Bướm hoa ngoài khung cửa - Dân Làm Báo

Bướm hoa ngoài khung cửa

Kẻ Ngồi Hàng Rào (Danlambao) - Thủ tướng nước Anh Winston Churchill, người ghét chiến tranh nhưng lại là người hùng chiến thắng trong Thế Giới Đại Chiến Thứ Hai, đại ý nói rằng đầu tiên con người nắn khuôn ra chế độ và vào trong đó mà ở. Khi đã ở lâu trong đó rồi thì chế độ nắn khuôn con người, con người trở thành tù nhân của chế độ và không thể thoát ra. Do đó khi chế độ có vấn đề vì đã lỗi thời, vì có quá nhiều lỗi hệ thống, tựa như căn nhà chỉ có hai phòng ngủ một phòng tắm, lúc đầu được xây ra cho gia đình bốn người, bây giờ gia đình đã mười người, nhưng không ai chịu ra mà cũng không muốn phá căn nhà đi để xây lại cho nó lớn hơn, hậu quả hiển nhiên là tranh chấp và tranh chấp, tố nhau để giành phần phải về mình và cho rằng tại vì lòng tham mới ra nông nỗi.

Trong khoa học xã hội, vấn nạn thì luôn luôn có, bởi vì giải pháp của ngày hôm nay sẽ trở thành vấn nạn cho ngày mai. Trong biện chứng pháp mà người cộng sản hay dùng cũng đã nói rằng nếu có chính đề thì phải có phản đề, sự đối chọi sẽ cho ra hợp đề và hợp đề qua thời gian sẽ trở thành chính đề và cứ thế mà đi, tương tự như đứa con là hợp đề của đàn ông và đàn bà và sẽ là chính đề của tương lai. Để giải quyết những vấn nạn thì giải pháp thường nằm ngoài cái khung của đường xưa lối cũ và cần giải phóng trí tuệ cho nó được thoát ra để thưởng thức bướm hoa ngoài khung cửa.

Suy nghĩ ra ngoài khuôn khổ của các nề nếp cũ thì mới tìm được giải pháp và xã hội mới được tiến bộ. Lấy thử một ví dụ:

.    .    . (điểm 1, 2, 3)
.    .    . (điểm 4, 5, 6)
.    .    . (điểm 7, 8, 9)

có chín điểm như trên, nếu chỉ bằng bốn đường gạch liên tục để nối tất cả chín điểm đó lại với nhau mà không được đi qua một điểm nào hai lần thì chúng ta không thể nào làm được nếu chúng ta không đi ra ngoài chu vi hình vuông của nó. Nếu chúng ta giam hãm đầu óc của chúng ta trong cái hộp chín điểm, chúng ta sẽ bất lực. (Giải pháp: đường I nối 1-5-9, đường II nối 9-8-7 và ra ngoài một ô, đường III nối từ ngoài vào 4-2 và ra ngoài một ô, đường IV nối từ ngoài vào 3-6-9 để hình thành mũi tên hay con diều).

Cho nên, đã đến lúc các đảng viên của đảng CSVN phải lìa ngó ý đừng vươn tơ lòng, can đảm qua sông bỏ thuyền đừng nên lưu luyến vì các chiếc xe Ferrari, Lexus và các đoàn xe để đưa mọi người đến sự thịnh vượng lâu dài không thể đậu ở bến sông. Nó đang có và nó sẽ mất nếu người qua sông không muốn bỏ thuyền. Khi con tàu lớn đã mục không sửa được, nước vô ào ạc và sắp chìm giữa biển khơi thì sự luyến tiếc không thể cứu rỗi mà là những chiếc thuyền nhỏ cần phải được hạ thủy ngay để sự sống còn của các phe nhóm được bảo đảm. Ông Trương Tấn Sang úp mở là sẽ về vườn sau khi không diệt được sâu (từ ngữ của ông), tại sao ông không ở lại để làm đảng Bảo thủ đối lập, như đã có lần TS Nguyễn Quang A đề nghị cho ông ủy viên BCT cực kỳ bảo thủ của khóa VIII Nguyễn Đức Bình? Trong chính trị, thua không phải là thất bại, bỏ cuộc mới là thất bại. Ông Richard Nixon thua xiểng niểng nhưng không thất bại vì không bỏ cuộc.

Ai trong Bộ Chính trị hiện nay, nhất là tứ trụ Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, có được cái nhìn ra khỏi vỏ ốc của đảng? Người nào nhìn ra được và dám chui ra khỏi vỏ sớm nhất sẽ là người chiến thắng. 

Ông Trọng, ông Sang luôn luôn muốn bảo vệ đảng bây giờ có đổi chiều và có khả năng để chui ra phất cờ. Đến khi nào 2 ông mới chứng minh rằng việc làm của hai ông thật sự là vì dân vì nước, 2 ông đứng về phía nhân dân bằng những hành động cụ thể như phóng thích những công dân đang bị cầm tù vì lòng yêu nước, ủng hộ những tranh đấu đòi hỏi chính đáng của nông dân, dân oan...?

Còn nếu đồng chí X phất cờ và dọn đường cho thế hệ nối tiếp (con gái?) thì liệu có thuyết phục được ai khi thanh minh thanh nga với nhân dân về sự hạn chế của mình khi phải điều hành đất nước từ bên trong vỏ đảng với tất cả các chính sách về bauxite-biển-rừng, các xí nghiệp quốc doanh, các bản án bỏ túi nặng nề và bắt bớ các nhà dân chủ, các vụ đàn áp cưỡng chiếm đất đai v.v... đều là quyết định của BCT chứ không phải một mình ông, như ông đã có lần lên tiếng là với tư cách thủ tướng ông chịu trách nhiệm chính trị chứ ngoài ra ông không có làm điều gì sai. Còn tham nhũng? Ông không có quyền tự định đoạt trong vấn đề bổ nhiệm nhân sự mà tất cả đều do Ban Cán sự đảng quyết định thì tham nhũng cũng là lỗi của đảng chứ đâu phải một mình ông. Điều này thật rõ ràng qua việc ông Trọng nói rằng 100% toàn thể BCT và đồng chí X có lỗi.

Trò Chơi Quyền Lực

Tranh giành quyền lợi và quyền lực là hiện tượng tự nhiên của xã hội loài người ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào, thóa mạ nó tức là chối bỏ cái thực tế này, nó là bản chất của con người trong năng lực vĩ đại của chiến đấu. Cho nên vấn đề còn lại là sự tranh giành quyền lực này được quy định trong luật chơi nào? dân chủ hay độc tài? ôn hòa và văn minh hay bạo lực và thủ đoạn? nó là một bộ môn có tính cách sôi động vui tươi như bộ môn thể thao để dù thua keo này thì bày keo khác, hay căng thẳng, hồi hộp lo âu vì tài sản, danh dự và sinh mạng đang bị đe dọa trong luật chơi sát phạt và tiêu diệt lẫn nhau?

Trong chế độ dân chủ nó là một bộ môn thể thao, một trò chơi không đổ máu vừa ôn hòa vừa văn minh. Mới hai ngày trước đó thì ông Obama và ông Romney tranh luận đấu khẩu dữ dội trước 66 triệu người đang trực tiếp theo dõi trên tivi, nhưng cũng ở New York hai ngày sau thì họ ngồi chung bàn ăn và vui vẻ chuyện trò trong một sinh hoạt gây quỹ từ thiện của tôn giáo. Ông Churchill tuy là một thủ tướng của chiến tranh bạo lực nhưng ông yêu chuộng và khuyên mọi người nên đấu võ mồm vì nó luôn luôn tốt hơn là bạo lực.

Ngược lại, trong chế độ độc tài thì luật chơi lại khác hẳn, có tính cách "vô độc bất trượng phu", không tàn độc không phải là người có tầm cỡ. Luật chơi này đưa tới sự sát phạt và tiêu diệt đối thủ. Nhà độc tài luôn luôn nghi ngờ và tìm cách tiêu diệt nhân vật số hai, người có thể đe dọa địa vị của họ. Trotsky, Lưu Thiếu Kỳ, Võ Nguyên Giáp v.v... là những nhân vật số hai bị tiêu diệt hay bị trù dập.

Bỏ Thì Thương Vương Thì Tội

Rõ ràng là khi đi vào kinh tế thị trường thì dù có đuôi theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì cái đuôi ấy đến một ngày nào đó phải đứt để con nòng nọc được nhảy lên bờ, sống trong một cảnh giới rộng lớn hơn. Càng ngày các nhóm lợi ích càng nhiều và các quyền lợi càng xung khắc nhau, rõ ràng là có một sự xung khắc quyền lợi giữa các tập đoàn của chị em bà Yến ông Tâm và phía Thanh Phượng, Trầm Bê.... Tiêu diệt các nhóm lợi ích? - Không nên và không thể, vì nó là động lực của nền kinh tế đang phát triển trong lúc giao thời. Cũng như tình dục, người ta không thể cấm khi đứa trẻ đi vào giai đoạn thành niên, nhưng người ta có thể định chế hóa nó qua hôn nhân và gia đình. Quốc Hội nên có thực quyền để làm việc định chế hóa này, giống như người thành niên bị chi phối bởi luật pháp chứ không phải bởi cha mẹ (đảng) như trước đây.

Quanlambao lập ra để tìm cách triệt hạ đồng chí X và bảo vệ đảng với những bài ca ngợi ông Trọng, ông Sang, TC2 và đảng, nghĩ rằng nếu thay được thủ tướng thì nhóm lợi ích của mình sẽ được Đảng chống lưng như đã từng có trong quá khứ, được lợi thế hơn thay vì bị chèn ép như hiện nay. Sau kết luận của hội nghị trung ương 6 thì dường như Quanlambao đã nhận chân ra rằng độc đảng không có khả năng để bảo vệ tất cả các nhóm lợi ích, cho nên Quanlambao đã chuyển hướng và kêu gọi dân chủ đa nguyên và chỉ trích lãnh đạo đảng chỉ là khỉ đít đỏ. Tranh đấu cho dân chủ là điều đúng đắn, hy vọng Quanlambao nên mạnh mẽ trong lãnh vực này.

Hội Nghị TƯ 6 vừa qua tuy là một thất bại cho người chấp nhận định chế đảng trị hay phe bảo vệ đảng nhưng là một thành công cho hiện tượng tự diễn biến, vì lẽ: 

(1) Cuộc tranh chấp giữa phe đảng và phe Chính phủ chưa ngưng mà vẫn còn tiếp tục. Ngay sau hội nghị, ông Dũng ngày 16/10/2012 đi dự lễ kỷ niệm 59 năm Học Viện Cảnh Sát Nhân Dân và trao danh hiệu đơn vị Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân cho Học Viện, có vẻ để củng cố sức mạnh của ông. Ông Trọng và ông Sang đi gặp cử tri Hà Nội và TP HCM để phân bua, vỗ về và lôi kéo quần chúng, tạo dư luận hậu thuẫn cho một trận chiến mới mà ông Sang đã không dấu diếm và còn ẩn ý là nếu thất bại lần nữa thì sẽ về vườn. 

(2) Uy tín của Đảng đã xuống rất thấp trong con mắt của quần chúng vì rõ ràng là lãnh đạo che chở cho nhau mà báo Economist gọi là "chúng ta tha cho chúng mình". 

(3) Hai phe kẽ sứt trán người gảy gọng, đưa đến cả hai cùng bị tổn thương và cùng yếu. 

(4) Sự bất mãn và phẩn uất của quần chúng càng gia tăng, làm cho họ dễ xuống đường khi lòng kính trọng không còn và sự nôn nóng đòi công lý đã đè bẹp nỗi sợ hãi cố hủ. 

(5) Uy tín của "thế lực thù địch" các nhà dân chủ được gia tăng trong con mắt của quần chúng. 

(6) Quyền lực của Chính phủ còn được duy trì chứ chưa bị đi thụt lùi mất về tay đảng. Tuy quyền lực Chính phủ sẽ bị yếu và bị kiểm soát hơn nhưng nếu do Quốc hội thì có tính cách pháp quyền và trong vòng pháp luật hơn là đảng quyền với các nghị quyết đứng ngoài và đứng trên pháp luật.

Để giải quyết vấn đề bỏ đảng thì thương, vương đảng thì tội đòi hỏi đảm lược của những người ở vị trí lãnh đạo và nhất là cái thế bí chính trị của hoàn cảnh, để tạo thông lộ cho sự bế tắc. Sự an toàn của cá nhân, gia đình và người thân, sự bảo vệ tài sản và thanh danh, sự lưu danh trong sử sách, nhất là sự đưa đất nước và dân tộc đi vào dòng tiến hóa của nhân loại có thể là động cơ cần thiết. Xây dựng định chế dân chủ pháp trị để trong sạch hóa chính quyền, giữ gìn chủ quyền và độc lập dân tộc thì ông Trọng hay ông Sang có đáp ứng được không hay chỉ khuyên dân quan tâm nhiều hơn trong việc đi tìm Đồng Chí X?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo