Nguyễn Anh Dũng (Danlambao) - Chủ nghĩa cộng sản đã từng “VANG BÓNG MỘT THỜI”, khi mà mục tiêu xây dựng một xã hội không có giai cấp, không có nhà nước. Con người được tự do làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu! Đã làm mê hoặc lòng người để xây dựng nên một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.
Sự sụp đổ nhanh chóng của hệ thống các nước XHCN vào thập niên 90 của thế kỷ trước, đã minh chứng: Chủ nghĩa Mác-lênin chỉ là điều không tưởng, xa rời thực tiễn, trái với các quy luật vận động và phát triển của xã hội. Sự tồn tại của CNXH chỉ còn là một ký ức buồn và đã trở thành “THỜI XA VẮNG”.
Các thông tin mật thời XHCN được giải mã, lan truyền trên toàn thế giới đã làm cho mọi người bàng hoàng, trước sự thật phũ phàng đó. Chỉ cần lên mạng Internet, bằng một động tác nhấn chuột, người ta sẽ tìm thấy những thông tin đa chiều. Từ đó buộc phải suy nghĩ, liên tưởng và so sánh để rồi nhận ra chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản về cơ bản đều giống nhau. Có khác đôi chút chủ nghĩa phát xít điển hình là nước Đức quốc xã. Đã đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc và chống cộng. Còn chủ nghĩa cộng sản đặt lợi ích của Đảng lên trên hết và chống lại quốc gia, dân tộc một cách nham hiểm và tàn bạo, như công luận đã từng lên án.
Đảng CS lãnh đạo nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, bản tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Hồ chủ tịch đã dõng dạc tuyên bố: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đáp lời kêu gọi, người dân Việt Nam đã gửi gắm lòng tin vào Đảng, chịu đựng biết bao khó khăn, gian khổ và hy sinh để tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến chống ngoại xâm. Tưởng như đem lại hòa bình, độc lập cho Việt Nam vào năm 1954. Để rồi cho rằng đây là đỉnh cao huy hoàng, mà Đảng cộng sản đã thực hiện được. Thì nay đã trở thành một “THỜI XA VẮNG”.
Khi đã có chính quyền trong tay, với cơ chế độc tài. Đảng cộng sản đã tự cho mình cái quyền đứng trên hiến pháp và pháp luật. Hậu quả đã làm cho quốc gia, dân tộc lâm vào cảnh khốn cùng. Đặc biệt là nguy cơ Bắc thuộc lần nữa, đang diễn ra một cách nghiêm trọng.
Để cứu nguy cho chế độ, khôi phục lòng tin của nhân dân. Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nghị quyết TW 4, nghị quyết TW 5 khóa XI của Đảng xem ra cũng không mấy tác dụng. Bởi sự lộng quyền, tàn bạo của một số đảng viên là cán bộ từ trung ương tới địa phương lại được người đứng đầu, cấp trên trực tiếp bao che, dung túng bằng sự im lặng. Đã làm cho sự lãnh đạo của đảng, pháp luật của nhà nước trở nên vô nghĩa.
Vụ tham nhũng, lũng đoạn cả hệ thống tư pháp, do nguyên ủy viên trung ương đảng khóa X, chánh án tòa án NDTC. Chủ nhiệm ủy ban tư pháp của quốc hội Nguyễn Văn Hiện và đồng bọn, đã thực sự trở thành những phần tử khủng bố (Điều 84 Luật Hình sự) và đưa ngành tư pháp Việt Nam trở thành một trong ba ngành tham nhũng nhất thế giới (Báo Pháp Luật VN 11/12/2007).
Để che giấu cho những sai lầm, yếu kém của mình, đảng cộng sản thường hay nói đến sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Vậy nên hiểu vấn đề này như thế nào?
“Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (NQ TW 4, khóa XI). “Làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. (NQ TW 3 khóa X).
Như vậy đã rõ, thế lực thù địch, phản động không ở đâu xa lạ, mà đang hiện hữu ngay trong lòng chế độ. Bộ máy khổng lồ của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra dường như bất lực trước sự thật này. Trong khi đó lại luôn theo dõi bắt bớ, khủng bố, bỏ tù những người biểu tình nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những người dân oan khiếu tố tham nhũng. Những người cầu nguyện cho hòa bình, nhân ái và tự do tôn giáo. Những người bất đồng chính kiến. Đắc biệt tiếng nói của những người đấu tranh ôn hòa cho tự do, dân chủ và nhân quyền, tiêu biểu như các Blogger Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải...
Những người này là trí thức, những đảng viên CS bình thường, những người đã một thời là trụ cột của chế độ, những người cựu chiến binh, gia đình chính sách, còn lại đa số là người lao động. Đàn áp những người này tức là nhà nước cộng sản đã xâm phạm các quyền con người của “Giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” (Điều 4 HP).
Thực chất chiêu bài chống các thế lực thù địch, phản động chỉ là cái cớ để khủng bố, đàn áp những người dám nói lên những thói hư tật xấu, những tội lỗi theo luật định, của những người nhân danh Đảng và nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam.
Nền kinh tế khủng hoảng, sa sút một cách nghiêm trọng. Đạo đức xã hội xuống cấp, tội phạm có tổ chức phát triển trên mọi lĩnh vực. Quyền con người không được bảo vệ bởi chế độ pháp quyền, đời sống của người dân ngày càng khốn cùng. Thực trạng như trên đã “Kìm hãm sự phát triển của đất nước nhẽ ra có thể còn nhanh hơn nữa” (NQ TW 9, khóa IX). Đúng như nhà văn hóa, giáo dục Lê Quý Đôn, từ xa xưa đã cảnh báo về một xã hội:
“Trẻ không kính già,
Trò không trọng thầy,
Quan kiêu, tướng thoái
Tham nhũng tràn lan,
Sĩ phu ngoảnh mặt,
Xã tắc lâm nguy”.
(Báo Nhân Dân 17/10/2006)
Mong sao Đảng và nhà nước CS Việt Nam đã “Nói thì phải làm” (NQ TW 3, khóa X). Một khi quyền và nghĩa vụ công dân được thức tỉnh. Những gì mà nhà nước không làm thì nhân dân sẽ làm được: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Thiết nghĩ điều này cũng không khó khi biết dựa vào dân, để tìm lại sự thật đã “VANG BÓNG MỘT THỜI” và đừng để hình ảnh đó trở thành “THỜI XA VẮNG”.
Xin được mãn phép cố nhà văn Nguyễn Tuân, tác giả tác phẩm “VANG BÓNG MỘT THỜI” và nhà văn Lê Lựu, tác giả tác phẩm “THỜI XA VẮNG”. Để làm điểm tựa cho bài viết này.
Hà Nội, tháng 9, 2012