Kết án ba blogger Việt Nam nhằm ‘làm nhụt nhuệ khí’ - Dân Làm Báo

Kết án ba blogger Việt Nam nhằm ‘làm nhụt nhuệ khí’

James Hookway, Wall Street Journal * Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước - Chính phủ Việt Nam đã gia tăng chiến dịch chống lại các nhà bất đồng chính kiến trên mạng Internet, trong đó công an đã được lệnh chống lại ba trang web cách đây vài tuần trước. Các nhà phân tích và ngoại giao nói rằng đây là cách hoạt động nhằm gieo thêm nỗi sợ hãi trong những người truy cập Internet để theo dõi các vấn đề thời sự trong nước vì số lượng này ngày càng gia tăng mạnh mẽ...

*

Tòa án Việt Nam vừa kết án ba blogger nổi tiếng từ 4 đến 12 năm tù giam. Đây là hành động mới nhất trong cuộc đàn áp chống lại các nhà bất đồng chính kiến trực tuyến tại đất nước cộng sản chặt chẽ này. 

Các nhà ngoại giao cho biết rằng một trong những luật sư của bị cáo, ông Hà Huy Sơn nói rằng ba blogger bị kết tội vì viết các bài phản đối chính phủ. Phán quyết hôm thứ Hai được thông báo sau khi phiên tòa diễn ra chỉ vỏn vẹn trong vòng một ngày tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Công an và nhân viên an ninh phong tỏa cổng vào Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, nơi ba blogger đã bị đưa ra xét xử và kết tội hôm thứ Hai ngày 24 tháng Chín, 2012. Ảnh: Agence France-Presse/Getty 

Chính phủ Việt Nam đã gia tăng chiến dịch chống lại các nhà bất đồng chính kiến trên mạng Internet, trong đó công an đã được lệnh chống lại ba trang web cách đây vài tuần trước. Các nhà phân tích và ngoại giao nói rằng đây là cách hoạt động nhằm gieo thêm nỗi sợ hãi trong những người truy cập Internet để theo dõi các vấn đề thời sự trong nước vì số lượng này ngày càng gia tăng mạnh mẽ. 

“Hành động này được tạo ra nhằm làm nhụt đi nhuệ khí”, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết. “Chính phủ không muốn các chỉ trích trở nên quá lớn”. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã ban hành một tuyên bố nói rằng họ “lo ngại sâu sắc” và kêu gọi chính phủ [Việt Nam] trả tự do cho cả ba nhà bất đồng chính kiến nói trên. 

Chính phủ Việt Nam cho biết họ không có bình luận gì. 

Tỷ lệ truy nhập Internet đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam so với nhiều quốc gia mới nổi khác. Việt Nam có khoảng 34% trong số 90 triệu người truy cập vào Internet, một tỷ lệ lớn hơn nhiều so với các nước láng giềng như Thái Lan và Indonesia. 

Nhưng khi nền kinh tế đang bùng nổ của Việt Nam bị chậm lại và các vấn đề liên quan đến nợ xấu trở nên tệ hại hơn, chính phủ ngày càng muốn kiềm chế các lời chỉ trích cũng như kiểm soát các nhà bất đồng chính kiến trực tuyến nhằm ngăn chặc sự thu hút của quần chúng. 

Tạ Phong Tần (trái), Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải (giữa) và Phan Thanh Hải 

Cuộc đàn áp đang thu hút sự chú ý trên toàn thế giới và hoàn cảnh của ba tù nhân bị kết án hôm thứ Hai lại càng đặc biệt hơn. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong năm nay đã trích dẫn một trong những blogger, ông Nguyễn Văn Hải, trong lúc đọc bài phát biểu kêu gọi quyền tự do Internet trên toàn thế giới. Mẹ của một trong các tù nhân khác, bà Tạ Phong Tần, đã châm lửa tự thiêu và qua đời hồi tháng Bảy vừa qua nhằm phản đối lại các cáo buộc chống lại con gái bà. 

Tất cả ba blogger, trong đó có Phan Thanh Hải, đều thuộc “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do“, chuyên viết về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội tại Việt Nam. 

Ông Nguyễn Văn Hải, còn được biết đến với bút danh Điếu Cày, đã bị kết án 12 năm tù, trong khi bà Tạ Phong Tần bị kết án 10 năm. Ông Phan Thanh Hải là người duy nhất trong bộ ba đã nhận tội và bị kết án 4 năm tù giam. Các bản án nặng nề này có thể báo trước sẽ còn các vụ bắt giữ và kết án khác. 

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đặc biệt rất cảnh giác với những cáo buộc về tham nhũng và những sơ suất trong cách điều hành đất nước giữa lúc nền kinh tế đang tiếp tục vùng vẫy, ông Carlyle Thayer – chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra nói. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đang lo lắng tìm cách ngăn chặn các báo cáo về vụ đấu đá nội bộ bên trong Bộ Chính trị mà một số trang mạng đã lan truyền trong những tháng gần đây. 

Các tổ chức nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ về các bản án tù dài hạn trên. Ông Phil Robertson, Phó giám đốc văn phòng châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York cho biết, “những bản án khắc nghiệt trên đối với các blogger là hoàn toàn tàn bạo, và việc này chỉ thể hiện rõ thêm mức độ không khoan nhượng về quan điểm của chính phủ Việt Nam”. 

* Tựa đề do cộng tác viên đặt 

© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo