"Thủy điện Sông Tranh 2 chỉ làm dân khổ!" - Dân Làm Báo

"Thủy điện Sông Tranh 2 chỉ làm dân khổ!"

Trung Việt (PNO) - Trận động đất lúc 9 giờ 7 phút sáng 7/9, theo người dân địa phương sống gần thủy điện Sông Tranh 2, là lớn hơn rung chấn đêm 3/9. Anh Hồ Văn Mạnh, trưởng thôn 2, xã Trà Đốc, nơi sát lòng hồ cho biết: “Li uống nước trên bàn rớt hết xuống đất, đợt động đất này lớn nhất từ năm ngoái đến giờ. Sợ lắm”.

Nhà anh Mạnh bị nứt vì rung chấn ngày 3/9, thêm trận động đất sáng nay, vết nứt lớn hơn. Khu vực nứt nhiều nhất là khu tái định cư thôn 2 Trà Đốc. Nhà anh Phạm Văn Thắng bị một vết nứt dài 4 mét từ chân tường nhà lên nóc. “Ôi, không biết nhà sập lúc nào đây. Cả xóm tui nhà nào cũng bị ảnh hưởng. Sáng nay đang ăn cơm nghe tiếng nổ to lắm, rớt chén, đổ cả nồi canh”. Nhà bà Phạm Thị Giỏi, mái tôn bị bật tung. Anh Mạnh cho hay, nhiều người không dám đi rẫy vì...sợ chết. Tối, sang ngủ nhờ nhà gỗ của hàng xóm chứ không dám ở nhà gạch. Cả thôn có 147 hộ, ai cũng lo. Một giáo viên của Trường mẫu giáo Hoa Phượng, kể : Bọn trẻ khóc thét cả buổi. Hễ nghe tiếng nổ là cô trò ôm chặt nhau.


Nhà anh Phạm Văn Thắng nứt từ chân đến đầu tường

Cũng trong ngày 7-9, tại UBND xã Trà Bui, nhiều người đang tập trung nghe Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Trà My tổ chức buổi nói chuyện thời sự về tình hình biển đảo, trận động đất xảy ra gây tình trạng hỗn loạn, mọi người tranh nhau chạy xuống cầu thang, bởi hội trường rung lắc dữ dội. 

Ông Nguyễn Thế Tài - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My nói : “Cần phải xem lại Thủy điện Sông Tranh 2. Công trình này tạo nên quá nhiều vấn đề bức xúc cho địa phương, rốt cuộc chỉ dân là khổ. Chất lượng đập kém, công trình phụ trợ trường học, đường giao thông, nhà tái định cư… mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng. Dân mất đất sản xuất, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống cũng mất . Đập chính thấm, chảy nước ...người dân chưa hết lo lắng thì lại bàng hoàng vì động đất. Sắp tới, nếu cấp trên không giải quyết rốt ráo thì huyện sẽ kiến nghị Chỉnh phủ bỏ hẳn công trình thủy điện này để dân đỡ khổ”.


Bà Phạm Thị Giỏi: “Khổ lắm, nhưng biết đi đâu sống bây giờ?”


Ông Hồ Văn Mạnh: “Dân làng không dám đi rẫy, tối không dám ngủ ở nhà”

Mùa mưa đã bắt đầu. Bắc Trà My vốn là nơi có lượng mưa lớn nhất Quảng Nam, nên chỉ cần mưa to 2 ngày là xảy ra tình trạng lụt, nên phương án phòng chống lũ lụt rất nghiêm ngặt. Thế nhưng theo huyện đội Bắc Trà My, đến lúc này, phương án phối hợp giữa Thủy điện Sông Tranh 2 với địa phương mới dừng lại ở cung cấp thông tin, còn phương án cụ thể, trang bị, lực lượng là chưa có. Cái cần trước mắt là bản đồ ngập lụt bên Thủy điện vẫn chưa cung cấp, thì địa phương sẽ bị động khi vỡ đập, khó xác định được điểm cao để tập kết dân. Tại khu vực này tập trung nhiều trường học cao tầng, nếu không có phương án phòng ngừa, truyên truyền cho học sinh, khi có sự cố động đất lớn, sẽ cực kỳ nguy hiểm, nên giáo viên cần được tập huấn để hướng dẫn cho các em.


Đến chiều 7/9, chân đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đang được công nhân gia cố vì sụt lún sau động đất

Chiều ngày 7/9, đoàn công tác gồm các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Viện khoa học công nghệ, Viện Vật lý địa cầu đã đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thông báo kế hoạch làm việc tại huyện Bắc Trà My bắt đầu từ ngày 8/9. Theo đó, đoàn sẽ tiến hành khảo sát, kiểm tra hiện tượng động đất ở Bắc Trà My và các huyện lân cận. Dự kiến, ngày 12/9 đoàn sẽ có văn bản báo cáo, giải thích với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Bắc Trà My về hiện tượng động đất, rung chấn.

TRUNG VIỆT


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo