Hứa xong rồi lại nuốt lời như chơi - Dân Làm Báo

Hứa xong rồi lại nuốt lời như chơi

Bùi Tín - Ban chấp hành trung ương đảng có được nhân dân, quốc hội ủy nhiệm làm việc đó hay không? Như vậy có phải ban chấp hành trung ương lạm quyền của Viện kiểm sát tối cao, lạm quyền của Tòa án Nhân dân tối cao, lạm quyền của Thanh tra chính phủ, lạm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dẫm lên chân của các Ủy ban pháp luật, tư pháp, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục của quốc hội hay không? Còn đâu là lời hứa đảng tôn trọng chức trách, quyền hạn của cơ quan Nhà nước? mà quốc hội lại là cơ quan Nhà nước cao nhất...

*

Cuộc họp ban chấp hành trung ương đảng lần thứ 6 (khóa XI) vừa qua đã xem xét và quyết định một loạt vấn đề về đường lối, chính sách của nhà nước như: Vấn đề sở hữu ruộng đất, luật đất đai, đường lối chính sách giáo dục, sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế quốc doanh, đồng thời kết luận về cuộc phê bình và tự phê bình của từng người trong bộ chính trị, trong đó có những người giữ những vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước như chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng và phó thủ tướng chính phủ.

Rõ ràng cuộc họp trên đã bao biện, lấn át quyền của các cơ quan dân cử một cách rất thô bạo, xâm phạm quyền lực hiến định của Quốc hội, của Viện kiểm sát tối cao và của Tòa án nhân dân tối cao.

Quốc hội có quyền phủ nhận và hủy bỏ những văn kiện vi hiến như thế, nhân danh cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

Để hiểu rõ tình hình, đầu đuôi câu chuyện, dưới đây là trích nguyên văn một đoạn trong Nghị quyết của Đại hội đảng CS khóa VII (cuối năm 1991), hiện còn lưu rõ ràng trên mạng Văn kiện Đại hội đảng:

-VI- Đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng

…Trong 5 năm tới cần giải quyết tốt những vấn đề quan trọng và bức xúc sau đây:

1. Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng

- Sự lãnh đạo, vai trò tiên phong chính trị của Đảng thể hiện trước hết ở việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, cương lĩnh, chiến lược, sách lược, định hướng cho hoạt động của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đảng tập trung sức lực vào việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để đề ra các chủ trương, chính sách một cách đúng đắn. Đảng thu hút, tập trung trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân; khuyến khích mọi người phát huy sáng kiến, suy nghĩ độc lập, tích cực tham gia chuẩn bị các quyết định của Đảng. Đảng đề ra đường lối, chính sách cán bộ, chăm lo đào tạo cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt, giới thiệu cán bộ với cơ quan nhà nước để bố trí và sử dụng theo cơ chế dân chủ. Đảng tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Đảng.

- Đảng là lực lượng lãnh đạo chứ không phải là cơ quan quyền lực nhà nước hay cơ quan quản lý, Đảng không làm công việc quản lý nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội bằng phương pháp dân chủ, thuyết phục, bằng công tác tư tưởng và tổ chức, bằng vai trò gương mẫu của đảng viên và tổ chức đảng. Đảng tôn trọng chức trách, quyền hạn của Nhà nước và các đoàn thể.

- Theo phương hướng trên, cần xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng, mối quan hệ và lề lối làm việc giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Xây dựng và bổ sung quy chế làm việc giữa cấp uỷ đảng với cơ quan nhà nước, trước hết là giữa Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. (hết đoạn trích từ Văn kiện Đại hội đảng).

Xin bạn đọc chú ý những đoạn tôi gạch ở dưới. Có phải nghị quyết đã khẳng định rằng đảng không phải là cơ quan quyền lực Nhà nước hay cơ quan quản lý hay không? rằng đảng không làm công việc quản lý Nhà nước không? rằng đảng lãnh đạo xã hội bằng phương pháp dân chủ, thuyết phục, bằng công tác tư tưởng và tổ chức, bằng vai trò gương mẫu của đảng viên và tổ chức đảng? rằng đảng tôn trọng chức trách, quyền hạn của Nhà nước và các đoàn thể hay không?

Quyết định như thế là rất đúng, vì nhân dân, cử tri không bầu ra ban chấp hành trung ương đảng, không bầu ra bộ chính trị.

Vậy thì cái việc bỏ phiếu miễn thi hành kỷ luật 14 ủy viên bộ chính trị, tha bổng cho họ trong khi chính họ lại thú nhận những sai lầm tập thể và cá nhân, những sai lầm đã gây tổn hại hàng mấy trăm nghìn tỷ đồng cho xã hội và nhân dân, biết bao tổn thất, đau khổ khác, như vậy có phải là lạm quyền, là bao biện, là vi hiến và phạm pháp hay không? Ban chấp hành trung ương đảng có được nhân dân, quốc hội ủy nhiệm làm việc đó hay không? Như vậy có phải ban chấp hành trung ương lạm quyền của Viện kiểm sát tối cao, lạm quyền của Tòa án Nhân dân tối cao, lạm quyền của Thanh tra chính phủ, lạm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dẫm lên chân của các Ủy ban pháp luật, tư pháp, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục của quốc hội hay không? Còn đâu là lời hứa đảng tôn trọng chức trách, quyền hạn của cơ quan Nhà nước? mà quốc hội lại là cơ quan Nhà nước cao nhất.

Đảng đã tỏ ra coi thường, khinh thường vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của quốc hội, coi quốc hội chỉ hoàn toàn là bù nhìn, không cần đếm xỉa đến. Vậy mà chủ tịch quốc hội vẫn coi như không có chuyện gì.

Ban chấp hành trung ương có quyền gì mà tha bổng một loạt tội phạm nghiêm trọng đến vậy, khi toàn xã hội tỏ ra bức xúc yêu cầu phải thực hiện pháp luật nghiêm minh, khi quốc hội bị gạt ra ngoài lề? Quốc hội hoàn toàn có quyền được biết rõ nội dung trong tập biên bản 313 trang tự phê và phê bình liên quan đến những ai là đại biểu quốc hội.

Tinh thần trên đây được ghi trong Nghị quyết Đại hội đảng khóa VII còn nguyên giá trị, chưa bao giờ bị hủy bỏ.

Tình trạng trên đây phơi bày cuộc khủng hoảng thể chế chính trị của một chế độ quá ư lạc hậu, đầy rẫy mâu thuẫn chồng chéo nhau, xa lạ với nền dân chủ, nói một đằng làm một nẻo, hứa rồi, rồi lại nuốt lời như không.

Và có một ông hay một bà nghị nào dám lên tiếng chất vấn nhóm lãnh đạo đảng CS về tình trạng phi pháp, phi lý rành rành như trên hay không?





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo