Nguyễn Thuý Hoàn (Xaydungdang) - Không thấy ở đâu phát hiện được ai trong số “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” như Nghị quyết Trung ương 4 khẳng định. Họ là ai? Chẳng lẽ họ không ở trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng, không ở trong đội ngũ đảng viên, không ở trong số cán bộ, lãnh đạo, quản lý đã “nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm...” tự phê bình, kiểm điểm?...
*
Sáng ngày 1-10-2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; chính sách, pháp luật về đất đai; Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; Phát triển khoa học và công nghệ; Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Trong các vấn đề quan trọng trên, nhân dân đặc biệt quan tâm đến Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Bởi kết quả sẽ làm gương cho cấp dưới để các cấp uỷ, toàn Đảng noi theo, có tác động trực tiếp đến việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết.
Vừa qua, sau Hội nghị cán bộ toàn quốc (13-8-2012) do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, các cấp uỷ tỉnh, thành, ban, bộ ngành đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình, phê bình cá nhân và tập thể ban thường vụ. Nhưng những gì người dân thấy kết quả đều chung chung, giống nhau. Không thấy ở đâu phát hiện được ai trong số “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” như Nghị quyết Trung ương 4 khẳng định. Họ là ai? Chẳng lẽ họ không ở trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng, không ở trong đội ngũ đảng viên, không ở trong số cán bộ, lãnh đạo, quản lý đã “nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm...” tự phê bình, kiểm điểm? Có những vụ việc sai phạm nghiêm trọng, rõ ràng như Vinashin, Vinalines, đã thống kê được chính xác số tiền thất thoát lại không xác định được những ai ở từng cấp chịu trách nhiệm ra sao? Quan trọng hơn, như Bác chỉ rõ không chỉ “có gan thừa nhận, khuyết điểm của mình” mà còn phải nghiên cứu “vì đâu mà có khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó”. Vì bản thân cán bộ không tự rèn luyện để lòng tham lấn át lý trí? Vì tổ chức đảng không làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, cấp trên buông lỏng quản lý? Vì cơ chế chậm thay đổi?… Phải xác định được chính xác nguyên nhân vì sao mà có khuyết điểm thì mới có thể tìm được cách sửa chữa khuyết điểm một cách triệt để. Điều đó đòi hỏi không chỉ trí tuệ mà còn trách nhiệm cao trước trước vận mệnh của Đảng và dân tộc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí giữ trọng trách trong Đảng và Nhà nước.