David Thiên Ngọc (Danlambao) - Chỉ tiêu là hạn mức do cấp trên giao cho cấp dưới phải thực hiện trong một thời gian nhất định trong cái hệ thống chính quyền quái gở và rừng rú CSVN. Đã là một chính quyền quái gở thì toàn bộ cái hệ thống, bộ máy điều hành của chúng cũng mang đầy sắc thái quái gở dị kỳ. Trong vô vàn cái dị kỳ đó ở đây tôi chỉ nêu ra một khía cạnh là cái "Văn hoá chỉ tiêu".
Những chỉ tiêu mà chính quyền CSVN đưa ra áp dụng trong xã hội VN thì ai ai cũng đều nghe, biết và rõ. Tuy nhiên ta không nói lên những cái thường ngày trên huyện đó thì có khi chúng ta chưa thấy được những điều nghịch lý thật buồn cười và cũng có vạn người khóc vì những cái chỉ tiêu quái đản đã có xưa nay.
Tôi xin nêu lên một số chỉ tiêu như sau. tuần tự từ cái có thể, không thể và đến cái không biết nên cười hay nên khóc ra đây.
Trước hết là chỉ tiêu trong sản xuất nông nghiệp lẫn công nghiệp:
Lĩnh vực này chỉ có thể tuỳ lúc, tuỳ nơi. Bởi trong nông nghiệp còn tuỳ thuộc vào thổ nhưỡng, thời tiết, thiên tai... nhất là trong thời gian cơ chế HTX, tập đoàn SX. Nông dân không đạt chỉ tiêu sản lượng nông thổ sản để nộp lên trên thì phải đành giật gấu vá vai, gia tăng sản xuất thêm rau quả, chăn nuôi... để sống cho qua mùa, qua đợt giáp hạt... Trong những lúc này nông dân phải còng lưng ra gánh lấy chỉ tiêu. Đảng thì ra rả - Trời làm mất bắt đất phải đền! (mồ hôi nước mắt của nông dân chứ đất nào?) hoặc:
Mất mùa là bởi thiên tai.
Được mùa nhờ có thiên tài đảng ta.
Trong SX công nghiệp các chỉ tiêu thật tồi tệ. Sức lực công nhân lao động SX chỉ có chừng đó mà phải cố công SX cho đạt hoặc vượt chỉ tiêu thì tất yếu sẽ đưa đến kết quả là sản phẩm không hoàn thiện, bị lỗi, khuyết tật... sẽ trở thành thứ phẩm. Bấy giờ cái hại là cho xã hội mà cái lợi là cho nhóm quản lý được thành tích làm cơ sở cho mọi sự tiến thân, rồi bán hàng thứ phẩm lại có cơ hội để tư lợi riêng. Một thời bao cấp của nền kinh tế chỉ huy, kế hoạch XHCN làm nát tan đất nước.
Chỉ tiêu trong giáo dục:
Trong một xã hội mà văn hoá suy đồi, đạo đức băng hoại như hiện nay là một phần hậu quả của các chỉ tiêu.
Một trường THPT nếu không đạt chỉ tiêu về thi cử sẽ bị mất tất cả các điểm thi đua và các lĩnh vực khác, và sẽ bị cắt giảm "chỉ tiêu" về ngân sách ở trên cấp cho. Do đó mọi trường, mọi cơ sở giáo dục phải đạt và vượt chỉ tiêu như trong SX đã áp dụng. Từ đó tệ nạn tiêu cực, bệnh thành tích, bê bối đến mức phi giáo dục nơi phòng thi. Giáo viên tận tay trao phao thi cho thí sinh rồi cuối giờ đi thu lại phao đó. Ngoài sân trường thì tràn ngập phao là phao khi cuối giờ thi. Hệ thống giáo dục thì các vị "Tiến sĩ giấy" đều thiếu tâm và thiếu tầm. Để đạt thành tích và chỉ tiêu nên trường nào cũng có con số thí sinh đậu gần hoặc đến 100% thí sinh dự thi trong các kỳ thi tú tài... Chỉ có những thí sinh bỏ thi vì tai nạn, ốm đau hay vì hoàn cảnh nào đó chứ hầu như có thi là có đậu, GV, nhà trường tạo mọi điều kiện cho thí sinh đậu để nhà trường đạt chỉ tiêu?
Cũng cái chỉ tiêu trong thi cử này mà có một chuyện thật khôi hài. Chuyện này tôi đã có viết trên Danlambao rồi. Trong bài này chỉ nhắc sơ lại một chút để cười thư giãn mà thôi. Chuyện thật 100%.
Trong một buổi họp tổng kết thành tích thi cử của trường THPT nọ. Vị chủ tịch huyện tham dự và "Phát biểu chỉ đạo" rằng: "Năm nay HS trường ta đạt thành tích thi đậu 100% là điều đáng khích lệ. Nhưng sang năm thầy cô cố gắng dạy cho các em tốt hơn để vượt chỉ tiêu thi đậu 120%-130% mới xứng đáng". Tất cả GV và quan khách vỗ tay rợp trời...có người cười thầm và nói chắc phải đem trâu với bò vào để cho đủ 130%!!!
Thành tích trong chỉ tiêu GD tôi xin trao vinh dự này cho ông Phạm Vũ Luận để tô thêm cái bằng "Giấy Dzõm" của ông cho đậm nét.
Chỉ tiêu thu thuế:
Trước giờ từ cấp sở tài chính, tổng cục thuế đều có giao chỉ tiêu về cho các cục, chi cục thuế những chỉ tiêu thu thuế định kỳ hằng tháng, quí, năm thật quái ác. Do đó vấn đề này gây nhức nhối cho con dân không biết nhường nào. Trong những năm sau 1975 có những phụ nữ có chồng phải đi cải tạo nơi rừng núi xa xôi, ở nhà phải đi mua bán tảo tần xuôi ngược mà có người thiếu bản lĩnh, nghị lực đã phải gieo mình xuống cầu, vào xe mà kết liễu đời mình vì bị thuế vụ tịch thu tất cả những tài sản ọp ẹp để làm phương tiên nuôi con, chồng đang thọ nạn. Cái chỉ tiêu đây cũng là động cơ để cho nhân viên thuế vụ, kiểm lâm có đất dụng võ, thu thuế tràn lan, vô pháp vô luật, vô tội vạ... cuối cùng là đè đầu người dân ra mà bóc lột để cho đạt chỉ tiêu.
Lần nọ trong những năm 80s của TK trước tôi có việc đi về khuya, trời thì mưa bay lất phất... gió mùa từng cơn táp vào mặt như xé làn da. Chợt thấy lấp ló một bóng đen nơi hàng hiên ở ngã ba đường. Với sự cảnh giác cao tôi mon men lại gần xem thử có phải phường trộm đạo rình mò trong đêm tối hay ai đó lỡ đường, cơ nhỡ cần giúp đỡ chăng? Khi đến gần và nhìn rõ mặt thì ra viên thuế vụ mà tôi quen biết.
-Trời ơi! Làm gì mà mò mẫm, ngụp lặn trong đêm khuya khoắt rét lạnh vậy cha nội?
-Rét mấy cũng phải cố chứ gần cuối tháng rồi mà chỉ tiêu mới được phân nửa!
Nhưng thật ra tôi biết hắn tích cực quên mình bỏ cả vợ con để lặn lội trong đêm mưa như vậy chưa hẳn là vì cái chỉ tiêu kia mà cái túi riêng của hắn mới đáng kể.
Tôi thở dài "thương hại" và buông một tiếng trời! Như một viên sỏi ném vào màn đêm.
Kịch bản và hình ảnh trên tôi xin trao tặng cho ông Vương đình Huệ.
Chỉ tiêu phạt giao thông:
Vấn nạn tiêu cực, hối lộ hay nói đúng hơn là "chặn thu tiền mãi lộ" trên đường của lưc lượng CSGT là nỗi nhức nhối trong XHVN từ hơn mấy chục năm qua. Thế nhưng nó như căn bệnh trầm kha không thuốc chữa bởi các nguyên nhân sau:
-Một cảnh sát viên muốn được vào ngành CSGT thì phải mua vé! Nhưng vé thì không phải ai cũng mua được và không rẻ bao giờ! Bởi ghế thì hữu hạn mà người muốn mua thì vô cùng. Do đó một khi đã chen chân được vào ngành CSGT thì phải ra sức thu tiền mãi lộ để bù vào tiền mua vé, thu hồi vốn càng sớm càng tốt vì chúng nhận thức rằng ở đời không có gì là vĩnh cửu!
Khi toạ vị ở ngành CSGT, một viên CSGT phải tuân thủ các điều khoản bất thành văn như sau:
1- Phải tích cực phạt và nộp tiền cho cơ quan đủ hoặc vượt chỉ tiêu. Đây là chỉ tiêu trắng.
2- Nộp tiền thu được lên cho sếp hàng tuần, hàng tháng theo chỉ tiêu đã định theo khẩu lệnh (đây là chỉ tiêu đen) nếu không thì sẽ bị phân công trực ở cơ quan không được ra đường thu tiền mãi lộ... tiền bỏ ra mua vé xem như trắng tay. Giống như thuỷ thủ bị kéo lên bờ đứng nhìn khói cùng tiếng còi tàu xé gió ra khơi...
Từ những lý do trên mà mọi CSGT là ông vua trên đường lộ. Phạt vô tội vạ, hơn nữa trong chế độ phạt giao thông thì người phạt cũng được trích thưởng nữa.
Nhưng khốn khổ thay cho người dân là tình hình giao thông ở VN thuộc hàng tệ hại nhất nhì thế giới. Một con đường chỉ có 1, 2 lằn mà mọi chủng loại xe đều tham gia chung trên đó. Luật giao thông thì lấy luật quốc tế ra áp dụng mà hạ tầng cơ sở thì rừng rú. Tôi dám chắc mọi phương tiện khi tham gia giao thông ở VN ít nhiều đều vi phạm không thể tránh khỏi. Các bảng báo, hiệu hướng dẫn GT, phân luồng, đường... hoàn toàn mờ mịt, có khi cố tình đánh lừa lái xe để vi phạm rồi xử phạt, hối lộ... người phạt thì phạt theo cảm tính. Có lần tôi chứng kiến một lái xe từ tỉnh khác về Hà Nội kêu trời vì CSGT phạt anh lái xe vào đường cấm nhưng không có biển báo. Khi thắc mắt thì viên CSGT trả lời rằng đã có đọc thông báo trên đài rồi (!?), thật bó tay.
Cơ quan kiểm định phương tiện GT thì hình thức, hối lộ, móc ngoặc với CÒ để ăn tiền rồi cho qua... thậm chí thay đổi cấu trúc, phụ tùng phương tiện để che mắt khi kiểm định, xong rồi đâu hoàn đó và dĩ nhiên tai nạn từ những nguyên nhân này sẽ xảy ra. Người dân thì chết, bị thương tàn tật... lúc này CSGT lại có cơ hội làm tiền từ nạn nhân lẫn chủ phương tiện. Cũng vì vấn nạn CSGT mãi lộ trên đường mà phóng viên Hoàng Khương cũng phải chịu án oan vì dám vạch trần tội ác của đám hung thần trên quốc lộ.
Ở đây tôi chỉ nói một phần nhỏ tội ác của công an CSVN trong ngành giao thông còn những mặt gian manh, tàn ác khác không nằm trong phạm vi bài này.
Từ công an, thuế vụ, kiểm lâm gây nỗi kinh hoàng trong dân chúng cho nên trong xã hội lúc đó truyền khẩu câu rằng:
Công an, thuế vụ, kiểm lâm.
Trong ba thằng đó đáng đâm thằng nào?
Nhân dân bàn tán xôn xao...
Trong ba thằng đó thằng nào cũng đáng đâm!
Vinh dự này tôi xin gởi cho ông Trần đại Quang.
Chỉ tiêu trong Y-Tế:
Sự băng hoại đạo đức trong Y-Tế tôi cũng đã có dịp viết trên Danlambao rồi. Nơi đây tôi chỉ nêu các chỉ tiêu quái đản mà trong ngành Y-Tế đã và đang thực hiện.
Ngày trước cả thành thị lẫn nông thôn... các bà trong hội phụ nữ, trạm Y-Tế đều ra sức vận động chị em đặt vòng tránh thai. Trong mỗi đơn vị như vậy đều có chỉ tiêu mà cấp trên giao. Do đó trong địa phương nào chị em phụ nữ vì điều kiện này nọ hay vì mưu sinh phải lìa gia đình đi tha phương cầu thực nên các cán bộ phụ nữ, Y-Tế không đạt được chỉ tiêu trong việc thực hiện kế hoạch đặt vòng. Vì vậy các cán bộ này vận động cho cả các bà đã quá tuổi sinh đẻ, đã mãn kinh phải đặt vòng tránh thai để giúp cho cán bộ đạt chỉ tiêu?
Ở khoa sản của các bênh viện lại ra sức động viên, áp đặt các sản phụ giải phẫu cắt ống dẫn trứng cho đạt chỉ tiêu. Một việc mà các sản phụ không hề muốn. Nhưng trong lúc sanh đẻ có khi thập tử nhất sinh cũng phải đành nghe theo.
Y đức trong Y-Tế dưới thời CSVN là một điều hiếm hoi. Những căn bệnh có thể chữa lành không mấy khó thế nhưng có nhiều "từ mẫu" với chức năng chuyên môn và quyền hạn của mình lại đưa ra yêu cầu phẫu thuật vì trong giải phẩu cũng có chỉ tiêu và cũng có tiền phẫu thuật riêng cho cả ê-kíp ca mổ!.
Một khi giải phẫu thì cả bệnh nhân và gia đình bị đẩy vào thế không còn sự lựa chọn nào khác. Từ đó là phong bì, là tiêu cực đủ mọi bề trên thân thể người bệnh. Lời thề Hippocrates đã xoá mờ trong dĩ vãng xa xôi...
Những nét son này tôi xin tặng cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến cùng ông Đỗ Như Hơn, BV mắt Trung ương.
Chỉ tiêu trong xử án:
Một xã hội vô pháp, vô luật nhưng luôn trưng ra cả một "rừng luật" với cách hành xử theo "luật rừng" thì tôi thiết nghĩ không một bút mực nào để tả cho xiết!
Riêng ở khía cạnh chỉ tiêu xử án trong hệ thống tư pháp rừng rú của CSVN cũng có đưa ra. Chỉ tiêu được đưa ra trong xử án phạt tù cho bị cáo và không ra phán quyết tha bổng hay án nhẹ đối với các bị cáo mà nhất là đối với những người bất đồng chính kiến, yêu nước. Thẩm phán nào đưa ra bản án tù nặng và nhiều nhất, vượt chỉ tiêu là được liệt vào hàng thẩm phán có uy tín, cao cấp và được xét thăng bậc, chức vị, lương bổng... Tất nhiên trong mỗi bản án được phán quyết thì cá nhân thẩm phán đó cùng hội đồng xét xử đều có tiền thưởng cao thấp tuỳ theo vị trí. Người bị án tù phải nằm gai nếm mật, đắng cay trong sự dã man của mọi hạng, mọi cấp trong nhà tù. Kẻ phán quyết được lãnh tiền thưởng và đạt hay vượt chỉ tiêu sẽ được thăng quan. Cái món quà rừng rú này tôi trao cho ông Trương Hoà Bình tự "Sáu Đạt" có nghĩa rằng luôn đạt chỉ tiêu.
Chỉ tiêu cuối cùng tôi đưa ra trong bài này và cũng là chỉ tiêu mới nghe hơi ngồ ngộ là:
Chỉ tiêu Bán Hoa:
Chỉ tiêu này được đưa ra từ "Nhà Thổ" bỡi các ông Tú bà Tú cai quản những đoá hoa di động biết cười và khóc.
Mới nghe thì có phần nực cười và phi lý... nhưng ở một đất nước ngàn hoa, rừng hoa - hoa rừng như VN thì không có gì là lạ.
Hòa theo dòng chảy điên cuồng của xã hội, việc gì nhà nước cũng giao chỉ tiêu để nhằm bội thu cho mục đích dù hậu quả có ra sao đối với phương tiện và tha nhân. Thế thì các ông, bà Tú chủ động chứa hoa, chủ nhân của kho tàng virus HIV cũng ăn theo nhịp đó mà giao chỉ tiêu cho mỗi đoá hoa khi mặt trời gác núi ở đằng tây.
Chuyện rằng: Vào một đêm mát trời tôi thả bước dạo chơi ở công viên trước công trường Quách Thị Trang trung tâm Sài Gòn. Chợt thoáng hiện trước mặt một bóng hồng với lời "Ngọc thốt hoa cười" mà có pha một chút "Mếu".
-Anh ơi! Vui vẻ giúp em chứ đêm nay vắng quá không đủ chỉ tiêu chắc em chết quá!
Thấy điều hơi lạ tôi bèn có đôi lời chia sẻ và biết rằng. Mỗi ngày khi màn đêm buông xuống thì các hoa được thả ra khỏi vườn cấm với một "Chỉ tiêu" rất dứt khoát và rõ ràng được khẳng định và bao bọc bởi "Luật giang hồ" với lóng lánh sắc màu dao kiếm... Cho nên các đoá hoa phải bằng mọi cách, mánh khoé tiếp thị để đạt chỉ tiêu. Nếu không thì phải sử dụng chiêu sale off mới mong đạt được sở hụi. Cùng đường là phải lấy tiền cá nhân để đắp vào hay ký nợ và sẽ trả về sau tất nhiên cũng phải chịu tiền lãi theo lãi suất tín dụng đen.
Ngày xưa ở chốn giang hồ cũng có luật của nó như "Luật hè phố" của Duyên Anh nhưng cho dù ở hang cùng của xã hội nó cũng thể hiện một chút nét nhân văn hay một chút tình người và đâu đó cũng phảng phất lối anh hùng trượng nghĩa. Đàng này ở một xã hội nằm trên bãi tha ma của tổ quỷ Mác-Lê hoàn toàn không có bóng dáng của con người mà chỉ chập chờn ánh lửa của ma trơi... của loài ngạ quỷ, do đó kẻ hành xử chỉ là một đạo âm binh.
Tất cả những điểm, nét của bài này tôi xin trao cho 14 vị "Nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi" trong hội nghị BCHTƯ 6 đảng CSVN lần này.
Ngày 27/9/2012