(Dân Việt) - Anh em con cháu trong một dòng họ thay nhau “trị vì” một xã nghèo vùng biên giới Nghệ An với gần 6.000 nhân khẩu. Những việc làm trắng trợn, khuất tất ấy làm xã nghèo ngày một nghèo hơn.
“Gia đình trị” ở xã
Mới đây, về Thanh Hương - xã vùng sâu biên giới huyện miền núi Thanh Chương, chúng tôi chứng kiến rất đông bà con kéo đến tố cáo những việc làm sai trái của ông Nguyễn Bá Lý - Bí thư Đảng uỷ xã (13 năm trước làm chủ tịch xã) đã đưa người thân vào bộ máy cán bộ xã.
Người dân bức xúc phản ánh về “gia đình trị” ở xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương.
Cụ thể, Chánh Văn phòng UBND xã là ông Nguyễn Bá Duẩn - con trai ông Lý, ngoài ra ông Duẩn còn nhận thêm tiền phụ cấp chức danh phụ trách nội vụ, tôn giáo, dân tộc, thi đua và khen thưởng. Nguyễn Bá Sơn - cháu gọi ông Lý bằng chú ruột - là Bí thư Đoàn xã, sau đó giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã. Bị phản ứng dữ dội và trái với cơ cấu nên ông Sơn chuyển sang làm Chủ tịch Hội Nông dân xã.
Ông Nguyễn Bá Tùng - anh trai ông Lý, không có trình độ nhưng vẫn được làm Văn thư lưu trữ của xã. Những anh em họ của ông Lý như ông Nguyễn Bá Tùng làm Xã đội phó kiêm Trung đội trưởng dân quân tự vệ, Nguyễn Bá Công làm Quản lý văn hóa xã, Nguyễn Bá Toàn - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Chức vụ Trưởng ban Tài chính - Kế toán xã từ năm 1998 đến năm 2004 do em dâu ông Lý là bà Nguyễn Thị Tuất nắm giữ. Sau khi bà Tuất về hưu thì con gái bà là Nguyễn Thị Phượng lên thay.
Dân khốn khổ
Theo Thông báo số 1365 của UBND huyện Thanh Chương ngày 28.9.2007 về "Kết quả xác minh, kết luận các nội dung tố cáo của một số công dân tại xã Thanh Hương", UBND xã này trong một thời gian dài không tìm ra giải pháp trả nợ bàn giao đường điện của HTX nông nghiệp, mà chỉ dùng biện pháp vay để trả nợ, làm cho tình hình ngân sách xã mất cân đối ngày càng lớn.
Nhằm giải quyết khoản nợ tồn đọng, năm 2000, UBND xã phân lô cấp nền 42 lô đất tại xóm 4 (trung tâm xã) để xây dựng thị tứ tương lai. Số hộ dân bốc thăm trúng nộp tiền với hai loại biên lai, một biên lai nộp tiền vào ngân sách xã và một biên lai thu phí đất công, đất kiốt do Bộ Tài chính ban hành. Sau khi thu tiền, xã để mặc người dân xây nhà kiên cố.
“Các cán bộ chuyên trách xã chỉ là chức danh chứ không có lương, khi bầu không ai làm thì họ làm”.
Ông Lê Quang Đạt - Bí thư Huyện ủy Thanh Chương
Đến lúc người dân đi làm sổ đỏ không được nên kiện, thanh tra huyện về xác minh thì mới hay, 42 lô đất này xã cho thuê theo hợp đồng đất công, trong thời hạn 5 năm. Khoản thu thủy lợi phí, trong 2 năm 2010 - 2011, xã đã chi tiêu sai mục đích trên 150 triệu đồng.
Trong việc xây dựng đường điện 4kV, 10kV và trạm biến áp 250kVA, xã thất thoát trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, lãnh đạo xã còn cho lấy gần 100 triệu đồng tiền dự án Oxfam tài trợ để trả nợ tiền điện khí hóa nông thôn...
Để giải quyết nợ tồn đọng, tháng 9.2007, lãnh đạo xã Thanh Hương đã ban hành một nghị quyết, được tất cả cán bộ chủ chốt xã (là anh em trong dòng họ) nhất trí cao, là cào bằng và bổ đầu người trong toàn xã để cùng "gánh nợ công". Theo đó, công dân của xã phải đóng mỗi khẩu 27.000 đồng và mỗi hộ 123.000 đồng.
Trao đổi với NTNN, ông Lê Quang Đạt - Bí thư Huyện uỷ Thanh Chương nói: “Vấn đề nợ tồn đọng và dân khiếu kiện, các đoàn thanh tra về kiểm tra kết luận có sai, nhưng đã đề nghị không vay tiền ngân hàng trả nợ...”. Còn ông chủ tịch UBND huyện bàng quan: “Chúng tôi đang làm, chưa có ý kiến gì”.
Tiến Dũng- Trường Thiên