Vĩnh Hòa (Diễn đàn Công nhân) - Chúng tôi chỉ cần cơm ăn áo mặc, cần được đối xử tử tế không bị ngược đãi, đánh đập bởi giới chủ như hiện nay. Chúng tôi muốn được quyền nói lên chính kiến của chúng tôi, những người công nhân lao động. Chúng tôi cần người đại diện chính thức bảo vệ quyền lợi của chúng tôi, đó là Công Đoàn Độc Lập!. Chúng tôi đã thấy rõ bộ mặt của nhà cầm quyền cộng sản hiện nay, và tổ chức "công đoàn" quốc doanh tay sai của các ông rồi. Chế độ nầy là kẻ thù của giai cấp công nhân, nông dân và toàn thể người Việt Nam nói chung. Nhà nước nầy không vì lợi ích của người dân, mà ngược lại là kể bóc lột và cai trị thậm tệ nhất hơn cả sống dưới thời kì thực dân đô hộ.
Hỡi anh em Công Nhân! Nhiệm vụ của những người Công Nhân chúng ta bây giờ là vượt qua sự kìm kẹp và đàn áp của chính quyền, đập tan gông xiềng để tự giải phóng cho chính mình. Giai cấp Công nhân sẽ được giải phóng, dân tộc Việt Nam sẽ được giải phóng khỏi ách độc tài, đó là niềm tin tất thắng của tất cả chúng ta.
Nhọc nhằn đời công nhân
Một tuần qua, công ty tăng ca cả sáu ngày, ba ngày mười tiếng, ba ngày 12 tiếng, ngày chủ nhật làm tám tiếng. Những bữa ăn cầm hơi, làm cho tiếng dép cuối ngày kéo lê trên mặt đường nặng và dài hơn ban sáng. Phải trải qua 10 – 12 giờ chỉ đứng và đi, mới hiểu vì sao công nhân ở đây chọn cái tư thế ngồi rất xấu, lực dồn về mũi bàn chân, áp ngực và bụng vào đùi, cằm và tay kê đầu gối để giãn cơ và khớp. Nhưng ai cũng mong tăng ca nhiều để có thêm tiền.
Thú vui duy nhất mỗi ngày của Tráng là vừa ăn trưa
(cơm và rau trộn chung) vừa cho con ba ba lớn chừng lòng bàn tay vài hạt cơm.
Cơn đói vàng mắt
Mới 9 giờ 30 sáng, sau hai tiếng rưỡi làm việc, như bao người khác, mỗi khi rảnh đôi tay, bà Thành lại rờ bụng mình. “Đói chứ sao nữa!”, bà lẩm bẩm. Mà đói thật, cái bụng bắt đầu sôi ọc ọc mỗi khi đi uống nước, chẳng qua lúc bận tay người ta tạm quên đi. Ổ bánh mì hay tô bún lõng bỏng buổi sáng giờ đã tiêu đi đâu hết. Lúc này, Tráng móc nửa ổ bánh ăn tiếp, ăn lén vì bị cấm trong giờ làm việc.
Tốc độ làm việc bây giờ chỉ bằng hai phần ba của ban sáng, dù công việc cũng nhẹ nhàng. Các tổ, các chuyền bắt đầu rề rà, bước đi chậm chậm, cái đưa tay chuyền hàng, cái ngoái cổ nghe tiếng gọi cũng chậm. Tiếng bắn vít, tiếng cưa rọc, bào, chà nhám… thưa đi. Lúc này, nơi uống nước và nhà vệ sinh đông người hơn. Trong các tổ, bắt đầu đứng nghỉ vì một thành viên đi vệ sinh hay uống nước. Cầm ca nhỏ trong tay, bà Ba vặn vòi, nhưng khi nước đầy, bà lại đổ đi, hai ba lần mới uống, cách ngửa cổ và tiếng nuốt không phải của kẻ khát. Uống xong, bà treo cái ca cẩn thận và đi chậm như đếm bước trở lại chuyền. “Chậm chậm thôi chú!”, bà Ba luôn miệng nhắc nhở kẻ mới vô. Ở khu vệ sinh, năm cái toalét luôn đóng kín, người ta vô đó ngồi hút hết điếu thuốc khiến nhiều người phải đứng ngoài chờ, chờ lâu nhưng chẳng ai thấy khó chịu. Những lời khuyên rất chân thành và liên tục dành cho kẻ mới vô làm: “Cứ làm tàn tàn!”
10 giờ 30, trong xưởng đã nóng như lò lửa, lúc này cái đói đã không còn giấu hình hài, nó hiện lên xám xịt trên khuôn mặt của hơn trăm con người. “Hôm nay đói ghê! Đói vàng cả mắt!”, Tráng xoa bụng và lắc đầu trước lời mời làm điếu thuốc cho đỡ đói. Con mắt bây giờ, thay vì nhìn xuống bàn lại chỉ nhìn vào người quản lý xem họ đang ở đâu và nhìn vào cái đồng hồ treo ở đầu xưởng. Lời khuyên “chậm chậm” được thay bằng lời đề nghị như đuổi “sao không đi uống nước, toalét, không hút thuốc à, lâu một chút nhé…” Càng đến gần giờ nghỉ, mọi thứ càng rề rà như phim quay chậm, người đi ra khỏi vị trí nhiều hơn người đứng. Chỗ ít bị để ý, không đẩy hàng mới ra làm.
Nuôi bệnh
Tráng kể, căn bệnh viêm mũi, viêm xoang đã đeo vào người mấy năm nay, nhưng những tiếng ho khan suốt đêm, liệu chừng chỉ là viêm xoang hay mũi. Dù mỗi xưởng có đến ba dàn máy hút bụi khổng lồ hoạt động suốt ngày, bụi từ chà nhám, khoét mộng gỗ vẫn bay dày đặc, nhìn giống như sương mù. Ai cũng đeo khẩu trang, nón mũ nhưng lúc nào cũng khụt khịt. Chứng bệnh viêm hô hấp lan rộng, nhưng có lẽ là điều bình thường vì ai làm một thời gian cũng bị.
Cứ đến cuối giờ làm, mọi người tranh thủ đứng xúm xít ở chỗ vòi hơi xịt bụi, những mái tóc, lỗ mũi, quần áo bạc trắng. Vừa hỉ mũi, bà Trang, một công nhân chà nhám, vừa kể: “Chị bị lâu lắm rồi, tối về thở không được. Ban đầu còn uống thuốc, sau này bỏ luôn vì không tác dụng”. Sợ không tin, bà ngửa luôn cái khăn mặt vừa lau mũi ra, một vệt đàm mũi đặc quánh, màu vàng nhạt pha lẫn màu nâu.
Trong các công đoạn sản xuất ra bàn ghế, nguy hiểm nhất là khâu cắt và khoét mộng. Một công nhân ở khâu này tên Danh, ngừng tay, chỉ ba người gần đó và hỏi kẻ tò mò: “Có thấy họ đeo bao và một bàn tay lớn, một bàn tay nhỏ không? Tất cả đều bị máy cưa đứt đó! Hồi tháng trước, có một ông bị, may sao mới cụt ba ngón, còn lại ngón trỏ và cái. Hai người trước bị thương đã lâu, đều cụt hết bốn ngón”. Đấy là tai nạn nặng, còn dập tay (đút vào máy chà nhám) hay dăm gỗ, vít cắm vào người là chuyện thường. Hỏi thêm mới biết các máy cắt, khoan, chà nhám cũng an toàn, nhưng do công nhân làm ẩu, chủ quan nên mới bị tai nạn. Liên tưởng đến những bữa ăn mà năng lượng nạp vào không tương xứng với sức bỏ ra và những cơn đói cuối buổi của người công nhân nơi đây, mới hiểu, chuyện tai nạn rất dễ xảy ra. Đói mờ mắt làm sao tập trung.
Năm phút trước tan ca, đứng lùi lại chút để nhìn rõ hơn cái cổng xưởng, nơi gần một trăm con người đang nhấp nhổm chờ còi, mới thấy rõ cái vẻ tiều tụy, kết quả của những tháng ngày đói ăn, khát uống, mất vệ sinh. Đàn ông, thanh niên chỉ dăm ba người cao được 1,7m, hầu hết chỉ 1,6 trở xuống, ai cũng đều gầy gò trơ xương. Phụ nữ, những cô đang tuổi lớn và thời kỳ đẹp nhất của thời con gái ba vòng cứ phẳng lì, bà có tuổi bụng chướng to lên, như đang mang thai. Tất cả có một điểm chung là màu da xam xám, dấu hiệu của bệnh hô hấp và những bàn chân gân guốc, to bè vì đứng nhiều.
Bịch rác hai ngày quên chưa vứt của Hoa Định:
hai vỏ trứng, một hộp cá và bịch mì gói sau tăng ca.
Ở cùng chuột, gián
Trở về phòng trọ sau một ngày bụi bặm, Tráng nhường kẻ mới vào làm tắm trước. Dưới ánh đèn mờ mờ, cái nhà tắm công cộng rộng 80cm, dài 4m, sâu như cái hang và nồng nặc mùi chất thải. Trên trần mạng nhện giăng kín, tường rêu xanh đen, nền xi măng đã tróc gần hết lấp xấp nước vì nghẹt lỗ thoát, chuột và gián thi nhau sục sạo, giành chỗ. Trong cùng, chiếc bồn cầu nhiều màu đã vỡ, phân và giấy vương vãi. Chiếc vòi cấp nước tắm duy nhất trên đỉnh đầu buộc ai tắm cũng phải gội. Tới lượt, Tráng bước vào, trên tay chỉ có bịch dầu gội giải quyết từ đầu tới chân, cậu ta không dùng xà bông.
Tôi ngồi tại phòng bà bầu Hoa Định tán dóc trong khi chờ Tráng loay hoay nấu bữa cơm tối. Đóng cửa thì ngại, nên cô Hoa Định phân công tôi ngồi luôn ngay cửa ra vào để đuổi lũ chuột hay mò vào phòng, còn gián thì vô phương, thỉnh thoảng, một con lại bay đánh xè vào tường. Cái chỗ nằm của cô và của em bé tương lai chỉ rộng chừng 1,2m, nó vốn là chỗ tắm được cải tạo lại. Muốn vào ngủ, chỉ có thể bò, không khéo đầu sẽ đụng trần.
9 giờ 30 tối, Tráng mắc mùng, tắt đèn và đóng chặt cửa để chống trộm và chuột, gián bò vào. Phòng trọ hơn 8m2 bỗng thành cái hòm. Chỗ đáng ra để nằm lại là nơi dựng chiếc xe máy Tàu cũ kỹ. Góc gần quạt lại để đồ, thành thử hai thằng đàn ông phải nằm sát lại nhau. Đầu đụng đám quần áo treo ở trên, chân thỉnh thoảng chạm vào cái thau hay cái nồi rách. Chiếc quạt chỉ còn trơ cánh quay như xua ruồi. Phòng trọ thành phòng xông hơi dù trên người hai đứa chỉ còn cái quần cụt. Cả đêm hôm ấy Tráng ho, tiếng ho khan như có cái gì đó đang mắc nghẹn trong cần cổ, trong lồng ngực lép kẹp.
Bài và ảnh: Vĩnh Hòa