Đinh Minh Đạo (Thông Luận) - "...các anh tin vào thứ pháp luật của một chính quyền độc tài, tham nhũng, hay tin vào lòng tốt của những con người lương thiện..."
*
Tin bà Đặng Thị Kim Liêng tự thiêu trước trụ sở UBND tỉnh Bạc Liêu ngày 30-07 và mất trên đường đưa đi Sài Gòn cấp cứu làm những người có lương tri rất xúc động và thương tiếc.
Theo người nhà và những người quen biết bà, từ khi chị Tạ Phong Tần (con gái bà) bị bắt, bà luôn bị công an theo dõi, kể cả lúc đi chùa. Có lần họ mang cả đài truyền hình về, yêu cầu bà kể tội con gái để quay phim đưa lên truyền hình, nhưng bà đã từ chối.... Các con bà cũng cho biết, gia đình có tranh chấp đất đai với hàng xóm, đã làm đơn kiện gửi lên chính quyền, nhưng không được giải quyết.
Đúng như nhà văn Nguyễn Tường Thụy đã viết trong bài "Vĩnh biệt bà Đặng Thị Kim Liêng": "Phải bị áp lực ghê gớm lắm, phải uất ức, căng thẳng lắm mới khiến bà chọn cách tự thiêu để phản đối”.
Những áp lực này từ đâu đến, ai là những người gây ra áp lực ghê gớm, dẫn đến cái chết trong uất ức, đau thương như vậy?
Hãy thử điểm lại một số các hoạt động của ngành công an đối với những người đối lập, những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho tự do dân chủ.
Người viết không có ý định cũng như không thể làm nổi công việc thống kê những hoạt động của ngành công an đối với phong trào đòi hỏi dân chủ ở Việt Nam. Một ngày nào đó, Việt Nam trở thành một quốc gia tự do dân chủ, hẳn công việc này phải do các nhà sử học tiến hành.
Hành động như của xã hội đen
Trong thế giới văn minh ngày nay, ở hầu hết các quốc gia, những tổ chức, cá nhân đối lập , bất đồng với chính quyền, với đảng cầm quyền là hiện tượng bình thường. Họ là những người giám sát, phân tích phê phán các chủ trương, chính sách của chính quyền. Chính nhờ họ, các quan chức chính quyền phải cẩn trọng trong quản trị đất nước. Chính nhờ họ, mà người dân có đủ thông tin để lựa chọn các đảng đại diện cho mình điều hành đất nước. Họ là những công dân ưu tú cả về tài năng và đạo đức, được xã hội tôn trọng, được luật pháp bảo vệ.
Ở Việt Nam chúng ta thì ngược lại. Những người bất đồng chính kiến, những người đối lập, những người đấu tranh cho tự do dân chủ được chính quyền, công an coi như kẻ thù của chế độ, những thành phần nguy hại. Họ bị theo dõi lộ liễu, bị giám sát ngày đêm, bị đối xử thô bạo, bất chấp luật pháp.
Trung tướng, nhà văn Trần Độ là một trong những lão tướng của quân đội Việt Nam. Ông đã cống hiến gần như trọn cuộc đời cho ĐCSVN. Bạn bè, đồng chí, những người đã cùng làm việc đều thừa nhận, rằng ông là một trong những người lãnh đạo hiếm hoi, vừa có tài vừa là người đức độ. Cuối đời, ông đã nhận ra những sai lầm, những suy thoái của cái Đảng mà ông đã phụng sự. Ông đã viết, đã cảnh báo các đồng chí của mình, với mong muốn họ thay đổi, tỉnh ngộ để tránh mang đến những tai họa cho cả dân tộc, cho đất nước. Các đồng chí của ông đã bỏ ngoài tai. Ông bị theo dõi ở mọi nơi, mọi lúc.
Tháng 06-2001, tại Sài Gòn, trong một lần đi tắc xi trên phố , ông bị hai công an ập tới chặn xe giữa đường, xông vào cướp của ông tập bản thảo viết tay, bản in và cả bản photo của quyển "Nhật ký rồng rắn”. Đây là cuốn hồi ký ông đã viết bằng tâm huyết, bằng con tim xám hối, đã mất tăm, ông đi kiện cáo nhiều nơi, không ai trả lời.
Tiến sỹ Hà Sỹ Phu nổi tiếng với những bài viết sắc sảo đầy thuyết phục: "Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ"(1988), "Đôi điều suy nghĩ của một công dân"993),"Chia tay ý thức hệ" (1995). Các bài viết của ông phê phán chủ nghĩa Mác-Lê Nin và sự lãnh đạo của ĐCSVN. Ông viết và công khai gửi đến cả các vị lãnh đạo đảng và chính quyền.
Thay vì góp ý, tranh luận với ông, những nhà lý luận Macxit nổi tiếng đã cho công an dựng "màn kịch đường phố". Ngày 04-12-1995 khi ông đang đi xe đạp gần bờ hồ Hoàn Kiếm Hà Nội, hai người đi xe máy tông vào sau xe làm ông ngã ra. Cái túi treo ở ghi đông văng ra đường, có người định giật lấy, ông kêu lên: Cướp! Cướp! Công an ập đến, bắt tất cả về đồn. Công an đòi khám túi, ông hỏi lý do, họ bảo xem có mất gì không, ông bảo không mất gì cả. Nhưng rồi họ cứ khám và lấy được hai bản photo lá thư của ông Võ Văn Kiệt gửi bộ chính trị, đề ngày 09-08-1995, có in dấu tối mật. Ông bị kết án 12 tháng tù về tội "cố ý làm lộ những bí mật nhà nước".
Nhà cách mạng lão thành, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Hoàng Minh Chính ở tuổi gần 90, bị hàng trăm bộ mặt "anh hùng hảo hán" đến nhà đe dọa , quấy rối. Gia đình gọi điện thoại đề nghị công an phường can thiệp. Công an sau nhiều giờ mới đến và giải thìch rằng, đây là những người dân "bức xúc" vì những lời phát biểu của ông Hoàng Minh Chính tại Mỹ nên tự tổ chức kéo đến nhà hỏi tội ông (!) Ông còn bị ném phân cùng các thứ bẩn thỉu khác vào sân và cửa nhà.
Luật sư Cù Huy Hà Vũ bị bắt tại khách sạn thuôc quận 06 Sài Gòn với lý do "vi phạm quy định hành chính" với bằng chứng là 2 bao cao su đã dùng rồi. Công an đã chuyển thành tội danh tuyên truyền chống nhà nước, tòa án xử 7 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy ...bị những người tự xưng là thương binh đến nhả gây gỗ, đe dọa,xúc phạm.
Gây khó khăn, cản trở cuộc sống hàng ngày
Hầu hết những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho tự do dân chủ đều bị chính quyền, công an gây khó khăn cho cuộc sống thường ngày.
Kỹ sư Đỗ Nam Hải, một trong những người sáng lập khối 8406 đang làm việc cho một công ty nước ngoài, đã bị cho thôi việc do sự can thiệp của công an. Bị mất việc làm, lại bị công an đóng chốt gần nhà, theo dõi đêm ngày, gây gổ, đe dọa, cản trở mọi đi lại, quan hệ trong cuộc sống thường ngày. Nhiều lần bị khám nhà, công an đã lấy đi các tài sản cá nhân như máy vi tính, điện thoại mà không trả lại, bị chặn giữa đường khám xét, hành hung.
Nguyễn Tiến Trung, một trí thức trẻ đầy nhiệt huyết đối với đất nước. Anh rời bỏ nước Pháp trở về tổ quốc với mong muốn mang những kiến thức về chuyên môn, về tổ chức xã hội của những xã hội văn minh về giúp ích cho đất nước. Khi về nước, là thạc sỹ tin học, anh được một số công ty trong và ngoài nước muốn tuyển dụng. Nhưng công an đã đến các cơ quan gây sức ép, buộc họ phải từ chối , anh bị thất nghiệp rồi bị đưa vào quân đội...
Cựu chiến binh Lê Trí Tuệ, người tham gia hoạt động đòi hỏi dân chủ, nhân quyền. Khí sống ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn, đời sống vật chất rất khó khăn, luôn bị công an theo dõi, gây khó khăn trong công việc làm ăn, đi lại. Thất nghiệp, thuê nhà trọ ở đâu cũng bị công an đến gây sức ép, buộc chủ nhà đuổi ra khỏi nhà. Bị đàn áp khốc liệt, tháng 07-2007 phải trốn sang Campuchia, sau bị mất tích, cho đến nay vẫn biệt tăm.
Bác sỹ Phạm Hồng Sơn, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, luật sư Lê Quốc Quân …đều bị đóng chốt cạnh nhà, có người còn bị đấu tố tại phường – một kiểu hạ nhục, trà đạp nhân phẩm con người bị thế giới văn minh ghê tởm và lên án.
Những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho tự do dân chủ, trước hết họ là những công dân, nếu không muốn nói là những công dân có trách nhiệm với đất nước. Trong Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 02-09-1945, ông Hồ Chí Minh đã trịnh trọng nhắc lại lời bất hủ trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ năm 1776: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Theo dõi, đe dọa gây sức ép để tước đoạt của họ công ăn việc làm, triệt tiêu nguồn sống của bản thân và gia đình họ, đó là việc làm nhẫn tâm, thất đức, nó chỉ xảy ra trong thời thực dân, phong kiến. Những người cộng sản lão thành đã từng là nạn nhân của chính sách này.
Bất chấp đạo lý "nghĩa tử là nghĩa tận"
Bà Đặng Thị Kim Liêng lúc sống bị theo dõi từng bước, lúc chết cũng không được buông tha. Theo những người trong gia đình và những người dự đám tang của bà, ước tính có khoảng năm sáu chục công an mặc thường phục. Họ chà trộn trong đám đông, nhưng nhìn họ với những bộ mặt xa lạ, vô cảm nên dễ nhận biết. Theo tường thuật của "Dân Làm Báo", ngày đưa tang 02-08-2012 lực lương an ninh lên đến 200 người. Những ngưới đến viếng viết những lời chia buồn trên các băng giấy, "công an cho người đến giật và chạy mất tiêu". Công an đã đe dọa, sách nhiễu những người quen biết, bạn bè của chị Tạ Phong Tần đến dự tang lễ. Họ còn đòi kiểm tra thùng tiền phúng viếng và đe dọa gia đình không được liên hệ với những thành phần "phản động" trong và ngoài nước. Mới đây ngày 16-09, những người thân quen của chị Tạ Phong Tần, trong đó có linh mục Lê Ngọc Thanh và chị Dương Thị Tân, vợ cũ của anh Điếu Cầy từ Sài Gòn về giỗ 49 ngày của Bà bị những người đeo mặt nạ tấn công, chị Tạ Khởi Phụng con gái Bà và 5 người khác bị công an bắt về đồn xét hỏi.
Công an, chính quyền sách nhiễu, quấy phá tang lễ bà Đặng Thị Kim Liêng
Trong đám tang của trung tướng Trần Độ tổ chức ngày 14-08-2002 tại Nhà tang lễ bộ quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông. Các vòng hoa mang đến viếng đề: "Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ" đều bị an ninh ách lại từ ngoài cổng, họ buộc phải bỏ chữ "vô cùng thương tiếc" và quân hàm trung tướng đi mới được mang vòng hoa vào viếng.
Ông Vũ Mão, đại diện văn phòng quốc hội đọc điếu văn trong đó có câu thật lố bịch: "Rất tiếc là ông Trần Độ cuối đời đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng". Con trai cả của trung tướng Trần Độ trong đáp từ đã phải phản bác: "Tôi thay mặt cho gia đình xin phép không tiếp nhận lời điếu của vị đại diện Văn Phòng Quốc Hội".
Đám tang nhà bất đồng chính kiến hàng đầu của Việt Nam, người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước, ông Hoàng Minh Chính cũng bị sách nhiều đủ điều, mặc dầu gia đình đã tránh không làm phiền hà gì chính quyền. Theo di chúc của người quá cố, muốn được cử hành tang lễ theo phong tục phật giáo, hòa thượng Thích Không Tánh từ Sài Gòn ra Hà Nội ngày 12-02-2008. Ra đến Huế, hòa thượng bị công an Thừa Thiên Huế chặn bắt "làm việc". Sáu công an hiện diện trong buổi làm việc, trong đó có trưởng và phó phòng của công an Huế đã ra lệnh cho hòa thượng phải ngay lập tức quay về Sài Gòn. Họ nói "Đám tang ông Hoàng Minh Chính là bất hợp pháp, không ai đựoc quyền tham dự". Chao ôi! Lại có đám tang bất hợp pháp nữa? Sau hai giờ đồng hồ làm việc, họ tịch thu chứng minh nhân dân và ra lệnh 6 giờ sáng hôm sau đến làm việc tiếp.
Nhiều người đấu tranh cho dân chủ ở Hà Nội , Hải Phòng, Sài Gòn … bị ngăn cản không cho đến dự tang lễ. Công an đã xử dụng những biện pháp, từ canh gác quanh nhà, triệu tập đi "làm việc", đe dọa những lái xe taxi, xe bus chở họ.
Khi sống, ông Hoàng Minh Chính đã bị chính quyền lăng nhục, đầy đọa giam cầm, vu khống, ... Tang lễ được gia đình tổ chức theo nguyện vọng của ông cũng bị chính quyền cản trở và hạch sách.
Vài lời nhắn gửi
Công an nhân dân (CAND) là những người sống bằng đồng tiền đóng góp của dân. "Ăn cây nào rào cây ấy", CAND chỉ trung thành với nhân dân và đất nước, không trung thành với bất cứ đảng phái chính trị hay một cá nhân, phe nhóm nào.
Nhưng với những việc làm đã kể trên đây, CAND đã hành động ngược với lợi ích nhân dân , phục vụ lợi ích của Đảng Cộng Sản, duy trì chế độ độc tài, bạo ngược, tham nhũng.
CAND! các anh hãy suy xét cho kỹ cái khẩu hiệu mà Đảng đã "rót” vào tai các anh: "Còn Đảng còn mình".
Thử hỏi ,có đảng cộng sản nào vững mạnh bằng Đảng Cộng Sản Liên Xô, Đảng Công Nhân Thống Nhất Đức, Đảng Cộng Sản Rumani của Nicolae Ceausescu... trước đây? Nhưng trước áp lực đòi hỏi dân chủ của nhân dân, các đảng độc tài này đã tan như bọt biển trước các cơn sóng. Giờ đây, ở các quốc gia đã bị cai trị bởi các đảng nói trên, các thể chế dân chủ đã được thiết lập, mọi người dân, kể cả những nhân viên an ninh và gia đình họ, được sống trong tự do, hạnh phúc. Nhiều đảng phái cùng tồn tại, bình đẳng, cạnh tranh qua bầu cử dân chủ để cầm quyền. Dù đảng nào thắng cử cầm quyền, công an chỉ bảo vệ lợi ích của nhân dân, thực hiện đúng luật pháp.
Có nhiều nhân viên CAND khi bị chất vấn về việc làm sai trái của mình đã trả lời: "Chúng tôi chỉ làm theo lệnh cấp trên". Chắc các anh đã đọc hoặc biết về nhân vật thanh tra cảnh sát Javert trong tác phẩm "Những người khốn khổ" của đại văn hào Pháp Victor Hugo.
Javert là điển hình của những thanh tra cảnh sát chỉ biết thực hiện lệnh của cấp trên một cách mù quáng, đến mất hết cả nhân tính. Hắn đã ra sức truy đuổi người tù khổ sai Jean Valjean, người đã và đang làm tất cả những gì để trở thành một con người lương thiện. Nhưng trời đất dun dủi , Javert bị các sinh viên của đội quân cách mạng bắt, Jean Valjean đã cứu sống Javert từ tay những sinh viên vì ông cũng là thành viên của đội quân cách mạng. Sau đó quân cách mạng đã thất bại, Jean Valjean vác Marius, một sinh viên bị thương chạy trốn theo đương cống ngầm của Paris. Khi ra đến miệng cống, ông chạm trán với Javert, ông cố thuyết phục Javert cho mình thời gian để trả Marius về cho gia đình anh. Javert đồng ý và nhận ra rằng anh ta đang bị mắc kẹt giữa niềm tin vào pháp luật và niềm tin vào lòng tốt của con người mà Jean Valjean là một biểu tượng. Javert cũng hiểu rằng anh không bao giờ có thể nộp Jean Valjean cho chính quyền được nữa. Không thể chịu được hoàn cảnh khó xử này, Javert đã nhảy xuống sông Seine tự tử.
Vậy các anh tin vào thứ pháp luật của một chính quyền độc tài, tham nhũng, hay tin vào lòng tốt của những con người lương thiện, sẵn sàng tiếp nhận những khó khăn, gian khổ trong cuộc đấu tranh cho một Việt Nam tự do dân chủ?
Công an nhân dân, những hành động của các anh đã trà đạp lên những con người lương thiện, trái với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Đã đến lúc các anh phải biết dừng lại!
Warszawa 21-09-2001
Đinh Minh Đạo