Tìm thịt cho bữa cơm học sinh - Dân Làm Báo

Tìm thịt cho bữa cơm học sinh

Xuân Trường – Vũ Tân (Dân Việt) - Bữa cơm có thịt? Ở Thu Lũm, các nhà trường cố cho các cháu tuần 2 bữa, ở Ka Lăng tuần 1 bữa, ở Tá Bạ có lẽ phải 2, 3 tuần một bữa. Học sinh bán trú ở Tá Bạ còn thiếu cả bộ quần áo chỉn chu cho buổi lên lớp, suất cơm với 2 con cá khô được khen “ngon hơn ở nhà”.

Đại gia đình nghèo hiếu học

Bản Ka Lăng hôm nay còn được gọi là bản hiếu học. Trong khu bán trú, nội trú ở trung tâm xã Ka Lăng (huyện Mường Tè, Lai Châu) có đến cả chục “gia đình” nhỏ với 3-4 anh, chị em người bản Ka Lăng đến ở để theo học. Chuyện học ở Ka Lăng đã có truyền thống từ những năm 1960, thời ấy đã có những gia đình chấp nhận ăn sắn, ăn củ rừng để dành gạo cho con đi 2-3 ngày đường về huyện học cấp 2, hay đi cả tuần về tỉnh học cấp 3.

Học sinh Trường PTDT bán trú xã Tá Bạ đang cố viết lại nét chữ của cô giáo.

Cụ Lỳ Po Hừ năm nay 77 tuổi là một trong những người như thế. Cụ Hừ có cái may được đi bộ đội, xuất ngũ năm 1962. Những năm trong quân ngũ giúp cụ hiểu cái chữ quan trọng với đời người, để quyết nuôi các con được học hành. Cựu quân nhân Lỳ Po Hừ không có gì hơn sức khỏe, để chăm chỉ hơn người khác, làm mọi việc nuôi các con.

Thời ấy, Ka Lăng vẫn còn đói nặng, mùa đói mỗi năm 4-5 tháng. Những mùa đói ấy, vợ chồng cụ ăn sắn, củ rừng, nhường gạo cho 6 người con mang đi ăn học. Đường học thật dài, những năm con đi học là những năm nhà cụ dù chăm chỉ vẫn “nghèo xơ xác”.

Gia đình cụ Hừ nay thuộc loại sang nhất bản, trong 6 người con đã có 2 người tốt nghiệp đại học, cậu con út đang học năm thứ 2 Đại học Luật (Hà Nội). Nhà cụ Hừ sang còn vì lẽ những dịp tết, cúng bản, nhà cụ có đông bạn bè của con về chơi (với tục mến khách của cộng đồng người Hà Nhì, đông khách còn quý hơn giàu có). Chuyện đi học, cụ bảo “như ăn quả mắc kham vậy, trước thì chát sau ngọt, ngọt mãi”. Lớp trẻ hôm nay ở Ka Lăng nhìn vào những nhà như nhà cụ Hừ mà chịu khổ, quyết tâm đi học.

Hiếu học bậc nhất ở Ka Lăng nay phải kể đến nhà Lỳ Gạ Xá. Anh Xá năm nay 32 tuổi, bố mẹ cùng mất năm 2011, để lại cho anh 3 người em đang đi học, cùng với 3 đứa con anh là 6 người đi học. Xá bây giờ cũng vào loại nghèo nhất nhì bản, gia tài quý nhất có cái TV bố mua từ 10 năm trước. Anh cũng giống cụ Hừ năm xưa ở chỗ chăm làm. Làm ruộng, làm thuê, việc gì vợ chồng anh cũng nhận quyết cho em, con “học hết chữ”. Nhà nghèo nhưng vào năm học, cả 6 đứa em và con anh đều có quần áo mới. Hơn 2 triệu đồng sắm sửa, số tiền ấy vợ chồng anh phải tranh thủ làm thuê trong 3 tháng.

Tìm thịt cho học sinh

Nếu so về giá cả, hàng hóa, nhất là thực phẩm thì vùng Thu Lũm, Ka Lăng, đắt gấp rưỡi, gấp đôi nơi khác. Gạo thường 15.000 đồng /kg, thịt 140.000 đồng/kg, trứng 4.000 đồng/quả... Tiền Nhà nước trợ cấp cho học sinh bán trú 420.000 đồng/em/tháng, trừ tiền gạo, thức ăn, các cháu còn 4.000 đồng/bữa.

Chuyện lo cho các em được ăn thịt đúng là thách đố các thầy cô. Không có miếng thịt cũng khó ổn khi các em đang tuổi lớn. Đưa ra bàn chuyện huy động phụ huynh góp gạo, Trường THCS Ka Lăng chịu, vì nếu phải góp thì không ít em sẽ nghỉ học.

Cuối cùng cũng có cách, miếng thịt tìm thấy trong... ngày nghỉ học. Những ngày các em về nhà, gia đình nuôi, đó cũng là đã góp. Số tiền không nấu ăn ngày nghỉ đó đủ để nhà trường lo cho các em mỗi tuần 1 bữa cơm thịt.

Anh Bùi Văn Ái - cán bộ y tế học đường kiêm “bếp trưởng” của khu bán trú Trường THCS Ka Lăng nói rất thật: “Thịt không nhiều đâu, phải kho thêm với đậu, các em mới được gắp đẫy tay một tý”. Với Trường THCS Thu Lũm, dân khá giả hơn nên góp được gạo, các em mỗi tuần thêm được bữa thịt nữa.

Tìm thịt khó nhất là ở Tá Bạ, giá hàng ở đây đắt gấp rưỡi Ka Lăng, các thầy cô cũng thiếu thịt. Thầy cô ở điểm bản muốn ăn thịt phải mua gà mang vào. Thịt lợn phải mua tận xã Mường Tè hoặc vào xã Ka Lăng, đều cách bản trung tâm Tá Bạ 50-60km. Nhắn người chở thực phẩm vào bán thì “thịt đắt như nhung hươu, rau đắt như thuốc” - thầy Lê Hoài Phương - Hiệu phó nhà trường ví.

Bữa cơm của cả thầy lẫn trò ở Tá Bạ cứ cá khô toàn tập. Học sinh bán trú ở Tá Bạ phần lớn là người La Hủ “đói quen rồi”, ăn cơm với cá khô khen “sướng hơn ở nhà”. Miếng thịt cho bữa cơm học sinh ở Tá Bạ - “thôi thì đầu cá vá đầu tôm, tuần không được thì hai tuần, ba tuần phải cố cho các cháu một bữa” - Hiệu trưởng Nguyễn Anh Dũng tâm sự.



*

Đường chữ qua rừng đói 

Xuân Trường - Vũ Tân (Dân Việt) - Giữa đại ngàn, cuối trời Tây Bắc có những con đường chỉ có giáo viên đi, người ta gọi ấy là đường chữ. 

Trên con đường chữ có nước mắt, nụ cười và cả tình yêu đôi lứa, nuôi cho dòng chữ chảy về các bản nghèo, nơi chỉ có hai mùa no – đói...

Những con đường không dấu

Sướng vì còn một nửa cái khổ

Giáo viên ở vùng Bắc Ka Lăng nay là xã Tá Bạ, huyện Mường Tè (Lai Châu) bảo chúng tôi: “Bây giờ sướng nhiều rồi”. Sướng vì đã có con đường mới mở vào đến bản Tá Bạ, trung tâm xã. Con đường dù đi phải thủ thêm bộ dây xích quấn vào bánh xe chống trượt, cũng bớt được 1 ngày đi bộ, “sức không bị kiệt”.
Các thầy giáo ở Trường dân tộc bán trú xã Tá Bạ trên đường đến điểm trường Nhóm Pó.

Một ngày đầu tháng 9.2012, khởi hành từ bản Tá Bạ, chúng tôi cùng các thầy giáo đi Nhóm Pó, Vạ Pù, hưởng cái sự “sướng lắm”. Trang bị đi bản mà như đi thám hiểm, mang tất cả mọi thứ, quần áo, tất chân phải cẩn thận, chặng đường này cũng là vương quốc của ruồi vàng và vắt. Sau một ngày đến bản Nhóm Pó, tôi đếm mình bị 19 nốt vắt cắn, vẫn thua xa “kỷ lục” của thầy giáo Lò Văn Xanh lập tháng 9.2011, với 51 vết vắt cắn.

Ra khỏi bản Tá Bạ bắt đầu leo núi, ngọn núi ngửa mặt trông lên, mệt, mấy lần muốn đứt hơi mới lên tới đỉnh, trập trùng núi trước mặt. Thầy Chu Chu Cà chỉ về ngọn núi xa tít: Nhóm Pó ở đó, bên phải cách đó… ít ngọn núi đến Vạ Pù.

Tụt dốc, bắt đầu chặng đường rẽ cây đi, đang giữa mùa mưa, cỏ gianh, lau, cành cây phủ kín lối. Không đủ sức phạt cây, nhiều đoạn mấy anh em tôi bò trong rừng. Bò xuống cứ quay đầu mà tụt, chân người sau đạp mặt người trước, vắt theo tay mà lên vào nách, vào ngực. Lúc nghỉ theo vết máu trên áo mà lần, thấy sản phẩm ngay.

Lúc đầu còn sợ, sau quen cứ tóm chú vắt ngoe nguẩy để cười. Gần nửa chặng đường đi Nhóm Pó phải lần theo lòng suối, không có một dấu vết nhỏ của con đường, tôi đã hiểu tại sao các giáo viên chuẩn bị kỹ thế. Chặng này mà gặp lũ, thoát mất mạng thì tiến không được, lùi cũng không xong, chỉ có ngủ rừng. Hơn 4 giờ chiều, chúng tôi ở trên đỉnh ngọn Cây Trúc, lần đầu tiên thấy dấu hiệu có người: Lá cờ của tổ Biên phòng đóng ở bản Nhóm Pó. Tôi và anh bạn đồng nghiệp ngồi bệt xuống đất, gân cốt nhũn ra. Thầy Lò Văn Vinh bảo lần đầu vào điểm trường này, đi một mình, đến lúc nhìn thấy lá cờ là bật khóc.

Thêm một ngày đường để đến bản Vạ Pù, một ngày đường nữa để trở về Tá Bạ. Cả 3 ngày đi đường, chúng tôi không gặp một người dân nào, tuyến đường ấy hình như chỉ có giáo viên và Bộ đội Biên phòng đi. Hơn năm nay tuyến đường có thêm các em học sinh THCS từ hai bản về trường ở Tá Bạ học bán trú, mấy anh Bộ đội Biên phòng bảo tuyến đường ấy có thể đặt tên là: Đường Chữ.

Đội cửu vạn giáo viên

Các bản ở Tá Bạ, cái có thể mua được có lẽ chỉ là măng, các thứ khác từ gạo, thực phẩm, đồ dùng, sách vở của cả giáo viên và học sinh đều phải gùi vào. Tiền thuê gùi 17.000 đồng/kg, tính mỗi thầy cô tháng cần 30kg đồ thì tiền thuê hết tiền lương.

Thuê thì “còn đâu tiền mua đồ”, đành tự mình làm cửu vạn cho mình. Chúng tôi đi, các thầy mang hộ ba lô mà bao lần muốn gục xuống, hỏi các thầy sao khỏe vậy, thầy Cà bảo “quen, với lại chúng em mang thêm 15 cân cũng chỉ nặng bằng các anh thôi”. Quả thật “đội” các thầy không thấy ai beo béo một chút, cỡ làng nhàng trên dưới 50 ký.

Kỷ lục mang nặng là thầy Lò Văn Xanh, chuyến lập kỷ lục của thầy cũng là chuyến kỷ lục bị vắt cắn. Thầy cõng 35 kg hàng, vừa đi vừa đỡ vợ, cô giáo Đao Thị Hình. Có thầy giáo thú thật: “Cõng hàng nặng quá đứng khóc dưới trời mưa một mình”.

Chuyện làm cửu vạn của các cô giáo thì thật quả trăm đường cơ cực. Mỗi chuyến là một lần lựa, san sẻ cho đồng nghiệp nam cõng giùm, về bản nhận thổi cơm, rửa bát, giặt quần áo trả nợ. Khôn nhất có lẽ là tóm ngay lấy một thầy làm chân “cửu vạn chung thân” cho mình.

Cô Bùi Thị Cúc - giáo viên mầm non ở Nhóm Pó năm 2011, đã có chồng con rồi, không tìm được cửu vạn chung thân, chuyến đầu thuê gùi 2 triệu đồng, xót tiền quá đành tự cõng, mỗi tuần một chuyến 8-9 kg. Hỏi cô Cúc đã bao giờ phải khóc giữa đường vì cõng hàng chưa, cô lắc đầu bảo “nhiều khi muốn khóc lắm, nhưng giữa rừng khóc… ai nghe”.

Năm học này, các điểm trường quá sâu và xa, ở Tá Bạ, nhà trường không phân giáo viên nữ cắm bản nữa, chặng đường cửu vạn của các cô bớt đi được nhiều. Với các thầy cũng bớt một ít ở cái phần “san sẻ” của các cô, nhưng cũng buồn. Cả điểm trường như Nhóm Pó, 7 giáo viên mà toàn là đàn ông, kể cả 2 giáo viên mầm non.



*

Đường chữ qua rừng đói: Nước mắt và tình yêu 

(Dân Việt) - Một vị lãnh đạo cũ của ngành giáo dục Lai Châu nói với tôi “họ (giáo viên - PV) nếu không vì hoàn cảnh quá khó khăn, không bao giờ lại nhận đến dạy học ở những nơi ấy”. Những “nơi ấy” là những điểm trường xa hun hút ở huyện Mường Tè.

Những cô giáo miền xuôi

Cô Nguyễn Thu Oanh (42 tuổi) ở điểm trường Lò Ma Trường TH Ka Lăng được các giáo viên coi là đàn chị. Cô vốn là giáo viên ở Thái Bình, dạy hợp đồng 7 năm vẫn chưa được vào biên chế, chồng bị tai nạn chết. Năm 2005, bất đắc dĩ, cô đưa cậu con trai 5 tuổi xung phong lên Mường Tè dạy học.

Thầy giáo Lò Văn Xanh - người đã lập nhiều “kỷ lục” 
cùng lớp học mầm non của mình ở điểm trường Nhóm Pó.

Chuyến đi đầu nhận lớp, hai mẹ con cô đã chết hụt vì cái xe khách “từ thế chiến thứ nhất” mất phanh 2 lần lao xuống suối. Lần đầu, chị còn nhảy ra được, lần sau “kệ”, tết về để lại con ở Thái Bình gửi bà ngoại. Cậu bé nay đã học lớp 7, nhưng ký ức về chuyến đi cháu vẫn nhớ, hỏi có lên với mẹ không là lắc đầu.

Các thầy cô trong ban giám hiệu nhà trường ái ngại muốn chuyển cô về điểm gần, cô bảo “khổ cho khổ luôn, thôi để các cô giáo có con nhỏ ở trung tâm, đỡ cho các cháu”. Ở điểm bản, cô Oanh trồng rau, chăn nuôi, cố “tự cung tự cấp” để dành tiền gửi về cho hai bà cháu.

Đợt năm 2008, tôi vào Bắc Ka Lăng, gặp liền một lúc 3 cô giáo trẻ: Đinh Thị Thanh Huyền, Đinh Thị Ngọc, Lê Thị Vân, quê ở Hà Tĩnh, Phú Thọ theo tiếng gọi của “cái sự khó” mà lên Mường Tè dạy học. Đi đã xác định rằng khổ mà “không ngờ khổ đến thế”, khóc suốt. Khổ vì những ngày đi bộ đằng đẵng, khổ vì không chỉ dạy học sinh, mà còn cả “trông em học sinh”, có lúc lớp cô Vân 7 học sinh, thêm 7 đứa em thành 14, một đứa khóc, cả bọn khóc theo. 

Khổ cả vì ruồi vàng, bọ chó, cái giống ấy cũng thích các cô giáo trẻ hay sao mà “tấn công ghê lắm”. Đến ăn cơm cũng phải chui vào màn, đứng lớp cũng phải tất chân, tất tay như người… đang ở cữ.

Cô Huyền dạy ở Nhóm Pó có lần phải “đền” cậu học sinh chỉ vì “ai biết nó không mặc quần”. Cậu học sinh của cô lớp 2 rồi, mặc cái áo của bố trùm đến đầu gối… khỏi cần quần. Ghế ngồi ghép bằng thanh tre ẽo ợt, cậu học sinh bị tre kẹp “chim”, ngọ ngoạy mãi không dám kêu. Cô giáo bắt ngồi yên, đến lúc đau quá òa khóc, cô Huyền mới biết, nó đã sưng vù lên rồi. Cô giáo trẻ đành phải thuốc men chữa “đền”.

Vào lại Bắc Ka Lăng, cô Ngọc, cô Vân đã chuyển đi, chỉ gặp cô Huyền, hỏi cô còn thấy khổ không, cô bảo “vẫn thế, cái khổ mãi không quen được”. Cô Huyền khổ cũng không chuyển đi vì có “nợ” một thầy giáo ở vùng đất này rồi, phải ở lại.

Chuyện tình trên con đường chữ

Cô Huyền ở lại vùng đất này cũng bởi dính vào “tay cửu vạn lỳ bậc nhất”. Thầy giáo trẻ Lê Hoài Phương ngày ấy xung phong vác đồ cho cô. Thầy Phương dạy ở Tá Bạ, cứ thứ 7 lại về Nậm Lằn mua đồ cho mình, cho cô Huyền và cõng về Tá Bạ để hôm sau Chủ nhật, cõng đồ lên Nhóm Pó… rồi lại về trong ngày.

Chặng đường đi về thường mất 4 ngày, thầy Phương chỉ giải quyết trong 2 ngày, tuần nào cũng vậy. Có lần không biết vì vội việc hay tại ở chơi quá thời gian, thầy phải “chạy” từ Nhóm Pó về Tá Bạ mất 2,5 giờ, lập kỷ lục trong trường về thời gian đi trên cung đường khủng khiếp ấy. “Mất gần 1 năm mới gật đấy” - thầy Phương tủm tỉm cười, rồi bảo: “Mà có lẽ cô giáo “nợ” tiền công cõng hàng nhiều quá mới gật để… khỏi phải trả”.

Đợt ấy, các thầy cô ở điểm trường Nhóm Pó được uống bia. Để “báo cáo tổ chức”, thầy Phương chất lên vai mình thêm két bia. Cái món đồ uống “xa xỉ” ấy hình như lần đầu được mang vào cả két ở Nhóm Pó như thế. Đám cưới của cặp đôi Phương – Huyền có thể gọi là sang trong vùng vì được cả nhà trường và đồn Biên phòng Ka Lăng – đơn vị kết nghĩa, đồng tổ chức. Năm ngoái, cặp vợ chồng giáo viên ấy đã dựng được ngôi nhà gỗ thuộc loại “nhất bản” ở Tá Bạ để thực sự định cư trên vùng đất này.

Xóm giáo viên ở Tá Bạ mới đây thêm 2 gia đình mới, thầy Lý – cô Lành và thầy Xanh – cô Hình. Hai cặp đôi này khác, họ đều yêu nhau từ thời còn đi học sư phạm, cùng giống nhau ở chỗ… nghèo. Quyết lấy nhau chỉ có cách… trình bày hoàn cảnh, cùng xung phong đến nơi khó khăn nhất: Bản Nhóm Pó ở Bắc Ka Lăng. Thầy Xanh - cô Hình cưới nhau trước khi nhận lớp. Ngày đi Nhóm Pó, hai cặp vợ chồng cưới và chưa cưới dắt díu nhau đi. Hai đấng mày râu chất toàn bộ đồ đoàn lên vai, đỡ hai cô giáo trẻ lên đường trong mưa tầm tã.

Thầy Xanh trong chuyến đi ấy, ngoài việc lập kỷ lục vì bị vắt cắn nhiều nhất, mang nặng nhất còn thêm một kỷ lục khác, chắc không ai dám phá là đưa người vợ trẻ đang mang thai đi Nhóm Pó an toàn, dù mình ngã “không đếm được”. Hai cặp vợ chồng trẻ này cũng đã xin được đất chuẩn bị dựng nhà để định cư lâu dài ở Tá Bạ.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo