Trọng Nghĩa (RFI) - Khẩu chiến giữa Washington và Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông tiếp diễn. Vào hôm qua, 14/08/2012, Mỹ lại lên tiếng đả kích Trung Quốc – dù không nêu đích danh – về âm mưu được gọi là "chia rẽ và chinh phục" (divide and conquer) tại Biển Đông. Theo bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ có đàm phán đa phương mới hữu hiệu trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Trong buổi họp báo thường kỳ tại Washington, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland, khi được hỏi về chuyến đi mới đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì qua ba nước Indonesia, Malaysia và Brunei, đã cho rằng «một cố gắng nhằm chia rẽ và chinh phục và kết thúc bằng một tình trạng cạnh tranh với nhau giữa các nước tranh chấp sẽ không đi đến được nơi mà chúng ta cần đến».
Tuyên bố nói trên được cho là một lời cảnh báo nhắm vào Bắc Kinh là không nên lợi dụng các cuộc đàm phán song phương để chia rẽ các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông để dễ thống trị. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc lại quan điểm của Washington, ủng hộ một hướng tiếp cận đa phương.
Theo bà Victoria Nuland, quả thực là cần phải có nói chuyện song phương để củng cố một cuộc đàm phán đa phương, thế nhưng, vấn đề Biển Đông không thể « được giải quyết thông qua một loạt các cuộc tiếp xúc song phương ». Đối với phía Mỹ, vào thời điểm chung cuộc, «tất cả các bên tranh chấp, tất cả các bên liên quan, sẽ phải ngồi chung trong một phòng hội nghị để tiến tới một bộ quy tắc ứng xử».
Trung Quốc và 4 nước Đông Nam Á trong khối ASEAN (Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam) đang tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Đông. Trong thời gian gần đây, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tố cáo Trung Quốc có các hành vi gây hấn, làm tình hình căng thẳng. Tuy nhiên, tại Hội nghị ở Phnom Penh hồi tháng Bảy vừa qua, các Ngoại trưởng ASEAN đã thất bại trong việc đề ra một hướng giải quyết chung do bất đồng trong nội bộ.
Là phía đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh luôn luôn gạt bỏ các đề nghị giải quyết tranh chấp một cách đa phương, và tìm cách áp đặt phương thức đàm phán tay đôi với từng nước một, mà theo đa số các nhà phân tích, sẽ cho phép Bắc Kinh bắt chẹt các nước Đông Nam Á yếu hơn mình.
Các tuyên bố gián tiếp chỉ trích Trung Quốc của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra gần hai tuần sau bản thông cáo về Biển Đông của phó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ ngày 03/08 vừa qua, chỉ trích việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và đặt đơn vị quân sự đồn trú ở đấy, làm cho tình hình Biển Đông căng thẳng thêm lên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trước bản tuyên bố này, trong lúc báo chí Trung Quốc liên tục tố cáo Hoa Kỳ gieo mầm chia rẽ ở vùng Biển Đông.
*
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố về tranh chấp biển Đông
Đăng Khoa (Phapluattp) - Theo hãng tin AP, ngày 14-8 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố Trung Quốc không nên sử dụng đàm phán song phương nhằm chia rẽ và chế ngự các nước tranh chấp ở biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định ngoại giao song phương để hỗ trợ cho thỏa thuận đa phương là điều đúng đắn nhưng nỗ lực chia rẽ và chế ngự để tiến đến tình huống cạnh tranh nhau giữa các nước cùng tranh chấp sẽ không giúp các bên đạt được mục đích.
Tuyên bố nêu trên của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra sau chuyến thăm Indonesia, Malaysia và Brunei của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì. Bà Victoria Nuland không đề cập liệu Mỹ có nghi ngờ Trung Quốc có ý đồ gây chia rẽ sau chuyến công du này hay không.
Người phát ngôn Victoria Nuland nhận định điều Mỹ lo ngại nhất lúc này là căng thẳng ở biển Đông ngày càng tăng cao giữa các nước tranh chấp và Mỹ muốn thấy một cam kết sẽ đạt được thỏa thuận đáp ứng được nguyện vọng của các bên.
*
Mỹ cảnh cáo Trung Quốc chớ nên dùng sách lược 'chia để trị' ở Biển Ðông
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì
15.08.2012
Tuyên bố của Trung Quốc giành chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục gây tranh cãi với các nước liên quan trực tiếp tại khu vực, bao gồm Việt Nam, và với Hoa Kỳ.
Hôm 14/8, Washington lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc chớ nên dùng sách lược ‘chia để trị’ đối với các nước có tranh chấp ở Biển Đông trong khi Bắc Kinh liên tục tố cáo Hoa Kỳ làm cho tình hình thêm căng thẳng.
Hoa Kỳ khuyến cáo Trung Quốc chớ nên sử dụng các cuộc đàm phán song phương nhằm mục đích ‘chia để trị’ đối với các nước có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/8, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria Nuland, nhấn mạnh:
“Nỗ lực ‘chia để trị’ rốt cuộc dẫn tới tình huống tranh dành giữa các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông sẽ không mang lại kết quả mà chúng ta cần có. Cho nên, nếu sách lược ngoại giao hỗ trợ cho một sự dàn xếp chung của khu vực, đem lại một bộ quy tắc ứng xử thích ứng với tất cả các bên, thì đó là một điều tốt. Nhưng nếu thật ra đây chỉ là một nỗ lực mà kết cục gây căng thẳng thêm giữa các bên tranh chấp thì sách lược đó sẽ không đạt kết quả.”
Nhận định của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được đưa ra trong lúc Ngoại trưởng Trung Quốc, Dương Khiết Trì, đang thực hiện chuyến công du sang hai nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông là Malaysia và Brunei. Tuy nhiên, người phát ngôn Victoria Nuland không xác định là Hoa Kỳ có ngờ vực chủ ý của Bắc Kinh trong các cuộc hội đàm song phương với Malaysia và Brunei hay không.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland Bà Nuland nói điều mà Hoa Kỳ quan tâm nhất hiện nay là căng thẳng đang gia tăng giữa các bên có tranh chấp và Mỹ tiếp tục thúc giục ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng bắt tay vào một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.
Bất hòa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đang càng lúc càng dâng cao. Cách đây không lâu, Washington chỉ trích việc Bắc Kinh lập chính quyền thành phố và khu cảnh bị Tam Sa ở Biển Đông là hành động làm leo thang căng thẳng trong tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh phản công bằng hàng loạt các bài bình luận liên tiếp trên các báo đài chính thống của nhà nước Trung Quốc, tố cáo Hoa Kỳ và các nước Tây phương đang cố tình gây chia rẽ Châu Á vì mục đích kinh tế.
Nhật báo China Daily hôm 15/8 nêu nghi ngại rằng ‘lời lẽ’ và ‘lập trường thiên vị’ của Hoa Kỳ, theo nguyên văn bài viết, đang làm cho vấn đề Biển Đông trở nên tệ hại hơn.
Bài báo trích dẫn phát biểu của cựu đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan và Singapore, ông Trương Cửu Hằng, cho rằng hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với các đồng minh ở Đông Nam Á đã khiến gia tăng căng thẳng không cần thiết tại khu vực, nhưng khát khao hòa bình và phát triển của các nước trong khu vực chắc chắn sẽ đánh bại bất kỳ hành động khiêu khích nào.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tố cáo rằng Nhật Bản đang tiếp tay với Hoa Kỳ 'nhúng mũi' vào chuyện Biển Đông khi tích cực hỗ trợ Mỹ mở rộng mạng lưới đối tác quân sự ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Hiện Nhật Bản cũng có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư Đài ở Biển Đông mà người Nhật gọi là Senkaku.
Nguồn: US State Department, China Daily