Đào Tuấn - Những đồng tiền lẻ 100, 200 đồng đã trở thành “cổ vật”. Lạm phát đã khiến chúng không thể mua bất cứ thứ gì, kể cả một cốc trà đá, một mớ rau, hay một gói tăm người mù. Trừ…cổ phiếu.
Ngay trong ngày đầu tuần, TTCK Việt Nam, 12 năm sau tiếng cồng đầu tiên đã chứng kiến một kỷ lục tồi tệ khi giá của một cổ phiếu (Sme) đạt “mốc” 200 đồng. Có thể hơi bi quan khi nói đó là “mức giá giấy vụn”, nhưng ngay cả những nhà đầu tư lạc quan nhất đang nắm blue chip trong tay cũng đã nghĩ đến một ngày những tờ giấy, được gọi là cổ phiếu, tiến tới “mốc” 0 đồng. Bởi đằng sau nó là những doanh nghiệp lỗ lia lịa, nợ đầm nợ đìa, mà nếu đem ra “chợ”, có lẽ chỉ có giá tượng trưng 1 USD.
Một trong số đó là cánh chim đầu đàn của ngành xây dựng Việt Nam: Vinaconex. Một DN hàng chục ngàn nhân viên, vốn chủ sở hữu 3.500 tỷ mà lợi nhuận giảm đến 98%, chỉ còn chưa đầy 6 tỷ đồng/năm thì đôi khi khoản lợi nhuận đó so với khoản nợ đầm đìa 20 ngàn tỷ, trong đó có tới một nửa là nợ ngắn hạn, giống hệt với sự nhạo báng. Ngoảnh sang bên trái, “người anh em” Sông Đà có nợ phải trả gấp gần 9 lần vốn chủ sở hữu. Quay sang bên phải, “người bạn thân” Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam cũng có tỷ lệ nợ trên vốn chủ 6,36%, cao ở mức ngất ngưởng của ngất ngưởng. Có thể nói, không hề bi quan, Vinaconex chính là Vina sẽ xếp hàng ngay sau Vinashin, Vinalines để đi đến cái đích cuối là…tái cơ cấu.
Nhưng có vẻ, vấn đề lại ở chỗ Vina nào sẽ xếp hàng kế tiếp khi con số 200.000 tỷ nợ xấu của khối các DNNN được đưa ra, phản chiếu chỉ một phần trong tảng băng nợ xấu ngân hàng, tiếp tục gióng chuông “đáng báo động”- như thừa nhận của Thống đốc trước QH. Và đến giờ, không “hốt hoảng” không được, không “bi kịch” không xong khi những những con số dài ngoằng mang tên nợ xấu đang gây ra “bi kịch tiền tệ”, chữ dùng của Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, khiến các Ngân hàng vừa thừa tiền, vừa lãi khủng, trong khi cả nền kinh tế đang “đông lạnh” vì thiếu vốn.
Nợ xấu đang là “bóng đen” bao trùm nền kinh tế. “Nợ xấu đang chèn ép lên cả nền kinh tế, nếu không xử lý đúng đắn sẽ dẫn đến đổ vỡ”. Và “lãi khủng chính là lãi ảo”. Đây là khẳng định của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trước điều ông gọi là “kinh tế ảo” mà đại diện của nó chính là các ngân hàng. Hậu quả của “kinh tế ảo” là cả nền kinh tế đang mắc nợ hệ thống ngân hàng 2,7 triệu tỷ đồng. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức, một tính toán được đưa ra, rằng: Chỉ tính với lãi suất cho vay “lý tưởng” hiện nay là 15% một năm thì mỗi tháng nền kinh tế trả cho hệ thống ngân hàng món lãi suất 40.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD.
Thủ phạm có lẽ không khó suy đoán: Chủ yếu là các con nợ gắn mác Vina, và cũng là chính các chủ nợ- hệ thống ngân hàng.
Có thể sẽ có những nhìn nhận lạc quan hơn từ phía cơ quan điều hành, hoặc của chính các DN đang ngấp nghé phá sản. Nhưng sự lạc quan có biến thành tiền cho nền kinh tế được hay không lại là chuyện hoàn toàn khác mà thị trường chứng khoán trước nay vẫn là chiếc hàn thử biểu chính xác nhất của niềm tin đám đông. Đã từ lâu, những người bỏ tiền túi đầu tư không còn tin tưởng vào những đánh giá lạc quan ảo, không ném tiền theo những lời khuyên, đại loại “nếu có tiền sẽ đầu tư vào chứng khoán”. Bi kịch tiền tệ ngày hôm nay nếu không được “tái cơ cấu” chính xác sẽ dẫn đến “thảm họa niềm tin” ngay ngày mai.
Cách đây vài ngày, một tờ báo đã làm một cuộc khảo sát về sự biến mất của những đồng tiền lẻ với kết quả mà ai cũng biết: Những đồng tiền lẻ 100, 200 đồng đã trở thành “cổ vật”. Vì sao lại thế? Bởi lạm phát đã khiến chúng không thể mua bất cứ thứ gì, kể cả một cốc trà đá, một mớ rau, hay một gói tăm người mù. Trừ… cổ phiếu.