Bắc Kinh lại đòi Hà Nội đàm phán tay đôi về biển Ðông - Dân Làm Báo

Bắc Kinh lại đòi Hà Nội đàm phán tay đôi về biển Ðông

VLADIVOSTOK 7-9 (NV) - Trong khi chủ tịch nước CSVN kêu gọi Bắc Kinh “cần tăng cường sự tin cậy lẫn nhau” thì chủ tịch Trung Quốc khuyến cáo Hà Nội tránh “hành động đơn phương” cũng như tránh “quốc tế hóa” cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Các bản tin của TTXVN và Tân Hoa Xã tường thuật buổi gặp mặt ngày 7 tháng 9, 2012 bên lề Hội Nghị Thượng Ðỉnh APEC tổ chức ở Vladivostok, Liên Bang Nga, giữa ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước CSVN, và ông Hồ Cẩm Ðào, chủ tịch nước Trung Quốc.

Cả hai ông đều được tường thuật “nhất trí”, “coi trọng” “quan hệ hữu nghị truyền thống Việt-Trung được các thế hệ lãnh đạo tiền bối và nhân dân hai nước dày công vun đắp là tài sản quý báu của nhân dân hai nước và cả hai bên đều phải có trách nhiệm kế thừa, giữ gìn và phát huy”.

TTXVN tường thuật, “Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang và tổng bí thư, Chủ Tịch Nước Hồ Cẩm Ðào cho rằng trong tình hình hiện nay, việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng.”

Vấn đề tranh chấp biển Ðông được hai ông đề cập với những lời lẽ tổng quát theo kiểu ai muốn hiểu thế nào thì tùy.
Chủ Tịch Nước CSVN Trương Tấn Sang bắt tay Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào trước khi dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh APEC ngày 7 tháng 9, tại Vladivostok. (Hình: TTXVN)

TTXVN viết “Về vấn đề trên biển, hai bên cần kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng vấn đề biển Ðông bằng biện pháp hòa bình, không để vấn đề biển Ðông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước.”

Hãng tin chính thức của Việt Nam thuật lời ông Trương Tấn Sang “nêu rõ trong quá trình giải quyết vấn đề biển Ðông, hai bên cần thực hiện nghiêm túc thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, giải quyết thỏa đáng mọi tranh chấp và những vấn đề mới nảy sinh thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên Bố ƯÔng Xử của các bên ở biển Ðông (DOC) và tiến tới Bộ Quy Tắc ƯÔng Xử tại Biển Ðông (COC).”

Ðiều này gián tiếp nói những lời tuyên bố của Bắc Kinh chiếm 80% biển Ðông nằm trong “Lưỡi Bò” là tham lam, sai quấy lại trái với luật pháp quốc tế.

Về phía Bắc Kinh, Tân Hoa Xã thuật lời ông Hồ Cẩm Ðào nói trong hoàn cảnh hiện nay “Hai bên nên cùng thực hiện các điều đồng thuận đã đạt được trong cuộc tham khảo (khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh hồi tháng 10 năm ngoái) và tránh hành động đơn phương có thể làm căng thêm hay phức tạp hoặc quốc tế hóa tranh chấp”.

Nói khác, ông Hồ Cẩm Ðào lập lại cho ông Trương Tấn Sang nghe lập trường không đổi của Bắc Kinh là chỉ muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo biển Ðông (mà họ gọi là Nam hải) qua đàm phán tay đôi để dễ lấy thế nước lớn áp lực.

Hà Nội và Manila đã nhiều lần vận động nhưng đã thất bại để khối ASEAN hợp nhất với nhau mà đối phó trong cuộc tranh chấp trước các áp lực và mua chuộc gây chia rẽ của Bắc Kinh.

Trước khi tới Vladivostok, bà Ngọai Trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới Bắc Kinh đưa đề nghị khuyến cáo Trung Quốc nên thương thuyết với các nước tranh chấp theo công thức một khối ASEAN. Giới bình luận chính trị quốc tế cũng cho rằng bà đã thất bại, không thuyết phục được Bắc Kinh đổi lập trường. Chuyến đi của bà chỉ có tác dụng là khuyến cáo Bắc Kinh đừng quá tham lam bá quyền khi ức hiếp các nước nhỏ phía Nam.

Hoàn Cầu Thời Báo còn bình luận rằng Mỹ nên “tôn trọng” lập trường của Trung Quốc về các “lợi ích cốt lõi” và vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Mà như vậy phải nhìn nhận cái “Lưỡi Bò” trên biển Ðông và đòi hỏi chủ quyền quần đảo Ðiếu Ngư trên biển Hoa Ðông trong cuộc tranh chấp với Nhật.

Cùng ngày với cuộc gặp mặt Trương Tấn Sang-Hồ Cẩm Ðào với những lời nói kêu gọi lẫn nhau “tăng cường củng cố quan hệ” Tân Hoa Xã lại loan báo mở rộng tuyến du lịch tới Hoàng Sa là một phần trong kế hoạch phát triển du lịch tới cái thành phố mới lập, hồi tháng 7 vừa qua, trên biển gồm hai quần đảo của Việt Nam.

Sự việc này cho thấy lời kêu gọi của ông Hồ Cẩm Ðào ngược lại hoàn toàn với những gì diễn ra trong thực tế.

Một bài bình luận trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh ngày 6 tháng 9, 2012 kêu gọi các cuộc thương thuyết giữa Mỹ và Trung Quốc nên tránh “nói chuyện giữa hai người điếc”.

Cuộc tiếp xúc giữa ông Trương Tấn Sang và Hồ Cẩm Ðào ở Vladivostok cho người ta cảm tưởng đúng là “nói chuyện giữa hai người điếc”. (T.N.)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo