Hoàng Sơn (VNExpress) - Ở bên Đức, nhìn trẻ em đi học được tập bơi hàng ngày mà thèm cho trẻ em ở Việt Nam. Tại sao trên đất nước chúng ta ngày càng nhiều học sinh chết đuối? Bơi lội là một kỹ năng sống quan trọng lại chưa được quan tâm đưa vào trường học.
Mấy ngày qua liên tục có tin nhiều em nhỏ chết đuối thật thương tâm. Thật không có từ ngữ nào có thể mô tả được hết những suy nghĩ và trăn trở về thực tế này ở Việt Nam. Năm nào cũng vậy có biết bao nhiêu con người phải từ giã cõi đời này chỉ vì chuyện không biết bơi.
Từ đáy lòng mình, tôi xin gởi chia buồn sâu sắc tới những gia đình có người tử nạn, cầu cho vong hồn các em học sinh được siêu thoát.
Xin được quay lại với câu hỏi "Bao giờ không còn học sinh chết đuối?". Mỗi người trong chúng ta hãy tự đặt ra câu hỏi này cho bản thân, cho ngành giáo dục và cho các cấp chính quyền để cùng tìm ra cách giải quyết vấn đề này. Nguyên nhân nào mà ngành giáo dục nước nhà vẫn chưa phổ cập môn dạy bơi cho học sinh?
Đây là môn học rất có ý nghĩa vì nó không chỉ môn là môn học rèn luyện thể lực, mang lại niềm vui chơi cho các em mà nó còn là "chiếc phao cứu hộ" cho mỗi con người khi phải đối mặt với chuyện sông nước. Mỗi người chúng ta nên vì con em của mình mà cùng tạo ra tiếng nói chung trong cộng đồng.
Chúng ta cần nhờ đến truyền thông để yêu cầu các nhà lãnh đạo cấp nhà nước phải khẩn trương quan tâm tới vấn đề này, phải sớm đưa môn học này vào trường, phải nhanh chóng chấm dứt cảnh tang thương để những mầm non của đất nước không phải bỏ mạng oan chỉ vì thiếu được quan tâm.
Hiện trường nơi 8 học sinh chết đuối khiến dư luận đau lòng và lo lắng trong mấy ngày qua. Ảnh:Phương Sơn
Cũng xin nói trước rằng, chắc chắn là ngành giáo dục sẽ trả lời là không có kinh phí. Thực sự thì không đúng như vậy mà nguyên nhân là do bởi con người. Khi con người không có mục đích thì sẽ không bao giờ làm được cả. Đất nước chúng ta có đầy đủ nguồn lực để làm được việc đó.
Nói về mặt bằng phục vụ mục đích xã hội chúng ta không hề thiếu. Ngày nay chúng ta cũng đã tự sản xuất được các nguyên vật liệu để làm việc đó. Vậy thì tại sao chúng ta không làm việc đó? Đó là bởi các nhà lãnh đạo của chúng ta không có tầm nhìn chiến lược, hoặc chưa quan tâm đúng mức.
Ở bên Đức nhìn thấy trẻ em được đi học bơi hàng tuần mà thấy thèm cho trẻ em ở Việt Nam. Không phải người Đức giàu có nên mới làm được chuyện đó mà đây là truyền thống trong giáo dục có từ gần trăm năm nay. Người ta đã biết giá trị của môn học đối với đời sống của con người, đồng thời đã biết sử dụng nguồn lực trí tuệ và của cải của mình để xây dựng ra nó.
Còn ở Việt Nam tuy giờ này đã muộn nhưng vẫn là một vấn đề cần phải làm khẩn trương để chúng ta không còn thấy cảnh tượng đau lòng đó nữa. Chăm sóc đúng mực thế hệ trẻ cũng là đang chăm sóc cho tương lai của đất nước. Thiết nghĩ chỉ cần một khoản tiền tương đương với 11.000 tỷ đồng xây "Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình " thì chúng ta đã có thể xây dựng hàng nghìn chiếc bể bơi cho học sinh trên toàn quốc.
Xin khép lại câu chuyện buồn với niềm hi vọng vào một tương lai "Không còn học sinh chết đuối".
Hoàng Sơn