Phương Bích - Khi tôi trả lời phỏng vấn của anh Mặc Lâm (đài RFA), có một ý mà tôi cho là cách diễn đạt chưa chuẩn của tôi dễ khiến nhiều người hiểu lầm, rằng tôi sợ bị chính quyền bắt bớ... Nên hiểu vấn đề này một cách chính xác hơn, là tôi sợ mình không có cơ hội để tiếp tục đấu tranh một cách hợp pháp, nếu cứ tạo cơ hội cho họ bắt bớ mình vô cớ như ngày 5/8 vừa qua, vì họ cứ bắt mà đâu cần bằng chứng?
Qua lần bắt tôi gần nhất, tôi hiểu họ cố tình bắt tôi theo kiểu cho “đủ cơ số” để đưa tôi vào diện áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương. Mọi yêu cầu họ phải chứng minh lý do bắt tôi đều không được họ đáp ứng. Thậm chí căn cứ để họ ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương là các quyết định xử phạt hành chính, họ cũng không một lần nào đưa cho tôi.
Một khi họ đã bất chấp luật pháp để bắt giữ tôi một cách trái phép, đương nhiên tôi cần lựa chọn một hình thức đấu tranh thích hợp hơn, để trong khi tôi tiếp tục tố cáo họ bằng các đơn khiếu nại, tố cáo, tôi vẫn có thể nói lên chính kiến của mình. Giống như Bùi Hằng, khi họ tìm cách ngăn chặn cô ấy ra khỏi nhà để tham gia biểu tình, thì cô ấy chọn cách biểu tình tại nhà như cô ấy đã làm. Còn nếu như tọa kháng tại gia mà họ vẫn cố tình dùng vũ lực chứ không dùng pháp luật để bắt thì đương nhiên là tôi chả thể kháng cự được.
Về vấn đề này, Người Buôn Gió có một bài phân tích rất hay và chính xác, những giả thiết về mọi điều có thể xảy ra trong cái thể chế này. Trong khi mình cứ tưởng là họ không thể làm thế thì thực ra họ đã tự biên tự diễn tất cả các loại hồ sơ, mà đương sự chỉ đến lúc nhận quyết định giáo dục, hoặc tra tay vào còng mới té ngửa ra. Họ sẽ không cho anh cơ hội để chứng minh, và họ cũng không cần phải chứng minh với bất cứ ai về việc làm sai trái của họ.
Tôi hiểu ra điều này khi gửi đơn lên viện kiểm sát, khiếu nại về việc công an bắt giam tôi trái phép. Đơn gửi viện kiểm sát, nhưng viện kiểm sát lại trả lời công an đã trả lời rồi nên họ không thụ lý mà trả lại đơn của tôi. Nghĩa là họ lấy câu trả lời của người tôi đang khiếu nại để thay cho câu trả lời của họ, vậy vai trò giám sát của họ ở đây là gì?
Mọi câu hỏi đặt ra tưởng chừng như vô nghĩa, nhưng không vì thế mà không đặt ra. Tôi vẫn nhớ cái cười trừ có phần ngượng ngịu của tay công an quận Hoàn Kiếm, khi tôi hỏi anh ta định viết tôi gây rối trật tự công cộng như thế nào vào biên bản xử phạt hành chính mà anh ta đang lập? Dẫu tôi có bảo, khi anh không chứng kiến người ta phạm tội mà vẫn kết tội họ, anh không thấy xấu hổ ư thì hẳn anh ta cũng sẽ chỉ cười trừ.
Lương tâm và đạo đức của cái xã hội này nó thế đấy, họ có thể vừa vu khống vừa cười trừ trước nạn nhân của họ một cách thản nhiên mà không một ai có thể trừng phạt họ. Thế thì tại sao tôi lại không muốn thay đổi cái thể chế này cơ chứ?
Thật nực cười khi có người bảo, qua những gì tôi nói và làm chứng tỏ không phải do tôi bồng bột, hay bị lợi dụng hoặc xúi bẩy mà là do nhận thức mất rồi.
Ô hô! Hóa ra từ trước đến nay, họ vẫn nghĩ là tôi bị lợi dụng đấy. Thật ấu trĩ quá chừng!
*
Trân trọng kính mời ông bà đưa con đi cải tạo !!!
bởi Người Buôn Gió vào ngày 14 tháng 9 2012 lúc 14:11 ·
Ngôn ngữ, văn phong Việt Nam đến hồi loạn.
Giờ người ta không chỉ trân trọng kính mời ông bà đi dự tiệc cưới, khánh thành, động thổ, khai trương... mà người ta còn trân trọng kính mời ông bà tới dự cuộc họp chuẩn bị cho con ông bà đi vào trường cải tạo (còn gọi là trại tù).
Nghị định 163 này chưa phải là quyết định đưa vào trại cải tạo ngay, nhưng nó là tiền đề để bước tiếp theo đó là đưa đối tượng vào trại cải tạo.
Lúc trước đoàn thể, công an, mặt trận, gì đó đến nhà mình đòi gặp nói chuyện. Mình nhất quyết không tiếp. Nhiều người thì cho rằng họ đến giáo dục, nhắc nhở, tình nghĩa không có gì nặng nề. Nhưng với mình thì mình hiểu cái chính quyền này làm gì cũng đều có mưu tính cả. Cho nên các ông bà cứ vin là tuổi cao, hàng xóm đến chơi phải tiếp đón đúng phép thì kiếu luôn. Ông bà muốn đến thì cứ từng người lần lượt đến đây chơi. Pha trà, tiếp nước lắng nghe. Chứ kiểu đi cả đoàn rõ là có toan tính chứ không phải là thăm hỏi, chơi bời gì cả. Hôm nay xem lại cái nghị định 163 mới thấy đoạn ở điều 13.
- đại diện của các cơ quan, tổ chức hữu quan ở cơ sở như : Mặt trận Tổ quốc, Công an, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn Thanh niên, đơn vị dân cư, đại diện gia đình,
Thế là rõ, cái đoàn thể đến những nhà đi biểu tình không phải là vận động, thăm con bé mới sinh, thăm thằng bé mới đi học, bà mẹ ốm...mà họ đến đông đủ như thế là có cái cớ là đã đến giáo dục. Dù họ vào nhà hỏi thăm vài ba câu, rồi đùng cái nói chuyện không nên đi biểu tình. Đối tượng chưa kịp thanh minh thì họ đã nhanh chân rút ra cửa chuồn về. Họ chuồn nhanh như vậy vì họ đâu phải đến thăm, mà họ đến chỉ cần vào được nhà là họ mở ngay sáu câu vọng cổ giáo dục. Hoàn thành trách nhiệm mang tính minh hoạ là đoàn thể đã đến nhà đối tượng, vận động, giáo dục. Chỉ cần thế là cả đoàn té về, dù thời gian gọi nhau đi, nhắc nhở nhau mất mấy ngày. Nhưng họ chỉ cần ào vào nhà bạn nói một phút rồi rồng rắn khẩn trương về.
Nhiều người cứ thắc mắc sao mình cứ tránh đoàn này. Nào là họ tốt, họ là hàng xóm cả, họ nói chuyện nhẹ nhàng có gì đâu. Mà sao mình cứ phải khăn gói té sớm về quê trước cả mấy hôm. Ai tin thì cứ việc tin, nhưng ở cái thời buổi này họ vào nhà mình kêu thăm hỏi, nhưng ra đến tổ dân phố họ quay ngoắt nói là đến nhà bạn giáo dục là chuyện bình thường.
Đấy đến bây giờ họ đưa cho con nhà người ta giấy để báo chuẩn bị đi cải tạo, mà họ vẫn còn làm vẻ trân trọng kính mời như là đi dự tiệc. Rồi lại tin, họ mời trân trọng thế này chắc chả có gì ghê. Cứ đến nghe xem sao. Đến rồi là lại có thêm mục '' gia đình, đối tượng đã được thông báo quyết định '' thế là xong, bạn đừng nghĩ đến đó mình cãi được. Chưa kịp nói họ đã giải tán rồi.
Đừng nghĩ là bảo mình không có tội, họ không làm gì được. Họ làm dần dần đấy. Như mình bị bắt vào đồn, mình bảo vô tội. Họ bảo anh vô tội tôi bắt anh vào đây làm gì. Đời cứ lý lẽ như thế đấy. Dư luận thì cứ tin là phải làm sao mới bị bắt chứ. Họ cứ dựa vào đó rồi tạo dư luận thằng này làm sao mới đến giáo dục, thằng này làm sao mới đưa ra phường giáo dục, rồi tiếp là thằng này làm sao mới bị đi cải tạo vì trước đó nó đã bị giáo dục ở nhà, ở phường...
Tất nhiên là họ làm gì thì làm, họ muốn cho mình đi cải tạo thì quyền của họ. Nhưng đừng giúp họ tạo được dư luận. Còn họ có sức mạnh, họ đến nhà khiêng đi cải tạo đột xuất thì ok, cứ tự nhiên. Đằng nào đi cũng chả chống cự nổi vì sức yếu, thế cô. Nhưng đã thế thì đi cũng không tạo điều kiện cho các ngài có dư luận được.