K. Oanh Hà/Daniel Ten Kate/Peter Hirschberg, Bloomberg News - Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước - Vừa qua sau khi Hội nghị Trung ương 6 kết thúc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lên tiếng xin lỗi, quyết định không trừng phạt một đồng chí cao cấp và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục vị trí cũ sau khi bị các trang mạng trực tuyến công kích ông. Trong khi đó thì thị trường cổ phiếu đã tăng mạnh nhất trong vòng một tháng qua.
“Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nhiều khoá nay có một số khuyết điểm lớn, đặc biệt là chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trên đài phát thanh và truyền hình nhà nước hôm thứ Hai. “Việc một số cán bộ cao cấp (cả đương chức và nguyên chức) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó”.
175 thành viên Ban Chấp hành Trung ương, trong đó họ có quyền miễn nhiệm các lãnh đạo hàng đầu, đã tha bổng 14 Uỷ viên Bộ Chính trị và một thành viên xứng đáng bị trừng phạt, ông Trọng nói. Thị trường chứng khoán đã tăng lần đầu tiên trong bốn ngày sau khi bài phát biểu của ông Trọng được công bố, đánh dấu kết thúc cuộc họp kéo dài hai tuần nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của đảng và các lãnh đạo – bao gồm cả ông Dũng.
Các lãnh đạo Việt Nam đang vật lộn trong việc thực hiện những cam kết cắt giảm bớt vai trò của chính phủ trong nền kinh tế giữa lúc nợ xấu tại các doanh nghiệp nhà nước làm ảnh hướng đến xếp hạng tín dụng trong thời gian qua. Theo Carlyle Thayer, giáo sư chính trị tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, thì kết quả đã dẫn đến việc ông Dũng bị trừng phạt và có nhiều tín hiệu sự hỗn loạn vẫn còn tiếp diễn trong những ngày tới tại đất nước một đảng này.
‘Không lấy máu’
“Tình hình ở Việt Nam lâu nay là luôn luôn duy trì sự ổn định”, giáo sư Thayer, người đã viết về đất nước trong ba thập kỷ qua. “Loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục gây bất ổn khủng khiếp và điều này sẽ đã làm nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, xác thịt thì có nhưng họ không được phép lấy máu”.
Chỉ số VN Index (VNINDEX) tại Sàn Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 1,6% lên 397,92 điểm vào 11:30 sáng ngày thứ Ba. Đây là lần chỉ số VN Index tăng nhiều nhất kể từ ngày 14 tháng Chín. Tiền đồng cũng được thay đổi đôi chút.
“Tình trạng không bất ổn phần nào đã được loại bỏ khỏi tâm trí của người dân, vì vậy thị trường tăng giá cũng không phải là điều bất ngờ. Giờ đây thì các nhà đầu tư có thể thấy bức tranh rõ ràng hơn và có thể dự đoán trước các chính sách và đầu tư”, ông Attila Vajda, phân tích gia tại ngân hàng ACB có trụ sử ở thành phố Hồ Chí Minh nói.
Tháng rồi Moody’s đã cắt giảm mức tín nhiệm trái phiếu của Việt Nam xuống còn B2, năm bậc thấp hơn mức đối với mức đầu tư, đưa nước này vào tình trạng “nguy cơ cao” và chính phủ sẽ cần phải gánh các khoản chi phí khi các ngân hàng điều chỉnh vốn. Nền kinh tế tại đây dự đoán sẽ có mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999 sau nhiều năm tín dụng giá rẻ dẫn đến nợ xấu tại các ngân hàng tăng lên mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đại tu ngành ngân hàng
Việt Nam cần phải đại tu lại hệ thống ngân hàng và ổn định nền kinh tế để cải thiện môi trường đầu tư, ông Trọng nói. Uỷ ban Trung ương kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước kết thúc đầu tư vào các lĩnh vực không phải chuyên ngành của họ cũng như bán cổ phần trong các công ty mà chính phủ sở hữu ít hơn 50% vào năm 2015.
Các tập đoàn nhà nước cần phải được cải tổ lại thành công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn, ông Trọng nói. Uỷ ban Trung ương nhắc lại dự báo tăng trưởng 5,2% trong năm nay và lạm phát cuối năm 2013 ở mức 7% đến 8%.
Những tai ương kinh tế đã dẫn đến các cuộc công kích chống lại ông Dũng, năm nay 62 tuổi, vì ông đã thất bại trong việc giám sát các công ty nhà nước. Tháng trước, ông đã ra lệnh cho các Bộ nói với nhân viên tránh đọc hai trang blog trực tuyến là Quan Lâm Bảo và Dân Làm Báo, trong đó cả hai đều có các bài viết chỉ trích ông và gia đình ông nặng nề.
Tăng trưởng tín dụng
Moody’s cho biết rằng sau khi ông Dũng lên nắm quyền vào năm 2006, tổng sản phẩm quốc nội tăng trung bình khoảng 6,5% trong năm năm liên tiếp vì tăng trưởng tín dụng đã “vượt xa” kinh tế. Cựu giám đốc ngân hàng trung ương đã phải đối mặt với những lời chỉ trích sau khi Vinashin, công ty đóng tàu lớn nhất đất nước, và Vinalines, đã trở thành gánh nặng nợ nặng nhất trong nền kinh tế Việt Nam.
Uỷ ban Trung ương đã thiếu sự giám sát đối với các lãnh đạo công ty nhà nước, đặc biệt là Vinashin và Vinalines, để “hoạt động không có hiệu quả và hành vi vi phạm dẫn đến thiệt hại lớn và hậu quả rất nghiêm trọng”, ông Trọng nói trong bài phát biểu bế mạc. “Kế hoạch tái cơ cấu công ty nhà nước và các ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu và giải quyết”, ông nói.
Tham nhũng và các vụ bắt giữ
Theo các cuộc điều tra hàng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế thì hơn 60% dân số cảm thấy rằng tham nhũng ở Việt Nam đã gia tăng từ năm 2007 đến 2010.
Tháng trước công an đã bắt giữ cựu Chủ tịch của Vinalines vì làm giả các hợp đồng, một phần trong các cáo buộc đối với cựu giám đốc điều hành này và buộc ông phải nhận trách nhiệm về quản lý yếu kém tại các công ty thuộc sở hữu nhà nước. Vào tháng Tám, công an cũng đã bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, người sáng lập Ngân hàng Thương mại châu Á – một trong những ngân hàng không thuộc quyền sở hữu của chính phủ lớn nhất tại Việt Nam.
Các tín hiệu đối với quyết định ngày hôm qua cho thấy cuộc đấu tranh quyền lực giữa ông Dũng và các đối thủ của ông sẽ còn tiếp tục, có khả năng làm phức tạp thêm những nỗ lực để vực dậy hệ thống tài chính, Joshua Matthews, một nhà phân tích đầu tư cao cấp tại Fundamental Value Partners ở Hồng Kông chia sẻ.
“Nguy cơ là không ai bước ra rõ ràng và họ chỉ tiếp tục công việc như trước”, ông nói qua điện thoại. “Đó là chính sách mà không có sự ủng hộ đầy đủ của nhà nước, ví dụ, một nhóm trong chính phủ đang cố gắng làm sạch lại lĩnh vực ngân hàng nhưng đang gặp phải rất nhiều vật cản. Nếu bạn có đủ mối quan hệ để có được một giấy phép [thành lập] ngân hàng thì bạn sẽ có rất nhiều người giúp bạn bảo vệ nó”.
‘Hệ thống quen biết’
Theo ông Tường Vũ, giáo sư tại Đại học Oregon, thì hai đối thủ chính của ông Dũng là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đang sử dụng cuộc suy thoái kinh tế mới nhất để thách thức sự lãnh đạo của ông Dũng. Các hệ thống cạnh tranh trong đảng đang ganh đua nhau để giành quyền lực và tiền bạc đến từ các nguồn bán hàng, dự án xây dựng và giấy phép độc quyền trong các ngành công nghiệp như ngân hàng và năng lượng, ông nói thêm.
“Các cuộc đấu tranh phe nhóm đã luôn tồn tại trong đảng, nhưng nó chưa bao giờ được đưa ra ngoài quần chúng như thế này”, ông Vũ viết trong một e-mail. “Ở một mức độ nào đó có thể là do Internet, nhưng một thực tế quan trọng vẫn là các hệ thống quen biết và liên quan đến các cơ quan kinh tế lớn”.
Theo Tổng cục Thống kê thì năm ngoái, khu vực [doanh nghiệp] chính phủ chiếm 1/3 của nền kinh tế, giảm xuống từ mức 38% vào năm 2005, với các công ty nhà nước đầu tư nhiều hơn vào các khu vực tư nhân so với các doanh nghiệp địa phương. Các dữ liệu hiện nay cho thấy các doanh nghiệp được điều hành bởi chính phủ sản xuất khoảng 21% trong tổng số thu ngân sách qua chín tháng đầu năm nay.
Tính hợp pháp của Đảng [Cộng sản Việt Nam]
Hồ Chí Minh đã thành lập Đảng Cộng sản tại một cuộc họp năm 1930 ở Hồng Kông, và đưa đảng này lên nắm quyền thông qua các cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, giết chết hàng triệu người Việt Nam. Bản Hiến pháp hiện hành nêu rằng Đảng Cộng sản “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Thông qua tổ chức cấp địa phương và cả nước thì Đảng đã chiếm 499 ghế trong Quốc hội, và Quốc hội đã bầu chủ tịch nước và thủ tướng.
Khả năng để đảng làm cho cuộc sống của 90 triệu dân trở nên tốt đẹp hơn là tâm điểm với mục đích nhằm cố gắng duy trì tính hợp pháp. Để thực hiện mục tiêu này thì đảng đã phải bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng chính kiến. Hiện nay có 5 nhà báo và 19 blogger đang bị giam giữ tại Việt Nam, bao gồm cả hai người vừa bị kết án tù 6 năm vào tháng Tám vừa qua vì tội tuyên truyền [chống nhà nước]. Phóng viên Không Biên giới cho biết hồi tháng trước rằng các con số này tại Việt Nam vẫn nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác, ngoại trừ Trung Quốc và Iran.
“Công dân có thể nhân nhượng hơn đối với chế độ một đảng nếu họ liên tục giữ mức tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội”, Eddy Malesky, Phó Giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Duke nói. “Trong lịch sử, các chế độ không giữ được các điều trên đã phải đối mặt với bất ổn chính trị”.
Liên hệ với nhân viên Bloomberg News về bài viết này:
K. Oanh Hà ở Hà Nội – oha3@bloomberg.net,
Daniel Ten Kate ở Bangkok – dtenkate@bloomberg.net.
Liên hệ với biên tập viên chịu trách nhiệm về bài viết này:
Peter Hirschberg – phirschberg@bloomberg.net.
Tựa đề do CTV Phía Trước đặt.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012