Thời của những tên “khùng bố” lộng hành trên mặt đất - Dân Làm Báo

Thời của những tên “khùng bố” lộng hành trên mặt đất

Trương Đức (Tiền Vệ) - Nỗi sợ ở Việt Nam ngày nay như một bóng ma, ám ảnh ngay chính những kẻ gây ra nỗi sợ... Những kẻ ấy là những “thằng” nào “dzậy” cha nội? Nói nghe coi! Hehe, thời xưa thì mình không biết gọi là gì, nhưng thời nay, mình gọi chúng là “những tên khùng bố”... “Khùng” hay “khủng”? Khùng! Cha nội có “khùng” không đấy? Làm gì có từ “khùng bố”!? 

“Tôi làm đồng bào thấy rõ không?”  - Trương Đức 

Dạo này mình lại bận bịu với một câu hỏi trong đầu: Câu hỏi nào là một câu hỏi lớn? Và sau khi xem lễ bế mạc Thế vận hội Olimpic London 2012 vừa rồi, thì mình thấy, một trong những câu hỏi lớn nhất cho nhân loại, có lẽ là câu hỏi của Shakespeare: “To be or not to be”, “(Chúng) ta tồn tại hay không tồn tại?”! Đây thật là một câu hỏi lớn, và, mãi đến bây giờ loài người chúng ta vẫn chưa trả lời được. Và mình cũng thấy, một trong những yếu tố làm cho câu hỏi trở thành... “lớn”, chính là điều này, tức là sau một thời gian khá dài vẫn chưa tìm ra câu trả lời xác đáng! 

Đấy là nói về loài người trên thế gian này nói chung, thế còn riêng với người “An Nam” ta thì sao? Có câu hỏi gì “nhớn” không? Người Việt Nam chúng ta chắc chắn cũng có những “câu hỏi nhớn” cho mình. Mình có thể liệt kê ra đây vài câu theo cái “bộ sưu tập” của mình, ví dụ như câu hỏi (nghe nói của Lý Thường Kiệt), rằng “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?” (Cớ sao lũ giặc (Tàu) sang xâm phạm?), hoặc câu hỏi (một thời vang bóng) của chị Hoài rằng “talawas?(Ta là ai?)”, v.v... 

Này cha nội, thế câu hỏi của “cụ” Hồ là “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” không phải là câu hỏi “nhớn” à? 

Hehe, đúng, đó không phải câu hỏi “nhớn”, bởi vì đồng bào hồi đó đã trả lời ngay tắp lự rằng “Có!”, một câu hỏi mà dễ trả lời như thế, không phải là câu hỏi “nhớn”! 

Ờ, ờ, thôi được rồi, nói tiếp đi cha nội! 

Hehe, thế này nhé, mình nói về các câu hỏi lớn của loài người, chẳng qua là mình nghĩ thế này, cuộc sống của chúng ta trên trái đất này, xét cho cùng, cũng chỉ là một cuộc “đi tìm các câu trả lời” cho “những câu hỏi lớn” do chính con người chúng ta đặt ra. Bởi vì từ xa xưa, ngay như chính Adam và Eva, khi đứng trước quả táo “trái cấm” trên thiên đàng, họ đã chẳng phải hỏi rằng “to eat or not to eat?” đấy thôi! Và tại sao họ đã ăn? (Đây cũng là một câu hỏi lớn!) thì mãi đến bây giờ chúng ta cũng vẫn chưa trả lời được, hihi... 

Ờ, ờ, thì con người từ sinh ra cho đến chết đi, lúc nào mà chẳng phải hỏi, cái gì đây, có ăn được không, tại sao lại thế, ai đấy, ...? Nhưng đó là bản tính tò mò của con người mà, cha nội không biết à? 

Haha, biết chứ, biết chứ! Những gì mình biết thì mình nói là biết, những gì mình không biết thì mình nói là không biết, mình không phát biểu bừa bãi lung tung đâu, hehe! 

Để mình nói tiếp. Con người chúng ta hay đặt ra các câu hỏi, bên cạnh lý do là do bản tính tò mò, còn có một nguyên nhân “sâu xa” hơn nữa là vì con người chúng ta quá... “khù khờ”, như bác Khuất Đẩu có nói trong một bài viết của bác ý. Tức là vì quá “khù khờ”, không biết gì, nên mới phải hỏi! 

Tất nhiên mình không phải có ý nói rằng “cụ” Hồ hồi cái gọi là “khai sinh ra nước VNDCCH” 2-9 năm 1945 đứng giữa Ba Đình “lịch sử” có hỏi rằng “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, thì lúc ấy do “cụ” “khù khờ”, không biết gì, mà mình muốn nói, cái sự khù khờ của “cụ” chính là khi “không biết” nhưng lại nói là “biết” cơ! Đây nhá, cái câu nói nổi tiếng của “cụ”: “Không có gì quí hơn độc lập tự do”, chắc chúng ta ai cũng “biết”, ít nhất nghe qua hay đọc được một lần, nhưng chính nó cho chúng ta biết một điều rằng: “cụ” cha nội này... “khù khờ” thật, ở đời có khối điều “quí hơn độc lập tự do” đi ấy chứ, chẳng hạn như “sự sống” hay nói theo Shakespeare là “to be” chẳng hạn, đúng không?! Hoặc mình có thể lấy ngay cái “sự sống” của nhân dân Bắc Triều Tiên ra làm ví dụ: họ vẫn phải đánh đổi “độc lập tự do” với sự “to be” của họ, tức là “độc lập tự do” đối với họ chẳng là cái gì cả, báu gì, thèm vào, đếch cần, “sống khù khờ” cái đã! 

Nhưng đối với những con người “khù khờ” thì họ có biết “độc lập tự do” là gì đâu mà cha nội nói như thế? 

Hehe! Đã hẳn là như thế, nhưng chính những kẻ phát ngôn - trong trường hợp này là “cụ” Hồ - cũng có biết “độc lập tự do” là cái khỉ mốc gì đâu mà nói, mà phát biểu?! Cái sự không biết nhưng cứ oang oang là biết, không là “khù khờ” thì là gì hả trời?! 

Nói dông nói dài như thế, chẳng qua mình muốn nói lên một điều như thế này: Làm người sống ở trên đời, không nên ba hoa khoác lác, biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, thế mới là biết! (Hehe, mình trích lời Khổng Tử ra đây cho nó... oách một tí, nhá!). 

Đùa một chút, mình xin quay lại “vấn đề” câu hỏi lớn. Tức là mình muốn nói về một điều như thế này: Thế giới ngày nay, các bạn chắc cũng biết, bị bao trùm một nỗi sợ hãi khôn nguôi, sợ về khủng hoảng kinh tế, sợ về khủng bố chiến tranh, sợ về “chính chị chính em”, sợ về “đa đảng đa nguyên”, sợ về “nói thế nó đập tao chết”, sợ về “một bộ phận sâu bọ không nhỏ”, sợ về đói khát bệnh tật, sợ về tương lai mù mịt, v.v... và v.v... Riêng ở Việt Nam, nỗi sợ có vẻ... “mãnh liệt” hơn, bóp nghẹt từng hơi thở của mỗi con người, nỗi sợ “hoành hành” bao trùm lên khắp đất nước, len lỏi vào từng lớp học, chui rúc vào từng bộ óc của trẻ thơ, như anh Viện có “ghi chép” lại trong một bài thơ của anh, bài “Mày có sợ tao không?” đăng trên Tiền Vệ năm nào... 

“Mày có sợ tao không?” là một câu hỏi lớn đấy cha nội nhỉ? 

Hehe, tất nhiên rồi! Ngay anh Viện cũng có trả lời được đâu, nghe hỏi “Mày có sợ tao không?” anh Viện “không dám trợn mắt, chỉ quay đi” đấy thôi! 

Hehe, sợ nhỉ, rồi, nói tiếp đi cha nội! 

Nỗi sợ ở Việt Nam ngày nay như một bóng ma, ám ảnh ngay chính những kẻ gây ra nỗi sợ... 

Những kẻ ấy là những “thằng” nào “dzậy” cha nội? Nói nghe coi! 

Hehe, thời xưa thì mình không biết gọi là gì, nhưng thời nay, mình gọi chúng là “những tên khùng bố”... 

“Khùng” hay “khủng”? 

Khùng! 

Cha nội có “khùng” không đấy? Làm gì có từ “khùng bố”!? 

Hehe, có, có chứ, “máu gòe” và “máu góe” dưới ngòi bút anh Viện còn có nữa là! Mới cả mình đọc được trong cuốn tiểu thuyết “Thời của những tiên tri giả” của anh ấy câu này: “Đừng tin những gì thằng khùng nói. Hãy nhìn kĩ những việc thằng khùng làm”. Có thể nói, cuộc sống trên trái đất này của loài người chúng ta đã bị những tên “khùng bố” hạng nặng tàn phá, làm cho càng ngày càng trở nên hoang dã, mông muội. Các nền văn minh mà con người ước vọng đạt tới mãi mãi ở phía trước, bởi vì nếu có người xây nên được một tí, thì ngay lập tức có một tên “khùng bố” xuất hiện phá đổ trong giây lát! Những tên “khùng bố” luôn treo biển “cách mạng” để “lôi kéo” được “đám đông khù khờ” đi theo chúng. “Đám đông khù khờ” không biết rằng “cách mạng” cũng là “án mạng”, chỉ khác nhau về số nhân mạng bị giết hại, bị chết oan uổng... 

Nghe ghê răng nhỉ, nhưng không có cách gì để giải thoát khỏi bọn “khùng bố” hả cha nội? 

Có trời mới biết được! Bởi vì hàng năm những tên “khùng bố”, cứ đến ngày 2 tháng 9 chúng lại làm lễ “tiếp sức” cho “bóng ma” của “cha già” của chúng, hòng “bóng ma” ấy “đ(ư)ời đ(ư)ời sống mãi trong sự nghiệp của chúng”!





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo