BNS Tự Do Ngôn Luận - Hội nghị Trung ương 6 với bao cam kết chắc nịch, hứa hẹn hùng hồn, dự tính vĩ đại rồi đây cũng sẽ đi vào quên lãng và vô hiệu như mọi hội nghị trung ương khác. Chỉ có những kẻ được thoát nạn bay ghế, được xí xóa lỗi lầm, được xóa bài làm lại, được lường gạt nhân dân một lần nữa là hí hửng và đắc chí thôi. Riêng đất nước và nhân dân vẫn tiếp tục rên siết dưới ách độc tài, vẫn gánh chịu suy thoái khủng hoảng, vẫn lầm lũi kiếm sống qua ngày, vẫn nơm nớp vì nạn công an côn đồ, cán bộ trời con, đảng viên lãnh chúa và nhất là nạn ngoại thù và nội thù cấu kết xóa sổ quốc gia...
*
Sau
hai tuần họp kín, Hội nghị Trung ương 6 của đảng Cộng sản Việt Nam
(CSVN) đã kết thúc hôm 15-10-2012 tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng, kẻ chủ trì Hội nghị, “hùng hồn” công bố tinh thần “tập thể đóng
cửa bảo nhau” đã thắng lợi: “Qua kiểm điểm tự phê bình, phê
bình và lắng nghe ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tập thể
Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí
thư đã nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn những ưu điểm và nhất là
khuyết điểm của mình; phân tích, làm rõ nguyên nhân của các khuyết điểm,
hạn chế, từ đó đề ra các biện pháp sửa chữa, khắc phục. Các
đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều hết sức thấm thía, day dứt trước
những thiếu sót, khuyết điểm, tự nhận thấy phải nghiêm khắc với mình
hơn, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ hiểu biết, đổi
mới lề lối làm việc; gương mẫu giữ gìn đạo đức, lối sống; đoàn kết, gắn
bó hơn trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thành tốt chức trách,
nhiệm vụ được giao” (Phát biểu bế mạc).
Thế nhưng, bất chấp mọi dự
đoán của công luận, không một đảng viên nào bị kỷ luật, dù Hội nghị
này đã được triệu tập do có vô số sai lầm và tội ác do nhiều đảng viên
chóp bu gây nên. Nguyễn Phú Trọng ra chiều khiêm tốn nói: “Để
giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng, góp phần giữ gìn uy tín, hình ảnh
thiêng liêng của Đảng và làm gương trong toàn Đảng, Bộ Chính trị đã
thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình
thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính
trị”. Thế nhưng trong Thông báo Hội nghị đưa ra tiếp đó có đoạn: “…
Sau khi thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ
phiếu quyết định không kỷ luật Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ
Chính trị”. Điều này khiến người ta nhớ lại việc Phó Thủ tướng
thường trực Nguyễn Sinh Hùng (trong báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp
Quốc hội thứ 9 sáng ngày 21-03-2011) cho hay Bộ Chính trị đã quyết định
không xử lý kỷ luật với các tập thể, cá nhân trong Chính phủ liên quan
đến tình hình sai phạm khủng khiếp ở Vinashin. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối nhưng cũng tuyệt đối bất khả xâm phạm! Làm lãnh đạo Cộng sản sướng thật!
Đài
BBC, trong bản tin ngày 15-10-2012, cho biết Hội nghị có 5 điều đã đạt
và 5 điều chưa xong.
Năm điều đã đạt, trước hết là “thành công của sự trở lại bình thường... và điểm
nhấn của thành công này là lời ‘thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng,
toàn dân’ vì những sai lầm nghiêm trọng làm kinh tế ảm đạm, doanh
nghiệp lao đao, nồi cơm của hàng triệu người bị bể chỉ trong vài năm
qua. Rõ ràng Giáo sư Trọng phải là người có dũng khí, bản lĩnh chính trị
cao và làm chủ hoàn toàn nghị trình của Hội nghị 6 mới cho ra được lời
xin lỗi đó”. Thì cũng chẳng khác gì Hồ Chí Minh, khi lãnh tụ
này chỉ nhỏ vài giọt nước mắt là đủ sau vụ giết chết nửa triệu người
dân trong Cải cách Ruộng đất!
Điều thứ nhì là “quyết tâm xử lý các vụ việc trong ngành ngân hàng gây chấn động cả nước thời gian qua” bằng “việc
nêu đích danh các nhân vật từ Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân
Hải, Dương Chí Dũng... trong thông báo của Trung ương”. Phải chăng
quyết tâm xử lý này là quyết tâm kiểu vụ tham nhũng PMU 18 năm 2008, vụ
hối lộ tiền polimer năm 2009, vụ xà xẻo Ngàn năm Thăng Long năm 2010,
vụ vỡ nợ Vinashin năm 2011, vụ ve chai Vinalines năm 2012, trong đó
hoặc giam tù người tố cáo, hoặc thả lỏng người nhận hối lộ, hoặc xù nợ
nước ngoài, hoặc bắt nhân dân gánh chịu thiệt hại…?
Thứ ba là “điều
chỉnh hành vi của gia đình, vợ con và người thân”, Hội nghị cũng gián
tiếp xác nhận nạn bè phái, bảo kê chính trị, con ông cháu cha không chỉ
còn là một thông lệ xã hội mà đã trở nên tệ nạn mang tính lũng đoạn
kinh tế và chính trị Việt Nam ở mức cao nhất, tức là trong chính các Ủy
viên Trung ương Đảng”. Điều này đâu phải được nêu ra lần đầu. Ngày
01-11-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Quy định số 47-QĐ/TW
của Ban Chấp hành Trung ương, nói rõ 19 điều đảng viên không được làm,
trong đó “có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh,
chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh
vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định” (điều
8). Nạn “gia đình trị”, “con ông cháu cha”, “con cháu các cụ cả” là một
truyền thống lâu đời của mọi đảng CS trên toàn thế giới. Thế giới tư
bản thì quyền nằm trong tay chính phủ còn tiền nằm trong tay nhân dân.
Nhưng thế giới cộng sản, đảng và nhà nước nắm cả quyền lẫn tiền thì cha
ghế ngồi lớn dại gì chẳng tạo cho con túi tiền to.
Điều thứ tư là “ngôn ngữ của Hội nghị cho thấy một sự linh hoạt hơn, thậm chí dân chủ nội bộ được nới rộng ít nhiều”.
Nới rộng ít nhiều dân chủ nội bộ, tại sao với bản cáo trạng hơn 300
trang nhắm vào viên Thủ tướng, với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong đó
Nguyễn Tấn Dũng chỉ được 04/14 phiếu của Bộ Chính Trị và 20% phiếu của
Ban Chấp hành Trung ương (theo Quan Làm Báo), nhưng rốt cuộc vẫn tại vị
cho hết nhiệm kỳ? Phải chăng đàng sau có bàn tay lông lá của Trung Nam
Hải, có quyền uy tối thượng của Tập Cận Bình mà Nguyễn Tấn Dũng đã gặp
hôm 20-09 tại Quảng Tây?
Điều thứ năm là “việc xác nhận công khai ý
tưởng đã được nói đến từ lâu rằng các tập đoàn kinh tế, các tổng công
ty của nhà nước phải được cấu trúc lại theo mô hình công ty mẹ – công
ty con và hàng năm chúng phải được kiểm toán”. Giọng điệu này
chẳng mới mẻ gì, nó đã có ít nhất từ năm con tàu Vinashin vỡ nợ và đến
nay thì hoàn toàn chìm hẳn, bên cạnh những tổng công ty, đại tập đoàn
đang ngắc ngoải chờ chết do chủ trương “quốc doanh chủ đạo”, cái chủ
trương điên khùng mà Nguyễn Phú Trọng vẫn nhất quyết theo đuổi: “Trung ương tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước” (Bài phát biểu).
Với 5 điều chưa đạt, BBC xem ra khách quan hơn. “Thứ
nhất là dù họp nội bộ căng thẳng, Đảng vẫn phải nêu ra ‘các thế lực
thù địch, phá hoại’ làm lý do để nêu cao ‘tình đồng chí’ trong vụ đề
nghị xử lý kỷ luật nội bộ đã nêu chức danh, chỉ thiếu nêu tên của một
ủy viên Bộ Chính trị. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, chưa có thế lực
bên ngoài nào phá hoại tới mức làm sụt cả tăng trưởng kinh tế hoặc gây
ra các vấn đề chính thông báo nêu ra, từ khủng hoảng ngân hàng, nợ xấu,
tai nạn giao thông đến tệ nạn xã hội. Những thông tin công kích cá nhân
lãnh đạo thời gian qua cũng xuất phát từ nội bộ, không phải từ đài báo
nước ngoài hay những tổ chức của người Việt ở hải ngoại vốn phần lớn
thiếu tin trong nước”.
Quả đúng như thế, đỗ thừa, thoái thác trách
nhiệm là quán tính của đảng Cộng sản, vốn giàu tự ái, hết sức tự cao,
rất mực tự đại, chẳng bao giờ biết thực tâm xin lỗi và thực sự sửa lỗi.
Thành ra chỉ có việc thay thế nó thôi, như thế giới Đông Âu đã làm.
Thứ
hai là “Thông báo bế mạc Hội nghị viết, "Bộ Chính trị cũng đã gợi ý
kiểm điểm sâu hơn về một số nội dung đối với 56 tập thể và một số cá
nhân thuộc diện Bộ Chính trị quản lý", cho thấy các tin đồn đoán về
‘cuộc chiến cung đình’ là có thực và sẽ còn tiếp diễn”. Thanh
trừng, sát phạt đổ máu hay chỉ đổ ghế là điều tự nhiên của một chính
đảng và chế độ đứng trên luật pháp, dựa trên phe phái và xây trên bạo
lực. Thành ra các hội nghị đấu đá phê bình, tranh giành quyền lực của
cái đảng đang quản lý xã hội, cai trị nhân dân, bao giờ cũng thoát khỏi
cái nhìn của nhân dân và xã hội.
Thứ ba là “doanh nghiệp nhà nước vấn sẽ đóng vai trò nòng cốt dù chúng bị cấm đầu tư dàn trải”.
Ý kiến của biết bao chuyên gia kinh tế, kinh nghiệm của vô vàn hiện
thực cay đắng, thất bại của hàng ngàn cơ sở kinh tế quốc doanh vẫn
không làm cho đảng Cộng sản mở mắt, bởi lẽ mắt họ mở ra chỉ thấy các
doanh nghiệp nhà nước là nơi để thân nhân cán bộ, con cháu đảng viên
tràn vào chiếm giữ, độc quyền kinh doanh, mau chóng sang giàu và nếu có
làm ăn thất bát thì đã có nhân dân nai lưng trả nợ. Sức dân là vô tận
mà!
Thứ tư là “Luật Đất 2003 sẽ được điều chỉnh nhưng về nguyên
tắc thì Nhà nước sẽ vẫn toàn quyền quyết định chuyện thu hồi đất của
dân cho các công trình quy hoạch. Dù cách bồi thường có thể điều chỉnh
khi cưỡng chế đất của dân nhưng đây sẽ vẫn là điểm nóng kinh tế – xã
hội không có hướng giải quyết”. Quả thế, hôm 11-10-2012, nhiều ý
kiến tại hội thảo “Tham vấn cộng đồng về dự thảo luật Đất đai sửa đổi”
do OXFAM (Liên minh Quốc tế các Tổ chức tìm giải pháp bền vững cho
nghèo đói và bất công) diễn ra tại Hà Nội đã bày tỏ nỗi lo dự thảo sửa
luật Đất đai sẽ không phù hợp với cuộc sống, chẳng đáp ứng mong mỏi của
đại đa số người dân. Hầu hết các chuyên gia, luật sư nhận xét: dự thảo
luật chưa thay đổi về chính sách mà chỉ về chi tiết, sửa sang câu chữ,
thậm chí thụt lùi. “Nó chỉ đứng trên quyền lợi Nhà nước chứ không đứng
về phía người dân. Quyền của Nhà nước được nhấn rất mạnh, như quy định
quyền giao đất, quyền cho thuê đất được giao cho chủ tịch UBND cấp tỉnh
thay vì UBND như trước”, ông Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng bộ Môi
trường-Tài nguyên phát biểu. Theo chuyên gia này, việc trao quyền từ tổ
chức sang cá nhân chắc chắn khiến tham nhũng sẽ nhiều hơn (theo SGTT
14-10-2012).
Thứ năm là “chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục nhưng
vẫn theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một học thuyết cũ kỹ, mơ hồ và
không phù hợp với hội nhập quốc tế. Hỗ trợ giáo dục, nhân tài vẫn căn
cứ vào tiêu chuẩn giai cấp (xuất thân công nhân, nông dân), hay dân tộc
thiểu số thứ không mang tính chuyên nghiệp”. Cái thứ triết lý
giáo dục chết tiệt này từ bao lâu nay đã gây tai họa vô vàn cho đất
nước, như tạo ra nạn học sinh ngồi nhầm lớp, có thói quen gian dối bài
vở, cư xử bạo hành, hạnh kiểm vô lễ, nạn hàng vạn trẻ thơ bị thất học
hay phải bỏ học vì học phí ngất trời và phụ phí đủ loại, nạn giáo viên
đứng nhầm bục, thiếu tư cách mô phạm như cho điểm giả, dùng bạo lực, gạ
tình dục, buộc học thêm để moi tiền phụ huynh, cấm cản học trò bày tỏ
lòng yêu nước, nạn sinh viên ngang nhiên sống thử, tốt nghiệp rồi thất
nghiệp, nạn giáo sư tiến sĩ cả hàng chục ngàn nhưng khả năng kém, bằng
cấp giả, phát minh quốc tế đếm trên đầu ngón tay.
Hội
nghị Trung ương 6 với bao cam kết chắc nịch, hứa hẹn hùng hồn, dự tính
vĩ đại rồi đây cũng sẽ đi vào quên lãng và vô hiệu như mọi hội nghị
trung ương khác. Chỉ có những kẻ được thoát nạn bay ghế, được xí xóa
lỗi lầm, được xóa bài làm lại, được lường gạt nhân dân một lần nữa là
hí hửng và đắc chí thôi. Riêng đất nước và nhân dân vẫn tiếp tục rên
siết dưới ách độc tài, vẫn gánh chịu suy thoái khủng hoảng, vẫn lầm lũi
kiếm sống qua ngày, vẫn nơm nớp vì nạn công an côn đồ, cán bộ trời
con, đảng viên lãnh chúa và nhất là nạn ngoại thù và nội thù cấu kết
xóa sổ quốc gia.