Cảnh sát thuế, cảnh sát luật - Dân Làm Báo

Cảnh sát thuế, cảnh sát luật

Đào TuấnVà hôm nay, đúng vào thời điểm ngân sách cạn đến không còn đủ tiền tăng lương, câu chuyện “cảnh sát thuế” cho thấy còn có một cách nhìn khác. Bởi đặt ra cảnh sát thuế, có nghĩa, các nhà làm luật đang nhìn các DN dưới giác độ những “tên tội phạm tiềm ẩn”, thay vì thấy họ như những người tạo ra nhiều nhất của cải và việc làm cho xã hội. Và thứ đáng để nói hơn cả trong câu chuyện “cảnh sát thuế” là đang cho thấy tồn tại một “tâm lý cảnh sát” trong đầu những nhà làm luật. Thứ tâm lý vẫn dai dẳng từ thời bao cấp, khi DN được gọi miệt thị là “con buôn”, khi sự giàu sang giống y như sự vô đạo đức...

*

Trong câu chuyện “thuế” được bàn sáng nay tại Quốc hội, “cảnh sát thuế” lại được nhắc đến dù nó đã nhận cái “gạch chéo” của Ủy ban thường vụ Quốc hội. 

Dường như câu chuyện giảm thu “thấp kỷ lục nhiều năm”, dường như 25.500 tỷ đồng giảm thu nội địa, dường như việc ngân sách cạn đáy khi không có nổi 60 ngàn tỷ đồng để tăng lương đã ám ảnh các nhà làm luật. Đến nỗi, Luật Quản lý thuế hầu như chỉ bàn ở giác độ các biện pháp làm sao để “những phường gian dối” hết đường trốn thuế.

Có một câu cửa miệng dân gian vô cùng thú vị “Nào chúng ta cùng trốn (thuế)” để nói về tình trạng thuế được coi như thứ “của chùa” mà không trốn mới là bất bình thường. Đăng đàn Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ đưa ra con số: Trong lĩnh vực nhập khẩu, có khoảng 20% DN thường xuyên chây ì thuế và vi phạm pháp luật về hải quan.

Phải chấn chỉnh “nguồn thu chủ yếu” của ngân sách quốc gia là điều không có gì phải bàn cãi. Nhưng có một chi tiết không nhỏ, được nhắc đi nhắc lại ngay cả khi nhận được cái “gạch chéo” của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Đó là ý tưởng đặt ra một thứ “cảnh sát thuế”.

Một ĐBQH, thuộc khối tư pháp, đương nhiên, đã đăng đàn quyết liệt để bảo vệ, với lập luận: “Sự chuyên nghiệp của cơ quan điều tra, kiểm sát cũng không thể bằng cơ quan thuế”. Có nghĩa là vì khó, cho nên phải lập riêng một lực lượng mới để đối phó với các DN có ý định trốn thuế? Và 20% DN chây ì là lý do dẫn đến việc lập ra một lực lượng gắn kèm hai chữ “cảnh sát”?

DN Việt Nam đang chịu đủ thua thiệt, riêng trong lĩnh vực thuế, ĐBQH Trần Hoàng Ngân đã dùng chữ “quá cao”, trong khi thuế Thu nhập doanh nghiệp được nói “khan cổ” suốt từ kỳ họp này sang kỳ họp khác vẫn đang là những hòn đá tảng, đè nặng lên những DN còn có thể thoi thóp. Chẳng phải nói đâu xa, ngay tại cuộc “làm luật” sáng nay, cũng có không ít lời kêu than: Thuế cao, thuế nhiều, thuế nặng, thuế trùng và một tình trạng thời sự nóng hổi là phạt chậm nộp thuế, như giọt nước cuối làm tràn “chiếc ly sức chịu đựng” của DN.

Điều cần làm bây giờ, và kể cả sau này là có một mức thuế không cao hơn các nước khu vực để DN Việt không chết trong “ao nhà”, trước khi nói chuyện “ra biển lớn”. Là quyết liệt với những câu chuyện phi thuế, hoặc thuế phí ‘không hóa đơn”, để họ có thể đàng hoàng làm “những chiến sĩ xung kích trong thời bình”, như lời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, chứ không phải dáo dác luồn nọ lách kia. Chứ không phải là việc đặt ra một lực lượng cảnh sát thuế.

Ngày 13-10-1945, tức chỉ ít ngày sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi giới công thương toàn quốc long trọng cam kết “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”, bởi theo ông Cụ: “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là việc kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.

Và hôm nay, đúng vào thời điểm ngân sách cạn đến không còn đủ tiền tăng lương, câu chuyện “cảnh sát thuế” cho thấy còn có một cách nhìn khác. Bởi đặt ra cảnh sát thuế, có nghĩa, các nhà làm luật đang nhìn các DN dưới giác độ những “tên tội phạm tiềm ẩn”, thay vì thấy họ như những người tạo ra nhiều nhất của cải và việc làm cho xã hội. Và thứ đáng để nói hơn cả trong câu chuyện “cảnh sát thuế” là đang cho thấy tồn tại một “tâm lý cảnh sát” trong đầu những nhà làm luật. Thứ tâm lý vẫn dai dẳng từ thời bao cấp, khi DN được gọi miệt thị là “con buôn”, khi sự giàu sang giống y như sự vô đạo đức.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo