Động đất Thuỷ điện Sông Tranh 2: "Dân hoang mang vì quá kém hiểu biết" (!?) - Dân Làm Báo

Động đất Thuỷ điện Sông Tranh 2: "Dân hoang mang vì quá kém hiểu biết" (!?)

Trần Phong (Infonet) - Chiều 12/9, đoàn khảo sát của Bộ KH-CN do Tiến sĩ Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu làm trưởng đoàn đã báo cáo kết quả khảo sát với UBND tỉnh Quảng Nam sau 4 ngày thực tế hiện trường tại các huyện liên tục xảy ra các đợt động đất trong thời gian qua.

Dân gây hoang mang vì quá kém hiểu biết (!?)

Theo đó, qua 4 ngày khảo sát tại 5 huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Phước Sơn cho thấy các trận động đất lúc 20h47 ngày 3/9/2012 gây nên chấn động cực đại là cấp 6 (theo thang MSK64). Vùng chấn động cấp 6 kéo theo phương Tây Bắc – Đông Nam dài khoảng 20km, chiều rộng khoảng 10km bao gồm cả khu vực đập thuỷ điện Sông Tranh 2.

Tiến sĩ Lê Huy Minh cho rằng diễn biến của động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 là bình thường như ở các khu vực thủy điện khác. Tuy nhiên ông cũng cho biết, động đất khu vưc thủy điện này chưa có dấu hiệu suy giảm về độ lớn cũng như về tần suất động đất.

“Khi hồ thủy điện tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới đập vỡ và do đó làm giảm độ bền cắt của các đất đá trong đới. Khi đứt gãy hoạt động đã ở trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền cắt của đất đá trong đới đứt gãy dẫn tới việc xảy ra dịch trượt làm cho động đất phát sinh. Vì lý do này, động đất kích thích do hồ chứa thường xảy ra tại lân cận vùng hồ. Các động đất tại Bắc Trà My cũng xảy ra quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2” - Tiến sĩ Minh lý giải.

Vậy nhưng ông cũng thừa nhận rằng, những chấn động gần đây lớn hơn, rộng hơn rất nhiều. So với các lần trước đây chỉ có ở một số địa điểm ở huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My thì nay đã lan rộng ra các huyện lân cận. Trong tương lai, có thể sẽ xuất hiện động đất lớn hơn nữa nhưng sẽ không vượt quá 5,5 độ richter.

TS Lê Huy Minh phát biểu tại cuộc họp, bên phải là TS Ngô Thị Lư - Ảnh: Trần Phong


Ông Lưu Thế Biểu, Phó trưởng Ban Xây dựng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tại hồ thủy điện Hòa Bình từng xuất hiện động đất kích thích 4,8 độ richter sau khi tích nước được 6-7 tháng. Nhiều động đất nhỏ hơn còn theo dõi được đến 4 – 5 năm sau với tần suất và độ lớn giảm dần, nhưng vẫn không ảnh hưởng gì đến an toàn của đập. Ông Biểu cũng cho rằng, việc động đất thời gian vừa qua hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc tích nước sắp tới của đập thủy điện sông Tranh 2.

Theo ông Lê Quang Thành, Vụ phó Vụ Khoa học tự nhiên (Bộ KH-CN), Bộ đã có quyết định phê duyệt triển khai đề tài “Nghiên cứu động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh”. Đề tài sẽ được triển khai trong thời gian tới với việc lắp đặt 5 trạm địa chấn để theo dõi tình hình hoạt động động đất, đánh giá xu thế hoạt động động đất kích thích trong khu vực, nghiên cứu chi tiết các điều kiện địa chất và địa động lực phục vụ việc đảm bảo an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2.

Về sự hoang mang của người dân do động đất vừa qua, Tiến sĩ Ngô Thị Lư (Viện Vật lý địa cầu) cho rằng "người dân quá kém hiểu biết về động đất nên gây hoang mang dư luận". Bà nói: “Động đất vừa qua trở nên vấn đề nóng bởi sự cộng hưởng của các yếu tố khác nhau, trong đó kiến thức của người dân về động đất rất yếu kém. Họ ứng phó với động đất một cách thiếu kiến thức. Bên cạnh đó, do báo chí khi phản ánh tình hình đã dừng nhiều thuật ngữ không đúng chuyên môn làm cho người đọc hiểu lầm, thấy rằng động đất vừa qua rất nguy hiểm, nhưng thực chất lại không có gì…”.

Chỉ còn 1% không an toàn cũng không cho tích nước

Đáp lại, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam Trần Xuân Thọ không đồng ý với ý kiến cho rằng người dân không có kiến thức về động đất. Ông nói thẳng: "Hãy đặt mình vào vị trí của người dân để hiểu họ nghĩ gì. Đừng bao giờ áp đặt kiến thức của mình lên họ. Họ là người dân, không thể đòi hỏi họ có hiểu biết như các nhà khoa học. Lâu nay họ xem trên truyền hình, hễ động đất là chết người, hết Nhật Bản đến Trung Quốc, cứ động đất có nghĩa là thảm họa. Vậy sao không sợ? Bộ nói sẽ triển khai đề tài “Nghiên cứu động đất kích thích khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh” trong 3 năm nữa. Có nghĩa chúng tôi phải đợi đến 3 năm nữa mới có thể biết được rõ ràng tình hình hay sao?”.

Ông Thọ cũng bày tỏ quan điểm về an toàn của đập thủy điện sông Tranh 2. Đang có sự bất thường ở chỗ, như các nhà khoa học đã nêu, động đất ở thủy điện Hòa Bình ngày càng giảm về cường độ, mật độ sau khi tích nước, nhưng động đất thủy điện Sông Tranh 2 thì ngược lại, ngày càng lớn dần, dày đặc hơn.

“Nên nhớ đây là sự cộng hưởng của thảm họa kép, vừa động đất vừa chất lượng công trình không đảm bảo chứ không đơn thuần chỉ là động đất. Vì vậy cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định cho tích nước để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân ở hạ lưu. Người dân không tin tưởng cũng đúng thôi. Một công trình cả mấy ngàn tỉ đồng, mới tích nước mấy ngày đã xảy ra sự cố, nay lại xảy ra động đất liên miên, làm sao họ tin? Việc khắc phục sự cố thì nên công khai để người dân biết, đằng này lại đóng cửa với báo chí, vậy làm sao họ tin? Chính bản thân tôi cũng nghi ngờ huống gì họ!" - ông Thọ nói.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Nam Trần Xuân Thọ: "Hãy đặt mình vào vị trí của người dân để hiểu họ nghĩ gì!" - Ảnh: Trần Phong


Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My yêu cầu một "sự khẳng định chắc chắn để có thể giải đáp với người dân", bởi chính quyền địa phương đang nợ họ câu trả lời này. Trong nhiều ngày qua, hệ lụy từ sự việc này để lại những dư âm hết sức trầm trọng trong dư luận. Sự an nguy tính mạng người dân phải đặt lên hàng đầu. Đây là nỗi lo kép về động đất và cả hồ nước khổng lồ đang treo lơ lửng trên đầu người dân.

Bí thư UBND Tỉnh uỷ Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cho hay chưa thể yên tâm với những kết quả mà đoàn khảo sát đã nêu ra. Theo ông, điều đầu tiên phải nói đến chính là sự an toàn của đập thủy điện, an toàn của người dân. Hiện vẫn chưa có sự thống nhất giữa các nhà khoa học trong cả nước về vấn đề của thủy điện, động đất ở Sông Tranh 2. Người bảo an toàn, nhưng người lại cảnh báo nguy cơ.

Ông nêu rõ: "Chính sự không thống nhất đó làm cho người dân cũng như chính quyền không thể yên tâm. Lẽ ra nhà thầu, chủ đầu tư cần phải có trách nhiệm ngay cùng với địa phương khắc phục hậu quả. Có như vậy mới làm cho người dân yên tâm, ít ra cũng thấy được rằng chủ đầu tư có trách nhiệm với những hậu quả mà họ phải gánh chịu. Đằng này cứ bỏ rơi họ, không có trách nhiệm thì không trách được chuyện họ không tin tưởng…”.

Với tư cách chủ trì cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh yêu cầu: “Phải hết sức thận trọng trong việc xử lý, bởi đây là vấn đề liên quan đến hàng ngàn người dân Quảng Nam. Nếu chỉ còn 1% không an toàn thì tỉnh cũng đề nghị không cho tích nước vào hồ thuỷ điện Sông Tranh 2. Đây là vấn đề lớn, mang tầm quốc gia chứ không riêng gì Quảng Nam nữa!”.

TRẦN PHONG 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo