Đào Tuấn - Từ một chữ “cấm” trong văn bản hành chính đến hoạt động “vận động thuyết phục nhân dân” còn là khoảng cách xa vời vợi giữa cách thức chăn dân và phục vụ dân, về bản chất cai trị và phục vụ của chính quyền.
Nhà báo Trần Quang Vũ, phóng viên TTXVN, người được Bộ Chính trị chỉ định thực hiện thực hiện công tác báo chí trong nhóm phục vụ “Tổ Thái Bình” có lần nêu một ví dụ điển hình về tình trạng mất dân chủ tại nông thôn Thái Bình năm 1997: Bấy giờ, Thái Bình có chủ trương biến vườn tạp thành các khu vực trồng cây ăn trái. Đây là một chủ trương đúng đắn trong phát triển kinh tế. Nhiều xã ở Thái Bình thậm chí tích cực đi xin kinh phí hoặc vận động các cơ quan giống cây trồng hỗ trợ địa phương. Đây là một chủ trương đúng, và tốt, được nhân dân ủng hộ, cho đến thời điểm nó được triển khai- theo một cách thức tệ hại đến tàn bạo. Để thực hiện chủ trương này, lãnh đạo nhiều xã đã đưa dân quân đi chặt phá toàn bộ cây cối trong “vườn tạp” của các hộ không, hoặc chưa triển khai “kế hoạch cây ăn quả”. Đoàn làm phim (sau này chiếu phục vụ Hội nghị TƯ) của ông Vũ khi về Thái Bình năm 1997 đã ghi lại tâm sự của một lão nông. Vườn tạp của ông cụ bấy giờ đang trồng xoan. Chỉ 3 năm nữa, khi cây xoan đủ 10 tuổi, lớn đủ thành gỗ, để có thể làm nhà- là ông cụ thỏa ước mơ “một nếp nhà gỗ” cho con trai có thể lấy vợ. Nhưng vì nóng vội trong việc thực hiện “Kế hoạch cây ăn quả” lãnh đạo xã xua dân quân xuống chặt trụi vườn xoan. Cây xoan 10 tuổi thì thành gỗ nhưng cây xoan 7 năm bị chặt thì chỉ có thể làm củi. Thế là ước mơ nếp nhà gỗ tan thành mây khói. Trong ánh mắt của ông lão khi kể lại chuyện này có sự uất ức. Trong lời kể có sự căm phẫn. Và dường như những uất ức, căm phẫn từ những việc mà chính quyền coi là nhỏ- được tích tụ trong mỗi cá nhân đơn lẻ chính là một trong những nguyên nhân tạo thành sự kiện Thái Bình bấy giờ.
Nói câu chuyện 15 năm cũ để thấy, chủ trương của chính quyền, dù tốt đẹp đến đâu nếu không được dân ủng hộ cũng không thể thực hiện được. Hơn nữa, sự tốt đẹp của chủ trương còn cần điều kiện cần và đủ là cách thức thực hiện phải hợp lòng dân. Biện pháp cứng rắn, cưỡng chế không thể làm an lòng dân. Không thể thay thế cho việc vận động thuyết phục để dân hiểu, dân phục, dân tự nguyện làm.
Hôm qua, câu chuyện “chủ trương và biện pháp” lại được tái lập khi chính quyền Thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) ra công văn cấm các tiểu thương ở chợ Cũ cam kết không được bán trái cây ngoại nhập. Tiểu thương nào không làm cam kết sẽ không được cho bốc thăm vào bán hàng trong chợ.
Là địa phương từng đứng ra tổ chức Festival trái cây, Mỹ Tho có lý, nếu vận động tiểu thương không trái cây ngoại. Vận động chứ không phải cấm. Bởi cách thức hành xử của chính quyền, giống như sự mặc cả trong trường hợp này, khiến tiểu thương không phục. Bởi dù chỉ là hoạt động hành chính thường xuyên của một chính quyền cấp huyện, áp dụng cho một khu chợ cấp xã, nhưng việc yêu cầu, không khác gì cấm đoán, giống như một biểu hiện đại diện cho sự mất dân chủ của chính quyền.
Từ một chữ “cấm” trong văn bản hành chính đến hoạt động “vận động thuyết phục nhân dân” không chỉ là khoảng cách rất xa từ trụ sở cơ quan quản lý nhà nước đến chợ dân sinh, cũng không đơn giản chỉ là vấn đề “phòng máy lạnh và thực tế”. Nó còn là khoảng cách xa vời vợi giữa cách thức chăn dân và phục vụ dân, về bản chất cai trị và phục vụ của chính quyền. Và lớn hơn cả, qua chỉ một chữ “cấm” là khoảng cách giữa nhân dân và chính quyền. Một khoảng cách ngày càng lớn và thiếu hoàn toàn sự tôn trọng từ cả hai phía.
Sự kiện Thái Bình năm 1997 với vô số những trường hợp mất dân chủ, cực đoan trong cách hành xử, chính là nguyên nhân dẫn tới Quy chế dân chủ cơ sở được ban hành sau đó 1 năm. Và sau 15 năm, không có lý gì người dân, dù là tiểu thương một khu chợ cấp xã phải chịu thêm một lần nữa sự “bất chấp tất cả” của chính quyền.
Đào Tuấn