Trương Duy Nhất (Blog Một Góc Nhìn Khác) - Lòng tin, sự bất ổn từ đâu? Bài thơ “Nhân Dân” của Nguyễn Trọng Tạo nghe đến tức tưởi “Có thể thay quan, không thay được Nhân Dân / Thay tên nước, không thể thay Tổ Quốc / Nhưng sự thật khó tin mà có thật / Không thể thay quan dù quan đã thành sâu!”
Lời nhận lỗi và hình ảnh Thủ tướng
Tuần đầu tiên của phiên họp quốc hội kỳ này với điểm nhấn là lời nhận lỗi của Thủ tướng. Ông Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận những sai lầm và thất bại trong chính sách phát triển kinh tế, những yếu kém, tệ rạc trong chiến cuộc chống tham nhũng.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng nhận lỗi trước nhân dân. Lần thứ nhất, ông nhận “trách nhiệm chính trị” sau vụ đổ bể của tập đoàn Vinashin, cho dù theo ông “xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm, trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai“. Lần thứ hai ông nhận “trách nhiệm chính trị”, chỉ khác là lần này có thêm chữ “lớn”: “trách nhiệm chính trị lớn”.
Hai lần nhận lỗi, nhưng không thấy Thủ tướng đưa ra được một qui trình sửa lỗi nào thuyết phục. Hình ảnh Thủ tướng, sự thành khẩn và… lòng tự trọng trong lời xin lỗi của ông tạo nên những bàn luận đa chiều suốt tuần qua.
Đi đâu cũng nghe. Về quê cũng thấy dân tình bàn kháo: xin lỗi, khuyết điểm, trách nhiệm, niềm tin và lòng tự trọng…
Ai tin hay không tùy. Nhưng giá như buổi sáng hôm ấy, ông Dũng rời cái bục đầy hoa bước ra giữa, vòng tay cúi đầu cất lời xin lỗi. Người Việt vốn bao dung. Tôi tin cả nghị trường sẽ rền tiếng vỗ tay. Dân tình cả nước đang dõi mắt qua màn hình cũng sẽ bật dậy vỗ tay. Và hình ảnh Thủ tướng sẽ… đẹp hơn rất nhiều!
Tiếc!
Đặng Thị Hoàng Yến- Đặng Thành Tâm và hiện tượng “quan oan”
Đại biểu quốc hội Đặng Thành Tâm được cho là đang ở nước ngoài đã không về nước dự kỳ họp này. Báo chí đưa tin ông gửi đơn xin vắng vì “lý do sức khỏe”. Một số trang mạng đang cáo buộc ông và người chị (nữ doanh gia Đặng Thị Hoàng Yến, cựu đại biểu quốc hội vừa bị phế truất) là chủ nhân của trang blog Quan làm báo. Thậm chí còn có tin tung chị em nhà Yến-Tâm có quan hệ với CIA và bà Yến đã có quốc tịch Mỹ từ trước khi trở thành đại biểu quốc hội Việt Nam (?)
Đúng sai mức nào chưa biết. Chỉ thấy thêm một trang Quan làm báo thứ hai với ba con số một (111) đứng sau, cùng trang Bồ câu đen bắt đầu dồn dập một đợt tấn công vào chị em nhà Yến- Tâm, với cách thức, thủ đoạn và văn giọng chẳng khác gì cách mà Quan làm báo tấn công bôi nhọ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Câu chuyện bi hề về “đồng chí X” chưa nguôi, lại thêm một “đồng chí S” bị Quan làm báo 111 và Bồ câu đen gán cho nhiều việc động trời liên quan đến chị em nhà Yến-Tâm.
Đang chiều này, ngoặt phát nóng rực chiều kia với hàng núi thông tin gán dựng không thể biết đâu là thực hư. Trận chiến truyền thông nhường hẳn cho các trang mạng lề trái. Bất luận ai, bất luận đúng sai thế nào, đấy “không phải là một dấu hiệu lành mạnh cho tự do báo chí tại Việt Nam… Người dân được gì, khi quan này muốn tắm máu quan kia? Quan oan có thể là một tầng lớp xã hội thú vị đang hình thành, song nó có gì chung với dân oan?” (Phạm Thị Hoài- pro&contra)
Những món nợ và lời hứa
Trong khi giá cả vẫn phi mã, nhưng chính phủ lại xin khất lương, không thực hiện lời hứa tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức như lộ trình đã thông báo trước là từ ngày1/5/2013. Phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nói như thách đố “không thể tăng lương, trừ phi quốc hội đồng ý cho phép in thêm tiền”. (Dân Trí)
Bất lực, không thực hiện được lời hứa tăng lương cho cán bộ viên chức bởi không đào đâu ra nổi 60.000 tỷ. 60.000 tỷ không bằng một mình thằng Vnashin phá. 60.000 tỷ sẽ không quá khó nếu vứt dẹp đi những bảo tàng 12.000 tỷ, những đền thờ cụ Hồ 60 tỷ, những tổn phí học tập làm theo vô bổ, những chiến dịch “tắm rửa, diệt sâu” ồn ào nhưng chẳng diệt nổi con sâu nào…
Tôi tin là nhiều giáo viên vẫn còn nhớ lời hứa của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi ông còn kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Giáo dục- đào tạo “đến năm 2010, nhà giáo sẽ sống được bằng đồng lương của mình”. Ông Nhân hứa điều này năm 2006. 6 năm sau, nói như nhà báo Đào Tuấn “nhà giáo chẳng những chưa sống được bằng lương mà có nguy cơ, cùng với trên dưới 20 triệu người hưởng lương khác, bị giá cả làm nhục khi chính phủ xin khất việc tăng lương.”
Không chỉ việc lương. Phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: ngành giáo dục vẫn còn nhiều món nợ chưa trả được.
Ngán ngẩm! Một chính phủ như thế thì không chỉ mỗi ông Thủ tướng phải nhận lỗi, mà toàn thể thành viên chính phủ hôm khai mạc quốc hội đáng ra phải đứng lên dàn hàng ngang cùng Thủ tướng vòng tay cúi đầu xin lỗi dân.
Lòng tin?
Cho dù ông Quốc (Dương Trung Quốc) vừa có một câu khen ngợi động viên Thủ tướng bị dư luận ném đá tơi bời, nhưng công bằng nhìn xét, ông là vị dân biểu hiếm hoi trong thời khắc này nhìn được và nói trúng được lòng dân, nhìn ra và dám chỉ phê thằng thừng những khuyết tật, lỗi phạm căn cơ của chính phủ. “Chỉ số lòng tin của dân đối với chính phủ chưa khi nào được quan tâm tính đếm, nhưng chắc chắn không như chúng ta mong muốn... Xin nhắc lại lời của người xưa đúc kết về thuật trị nước. Đó là câu đối “nhắc nhở” của một viên quan thời Hậu Lê (Hoàng Ngũ Phúc) vào một thời kỳ lịch sử rối ren: “Nước lấy dân làm gốc, lúc bình yên, nước hãy để dân yên – Dân lấy nước làm lòng, khi hữu sự, dân sẽ ra gánh vác”. Thử đặt ra một câu hỏi, vào thời điểm này, “khi hữu sự”, liệu dân có ra gánh vác như những thời kỳ đầy thử thách trong quá khứ lịch sử hào hùng hay không? Đặt lòng câu hỏi ấy, chính phủ sẽ thấy nhiều việc cần làm” (Dương Trung Quốc- Sài Gòn tiếp thị)
“Chỉ số lòng tin”, nói như ông Quốc, đang chỉ theo chiều nào? Không khó để nhìn ra điều này.
Động đất thủy điện Sông Tranh. Trên 850 nhà dân nứt toác. Dân ùn ùn gồng gánh kéo nhau bỏ chạy vào rừng. Vậy nhưng chính phủ, nhà đầu tư và các nhà khoa học, quan trắc chi chi đó vẫn khẳng định “an toàn”.
Bỏ ngoài tai bao lời kêu gào chỉ trích, quan chức người chê trách dân “kém hiểu biết” người lại tỏ ra tiếc 4.000 tỷ lỡ đầu tư vào con đập tai họa này. “Đã đầu tư rất nhiều tiền vào đấy rồi, không cho hoạt động hóa ra là ném tiền qua cửa sổ à?” (Tiến sĩ Ngô Quang Toàn, Tổng hội địa chất Việt Nam- kienthuc.net)
4.000 tỷ đồng, chưa bằng mấy thằng Vinashin, Vinalines phá trong một ngày. Tiếc 4.000 tỷ đồng hơn sinh mạng của 4 vạn dân?
Lại thêm những đoàn dân nghèo áo đỏ kéo về Hà Nội đòi đất.
Lòng tin, sự bất ổn từ đâu?
Bài thơ “Nhân Dân” của Nguyễn Trọng Tạo nghe đến tức tưởi:
“Có thể thay quan, không thay được Nhân Dân
Thay tên nước, không thể thay Tổ Quốc
Nhưng sự thật khó tin mà có thật
Không thể thay quan dù quan đã thành sâu!”