Thanh Trúc (RFA) - Mục sư Nguyễn Công Chính thuộc hệ phái Tin Lành Lutheran Việt Nam, đang thụ án mười một năm tù và không được phép gặp người nhà tính từ lúc bị bắt, bị giam và bị đưa ra tòa cho đến giờ.
Vợ ông, bà Trần Thị Hồng, cho là giám thị nhà tù sai phạm khi không cho bà gặp mặt chồng gần hai năm nay.
Mục sư Nguyễn Công Chính cư ngụ tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, thuộc hệ phái Tin Lành Lutheran Việt Nam, người thường lên tiếng bênh vực cho những người dân tộc miền núi theo đạo Tin Lành chịu sự đàn áp sách nhiễu từ nhà cầm quyền.
Ông bị bắt từ ngày 28 tháng Tư và bị giam giữ trong trại tù T20 ở thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai.
Ngày 26 tháng Ba 2012, tòa sơ thẩm Pleiku kết án mục sư Nguyễn Công Chính mười một năm tù về tội phá hoại chính sách đoàn kết và gây chia rẻ các tầng lớp nhân dân. Trước đó, ông nhiều lần bị công an đánh đập và lăng nhục trong lúc tiến hành thủ tục hỏi cung và điều tra.
Ngày 31 tháng Bảy 2012, tòa phúc thẩm giữ nguyên tội danh và y án mười một năm tù giam do tòa dưới phán quyết, mục sư Nguyễn Công Chính vẫn bị giam tại trại T20 thành phố Pleiku.
Có bản án nhưng không được gặp mặt
Vợ mục sư Nguyễn Công Chính, bà Trần Thị Hồng, cho biết bà không được phép gặp mặt chồng kể từ tháng Tư 2011 là lúc ông Nguyễn Công Chính bị bắt cho tới lần thăm nuôi mới rồi hôm thứ Năm vừa qua:
“Sau phiên tòa phúc thẩm đến nay, mặc dầu hàng tháng đi thăm được hai lần nhưng chỉ đem vô đồ cứu trợ cho ông thôi, còn gặp mặt thì bên phía chính quyền không cho gặp. Tôi hỏi ông giám thị trại giam T20 tỉnh Gia Lai thì ông nói vấn đề này là ở cấp trên chỉ thị chứ ông không có quyền. Tôi có hỏi ông cấp trên là cấp nào chỉ cho tôi đến thì ông nói là bên phía an ninh điều tra.
Tôi nói đã điều tra, đã có kết luận, và có bản án rồi mà tại sao lại nói do bên điều tra, rồi ông nói là bên Viện Kiểm Sát. Tôi nói vấn đề này bây giờ thuộc quyền trại giam, bản án đã có rồi mà sao chồng tôi đến nay vẫn không cho gặp, mà nói đúng hơn là đã gần hai năm rồi tôi cũng chưa gặp. Đây là vấn đề mà tôi thấy họ làm sai, họ bất chấp luật pháp, tôi thấy bất công quá.”
Vẫn theo lời bà Trần Thị Hồng, vì không được gặp mặt nên bản thân bà và gia đình không biết thông tin gì về mục sư Nguyễn Công Chính, chỉ nghe là ông đang bị biệt giam, lần thăm nuôi nào cũng chỉ gởi thức ăn vào rồi ra về mà thôi:
“Gia đình rất lo lắng, đặc biệt bà mẹ già của mục sư Chính. Một tháng tôi gởi thức ăn vô cho ông thì tôi không biết là thức ăn có đến tay ông hay không. Hôm thứ Năm tôi có đi thăm, ông có viết giấy ra nhưng khi giấy đó đưa tới tay giám thị thì công an T20 họ lấy mực họ xóa hết những dòng mục sư chính viết, chỉ đưa những chữ ông hỏi thăm gia đình thôi, còn tôi không biết nội dung những gì mà họ xóa hết. Họ đưa cho tôi coi phớt qua và họ lấy miếng giấy đó lại.
Hiện tại thì ông đã bị biệt giam rồi, không biết họ có đánh đập, họ đối xử với ông như thế nào, chính bản thân tôi là vợ đến nay vẫn biệt tăm không biết thông tin gì về ông, chỉ đem thức ăn vô, họ ký rồi họ để cho đi về chứ không nói gì hết, hỏi thì họ cứ đổ thừa cho cấp trên. Hôm vừa rồi tôi cũng có gởi đơn đến tòa án tỉnh Gia Lai, nhưng rồi họ cũng im lặng luôn, họ không có trả lời gì hết.”
Vi phạm Luật Thi Hành Án Hình Sự
Luật sư Hà Huy Sơn, bào chữa cho mục sư Nguyễn Công Chính trong phiên phúc thẩm ngày 31 tháng Bảy năm 2012, từng nhìn nhận đã không gỡ được bản án mười một năm tù mà ông cho là quá nặng đối với mục sư Nguyễn Công Chính.
Về câu hỏi trại giam T20 không cho mục sư Nguyễn Công Chính ra gặp vợ trong những lần thăm nuôi có đúng qui định không, mặt khác cáo buộc của bà Trần Thị Hồng là giám thị trại T20 sai phạm khi không chấp nhận cho bà gặp mặt chồng là có có cơ sở không, luật sư Hà Huy Sơn trả lời:
“Việc người thi hành án tù được quyền gặp thân nhân đã qui định ở Điều 260 của Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2003, Khoản 1 trong đó xác định ban giám thị trại giam phải thông báo cho gia đình biết nơi người đó chấp hành hình phạt.
Trong Điều 46 và 47 của Luật Thi Hành Án Hình Sự năm 2010 thì có qui định trong Điều 46 về chế độ gặp thân nhân và nhận quà của phạm nhân, qui định là phạm nhân được gặp thân nhân một lần trong một tháng, mỗi lần gặp không quá một giờ. Ngoài ra còn có Điều 47, cũng trong Luật Thi Hành Án Hình Sự 2010, qui định chế độ liên lạc của phạm nhân đối với gia đình. Vì thế chuyện không cho phạm nhân được gặp gia đình thì trách nhiệm này thuộc về giám thị trại giam.”
Nói cách khác, luật sư Hà Huy Sơn khẳng định, giám thị trại giam T20 không cho người nhà mục sư Nguyễn Công Chính gặp mặt ông là đã vi phạm Điều 46 của Luật Thi Hành Án Hình Sự năm 2010.
Thanh Trúc
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pastor-banned-fr-mtg-spse-in-prison-ttruc-10132012142019.html
Thanh Trúc
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pastor-banned-fr-mtg-spse-in-prison-ttruc-10132012142019.html