Đã nghèo còn hoang - Dân Làm Báo

Đã nghèo còn hoang

Phương Thảo (Thanh Niên) - Đồng nghiệp của chúng tôi ở Nghệ An vừa kể một câu chuyện nghe mà rơi nước mắt. Vào năm học mới, bọn trẻ ở xã Bảo Thắng, xã Mường Ẳng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lại gùi gạo, củi, muối đến học, ăn, ở trong những cái chòi đúng nghĩa, gió hun hút tứ bề.

Cái đói cái rét đang len lỏi vào từng con chữ, níu kéo khát vọng học để đổi đời. Chỉ cần 500 triệu đồng là có một ngôi nhà bán trú để bọn trẻ cả một xã nuôi dưỡng ước mơ đi học có thể cầm nắm được. Vậy mà ước mơ vẫn chỉ là mơ ước với hàng ngàn đứa trẻ nghèo ở nơi mù xa ấy.

Một anh bạn bác sĩ than rằng, đầu tư một bệnh viện 1.000 giường với thiết bị hiện đại như Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) chỉ cần 1.000 tỉ. Bác sĩ mơ, bệnh nhân càng mong ước có thêm nhiều bệnh viện như thế. Việc chăm lo cho dân, nâng cao chất lượng cuộc sống chính là nâng cao chỉ số hạnh phúc, là mục tiêu duy nhất, là đích đến của mọi thể chế xã hội. Đầu tư vào lĩnh vực học hành, khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả thể chất và trí tuệ là việc cần được ưu tiên. Vẫn biết đất nước còn khó khăn nên cần sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư cho hiệu quả và thực sự thuyết phục.

Việc Bộ Xây dựng trình Chính phủ xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia quy mô 10 ha, 90.000 m2 sàn với kinh phí 11.277 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước làm chúng ta chợt thấy chạnh lòng. Đành rằng cần có những công trình tầm cỡ thể hiện bộ mặt đất nước, cần bảo tồn, tôn trọng lịch sử và giữ gìn di vật lịch sử cho muôn đời sau nhưng xét về thời điểm, về nhu cầu thì việc xây dựng này có thực sự bức thiết?

Chúng ta đã có Bảo tàng Hà Nội - công trình chào mừng đại lễ ngàn năm - với tổng đầu tư 2.800 tỉ đồng đang bỏ trống diện tích trưng bày, thưa thớt người lui tới. Trong con mắt của bạn bè quốc tế đến nước ta, thêm một bảo tàng lịch sử hoành tráng chưa chắc làm Việt Nam đẹp hơn, văn minh hơn bằng việc bớt đi những lều học tạm bợ do dân tự tạo, bớt đi cảnh 3 người bệnh chung một giường, nằm gầm giường, nằm hành lang.

Thiết nghĩ nên có một cuộc thăm dò ý kiến người dân có nên đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia hoành tráng như vậy vào lúc này hay không. Người dân, những người đóng góp từng đồng thuế cho ngân sách quốc gia có quyền được góp tiếng nói của họ vào lúc này như một nghĩa vụ với đất nước. Kết quả trưng cầu chắc chắn sẽ nói lên được tính thuyết phục của dự án, nguyện vọng chính đáng của người dân. Những người tham mưu đề xuất những đề án với những con số hoa mắt cũng nên cân nhắc bằng cả con tim và khối óc. Nói ra thật chua chát, nhưng có vẻ câu nói dân gian "nghèo mà còn hoang" có lẽ lại đúng trong trường hợp này.

Phương Thảo


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo