Từ chức, cứ từ từ! - Dân Làm Báo

Từ chức, cứ từ từ!

Lê Cao (VietQ.vn) - Có lẽ, nếu lạc quan thì sau kỳ họp Quốc hội lần này sẽ có người từ chức? Còn nếu không, mọi việc hãy cứ...từ từ!... Người dân sẽ không quan tâm và chẳng được lợi lộc gì từ cái Nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 21/11 sắp tới về chuyện bỏ phiếu tín nhiệm, nếu như Nghị quyết không được thực thi một cách thực sự, và khi chuyện từ chức sẽ chỉ là câu chuyện nói cho có ở chốn quan trường...

Chuyện từ chức không hẳn nằm ở quy trình mà ở chuyện quan chức có đủ dũng khí và lòng tự trọng để thực hiện hay không. Đồng thời, quy định và việc thực thi vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm có được làm một cách thực sự hay không hay lại mang nặng tính hình thức cũng khiến cho người đáng ra cần từ chức không cảm thấy áp lực cần phải thực hiện hành động đẹp của mình. 

Hôm qua (23/10), dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đã được trình Quốc hội. Theo đó, có 49 vị trí quyền lực bậc nhất do Quốc hội bầu ra sẽ được lấy phiếu tín nhiệm, và trên cơ sở được tín nhiệm cao hay thấp sẽ miễn nhiệm hoặc tạo điều kiện để người không được tín nhiệm chủ động xin từ chức. 

49 vị trí quyền lực nhất của Quốc hội bầu ra 
sẽ được lấy phiếu tín nhiệm nếu dự thảo được thông qua 

Thực ra, vấn đề này đã được đề cập trong Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử ban hành kèm theo Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4-7-2007 của Bộ Chính trị quy định về việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, thế nhưng lâu nay người dân chưa thấy vị cán bộ, lãnh đạo cao cấp nào xin từ chức sau khi để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực mình thực hiện, phụ trách. 

Ở các nước phát triển, việc một nhà lãnh đạo, một vị Bộ trưởng khi có những quyết định sai lầm phải ra trước nghị viện điều trần (trình bày, giải thích, biện bạch..) về những việc mình đã làm đúng hay sai, sau đó phải chịu sự phán quyết của các vị dân biểu. Và nhiều người trong số họ đã chọn việc từ chức để rút khỏi vị trí của mình vì tự thấy không xứng đáng, vì phải chịu những sức ép. Từ chức vì thế là hành vi đẹp, đáng được biểu dương. 

Tất nhiên thì từ chức còn là khi người ta cảm thấy không thích công việc mình làm, còn là vì lý do sức khỏe không thể cáng đáng và các lý do khác nữa, tất cả đều phù hợp với ý nghĩa, khi một người cảm thấy chiếc ghế trọng trách không còn khớp với mình thì phải rút lui để người khác có thể ngồi vừa và phát huy được vị trí quyền lực đó hòng mang lại ích lợi cho những người đã bầu mình lên. 

Tham quyền cố vị được lì hóa như một nét văn hóa của quan trường sẽ trở thành lực cản lớn bóp nghẹt mọi sự sáng tạo, bóp nghẹt sự phát triển của một quốc gia. Nền chính trị pháp lý phong kiến ngày xưa đã bị các cuộc cách mạng dân chủ lật đổ, nay một số quốc gia có sự độc tài, chuyên quyền cũng cho thấy sự kém cỏi trong cuộc đua ra ngoài biên giới quốc gia mình trong nhiều giá trị cơ bản cần có của một dân tộc. 

Người dân sẽ không quan tâm và chẳng được lợi lộc gì từ cái Nghị quyết dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 21/11 sắp tới về chuyện bỏ phiếu tín nhiệm, nếu như Nghị quyết không được thực thi một cách thực sự, và khi chuyện từ chức sẽ chỉ là câu chuyện nói cho có ở chốn quan trường. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo