Gáo nước lạnh - Dân Làm Báo

Gáo nước lạnh

Đào Tuấn - Không ai nghi ngờ động cơ của ông Hiển, của Ủy ban TC-NS, có điều sự “vì dân” trong việc đòi hạ mức khởi điểm chịu thuế giống hơn với một, chữ dùng của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn- “gáo nước lạnh”. 

Hôm qua, khi dự thảo luật Thuế TNCN được “đặt lên bàn nghị sự”, thì ở ngoài xã hội, dư luận lại xôn xao về mức học phí ngất ngưởng khi sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội phải làm “thủ tục nhập trường” với 5,1 triệu đồng cho 8 khoản phí, chưa kể chi phí ký túc xá. Trong đó có không ít khoản “vẽ voi”: Tiền thẻ, học quy chế, đồng phục thể dục, vệ sinh, thậm chí cả tiền… đồng phục tình nguyện. Điều đáng nói, mức học phí trên không phải là cá biệt khi mà một quan chức nhà trường khẳng định: “Mức thu đã được nhà trường tính toán, tham khảo cụ thể. So với tình hình thực tế thì còn khá… khiêm tốn”.

Tình hình thực tế là như thế nào, và tính toán phù hợp ra sao? Điều đó không được giải thích. Hóa ra, “thực tế” đôi khi không phải là “thực tế”, khi giữa cách nhìn, cách hiểu và sự chịu đựng thực tế của người làm chính sách và người “bị chính sách” là rất khác nhau.

Trên bàn nghị sự chiều qua, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Phùng Quốc Hiển, khi kiên quyết bảo lưu quan điểm mức khởi điểm chịu thuế 7 triệu/người/tháng và giảm trừ gia cảnh 2,8 triệu, thay vì 9 triệu và 3,6 triệu như tờ trình của Chính phủ, đã có câu nói để đời “tôi cũng vì nhân dân cả thôi”.

Không ai nghi ngờ động cơ của ông Hiển, của Ủy ban TC-NS, có điều sự “vì dân” trong việc đòi hạ mức khởi điểm chịu thuế giống hơn với một, chữ dùng của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn- “gáo nước lạnh”.

Kể từ năm 2007, lạm phát cộng dồn, như những “gáo nước lạnh” liên tiếp, đã làm vnd mất giá tới 70%. Và việc một luật thuế có hiệu lực chưa tới 3 năm đã 3 lần phải điều chỉnh bằng cách giãn, miễn cho người “bị chính sách”, là một minh chứng rõ ràng nhất cho thấy những tính toán, cách nhìn nhận thực tế của người làm chính sách, với thực tế của dân chúng như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Và vì thế, việc tính toán một mức khởi điểm cũng như giảm trừ gia cảnh căn cứ vào mức “lạm phát lý thuyết” 7%, Ủy ban TC-NS đang cho thấy họ đang đi đúng vết xe đổ của những người soạn thảo luật thuế TNCN mà hôm nay họ đang có trách nhiệm thẩm tra, chỉnh sửa để phù hợp với thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai hôm qua, đã nói lên một sự thật là từ 2007, nền kinh tế liên tục gặp khó khăn, lương có tăng cũng không bù đắp được (sự mất giá đồng tiền) so với lạm phát. Và sự thật đáng để những người làm chính sách phải suy nghĩ nhất là việc chúng ta “hoàn toàn chưa công bố được mức sống tối thiểu”, trong một bối cảnh là “tiền lương tối thiểu hoàn toàn không đủ đáp ứng một mức sống tối thiểu”.

Thế nào là mức sống tối thiểu - điều đó hôm qua chưa có câu trả lời. Ấy thế mà hai từ hợp lý liên tục được đưa ra, để giải thích cho điều ngay chính một vị chủ nhiệm ủy ban khác là ông Phan Trung Lý còn phải yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ.

Việc một luật thuế nhìn nhận thực tế đời sống người dân qua lăng kính quan chức, định ra một mức cho đó là tối thiểu, hoặc không thèm quan tâm đến thế nào là tối thiểu cũng giống với việc- như bà Mai nói- “chỉ biết thu tiền rồi mặc kệ người dân muốn sống thế nào thì sống”.
Đó là chưa kể tới cách đặt vấn đề: Mỗi người nộp thuế chỉ được giảm trừ gia cảnh cho 2 trường hợp trong khi văn hóa Việt Nam là gia đình nhiều thế hệ. Liệu người dân có chấp nhận một bộ luật buộc họ phải chọn hoặc là phụng dưỡng cha mẹ, hoặc là nuôi con?



*

5.000 tỉ đồng có quan trọng hơn sự an dân? 

Theo tờ trình dự án luật Thuế TNCN (sửa đổi) của Chính phủ, mức khởi điểm nộp thuế được nâng lên 9 triệu đồng/tháng, giảm trừ cho người phụ thuộc nâng từ 1,6 triệu lên 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, dự án luật bổ sung quy định khi giá cả thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp. 

Quá nhiều chi phí chi trả cho cuộc sống hàng ngày 
hiện nay đang đè lên vai người lao động. Ảnh: L.Q.Nhật 

Đây có thể coi là một nỗ lực của Chính phủ trong việc “thư sức dân” vào thời điểm đời sống của người dân ngày càng chật vật do lạm phát, giá điện, nước, xăng dầu, các loại dịch vụ, viện phí đều tăng cao, lại thêm phí, thuế chồng chất. 

Tuy nhiên, điều làm người ta ngạc nhiên là uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, vốn đại diện cho tiếng nói của người dân lại đề nghị kéo giảm mức giảm trừ gia cảnh xuống 7 triệu đồng, với lý do sợ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách! Cái lý này quả không hợp lòng người. Nó xa rời dân và không màng tới nỗi vất vả, bươn chải của người dân. Ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải nói: “Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, mức 7 hay 9 triệu đồng đã gọi là thu nhập cao chưa? Tôi áng cỡ Chính phủ đưa ra mức 9 triệu là chưa cao, chỉ đủ sống thôi”. Ấy là chưa kể tới những quan điểm đang đòi phải làm rõ triết lý của luật Thuế TNCN là gì; Việt Nam đã đạt đến thời điểm mà trình độ phát triển, thu nhập nói chung đã tới mức áp thuế TNCN hay chưa... Cái thứ lý luận rằng người nào có thu nhập đều phải chịu thuế để giữ... công bằng xã hội xem chừng không theo kịp tư duy thời cuộc. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: “Từ năm 2007 đến năm 2011, với các mức lạm phát cộng dồn thì đồng tiền Việt Nam đã mất giá khoảng 70%. Như vậy, mức thu nhập thực tế của người dân giảm xuống rất nhiều. Nếu vẫn tính mức khởi điểm đánh thuế thấp như vậy thì tôi e nó sẽ sớm trở nên lạc hậu trong cuộc sống và lại phải sửa đổi tiếp”. 

Còn tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cũng cho rằng: “Khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng/người ở vào thời điểm 2014 và mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng là những con số mà bộ Tài chính đã nghiên cứu kỹ. Nếu uỷ ban Tài chính – ngân sách Quốc hội sợ giảm thu ngân sách thì hoàn toàn không hợp lý, vì hiện nay số người nộp thuế bậc 1 chiếm đại đa số nhưng nộp thuế lại ít nhất. Thực tế, nguồn thu theo bộ Tài chính tính toán cũng chỉ bị ảnh hưởng khoảng 5.000 tỉ đồng trong năm 2013, nếu áp dụng từ giữa năm 2013”. 

Điều đáng bàn là, cũng theo đánh giá của bộ Tài chính, mức thu thuế TNCN từ năm 2008 tới nay năm sau luôn tăng hơn năm trước với mức tăng khá cao: năm 2010 mức thu bằng 183% năm 2009, và năm 2011 bằng 146% năm 2010. Nhiều chuyên gia còn dự tính, ngay cả khi giảm trừ gia cảnh đến 9 triệu đồng/tháng, tổng số tiền thu được từ thuế TNCN năm 2013 chưa chắc đã giảm so với năm 2012, mà nhiều khả năng vẫn tăng. 

Ngay trong trường hợp nếu ngân sách có bị giảm 5.000 tỉ đồng, thì so với số tiền gần 11.000 tỉ đồng xây dựng trụ sở làm việc mà đề án Công nghiệp hoá – hiện đại hoá bộ Giao thông vận tải dự tính vẫn chưa bằng một nửa. Càng không thể so sánh với những thất thoát nhiều trăm ngàn tỉ đồng khác do nạn tham nhũng, do cách làm ăn tắc trách và yếu kém của các tổng công ty nhà nước mà báo chí đã nêu trong thời gian qua. Chúng ta đã làm gì để ngăn chặn sự thất thoát – vốn lớn hơn nhiều lần so với con số 5.000 tỉ đồng – đó? Không tìm cách bảo toàn vốn ngân sách, lại đi lạm thu sức dân có phải là cách “rễ sâu bền gốc”? Việc kéo giảm mức giảm trừ gia cảnh xuống 2 triệu đồng không chỉ trực tiếp chất thêm gánh nặng khó khăn cho mỗi người lao động, mà còn gây tâm lý xấu đối với cơ quan dân cử... 

Là người đại diện cho dân mà không thấu hiểu nỗi khổ của dân, không đấu tranh cho quyền lợi của dân và hơn hết, như phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói: “không biết thương dân” thì ai còn dám trách những cơ quan có chức năng tiêu tiền thuế của dân cho mục đích chung của xã hội, nhưng vẫn hành xử theo kiểu “ném tiền qua cửa sổ” như bấy lâu nay? 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo