêu người vào còm trong tường nhà tôi mặc dù đã hơn 12 giờ đêm. Vậy là có bao nhiêu người thao thức, đâu phải chỉ mình tôi? Có người quan tâm hỏi thăm bố tôi thì sao? Tôi đã nghĩ rồi, sáng mai sẽ gọi điện để mẹ lên cho bố vệ sinh cá nhân. Bố không ăn sáng nên trưa về tôi vẫn kịp nấu cho bố ăn.
Mặc dù có giường nhưng tôi không quen chăn chiếu lạ, cứ nằm còng queo trên cái ghế salon ngủ vì tôi buồn ngủ lắm rồi. Trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi vẫn nguyền rủa những kẻ nào khiến tôi phải đào tẩu ra khỏi nhà mình, như một tên tội phạm vào lúc nửa đêm thế này. Lẽ ra giờ này tôi đang yên giấc mộng trên giường của mình rồi không? Muốn yêu nước mình cũng khổ quá, vất vả quá! Tôi rơi vào giấc ngủ mà không hề nghĩ đến chuyện trưa mai, thêm một lần nữa tôi lại không trở về.
Phần 2 - Chẳng lẽ họ cứ diễn mãi cái tuồng làm mất trật tự công cộng, mà không thấy xấu hổ vì sự láo khoét, trơ trẽn đến thế à?
Sáng chủ nhật, tôi dậy sớm để đi bộ ra Hồ Gươm chứ không bắt xe buýt hay taxi. Một phần vừa để ngắm quanh cảnh phố phường quang đãng lúc đầu hôm, phần để gặm nhấm nỗi buồn về việc mình phải lẻn ra khỏi nhà, không phải vì trốn bố trốn mẹ để đi chơi như tuổi còn con nít, mà là đã quá tuổi trưởng thành như tôi vẫn còn phải đi trốn bởi những người chả có liên quan gì đến mình.
Vì họ bảo là nếu tôi không có nhà thì họ không phải canh tôi, nên tôi đi cho họ khỏi canh. Nếu hỏi họ rằng tôi làm gì mà phải canh ấy à? Đã bảo rồi – họ được quyền im lặng. Nếu họ có nói thì sẽ chỉ là chị thông cảm, chúng tôi cũng không muốn thế, rằng chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ.
Tôi phát ngán khi phải nghe những câu trả lời vô nghĩa và phi lý, rập khuôn theo kiểu xã hội chủ nghĩa này. Chỉ vì thương họ bị xua ra từ sáng sớm để canh chừng tôi, nên tôi phải trốn đi từ đêm qua. Vậy mà sáng nay họ lại gọi điện cho tôi, năn nỉ tôi quay về, nếu không họ cứ phải ngồi ở trụ sở phường?
Thế này thì quá thể lắm rồi! Sao họ không kiến nghị lên cấp trên, lên quốc hội cho xóa béng nó cái điều 69 cho phép biểu tình đi cho rồi, mà cứ ngồi đó canh chừng người dân ngay cả khi họ không có ở nhà. Cấm tiệt! Không có biểu tình biểu tiệc gì cả. Ai sống ai chết mặc bay. Cấm cả chụp ảnh quay phim nữa. Cho toàn dân mù điếc luôn, chỉ nghe đảng và chính phủ nói thôi.
Tôi mặc đầm, đội mũ rộng vành, máy ảnh đeo lủng lẳng trước ngực như một khách du lịch lững thững đi bộ trên hè phố, thỉnh thoảng thấy ngôi nhà cổ nào lại giơ máy lên chụp.
Cuộc sống đời thường |
Phố xá gần 8 giờ vẫn quạnh quẻ. Trời vẫn mát dịu tuy có chút oi ả. Ra đến khu vực đài cảm tử , thấy các cụ ông đang chơi cầu lông. Vỉa hè Bờ Hồ vắng vẻ. Từ xa đã nhìn thấy trên sân vườn hoa Lý Thái Tổ không có người, chỉ có một vài nhóm nhỏ đứng rải rác dưới những gốc cây bên phía đường Lê Lai.
Một cô bạn ý ới gọi điện hỏi tôi đang đứng đâu. Lát sau hai mẹ con cô ấy đến. Chúng tôi nhẩn nha chụp ảnh cho nhau vì vẫn còn sớm. Theo lời kêu gọi trên mạng thì 8 giờ 30 tập trung ở vườn hoa Lý Thái Tổ, nhưng gần đến giờ vẫn chưa thấy ai đứng trên sân vườn hoa. Có lẽ hễ có ai bén mảng đến gần là bị các lực lượng chìm nổi xua đi rồi.
Khi ngày nghỉ - vườn hoa là nơi chỉ dành cho công an và an ninh dân phòng chăng?
Từ xa tôi nhìn thấy hai cựu chiến binh, hai người lính già là bác Nguyễn Anh Dũng và bác Nguyễn Tường Thụy đang đứng thảnh thơi trên vỉa hè Bờ Hồ. Bác Nguyễn Anh Dũng còn mặc cả bộ quần áo lính, nhưng cả hai bác đều đeo huy hiệu. Một vài gương mặt thân thiện chào hỏi. Trong số này, có một người sau tôi mới biết là Lê Anh Hùng, tác giả của những bài viết nổi tiếng về sự tố cáo thẳng thắn đến chết người mà tôi chưa kịp đọc.
Trong lúc chuyện trò, tôi nhìn thấy ba mẹ con một người phụ nữ nhỏ bé, người miền trong mà tôi nhìn thấy nhiều lần ở khu vực Bờ Hồ. Nghe mọi người nói họ là dân oan, lếch thếch kéo nhau đi khiếu kiện bao nhiêu năm nay rồi. Tôi muốn giúp đỡ ba mẹ con họ lắm, nhưng những lần trước gặp họ tôi lại không mang nhiều tiền. Lần này tôi cũng chỉ mang theo một tờ 200 ngàn trong túi. Tôi hỏi mọi người xung quanh xem có tiền lẻ không. Bác Nguyễn Anh Dũng đổi cho tôi 2 tờ 100 ngàn. Tôi tiến đến ba mẹ con đưa cho họ 100 ngàn. Người mẹ còn đang mải trình bày hoàn cảnh gì đó với những người đang đứng xung quanh, chả để ý gì đến tờ 100 ngàn tôi chìa ra nên đứa con gái nhỏ đón lấy. Tôi phải nhắc người mẹ chú ý kẻo đứa bé làm rơi tiền rồi quay lại bên cạnh những người bạn.
Sau này nghe mọi người nói đài truyền hình Hà Nội nói rằng, các lực lượng an ninh đã bắt quả tang có người phát tiền cho người biểu tình. Đầu tiên tôi chả để ý, sau thấy mọi người xôn xao thắc mắc quá nên tôi chợt nhớ ra, chuyện mình biếu ba mẹ con nhà nọ 100 ngàn. Nếu đúng đài truyền hình Hà Nội nói về chuyện tôi giúp đỡ ba mẹ con người phụ nữ kia 100 ngàn thì tôi phải nói rằng đó là sự khốn nạn, ti tiện hết chỗ nói. Có lẽ bởi họ chưa từng bao giờ bỏ tiền ra giúp đỡ những người nghèo khó, nên không thể hiểu được một người với đồng lương hưu ít ỏi như tôi lại có thể biếu 3 mẹ con khốn khổ kia 100 ngàn thì phải.
Chả thế mà họ im thin thít khi đồng bào họ bị bọn cướp Trung Hoa bắt bớ giam cầm, cướp đoạt tài sản và mạng sống của họ cả trên biển Đông và đất liền. Họ im thin thít khi hàng chục ngàn tàu cá Trung Quốc nhung nhúc đổ vào biển Đông, xâm phạm lãnh hải của ta, vét cạn kiệt tài nguyên trên biển của ta, để ngư dân ta không còn đường sống nữa.
Đã không giúp người khốn khó thì chớ, họ lại vu khống việc giúp đỡ người lúc hoạn nạn là đi biểu tình được tiền. Nếu đúng là họ nói tôi phát tiền cho người biểu tình thì tôi phải nói rằng không những họ là lũ người khốn nạn, ti tiện mà còn hết sức ngu xuẩn khi nghĩ rằng tôi công khai phát tiền cho người biểu tình, trước mặt cả rừng ống kính của an ninh như thế. Tôi thách họ chứng minh được điều đó bằng chính mạng sống của tôi đấy.
Tất cả chúng tôi đứng bên này đường, nơi mọi người đứng ngồi, đi dạo qua lại như mọi ngày. Một lát sau, bên kia đường cảnh sát bắt đầu dùng loa để đuổi người. Lúc đầu là đuổi ra khỏi vườn hoa, bảo đây là khu vực bảo vệ (tôi muốn chửi lắm mà chót bảo là ghét chửi bậy rồi nên không dám: mẹ bố đời chứ. Bảo vệ ai, khỏi cái gì hở?)
Khi mà khắp vườn hoa là biển cấm, và công an đông hơn dân - đó là một thảm họa
Có sự nhốn nháo bên cạnh vườn hoa. Quên mất chưa nói là có hai chiếc xe buýt đỗ trên đường Lê Lai, sát vỉa hè vườn hoa Lý Thái Tổ. Lúc này đám đông nhốn nháo đã chuyển đến sát cạnh xe buýt. Xa quá, tôi không nhìn thấy gì, chỉ thấy đám đông bu lại khoảng hơn ba chục người. Vướng cây và dòng người xe qua lại nên tôi ko thể zoom xa ống kính xem chuyện gì xảy ra. Rồi có người nói: Lê Dũng bị bắt rồi, chúng nó bẻ tay đưa Lê Dũng lên xe buýt rồi. Khi người dân đi qua lấy lạ, tò mò hỏi thì công an trả lời: chúng tôi đang diễn tập !!! Một trong những người nghe thấy sau này cũng bị bắt vào Lộc Hà kể lại cho chúng tôi. Thú thực cái sự hèn hạ và khốn nạn dù quen mấy cũng khó mà tiêu hóa được.
Lúc này loa bắt đầu chõ sang đuổi người bên này đường. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên sau này bức xúc kể, bảo loa phát rằng : ai không có nhiệm vụ yêu cầu rời khỏi khu vực Bờ Hồ !!!
Con lạy thánh mớ bái, vườn hoa bờ hồ mà phải có nhiệm vụ mới được đứng ư? Mẹ bố đời chứ! Nhục thật!
Tôi thương Lê Dũng quá. Mọi khi hễ có người bị bắt là người biểu tình lại xúm vào phản đối. Nhưng lúc này lực lượng an ninh chìm nổi còn đông hơn người dân rất nhiều. Nếu người biểu tình lên tiếng phản đối lúc này, chắc chắn họ sẽ bắt thêm nhiều người nữa. Mặc dù mọi người đã đứng né khỏi đoạn vỉa hè đối diện với vườn hoa Lý Thái Tổ vẫn không yên. Cảnh sát và an ninh bắt đầu đến đuổi mọi người đi.
Thôi thì lúc này dân mình có không muốn hèn cũng không được. Mọi người bắt đầu đi bộ về phía Hàng Bông. Chợt thấy xôn xao, rồi tôi phát hiện có sự xuất hiện của cụ Bà Lê Hiền Đức đi giữa Lân Thắng và Trương Ba Không. Mọi người xung quanh rất vui, cười nói chào hỏi nhau nhau bằng những nụ cười, những cái bắt tay hồ hởi. Niềm vui hàn huyên chưa kịp lâu, tay công an khu vực nhà bà Đức mà tôi quen mặt mặc thường phục xuất hiện, đi đến chắn trước mặt bà Đức nói gì đó. Mọi người xung quanh phản đối, gạt tay này ra để bà Đức đi. Thêm một tay nữa vào phụ giúp nhưng không ăn thua, mọi người vẫn tiếp tục đi, không khẩu hiệu, không cờ quạt, hô hào. Tôi chân ngắn, vất vả chạy lấy khoảng cách để có thể chụp ảnh mọi người.
Mọi người dân đều có quyền đi bộ như thế này trên Bờ Hồ
Gã đàn ông cao lớn này là công an khu vực đến kèm bà Đức. Hắn ta dùng cái tấm thân kềnh càng này để chắn trước cụ già bé nhỏ, nhất định không cho cụ ngồi lên xe đẩy khiến mọi người vô cùng tức giận vì sự hỗn láo của gã.
Đi được một đoạn ngắn, một người đàn ông đẩy một chiếc xe lăn đến cho cụ Đức khiến mọi người ồ lên vui vẻ. Nhưng thật kinh tởm, gã công an khu vực ở nhà bà Đức cứ lấy cái thân hình kềnh càng của hắn chắn trước mặt bà Đức, không cho bà ngồi lên xe. Mọi người xung quanh phản đối quyết liệt. Mấy tay an ninh ở ngoài chen vào phụ giúp gã công an mặc thường phục kia, tạo nên một đám đông nhốn nháo ầm ĩ. Đó chính là cái cớ để các lực lượng công an và bảo vệ lao vào.
Mọi người vui vẻ khi xe lăn được đưa đến cho cụ Đức
Chính các nhân viên an ninh Hoàn Kiếm mới làm mất trật tự
công cộng khi ngăn cản người dân đi bộ trên Hồ Gươm
Trong khi tôi và một số người đứng ngoài, cố quay lại những cảnh giằng co giữa công an, bảo vệ và những người dân đi bộ trên Bờ Hồ, một tay cảnh sát chộp lấy tay tôi nói với 2 nhân viên bảo vệ:
- Giữ lấy trường hợp này, đưa lên xe.
Hai nhân viên mẫn cán lập tức nắm lấy hai cánh tay tôi đẩy về phía chiếc xe buýt từ lúc nào đã đỗ ở gần đó. Tôi bảo:
- Bỏ tay ra, không phải túm. Để tôi tự đi.
Hai nhân viên này lập tức bỏ ra nhưng vẫn đi sát hai bên, chừng như sợ tôi chạy mất. Việc gì đã đến không tránh được. Tôi trèo lên xe buýt, tìm chỗ mát nhất ở cuối xe để ngồi. Gã nhân viên bảo vệ to béo ngồi chặn bên cạnh tôi sát sàn sạt. Tôi đẩy hắn ra:
- Mày ngồi xa ra cháu. Mày béo thế này...nóng chết đi được.
Gã cười rồi ngồi xích ra. Việc đầu tiên là tôi lấy thẻ nhớ máy ảnh ra, nhét vào ngực áo và bảo: còn lâu mới lấy được thẻ của cô nhá. Ở cửa xe phía trên, thấy nhà báo Dương Thị Xuân đang kêu một mình lên xe buýt sợ lắm, tôi cười gọi to:
- Lên đây, một mình đâu mà một mình.
Rồi lần lượt các bác cựu chiến binh Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Anh Dũng và một số người nữa bị đẩy lên xe buýt. Nhìn áo xống các bác xộc xệch, nét mặt đầy giận dữ. Họ giận dữ vì nhiều lý do. Tôi đàn bà yếu ớt còn thấy phẫn nộ trước những điều ngang tai trái mắt, huống hồ những người đàn ông chinh chiến trận mạc như các bác. Đến kẻ thù còn chẳng khuất phục được các bác, kể chi đến mấy thằng ranh con, chỉ cần lồng cái băng đỏ vào tay là có thể dùng vũ lực để lôi kéo, xô đẩy những người đáng tuổi cha tuổi chú chúng, cưỡng bức họ lên xe buýt như những kẻ tội phạm như thế được ư?
Trên xe còn có cả sĩ quan dự bị, biểu tình viên nổi tiếng Nguyễn Chí Đức. Như những người đàn ông khác, anh chàng hộ pháp này đang vô cùng bức xúc. Không chỉ một mình Trí Đức, tất cả mọi người cùng xả phẫn nộ. Và cũng như thường lệ, những kẻ bắt người chỉ một mực im lặng. Riêng tôi và gã trai to béo mặt non choẹt ngồi dưới băng ghế cuối cùng lại rủ rỉ chuyện trò. Gã trai này gật gù nghe tôi nói, ít ra cũng tỏ vẻ lắng nghe, và tôi nghĩ ít nhiều gã có công nhận sự thật, nhưng lại vẫn chỉ là nhiệm vụ thôi.
Mọi người tới tấp gọi điện thoại hỏi chúng đưa đi đâu. Tôi ngồi trên xe, chỉ mải nói chuyện chứ không hề để ý đến mình sẽ bị đưa về đâu. Ngay từ giây phút cái bàn tay khốn kiếp kia chộp lấy tay tôi, ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là tôi lại không thể về nhà nấu cơm trưa cho bố. Tôi gọi điện thoại cho chị gái về cho bố tôi ăn hộ tôi, và rằng chúng nó bắt tôi rồi. Sau khi yên tâm về bố rồi, tôi chỉ còn nghĩ xem họ sẽ giải thích thế nào về việc bắt giữ chúng tôi? Chẳng lẽ họ cứ diễn mãi cái tuồng làm mất trật tự công cộng mà không thấy xấu hổ vì sự láo khoét, trơ trẽn đến thế à?
Xe qua cầu Đuống tôi mới nhận ra cảnh cũ. Chả gì tôi cũng làm ở ngành giao thông, ít nhiều qua lại chốn này dăm bẩy bận. Nhưng giờ nó dẫn tôi đến trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà cùng với những con người đáng kính khác. Thâm tâm tôi muốn hét lên rằng, chính là các vị mới là những kẻ đáng phải phục hồi lại nhân phẩm.
Khi chiếc xe buýt kềnh càng lách mình qua cánh cổng sắt, tôi cười lớn bảo: đến cha chánh xứ Thái Hà còn bị đưa đến đây để phục hồi nhân phẩm nữa thì mình đâu có là cái gì.
Đúng là mọi giá trị về nhân phẩm trong xã hội bị đảo lộn hết cả rồi.