Đây là số liệu vừa được Trung tâm dinh dưỡng TPHCM công bố sau kết quả khảo sát về sức khỏe của công nhân lao động tại xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, cứ 10 công nhân thì có 3 người suy dinh dưỡng, 20% bị thiếu máu và trên 70% công nhân thiếu i ốt. Đây là hệ quả của các suất ăn có giá từ 8.000 – 12.000 đồng hơn 6 năm không thay đổi giá...
Bữa ăn công nhân đang bị xem nhẹ
Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, kết quả khảo sát từ 402 công nhân được chọn ngẫu nhiên cho thấy có 19,2% công nhân bị thiếu máu. Trong đó, tình trạng thiếu máu ở công nhân nam là 10,2% và ở công nhân nữ tỉ lệ cao hơn hai lần: 24,5%. Đối với những công nhân chi tiêu cho ăn uống dưới 600.000 đồng/tháng có tỉ lệ thiếu máu gần gấp đôi so với người chi tiêu trên 600.000 đồng/tháng.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM cho biết, trong khi vật giá leo thang từng ngày, suốt 5-6 năm nay, giá bữa ăn trong công nhân vẫn đứng tại chỗ và xoay quanh mức 8.000 – 12.000 đồng/suất.
Với mức giá thấp như vậy, liệu các bếp ăn tập thể tự tổ chức, thậm chí các cơ sở cung cấp suất ăn có đủ tiền để mua thực phẩm đảm bảo, không ôi thiu chứ đừng nói đến chuyện đủ chất dinh dưỡng. Việc công nhân bị suy dinh dưỡng không nằm ngoài dự đoán và số liệu này sẽ tiếp tục tăng lên nếu chủ sử dụng lao động tiếp tục xem nhẹ bữa ăn cho công nhân với giá đặt suất ăn... càng rẻ càng tốt.
Cũng theo BS Diệp nguyên nhân của tình trạng công nhân bị suy dinh dưỡng bên cạnh bữa ăn kém chất lượng tại nơi làm việc thì phải kể đến việc công nhân thiếu kiến thức về dinh dưỡng để tổ chức bữa ăn hợp lý sau khi hết giờ làm việc.
Trước đó, Trung tâm đã khảo sát trong 1.000 công nhân về kiến thức dinh dưỡng thì chỉ có 45% số công nhân hiểu đúng. “Tuy nhiên, từ kiến thức đúng đến thực hành đúng là vấn đề rất xa”. Chính vì kiến thức dinh dưỡng không đúng, nhiều công nhân bị suy dinh dưỡng còn có cả những công nhân bị béo phì (chiếm 11,2%, trong đó có cả béo bụng)”- BS Diệp khẳng định.
Ngộ độc lơ lửng trên đầu người lao động
Tại TPHCM hiện có 15 KCN, KCX với khoảng 250.000 lao động. BS Diệp cho biết, qua khảo sát các suất ăn của công nhân ở KCN tại TPHCM cho thấy, hầu hết chưa đủ điều kiện vệ sinh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.
Cụ thể, chỉ trong vòng 2 ngày 3 và 4.7 vừa qua, TPHCM đã có 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 320 người phải nhập viện cấp cứu thì suất ăn công nghiệp bẩn. Điều đáng nói, cả bốn đơn vị trên đều mua suất ăn từ một Cty không đủ điều kiện chế biến thức ăn. Với mức giá 8.000 – 12.000 đồng như hiện nay, theo đánh giá của Chi cục ATVSTP TPHCM, ngộ độc tập thể lúc nào cũng lơ lửng treo trên đầu người lao động và không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra.
Ở đây chỉ mới đề cập đến vấn đề an toàn thực phẩm, còn chất lượng bữa ăn thì chưa tính đến. Một thực tế cần phải nhìn nhận đó là: Đến thời điểm hiện nay, chất lượng bữa ăn cho người lao động vẫn còn bỏ ngỏ.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết thêm, nhiều DN khoán trắng cho các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp mà không cần biết nơi đó đã được sở y tế cấp giấy chứng nhận VSATTP hay chưa, chất lượng suất ăn như thế nào. Chính vì việc phủi bỏ trách nhiệm cho nhà cung cấp suất ăn nên bữa ăn vốn dĩ đã nghèo dinh dưỡng, nay lại teo tóp hơn vì gồng thêm 10% thuế giá trị gia tăng và hàng loạt các chi phí khác như “tiền thối lại”, vận chuyển, nhân công, bảo hiểm...
Đến thời điểm này, luật của VN vẫn chưa có quy định về bữa ăn cho công nhân nên nhiều DN lợi dụng kẽ hở này phó mặc cho tư nhân bên ngoài cung cấp để bỏ trách nhiệm. Các DN cung cấp uy tín khi đề nghị mức giá 15.000– 17.000 đồng/suất với đủ điều kiện bảo quản, hâm nóng, an toàn vận chuyển thì rất khó kiếm được khách hàng. Vì luật không quy định mức giá tối thiểu cho suất ăn nên khi xảy ra ngộ độc thì cơ quan quản lý cũng đành... chịu và không thể xử phạt được. Chỉ có DN cung cấp suất ăn chịu trách nhiệm, còn DN đặt mua vẫn vô can. Hậu quả cuối cùng chỉ có công nhân gánh chịu.
Theo BS Ngọc Diệp, người bị thiếu máu sẽ giảm khả năng tập trung do lượng máu lên não kém dẫn đến nhanh mệt hơn người bình thường khi hoạt động thể lực. Bên cạnh đó, thiếu máu còn ảnh hưởng đến năng suất làm việc và tăng nguy cơ tai nạn do thiếu tập trung.
Theo Võ Tuấn
Lao động