Ngày về Pa An - Dân Làm Báo

Ngày về Pa An

Từ Khanh (Danlambao) - Mây Pa An. Như một sợi chỉ xám treo từ đỉnh Zwegabin níu xuống rừng cây Lâm Tì Ni trùng trùng hình tượng trắng phau khoác áo vàng. Rừng riêng biệt thanh bình trên vùng đất khói lửa. Những người Karen ở lại Pa An thất thểu dưới trời mưa. Những người Karen chạy qua biên giới thất thểu trong hàng rào trại Mae La. Chỉ cách một dòng sông nhỏ. Em ở bên này chị ở bên kia. Không biết ai chờ ai.

Mây ở Pa An và mây ở Mae La buồn như nhau.

Pa An là thủ phủ của bang Kayin (trước đây có tên là Karen). Mawlamyine, Thaton và Pa An là ba đỉnh của một tam giác đều. Nếu lấy Mawlamyine làm đỉnh, thì khoảng cách đến Pa An và Thaton chừng bảy mươi cây số, dù thời gian đi khác nhau vì đường tốt, đường xấu. Tôi xuống bang Mon chấm Mawlamyine làm tâm điểm, từ đây vẽ một vòng tròn bán kính dưới một trăm cây số, đi đến các điểm trong bán kính ấy rồi rút về tâm điểm nghỉ ngơi. Thaton cố quận người Mon về hướng bắc, nghĩa trang chiến sĩ đồng minh trận vong Thanbyuzayat về hướng nam (cũng cách Mawlaymine gần bảy mươi cây số), và Pa An hướng đông bắc.

Pa An không nổi danh như những vùng đất khác ở Miến. Có lẽ vì nằm trong vùng lửa bỏng là bang Karen. Nơi đây người Karen chịu sự đàn án khốc liệt nhất của quân phiệt Miến.

Karen là tên gọi chung của nhiều sắc dân, như người Pa’O ở hồ Inle thuộc bang Shan cũng là một sắc dân thuộc chủng tộc Nam Karen. Một số học giả Miến cho rằng người Karen phát xuất từ phương bắc, theo dòng sông Thanlwin từ bang Shan xuôi nam và định cư ở Miến Điện vào khoảng thế kỷ thứ 7.

Lịch của người Miến sau lịch Tây 638 năm, nhưng lịch của người Karen lại trước lịch Tây đến 739 năm, tức năm thứ nhất của họ là 739 năm trước Công nguyên. Chưa có học giả nào dám xác định nguyên nhân tại sao, chỉ đồ đoán rằng có lẽ họ tính lịch từ khi rời bỏ quê hương gốc từ phương bắc bởi trong lịch sử truyền khẩu của người Karen, có câu chuyện dân tộc họ vượt một dòng sông cát. Ở Trung Quốc lại có chỗ nói sa mạc Gobi là ‘sông cát’. Từ đó người ta đoán rằng người Karen nguyên thủy ở vùng giáp Tây Tạng, vượt sa mạc Gobi để vào đại lục Trung Hoa, rồi tiến dần về vùng đồi núi hướng đông của Miến Điện bây giờ. 

Từ cuối thập niên 1940 người Karen đòi ly khai, nhưng đến năm 1956 họ đồng ý thuộc liên bang Miến, gần đây họ tuyên bố ủng hộ một liên bang Miến Điện dân chủ. Nhưng chính quyền Miến Điện vẫn đàn áp, xua lính cướp bóc các làng dân, hãm hiếp và bắt cả phụ nữ trẻ em đi dân công hỏa tuyến. Một số trí thức Karen ở nước ngoài cho rằng quân đội Miến (Tatmadaw) phạm tội ác chiến tranh vì tránh đụng độ với các lực lượng võ trang của người Karen. Quân đội nhắm vào vào thường dân để tàn sát. Thế giới bỏ quên, người Karen chiến đấu đơn độc. Những người nông dân chất phát Karen cầm súng tự bảo vệ mình và làng xóm. Hơn sáu mươi năm qua họ không khởi xướng chiến tranh, kể cả chiến tranh phá hoại, chỉ cầm súng để tự vệ. Những người khác thì chọn con đường vượt biên qua Thái để sống chui rúc và tuyệt vọng trong trại tị nạn Mae La cách biên giới bang Karen tám cây số đường bộ. Năm ngoái, tôi đến trại tị nạn Mae La, hàn huyên với những thanh niên Karen hiền lành chất phát. Cũng nhằm mùa mưa. Trại Mae La ướt dầm dề. Nước đọng trên mái lá nâu cũ, trên những con đường đất đường núi quanh co sình lầy. Những người Karen ngồi dưới mái lá, thẩn thờ nhìn trời ngó đất, hơn bốn chục ngàn người trong hàng rào thép gai lặng câm. Chỉ tiếng mưa dội xuống đất.

Họ nói chuyện chậm rãi và từ tốn, mắt u buồn nhìn về hướng quê cũ bên kia sông và núi. Tôi nói với họ sắp đi Miến, nếu họ muốn thư từ liên lạc gì thì tôi có thể đưa giúp. Người bạn mới quen So Helkele (người Karen gọi thanh niên là ‘So’ còn người Miến gọi là ‘Maung’), 26 tuổi, nói: ‘Em không biết gia đình giờ ở đâu để liên lạc, các chị và cha mẹ chạy lòng vòng trong rừng.’ So nghẹn ngào. Gia đình trước đây ở một làng nhỏ thuộc Pa An. Từ Mawlaymine, tôi đi Pa An bằng xe đò giá một ngàn kyat (khoảng hơn một đô Mỹ). Chiếc xe xập xệ không còn một chiếc cửa nào hoàn thành nhiệm vụ. Cửa nào mở thì cứ mở, cửa nào đóng thì cứ đóng, không nhúc nhích vô ra hay kéo lên kéo xuống gì được. Ở bến xe, một bác người Ấn lên xe quảng cáo dầu gió, bác bắt tôi ngửa lòng bàn tay, chế vô vài giọt dầu rồi ra dấu đưa lên mũi ngửi. Dọc đường, xe ngừng chỗ nào là đàn bà trẻ nít ào lên xe, bán cốc, xoài, ổi, bánh samusar, hệt cảnh những người bán rong trên xe đò liên tỉnh bên mình. Chỉ vài chục cây số đường mà có khá nhiều trạm canh, lính Miến cầm súng dữ dằn. Đường nhỏ và xấu, hai xe tránh nhau thì một xe phải nép sát lề chờ chiếc kia đi qua. Rừng cây dầy có một vẻ hoang dã, ruộng đồng xâm xấp nước, những vuông mạ non quằn mình trong không gian đầm đìa. Vài căn nhà lá nâu ủ rũ giữa đồng. Những phụ nữ trang phục đủ màu đang cắm cúi làm ruộng.

Mưa trắng cả rừng xanh.

Mưa nơi đây buồn không thua gì mưa ở Mae La.

Tới bến xe Pa An sau hai tiếng rưởi, tôi bắt xe ôm về nhà trọ Moe Brothers nổi tiếng rẻ. Giá phòng sáu đô Mỹ, vòi nước nóng nằm cách vòi nước lạnh một thước, rảnh cống nước tắm của phòng tắm công cộng bên cạnh chạy ngang qua phòng mình, muỗi bay vù vù chóng cả mặt. Tự an ủi coi như chia sẻ chút nhọc nhằn với người bạn So Helkele đang co ro tuyệt vọng bên kia biên giới. Tôi trùm áo mưa, rảo một vòng chợ, gọi là bát phố. Ấn tượng đầu tiên về Pa An là giữa một bùng binh chính, có tượng một thiếu nữ chít khăn vàng, mặc áo lam, đầu đội cái đầu trâu hai sừng đen bóng, mắt trâu tròng vàng lòng đen nhìn chăm chăm dữ dằn. Đó là một trong 37 vị thần nat. Hình ảnh vị thần này như tỏa ra một nỗi nín nhịn trùm lên không gian chiều buồn bã. Nhà cửa cũ kỹ, mái tôn đã rỉ sét, một con đường chỉ có vài căn nhà tạm gọi là khang trang, lề đường ít rác nhưng tróc lỡ, có vẻ như chính phủ không có một kế hoạch chỉnh trang đô thị nào cả. Gần như mọi con đường đều hư hỏng nặng. Nước cống đen, nước rảnh đục, nước mưa trong, nước trầu đỏ trộn vào nhau chảy băng băng trên đường. Phố xá tiêu điều dưới cơn mưa. Tất cả phản ảnh một vùng đất bất ổn và thiếu thốn, rất giống với phố xá Myitkyina nhếch nhác thuộc tiểu bang Kachin cực bắc.

Pa An có nhiều xe tuk tuk như bên Thái, tôi lận theo tấm bản đồ vẽ tay của nhà trọ để thuê xe đến các hang động, nghe nói có nhiều tượng và tranh tường khắc vẽ từ thế kỷ thứ 7. Nhưng không bác tài tuk tuk nào chịu chạy, mà tôi cũng không hiểu tại sao vì họ cứ nói tiếng Miến. Cuối cùng về lại nhà trọ hỏi ông chủ. Thì ra đường đến các hang động rất xấu, phải đi đông người thì ngồi tuk tuk mới đỡ xốc, đi một người dù trả tiền cao họ cũng không chạy. Ông chủ nói cậu nên đi xe ôm.

‘Mưa thế này!’

‘Mưa ào cái tạnh liền à.’

Quả mưa miền Hạ Miến đúng thế thật. Ào ào rất dữ tợn nhưng độ mươi phút thì chỉ còn thánh thót rải đều cả trời đất. Rồi bất chợt ầm ầm nặng hạt. Ông chủ người Karen không cần tôi trả lời, đứng trên băng công nhà trọ ới một cậu xe ôm bên dưới. Tôi chọn ba điểm có vẻ gần nhất vì đã hơn hai giờ trưa.

Cậu xe ôm tên So Twe cũng là người Karen, gia đình có bảy anh em nhưng tản lạc hết chỉ còn hai người ở lại với mẹ già bảy mươi tuổi đau ốm triền miên. Năm người kia có người tham gia Quân Đội Giải Phóng Dân Tộc Karen (Karen National Liberation Army), có người chạy qua Thái tỵ nạn. Dưới bầu trời mịt mù mây xám và mưa trắng không gian, tình cảnh gia đình ly tán càng tang thương.

Một cựu tù Thế Hệ 88 đang ở trại tỵ nạn Mae La bên Thái có giới thiệu tôi một người bạn tù của cô, (bà) Daw Nan Khin Htwe Myint, đang là dân biểu bang Karen sau đợt bầu cử hồi tháng 4 (2012) vừa qua. Trước khi ở tù bà đại diện cho Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ ở bang Karen. Không may So Twe tuy biết bà nhưng không biết tìm ở đâu.

Chúng tôi chạy dọc sông Thanlwin. Nước sông đục, chảy xiết bên những rặng núi đá vôi chập chờn giữa rừng cây và mây vắt ngang lưng chừng. Cảnh ở đây đơn sơ, không thấy dấu vết chăm sóc hay tàn phá từ bàn tay người. Núi còn nguyên vẹn, bờ sông không lát gạch hay đổ bê tông, nhà mái lá nhiều hơn lợp tôn, đỉnh núi đủ hình thù nhưng có chỗ bằng như mái nhà, vách núi dựng thẳng lên trời tưởng chừng khỉ cũng không leo lên được, mặt người thì thâm trầm câm nín. Giống như một thời hoang vu nào.

Khi chúng tôi đến núi Kyauk Kalap thì may sao trời vừa tạnh ráo. Người Miến đọc chữ này như ‘chocolate’ nên hễ nói núi ‘chocolate’ là họ hiểu liền. Có lẽ nên gọi là cột núi thì đúng hơn vì giữa một cái hồ rộng mênh mang, Kyauk Kalap là một hòn núi nhỏ và dựng đứng như một cái cột phình to ở trên đỉnh và phần chân, ở giữa thắt lại. Trên đỉnh có một cái tháp vàng nhỏ. Cột núi này nằm trên một cù lao đi mười phút là giáp vòng. Trên chiếc cầu nhỏ dài chừng ba trăm thước nối bờ với cù lao, các vị sư đi lại thong thả. Dưới bầu trời xám và trên mặt hồ yên lặng, hình núi càng cô độc vì in lên hậu cảnh là rặng Zwegabin nhiều lớp đâm xoạt vào mây. Trông Kyauk Kalap như một người độc hành ngất ngưởng và sừng sững dõi mắt nhìn khắp hướng. Cảnh đẹp và buồn đến lạ lùng.

Đến Pa An, ngồi lại bên cầu và ngắm hình núi đơn độc ấy cũng bỏ công.

Núi như một kẻ đầu đội trời chân đạp đất, xung quanh là nước hồ lênh láng cây cỏ mọc ngang tàng.

Chúng tôi băng qua cầu Thanlwin rồi quành ngược lên hướng bắc. Lúc tẻ vào con đường đất để đến động Kaw Goon từ thế kỷ thứ 8, trời mưa nặng hạt. Đất đá và bùn quyện với nước mưa khiến lắm khi tưởng không đi được. Nhưng So Twin đúng là chạy xe theo kiểu Miến, nước thì mặc nước, ổ voi ổ gà là chuyện của ổ voi ổ gà, anh ta cứ giữ nguyên tốc độ chạy băng băng. Dường như người Miến biết tập trung, dù cách họ làm việc thư thả đến sốt ruột, vì vậy khi đã làm chuyện gì thì họ cứ một việc đó mà làm. Tôi ngồi sau xe không khác gì cảnh năm ngoái năm kia đi Pyay và Minbu, chịu trận với những ngả đường Miến Điện. Nhưng đến động Kaw Goon mới thấy chẳng uổng công đội mưa ngược gió. Hàng ngàn tượng Phật nhỏ màu nâu sậm khắc hoặc gắn trên vách núi đá vôi như choáng hết cả bầu trời mưa gió ngoài kia. Triền núi khuyết ở chân nên như đi dưới một mái che làm bằng trùng trùng tôn tượng. So Twin cầm chổi quét những đống lá bịt đường rảnh dưới chân núi, xong lấy thau hứng nước mưa để tắm những tượng Phật lớn. Chỉ có hai đứa chúng tôi thơ thẩn, khép nép theo chân núi để ngắm tượng và những con chim sẻ cũng đang ép mình vào các hốc đá núp mưa. Phía sâu trong thạch động, nước ngập ngang mắt cá như một cái hồ nhỏ. Chúng tôi ngồi yên lặng trên một bậc đá, nghe mưa ngoài trời và tiếng nước nhỏ lên hồ. Mưa không dứt, chợt So Twe hỏi:

‘Muốn đi nữa không?’

‘Đâu?’

‘Còn động Kaw Ka Taung gần thôi.’

Bề nào cũng ướt hết rồi. Vậy là đi tiếp. Chúng tôi vòng vèo trên những đường đất nhỏ trơn ướt, nhắm một quả núi khác mà tiến. Động Kaw Ka Taung không lớn, nằm lưng chừng núi chứ không sát đất như Kaw Goon. Trên nóc động có một ô nhỏ thông lên trời, nước và ánh sáng từ trên rót xuống ngay đúng một tượng Phật lớn khiến pho tượng như phát ánh hào quang. Từ cửa động nhìn ra, cả một không gian rộng mở cây cỏ sông núi. Chúng tôi gặp một vị sư già ở một căn phòng dưới chân động. Ông sống ở đây một mình mấy mươi năm qua.

‘Vậy ăn uống làm sao?’

‘Sáng thầy đi khất thực, gần trưa mới về tới.’

Vị sư người Karen, vừa nói với So Twe vừa quét nước. Khi chúng tôi xuống bên dưới chạy xe đi, nhìn lui còn thấy bóng ông lom khom khi ẩn khi hiện giữa những tượng Phật vàng.

Ngày hôm sau So Twe chở tôi đi Vườn Lâm Tỳ Ni. Nói là khu vườn nhưng rộng hàng trăm mẩu ngay dưới đỉnh núi Zwegabin cao nhất bang Karen. Thác từ trên núi đổ ầm ầm xuống, từ những nhánh nước ấy, từ trong rừng cây cao thấp chỗ dầy chỗ mỏng, hiện ra một nghìn tượng Phật đắp y vàng. Mỗi tượng là một khuôn mặt, tượng mỉm cười, tượng trang nghiêm, tượng hé mắt, tượng điềm nhiên. Khuôn mặt Phật ở đây vô cùng thanh tú, khác hẳn những chỗ khác. Những tượng trong hang núi Po Win Taung, hay ở Bagan, nét điêu khắc thường để lại cho người chiêm bái một ấn tượng mạnh, có khi là ở môi, hay mắt. Nét mặt các pho tượng nơi đây lại có vẻ đẹp rất thanh thoát. Một điểm khác nữa là nhiều tượng bắt ấn đại định (lòng tay phải để lên lòng bàn tay trái), đây là nét mới vì hầu hết tượng Phật ở Miến Điện ngồi kiết già, tay bắt ấn chứng đắc (đầu ngón tay phải chạm đất).

Những pho tượng vàng đẹp như khối ngọc giữa trời, ngồi giữa rừng cây xanh và núi cao khiến sương khói tưởng cũng xao xuyến phải sà xuống thấp để chiêm bái. Mây sà che đỉnh núi, thỉnh thoảng một sợi mây trắng mong manh từ rừng cây lơ lửng vươn cao dần nhập vào những vầng mây cao. Thời gian lặng phắt. Bất chợt hiểu ‘thanh tịnh đại hải chúng’ là gì.

Tôi kể tên những người Karen ở trại tỵ nạn Mae La hy vọng So Twe quen biết người nào không. Anh nói có hàng trăm ngôi làng nên không biết hết được. Anh bảo Liên Minh Dân Tộc Karen (Karen National Union) mới ký hiệp định ngừng bắn với chính phủ nên không có ý định vượt biên, và có thể mai mốt những người bên Mae La sẽ kéo nhau về quê cũ. Cười:

‘Khi đó thì vui biết mấy. Chắc lần này ngừng bắn thiệt vì Daw Suu lên rồi.’

Anh hãnh diện khoe mới ngày hôm qua Daw Suu được Tổng thống Pháp tiếp đãi rất trọng thể. Tôi cũng tưởng ra ngày đó, một sáng kia những người tỵ nạn dắt dìu nhau từ biệt Thái. Từ Mae La về lại Karen, về quê cũ, chỉ cách nhau con sông Moei.

Họ sắp có ngày về sau hơn sáu mươi năm chiến đấu.

Từ Khanh
danlambaovn.blogspot.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo