Hoàng Sơn (Kienthuc.net.vn) - "Cần làm rõ hơn việc các địa phương nói trên treo banner quảng cáo là nhằm mục đích gì, nguồn kinh phí đó lấy ở đâu ra, có nằm trong khả năng kinh phí của địa phương và được phép không, vấn đề hợp đồng quảng cáo với cơ quan đăng quảng cáo…" - LS Trần Đình Triển.
Như Kienthuc.net.vn đã đưa tin ngày 3/8, khi truy cập vào website của một tờ báo trong ngành pháp luật, bạn đọc không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều banner ghi họ tên, chức danh của nhiều vị cán bộ địa phương từ chủ tịch huyện, trưởng phòng cho đến chủ tịch UBND xã của tỉnh Thanh Hoá. Đây được xem như là một “quảng cáo lạ”.
Các chức danh được treo lên banner. Ảnh chụp màn hình
Về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Hiện tượng quảng cáo mà nội dung ghi tên tuổi, chức danh các lãnh đạo nói trên đây không phải là lần đầu tiên. Trong website của một số công ty, doanh nghiệp cũng thấy xuất hiện những quảng cáo loại này, trong đó giới thiệu vị này chức danh này, vị kia chức danh nọ… Chưa xét đến góc độ pháp lý là quảng cáo như vậy có đúng luật hay không, nhưng trước hết khi nhìn vào sẽ thấy rất phản cảm”.
Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội) cho biết: “Xét theo góc độ pháp lý, căn cứ theo Luật Quảng cáo thì việc một số lãnh đạo địa phương của tỉnh Thanh Hóa treo banner quảng cáo như trên cũng không thể coi là vi phạm được. Tuy nhiên, nhiều người sẽ nghĩ lãnh đạo địa phương tự lăng xê cho mình quá. Nếu lãnh đạo địa phương làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, có nhiều thành tích đáng để biểu dương thì không sao, còn nếu cũng như bao địa phương khác trong cả nước mà đi treo quảng cáo thế thì hơi… vô duyên”.
“Việc công khai đầy đủ tên tuổi, chức danh, chức năng, hệ thống các ban ngành của địa phương theo tôi nghĩ là rất cần thiết. Điều đó giúp cho người dân có thêm thông tin để tiện cho việc theo dõi, giám sát hay liên lạc khi cần. Việc minh bạch hóa thông tin về lãnh đạo là nên làm, nhưng nên làm theo cách khác, ví dụ như lập ra các trang website riêng về địa phương chẳng hạn, chứ treo quảng cáo trên báo như trường hợp vừa rồi thì không nên vì có khi lại tạo ra hiệu ứng ngược lại”.
Ngoài ra, cũng theo LS Trần Đình Triển, góc độ pháp lý trong trường hợp trên có thể được xét theo các nội dung như: cần làm rõ hơn việc các địa phương nói trên treo banner quảng cáo là nhằm mục đích gì, nguồn kinh phí đó lấy ở đâu ra, có nằm trong khả năng kinh phí của địa phương và được phép không, vấn đề hợp đồng quảng cáo với cơ quan đăng quảng cáo…