Khảo sát về động đất và an toàn Thủy Điện Sông Tranh 2 - Dân Làm Báo

Khảo sát về động đất và an toàn Thủy Điện Sông Tranh 2

Thiếu thiết bị, khảo sát như đoán mò

Thanh Hải (Baomoi) - Kết quả quan trắc từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu VN (IGP) - có ít nhất 12 trận động đất xảy ra tại Trà My, xung quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, ghi nhận của máy đo gia tốc của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thì khu vực này đã xảy ra trên 60 trận động đất, trong đó có 4 trận lớn.

Các nhà khoa học lại tay không kiểm tra hiện trường ngày 11.9. Ảnh: T.T.Thư 

Khảo sát bằng... tay không

Trả lời PV Lao Động ngày 11.9, PGS-TS Nguyễn Hồng Phương - Phó GĐ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần VN - thừa nhận, hiện trung tâm chỉ có 25 trạm đo địa chấn, ghi nhận động đất đặt rải rác toàn quốc, vì vậy chỉ ghi nhận được những trận động đất lớn. Mặt khác nhiệm vụ được giao cũng chỉ ghi nhận, thông báo toàn quốc đối với những trận động đất trên 3,5 độ ríchte. Vì thế, kết quả ghi nhận từ trung tâm này cộng với kết quả các máy đo gia tốc của EVN (đặt tại thủy điện Sông Tranh 2) chỉ có 12 trận động đất. Thực tế, kể từ đầu năm 2011 đến nay, khu vực này đã xảy ra trên 60 trận động đất. Trong đó có 2 trận lớn xấp xỉ 3,4 độ ríchte vào năm 2011 và 2 trận lớn xấp xỉ 4,2 độ ríchte vào tháng 9.2012. Theo TS Phương, các trận động đất dù nhỏ, nhưng đó là những số liệu quan trọng, giúp các chuyên gia hình dung được không gian xảy ra động đất, từ đó định hướng di chuyển của động đất... Nói tóm lại là có số liệu cụ thể để kết quả chính xác hơn. 

“Nguyên nhân là IGP đang thiếu thiết bị quan trắc tại chỗ”- TS Phương trần tình. Theo ông, EVN báo cáo có 4 máy đo gia tốc đặt tại thủy điện Sông Tranh 2, nhưng khảo sát của IGP cho thấy chỉ có 2 máy hoạt động. Kết quả của các máy này cũng chỉ đo được gia tốc rung động mặt đất chứ không phải là đo được động đất. IGP đã kiến nghị Nhà nước cho đặt 5 máy đo động đất ở khu vực Trà My, Quảng Nam để có số liệu chính xác. Nhưng chính sự chậm trễ đầu tư này đã khiến IGP dự báo theo kiểu... đoán mò. 

Đến thời điểm này, cả Bộ Công thương, EVN đều khẳng định là đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn. Trong khi đó, động đất ở khu vực Bắc Trà My vẫn tiếp tục diễn ra. Mặt khác, đoàn chuyên gia là các cán bộ của IGP đến Trà My lần 2 khảo sát, nghiên cứu thực tế cũng chỉ bằng... tay không. Vì vậy, những kết luận của họ khiến chính quyền sở tại không hoàn toàn tin tưởng. 

Những câu trả lời cũ

Hôm nay (12.9) IGP sẽ có buổi làm việc, công bố kết quả nghiên cứu, khảo sát cũng như phát đi những khuyến cáo liên quan đến động đất ở Trà My. Tuy nhiên, theo TS Phương, kết quả cũng là những câu trả lời cũ. Nghĩa là, có 2 nguyên nhân dẫn đến động đất: Trong đó các trận động đất năm 2011 là động đất kích thích do quá trình tích nước thủy điện Sông Tranh 2. Những trận động đất mới xảy ra 9.2012 là do kết hợp động đất kích thích và đứt gãy phía nam của đới kiến tạo Hưng Nhượng - Tà Vi, Trà Bồng (đã có nghiên cứu, cảnh báo trước đây). Còn việc có tiếp tục xảy ra động đất nữa hay không, cường độ tăng hay giảm?... điều đó còn phụ thuộc phần lớn vào kết quả nghiên cứu sâu hơn, cần thiết bị tại chỗ chứ chưa thể nói ngay. 

IGP đã kiến nghị Nhà nước cho đặt 5 máy đo động đất ở khu vực Trà My (Quảng Nam) để có số liệu chính xác. Nhưng chính sự chậm trễ, trì hoãn đầu tư này đã khiến IGP dự báo theo kiểu... đoán mò. 



*

Hoảng sợ do động đất liên tiếp tại Sông Tranh 2

BBC - Tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương giải thích lý do gây động đất tại huyện Bắc Trà My và nói khu vực này không thật an toàn cho dân cư.

Các cơn rung chấn với cấp độ mạnh dần xảy ra liên tiếp trong những ngày qua tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, nơi có đập thủy điện Sông Tranh 2. 

Chỉ riêng tuần rồi, đã có chừng 10 trận động đất, mạnh nhất tới 4,2 độ Richter. 

Trước đó, đã có nhiều trận động đất nhỏ đã xảy ra từ năm ngoái tại đây, điều mà giới chuyên môn cho rằng có liên hệ tới hoạt động tích nước của hồ chứa đập thủy điện Sông Tranh 2, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu, cho biết. 

Một giả thuyết nữa được đặt ra là do sự hoạt động của vết đứt gãy Hương Nhượng - Tà Vi, ông Phương nói thêm. 

Hồi tháng Sáu, sự an toàn của dự án Sông Tranh 2 từng là chủ đề tranh luận tại Quốc hội Việt Nam, với việc Bộ trưởng Bộ Xây Dựng khẳng định “đập đã an toàn” sau sự cố rò rỉ nước ở thân đập do lỗi kỹ thuật và nứt đập do động đất. 

Nay, tình trạng chấn động liên tục khiến chủ đề an toàn của dự án càng trở nên nghiêm trọng. 

Truyền thông trong nước trích tin từ Bộ Công thương nói kết quả đo đạc, quan trắc sẽ được báo cáo Thủ tướng trong ngày mai 12/9, và Thủ tướng sẽ là người ra quyết định thời điểm tích nước cho Sông Tranh 2. 

Theo tuyên bố của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), dự án này được thiết kế chịu được động đất tới 5,5 độ Richter, tức là vẫn an toàn trước các cơn rung chấn vừa qua, ông Phương nói. 

Tuy nhiên, ông Phương nói, người dân sống trong khu vực này không thể coi là vẫn trong phạm vi an toàn. 

Trên thực tế, người dân đã phải chịu nhiều thiệt hại ở mức độ nhỏ và vừa, và hiện đang sống trong tâm trạng bất an: "Dân chúng rất lo lắng, họ rất hoảng sợ trên diện rộng" trong lúc tình hình động đất tại khu vực là có "xu hướng tăng dần lên về độ mạnh trong tương lai." 

Ông Phương nói: "Những người dân sống ở quá gần khu vực lòng hồ thủy điện nên có kế hoạch chiến lược là dãn dân bớt ra khỏi khu vực", dẫu cho thực tế vấn đề này còn "phụ thuộc vào quyết định của chính quyền địa phương".



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo