Đào Tuấn - Một quy định rành rành hai chữ văn minh, nhưng hình như hai chữ “không được” đối với một sinh hoạt văn hóa ngàn đời, và đời người thông thường cũng chỉ một lần- thì lại không được văn minh cho lắm.
Một cách hoàn toàn nghiêm túc, Bí thư huyện ủy Mỹ Đức- HN, ông Nguyễn Ngọc Thạch kể một câu chuyện thật như đùa: “Tại nhiều đám cưới, các cựu chiến binh thường đến giám sát xem mỗi mâm cỗ có bao nhiêu người, khiến gia chủ bối dối”. Những cuộc giám sát dở khóc dở cười này diễn ra hồi quận Hà Đông đưa ra quy định “Không tổ chức mời khách trên 40 mâm cỗ”.
So với “quy định 40 mâm” ở Hà Đông, “quy định 50 mâm. 300 khách” mà Hà Nội vừa đưa ra trong Dự thảo Chỉ thị thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố, rõ ràng chỉ “nhiều” hơn, nhưng không hợp lý hơn, không “thoát” hơn, khi con số 40 hay 50 vẫn chỉ là xoay quanh câu chuyện miếng ăn, và lớn hơn, trong một thứ tư duy cấm đoán. Phái sinh của nó nhãn tiền sẽ là câu chuyện quần chúng nhân dân giám sát đám cưới cán bộ đảng viên theo kiểu dở khóc dở cười như ở Hà Đông bởi, cũng may, Hà Nội đã tuyên bố không cần thiết phải thành lập một ban chuyên đi đếm người dự cưới.
Thực ra, chữ cần bàn nhất trong quy định này nằm ở chữ “không được”. Không được, có nghĩa là về hình thức, Hà Nội đang áp dụng một quy phạm cấm cho một sinh hoạt văn hóa mang tính chất riêng tư của “con người công dân” trong mỗi cán bộ công chức, tương tự như việc cấm vòng hoa tang ở Bình Dương, điều đáng lẽ chỉ nên mang tính chất vận động, thuyết phục với đối tượng không chỉ cán bộ, đảng viên mà là nhân dân nói chung. Nhưng chỉ là vận động mà thôi.
Việc “cấm cỗ” càng không nên gắn với nghị quyết TƯ 4, bởi việc chấn chỉnh Đảng không thể và không nên là việc “cấm cỗ”, đang được dư luận cho là một sáng kiến “khôi hài”. Sự khôi hài trong một quy phạm cấm, hầu như sẽ không thực hiện nổi trên thực tế, vô hình chung, làm mất đi sự nghiêm túc của một cuộc sinh hoạt chính trị gắn với sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Suy cho cùng, điều quan trọng mà người làm ra chính sách, người lãnh đạo cần làm, phải làm là khiến cho cuộc sống của cán bộ, công chức, của người dân khấm khá, đến mức cưới ở Khách sạn 5 sao, ở khu du lịch, với quy mô 50-60 mâm cỗ đãi họ hàng, bạn bè là chuyện bình thường, chứ không phải bó hẹp trong câu chuyện mang tiếng là miếng ăn, dù dưới danh nghĩa tiết kiệm, văn minh. Bởi khi cuộc sống không quá chật vật bởi miếng ăn, đám cưới đối với khổ chủ sẽ không còn là chuyện ăn cỗ, cũng không phải là chuyện “cơm bụi giá cao” với tân khách. Bởi khi cuộc sống khá giả hơn con người ta có quyền tự cân đối nhu cầu và ý thức của riêng họ. Bởi văn minh không có nghĩa là thích gì cấm đó, cấm không buồn quan tâm xem thực sự có cấm được hay không.
Một quy định rành rành hai chữ văn minh, nhưng hình như hai chữ “không được” đối với một sinh hoạt văn hóa ngàn đời, và đời người thông thường cũng chỉ một lần- thì lại không được văn minh cho lắm.
Đào Tuấn