Hồng Đức (Dân Việt) -Xã Trường Sơn (huyện Nông Cống) được tỉnh Thanh Hóa chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, việc đóng góp của người dân ở xã này quá cao, đến mức “khiếp vía”.
Mỗi vụ có hơn 30 danh mục thu
Đường về xã Trường Sơn khá thuận tiện. Cổng làng, đường bê tông, nhà văn hóa, công sở xã… đều rất đẹp, vì đây là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, khi cầm trên tay danh sách các khoản thu theo vụ của các hộ dân, chúng tôi hoảng hồn bởi đếm… mỏi mồm, với hơn 30 danh mục. Đáng nói, mức đóng góp của dân ở dưới thôn được quy định một cách tùy tiện.
Đường giao thông nông thôn đang được xây dựng tại xã Trường Sơn.
Cụ thể, theo bản tổng hợp thu vụ tháng 5.2012, ở làng Thọ Tiên, một gia đình có 3 khẩu, với 2.761m2 ruộng (5,5 sào Trung Bộ), phải đóng góp tới 17 khoản, gồm:Bảo vệ hoa màu (2 kg/sào); công ích tăng thầu, quỹ làng (1kg/sào); xây dựng NTM (150.000 đồng/khẩu); quỹ văn hóa làng (5.000 đồng/khẩu); quỹ khuyến học (10.000 đồng/khẩu); quỹ giao thông thủy lợi nội đồng (30.000 đồng/sào); tu sửa điện sáng công cộng (12.000 đồng/năm); huấn luyện dân quân tự vệ năm 2012 (144.000 đồng/người); hộ không làm vụ đông năm 2011 (50.000 đồng/hộ); hộ trái quy hoạch cây trồng vụ xuân (100.000 đồng/hộ); máy cày làm đất cấy, HTX thu quỹ đất (6 kg/sào); HTX thu nợ vật tư và thuốc bảo vệ thực vật (3.984.500 đồng)...
Còn phần đóng góp ở xã gồm: Giao thông nông thôn (5kg/lao động), đóng góp hiệu bộ cấp I (40.000 đồng/khẩu), thuế cây lưu niên, kênh mương nội đồng, đất công ích, quỹ tình nghĩa, quỹ đầu tư phát triển, quỹ bà mẹ trẻ em và người cao tuổi, quỹ văn hóa xã hội, xóa đói giảm nghèo, quỹ khuyến học, quỹ tổ an ninh xã hội khu dân cư. Tổng tiền 1 hộ 3 khẩu phải đóng góp vào tháng 5.2012 là 5.826.700 đồng. Như vậy, mỗi năm gia đình này phải đóng góp 2 vụ/năm, tổng cộng hơn 11,6 triệu đồng.
Nhiều hộ dân (đề nghị giấu tên) đều thừa nhận việc phải đóng góp các khoản này khiến họ “khiếp sợ”, phải nai lưng làm việc và vay mượn để có đủ tiền đóng...
Thu cao vì “sức ép”?
Ông Nguyễn Trọng Khoa- Trưởng thôn Kim Phú khẳng định: “Ở thôn Kim Phú, khi huy động dân đóng góp đều phải dựa trên hương ước và quy ước của làng. Chỉ tính riêng khoản huy động dân đóng góp để xây dựng cổng làng, nhà văn hóa, đường giao thông bê tông nội thôn đã hết vài tỷ đồng rồi”.
Ông Khoa ví dụ: Mức đóng góp xây dựng đường bê tông nội thôn là 300.000 đồng/người, trong đó có 100.000 đồng/người là khoản xây dựng NTM. Ngoài ra, mức thu để xây dựng giao thông nội đồng của thôn là 450.000 đồng/người/vụ. “Hiện nay, thôn chúng tôi đang còn nợ khoảng 400 triệu đồng xây dựng giao thông nội đồng, vì 3km giao thông nội đồng ấy phải chi phí hết gần 2 tỷ đồng. Còn tiền xây dựng NTM, thôn đang nợ 200 triệu đồng…”- ông Khoa nói.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra về việc đóng góp của dân ở xã Trường Sơn. Nếu thực sự xã, thôn đề ra mức thu quá sức với dân, chúng tôi sẽ chấn chỉnh và xử lý nghiêm”.
Ông Lê Trọng Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống
Làm việc với NTNN, ông Nguyễn Bá Thành- Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: Trường Sơn có 1.185 hộ, với 4.800 khẩu. Là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, nên hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 6,4%, thu nhập bình quân 16,5 triệu đồng/người/năm. Người dân Trường Sơn sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trong đó 20% kinh doanh dịch vụ, 10% lao động tự do.
“Chúng tôi biết huy động dân đóng góp như vậy là cao thật, nhưng do “sức ép” về xây dựng NTM, phải thu để thanh toán theo hợp đồng quy hoạch xây dựng NTM”. Khi được hỏi về mức thu do các làng đưa ra, ông Thành khẳng định: “Khi các thôn thu của dân đều phải báo cáo lên xã về chủ trương, định mức thu, xử lý, sử dụng các khoản thu, nên xã đều biết”.
Hồng Đức