Tiểu Khê (Danlambao) - Nhân dân ta thực ra chưa có đóng góp nào đáng kể trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Các tầng lớp nhân dân lao động của nước Việt Nam ta lâu nay chỉ lo làm lo ăn cho chính mình. Cứ nói đến chuyện đóng góp hay hy sinh vì đất nước thì tranh cãi, giãy nảy lên. Rồi so bì thiệt hơn này nọ. Thật đáng xấu hổ lắm. Rồi than phiền ngày xưa chiến tranh đóng góp hết anh hùng này, liệt sỹ nọ để giành độc lập, thống nhất đất nước. Thử hỏi nếu không được sự giáo dục, định hướng tư tưởng thì biết cái mẹ gì mà tranh đấu. Xung phong ra chiến trường với một bầu nhiệt huyết căm thù? Ai chỉ cho, ai tuyên truyền cho mà biết.
Chỉ có kiều bào là có đóng góp đáng kể qua lượng kiều hối 20 tỷ USD hàng năm. Trước đây do "hiểu lầm" nên cứ nghĩ những người bỏ nước ra đi là phản động. Nay thì đã thấy được sự cần thiết của lực lượng phản động ấy rồi, thành thật xin lỗi nghe!.
Bởi vậy nên nhân dân cũng cần phải biết mình là ai. Hân hạnh được làm con dân của thiên đàng XHCN là quý lắm rồi. Bộ mặt của đất nước hôm nay phải biết ai là người làm ra chứ. Các ông bà nhân dân góp được cái gì nào. Tính ra đầu người giỏi lắm đóng góp được vài triệu bạc lẻ không đủ cho các quan phè phỡn. Kêu ca nhiều, mách lẻo với thế giới nhiều chuyện lôi thôi thì nhà nước sẽ cho gia nhập vào đội quân thất nghiệp, hoặc cho đi cải tạo cho chừa.
Xây dựng CNXH là một quá trình lâu dài và tốn kém. Những vựa lúa, những miền rừng, đồi núi không thể góp sức vào Công nghiệp hóa, hiện đại hóa được. Phải dẹp bỏ dần đi để lấy chỗ cho những chủ trương lớn.
Bởi vậy cái chúng ta nhìn thấy hôm nay, thành quả của CNXH là những tòa nhà cao tầng ngút mắt, những sân gold xanh mượt cỏ ngút ngàn, những biệt xây thô không người ở mọc trên những cánh đồng bát ngát trơ gan cùng tuế nguyệt, những nẻo đường mịt mù khói bụi như nhịp sống hối hả khẩn trương, những vệt cao nguyên đỏ lòm sự chết v.v... Tất nhiên, có cả những đồng cỏ um tùm mà trước kia là những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay do chưa kịp xây dựng nên còn tạm bỏ hoang, hãy đợi đấy. Bao giờ nhiều tiền ta lại tiếp tục.
Muốn có tiền thì phải bán bớt tài sản của tổ tiên để lại, phải vay mượn thêm cho đủ rồi cũng phải biết cách ăn tiêu xả láng mà không bị mang tiếng. Phải biết tranh thủ sự giúp đỡ của nước bạn khổng lồ để cùng đào bới xới lộn thì mới có thể tiến lên CNXH được. Nói vậy để cho cánh nhân dân biết mà liệu ứng xử cho tốt đời đẹp đạo.
Lực lượng lãnh đạo cần phải có điều kiện sống thật tốt thì mới đủ sức kéo đầu tầu CNXH đi trên đường ray Mác-Lê. Trên hành trình này càng ít toa, ít hàng thì càng chạy nhanh tới đích. Ném bớt hàng cho đỡ nặng, cắt vài toa tàu cho nó đi nhanh âu cũng là lẽ thường. Do vậy mà sự hy sinh của nhân dân là hết sức cần thiết, nhân dân thủy điện Sông tranh 2 có thể sẽ nhận vinh dự đầu tiên.
Cần hiểu rằng thủy điện Sông tranh được làm ra không phải do dân đóng góp. Tiền của nhà nước cả, đất đai do nhà nước quản lý do đó nếu có sai sót thì đó là vấn đề của nhà nước. Trách nhiệm của nhân dân là phải ở lại bởi không thể để bộ máy điều hành thủy điện sống trong vùng heo hút mà lại không có dân cư được.
Động đất như hiện nay vẫn an toàn vì cho đến giờ đã có ai chết vì động đất ở Sông Tranh đâu mà lo. Lúc nào có sụt đất, sập nhà, chết người thì mới có bằng chứng về sự mất an toàn. Hơn nữa dân có hy sinh thêm vài chục ngàn nhân mạng thì càng nhẹ gánh. Đa số vùng Trà My là dân nghèo, mà đã là dân nghèo thì sẽ mang tiếng cho thiên đường XHCN, sẽ cản trở tiến bộ xã hội, sẽ làm giảm uy tín của quốc gia trên trường quốc tế. Vài trăm ngàn dân có bị chết do động đất Sông tranh thì cũng là trút đi gánh nặng cho nhà nước. Tổ quốc sẽ coi đó là sự hy sinh cao cả. Ngành địa chấn học nước ta sẽ có thêm bài học thực tế để rút ra kinh nghiệm, khi số kinh nghiệm rút ra ở một mức nào đó thì lúc ấy nghiên cứu địa chấn của nước ta sẽ đứng đầu thế giới.
Hãy biết hy sinh và đừng hỏi vì cái gì và vì sao.