Phe Nguyễn Tấn Dũng phản pháo? - Dân Làm Báo

Phe Nguyễn Tấn Dũng phản pháo?

Các bạn trong thôn thân mến,

Mặt trận miền đông lẫn miền tây (dĩ nhiên) vẫn chưa yên tĩnh. Đồng chí ẾchXì bị hai đồng chí đầu đảng và đầu nước đánh dấu chữ X lên mông đang im hơi lặng tiếng, nín thở qua sông. Hai đồng chí tổng/chủ của đảng/nước ta thì xuống đường tiếp cận với cử tri để mở đường dư luận vận động “cô bác anh chị cũng phải nghĩ về trách nhiệm của mình, cùng hệ thống chính trị đấu tranh chống tham nhũng”. Hôm nay Dân Làm Báo nhận được một bài viết gửi về hộp thư nhận định và phê bình cuộc xuống đường chống X này của 2 bác tổng/chủ. Gửi đến các bạn trong thôn để nắm vững tình hình chiến sự của đảng ta.

Suy ngẫm về bài phát biểu trước cử tri của các ông Sang - Trọng

Nguyễn Trung - Khi kết thúc Hội nghị BCH Trung ương 6, ông Tổng Bí thư Trọng kêu gọi phải đoàn kết trong Đảng. Đó là cách đặt vấn đề đúng. Bác Hồ đã dạy những người đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam và thực tế cho thấy là sự đoàn kết giúp dân tộc ta thắng xâm lược, xây dựng đất nước

Hội nghị TW 6 đã chỉ ra những nguyên tắc về xây dựng Đảng trong đó có việc nói và làm cho đúng. Trên thực tế, cán bộ nói không đúng với quy định của tổ chức thì sẽ bị kiểm điểm, cao hơn là bị kỷ luật. Một người dân công kích sự yếu kém của Đảng, Chính phủ sẽ bị nhắc nhở, cao hơn nữa là bị truy tố trước pháp luật.

Vậy đối với những người giữ chức vụ cao không tuân thủ quy định phát ngôn của tổ chức thì có bị xử lý gì không? Ta có chuyện bàn sau đây xung quanh phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trương Tấn Sang trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 17/10/2012 (ông Trọng ở Hà Nội, ông Sang ở thành phố Hồ Chí Minh). 

Theo báo Lao động: 

Ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Bộ Chính trị đã thống nhất đề nghị BCH Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật mà khi tập thể bị kỷ luật thì cá nhân cũng phải chịu và Tổng Bí thư chịu trách nhiệm cao hơn”. “Vậy Bộ Chính trị đã làm nghiêm chưa? hay bản lĩnh của Trung ương yếu kém?”. “Giả sử nếu một vị lãnh đạo bị kỷ luật mà không phải là cấp dưới bình thường, mà đã thế thì thôi luôn đúng không? Nếu thôi luôn chúng ta đã chuẩn bị cán bộ chưa? Nếu không hiểu rõ ai đó lại bảo không đoàn kết thì vô cùng nguy hiểm”. “Vấn đề là chúng ta phải sửa, phải khắc phục, còn nếu anh cứ làm như vậy thì phải xử lý, không ai nói vào đâu được”. Tổng Bí thư nhấn mạnh “Không kỷ luật không có nghĩa là không có khuyết điểm”. “Nếu không làm nghiêm ở trên thì ở dưới sao nghiêm được. Bởi thực tế dân bị nhũng nhiễu nhiều lắm, dân không bằng lòng, nên phải làm nghiêm”. 

Ông Trương Tấn Sang nói về tham nhũng: “Đây là một sự thật, nói ra thật đau lòng. Tham nhũng một bộ phận, rồi một bộ phận không nhỏ nói theo cử tri là cả họ hàng, cả tập đoàn tham nhũng, mức độ hết sức nghiêm trọng”. “Đòi hỏi Đảng và dân phải hành động, đề nghị toàn dân tham gia phát hiện, mạnh dạn tố cáo tham nhũng, đừng sợ trù úm, người ta có thể trù úm được một người, nhưng không thể trù úm được cả một tập thể, đoàn thể, tổ chức nhân dân, có dân giám sát tham nhũng mới bị triệt tiêu. Đồng thời, nhân dân phải biết hiến kế thế nào để phòng chống tham nhũng mới có hiệu quả”. “Không giấu được dân, càng giấu dân càng tham nhũng. Những điều xấu xa của mình dù che giấu thế nào thì dân cũng biết”. 

Sơ bộ nhận xét từ hai bài phát biểu của hai ông Sang – Trọng: 

Nhận xét thứ nhất: Tuy hai chủ đề được nêu khách quan, ông Trọng nêu kết quả kiểm điểm TW6, ông Sang nêu vấn đề chống tham nhũng nhưng cả hai phát biểu này đều hướng vào ám chỉ “một Bộ Chính trị không bị kỷ luật”. Hai ông đó rất tích cực, kiên quyết đưa ra án kỷ luật nhưng tại vì Trung ương “non kém về chính trị (theo lời ông Trọng) nên không chấp nhận đề nghị của hai ông”. Không chịu thất bại, hai ông tiếp tục đưa “một ông Bộ Chính trị” lên thớt để cử tri “làm thịt”. 

Nhận xét thứ hai: Vào thời điểm sắp họp Quốc hội, sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 6, hai ông đi tiếp xúc cử tri ngay, cùng một ngày, cùng phát biểu với nội dung để giải thích, thanh minh cho mình mà đổ lỗi cho Trung ương. Hai ông cũng nêu ra những vấn đề được cho là bức xúc để cử tri phải “phật lòng” về việc không áp dụng hình thức kỷ luật một ông Bộ Chính trị. Có phải chăng có sự thống nhất của hai ông này “sẽ đánh tiếp một ông Bộ Chính trị ở kỳ họp Quốc hội sắp tới?”

Nhận xét thứ 3: Vấn đề dễ nhận thấy sự liên kết của hai ông ở các cơ quan truyền thông, báo chí trong hai ngày 17-18/10/2012 là đưa tin rất rầm rộ bài phát biểu của hai ông. Đài truyền hình đưa tin nguyên giọng nói, nguyên nội dung. Các báo giật tít đề “Không kỷ luật không có nghĩa là không kiểm điểm”, “chống tham nhũng đừng sợ trù úm” (báo Lao động), “Bản án trong lòng dân” (báo Dân trí)… cho thấy hai ông này sử dụng cơ quan tuyên truyền tiếp tục khuấy động tình hình chính trị đất nước ta, kích động dư luận, gây áp lực cho Quốc hội tiếp tục xem xét kỷ luật, bãi miễn một ủy viên Bộ Chính trị. 

Lời bình: Lú về công việc đất nước nhưng gian xảo, thủ đoạn với đồng chí, mục tiêu lại nhằm vào Thủ tướng, hai ông Sang-Trọng đã đứng trên nguyên tắc của Đảng, giành cho mình cái quyền muốn nói gì thì nói, nói cho mình để có cái uy, nói cho đảng phải mất trong lòng dân, cho chính phủ không làm được gì. Họ đặt ra những điều đảng viên không được làm, trong đó có việc nói theo Nghị quyết của Đảng. Nghị quyết TW6 mới kết thúc, Đảng chưa có hướng dẫn phổ biến thế nào, thế mà hai ông này đã nói rồi mà nói trái với những điều Đảng không cho phép. Vậy có vi phạm gì không? 

Những việc hệ trọng thế này Bộ Chính trị có bàn không? Thật nguy cho Đảng, cho đất nước này! Phải có cách nhìn về họ, họ là ai? Thực hiện nhiệm vụ của ai để làm cho đảng bất ổn, lòng dân không yên trong lúc đầy khó khăn này? Họ đã vượt trên kỷ luật của Đảng rồi, họ cũng chẳng đoàn kết với ai cả, họ nói vậy nhưng không phải vậy! 

-------------------------- 

Cái Lú của ông Tổng 

Sáng nay có một bài viết được tung lên mạng Internet với tựa đề “Giáo sư Nguyễn Phú Trọng thể hiện uy thế lãnh đạo Hội nghị”. Tác giả này không nêu tên nhưng đọc nội dung thì biết ngay là bồi bút thân tín của Tổng Trọng. Có cảm giác rằng tác giả này chẳng để ý gì đến kết quả Hội nghị! 

Được nghe ông Tổng Trọng đọc bài kết thúc Hội nghị Trung ương 6 và thông báo Hội nghị BCH Trung ương 6, mọi người dân đều thấy một điều là BCH Trung ương đã bác bỏ hoàn toàn đề nghị của Bộ Chính trị. Vậy là ông Tổng Trọng đã làm gì còn uy quyền! 

Là những người quan sát diễn biến chính trị, chúng ta thử phân tích tại sao có tình trạng này? Có thể đưa ra một nhận xét là Tổng Trọng đã lú ngay từ khi ông ta nhậm chức Tổng Bí thư. Có người còn nói ông ta đã lú ngay từ khi còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội rồi. 

Khi ở Hà Nội thì thấy rõ hơn độ lú của ông Tổng vì lúc đó ông vừa được đưa lên khi mới chỉ là một anh chức Tổng Biên tập (chủ yếu làm nghề mọt sách sau khi ở trường ra). Ông chẳng có kinh nghiệm gì trong cuộc sống đời thường. Về làm Bí thư Thành ủy là để đào tạo. Câu nói nổi tiếng trong thành ủy Hà Nội khi ông là Bí thư là làm tròn vai đảng, ý nói không ngồi nhầm chỗ chính quyền. Nhưng thực sự ông đã biết gì về quản lý kinh tế mà tham gia, do vậy, ông để những người dưới quyền ông hoành hành. Kết quả ông ra đi và được tặng hai chữ “Trọng Lú”. 

Ở Đại hội XI, ông Tổng Trọng vào Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị, Tổng Bí thư trong hoàn cảnh chỉ là con bài bất đắc dĩ để dung hòa trong nội bộ, lấy ổn định (như Trung ương lúc đó đánh giá) chứ thực chất ông ta đã cao tuổi và mang tiếng lú rồi. 

Từ khi nhận chức Tổng Bí thư, ông đã bước đầu thể hiện mình là một nhân vật ôn hòa và có lý luận “sắc bén” hơn hẳn ông Mạnh ở chỗ có tài nói vo và biết nói những điều mị dân (điều mà ông đã tích lũy được ở Quốc hội). Nhưng đến năm thứ hai trên cương vị Tổng Bí thư, Tổng Trọng đã thể hiện cái lú bản chất của ông ta ở chỗ: 

Một người giữ trọng trách nhất nước, công việc đầu tiên mọi người dân đều hiểu là chúng ta đang đối phó với khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, đảm bảo an sinh xã hội, tức là đời sống của người dân. Hai là, bảo vệ chủ quyền biển đảo đang bị Trung Quốc xâm lấn trên biển. Thay vào đó, ông Tổng Trọng lại đánh giá trong Đảng “suy thoái về chính trị, đạo đức và tham nhũng, là thời điểm thiêng liêng, sống còn…” thế là ông chọn “nhiệm vụ quan trọng nhất” là ra Nghị quyết Trung ương để kiểm điểm nhau mà không hề quan tâm đến kinh tế phát triển ra sao, đời sống của nhân dân như thế nào và chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam được đảm bảo ra sao. Đây là điều lú thứ nhất. Mọi người am hiểu chính trị đều nhận ra rằng đây là bước tăng uy tín, tăng quyền lực, thể hiện vai trò của ông Tổng để ông phải có thêm quyền lực Chủ tịch nước giống như ông Hồ Cẩm Đào ở Trung Quốc. 

Việc lú thứ hai của ông Tổng Trọng là chọn “đồng minh sai”. Điều đó được thể hiện ở chỗ ông được khích lệ của nhóm quê hương là chùm khế ngọt họ Lê mà trước đó họ Lê đã có đơn gửi Bộ Chính trị không chấp nhận ông là Tổng Bí thư. Họ Lê đã hối thúc ông phải ra tay hạ bệ Thủ tướng bằng vụ kiểm điểm Vinashin. Một đồng minh thứ hai mà ông chọn để liên kết là ông họ Trương. Ai cũng biết ông họ Trương này cũng chẳng ưa gì Tổng Trọng khi tiến hành Đại hội XI và rất muốn làm Thủ tướng. Nhưng vì biết rất rõ tư cách của ông Trương nên ông này không có uy tín chính trị làm Thủ tướng. Mặc dù đã ở vị trí nguyên thủ rồi nhưng vẫn nuôi tham vọng làm Thủ tướng. Được ông Tổng khích lệ nên càng hăng hái hơn. Ông Tổng có biết rằng ông họ Trương này khóa sau muốn ngồi ghế ông Tổng? 

Việc lú thứ ba là không đánh giá được tương quan lực lượng. Xung quanh ông là những người không lăn lộn với thực tế cuộc sống, nhưng rất giỏi về “hót”. Cộng vào đó, lấy tin địch làm dư luận của cán bộ ủng hộ ông. Thế là ông đưa ra chiêu lấy ý kiến Bộ Chính trị kỷ luật Thủ tướng. Bộ Chính trị thì đâu có 100% ủng hộ nhưng ông vẫn kết luận trước Trung ương là 100%. Những quyết định của ông như vậy, nhiều Ủy viên Trung ương đã biết và không tán thành. Họ nhìn nhận một cách khách quan hơn ông Tổng, họ lựa chọn phương án ổn định chính trị, ổn định đất nước hơn là phương án kỷ luật mà ông khởi xướng. Họ đánh giá công bằng với ông Thủ tướng, họ thấy rõ những sai phạm của Thủ tướng trong quản lý, điều hành nhưng chấp nhận ông ấy là người có đầu óc cải cách, là người dám làm, dám chịu trách nhiệm, tâm huyết với quyền lợi của nhân dân, người dám đương đầu với các thế lực thù địch. Phải làm cho ông thấy rõ khuyết điểm nhưng không làm mất uy tín. Đáng nhẽ ông Tổng phải nhạy cảm với khuynh hướng này ngay khi được phản ánh. Nhưng ông đã không thấy vì đã quá tự tin, tự quyết nên mới lấy ý kiến Trung ương. Kết quả là ông thất bại, thất bại vì tầm nhìn của người lãnh đạo. Thất bại này không phải của riêng ông mà của cả Bộ Chính trị do ông điều hành, uy tín của người lãnh đạo cấp cao như ông đã mất nghiêm trọng không giống như của tác giả nào đã viết “cái uy của ông ở Hội nghị Trung ương 6”. 

Đáng nhẽ ông phải biết điểm dừng tại đây để rút kinh nghiệm về sự lãnh đạo của mình. Thay vào đó, ông lại vẫn có bài phát biểu bế mạc với nội dung hàm chứa sự cay cú. Ông kêu gọi toàn Đảng phải đoàn kết nhưng ông vẫn có lời nói khiến đồng đội ông phải chảy máu. Rồi sau đó khi đi tiếp xúc cử tri, ông lại hô hào phải kiểm điểm tiếp, cái gì chưa làm được phải làm tiếp… Đồng thanh tương ứng, đồng khì tương cầu, ông họ Trương khi tiếp xúc cử tri cũng hô hào không khác gì ông Tổng Trọng (đấy là chưa kể bài viết của ông họ Trương trên báo Tuổi Trẻ trước Hội nghị Trung ương 6 phát biểu vô nguyên tắc cho rằng trong nội bộ “có người thọc gậy bánh xe, cõng rắn cắn gà nhà” – ông ám chỉ ai? Trung ương phải kiểm điểm việc này). Nghe tin từ thân cận của ông nói ông Tổng đã nói với Thủ tướng tiếp tục kiểm điểm ở Chính phủ. Mong ông đừng sai lầm nữa, đừng lú nữa. Dân đang cần gì ông phải biết, không cần các chiêu kiểm điểm, phá Đảng, phá lòng dân của ông khiến hàng triệu người dân phải phân tâm lo lắng. Mong ông họ Trương dừng tham vọng của minh lại. Cũng mong ông Thủ tướng không hưởng ứng lời đề nghị của ông Lú! Nhiệm vụ của ông là gì chắc lúc này ông phải biết để đáp ứng mong muốn của dân và tri ân sự sáng suốt của BCH Trung ương đối với ông

Nguyễn Trung


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo