Gia Minh (RFA) - Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên ký cáo trạng truy tố 22 người về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam trong vụ việc được mệnh danh là vụ án ‘Hội đồng Công Luật công án Bia Sơn’ tại khu vực Núi Đá Bia, tỉnh Phú Yên.
Cáo trạng & sự thật
Bản cáo trạng do Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên ký hồi ngày 28 tháng 9 vừa qua dài 20 trang giấy khổ A4. Theo đó thì số 22 người nằm trong danh sách là những người có hoạt động nhằm âm mưu lật đổ chính quyền Việt Nam theo điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Bản cáo trạng nêu danh ông Phan Văn Thu tức Trần Công là người mà theo cơ quan công tố Phú Yên từng đứng ra thành lập giáo phái có tên Ân Đàn Đại Đạo hồi năm 1969. Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên thì đây là một đối tượng từng bị bắt đi cải tạo tập trung từ tháng 6 năm 1975 đến tháng 2 năm 1983 tại trại cải tạo A30 về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Bản cáo trạng nói ông Phan Văn Thu/Trần Công sau khi ra trại đã tập hợp lực lượng, xây dựng giáo lý lối kéo nhiều người cả tin, nhẹ dạ tham gia giáo phái của ông này. Ngoài những thành phần cốt cán nằm trong 12 ban ở cấp Trung ương, còn có 26 pháp hội và bốn nhóm chưa đặt tên ở cấp địa phương với gần chừng 300 thành viên khác từ các địa phương mà nhóm này đang phát triển, đặc biệt ở khu vực các tỉnh miền trung và một vài nơi ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Khu du lịch sinh thái Đá Bia là nơi Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên gọi là căn cứ địa của giáo phái. Mục tiêu cuối cùng của giáo phái này theo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên là lật đổ chính quyền thành lập quốc gia mang tên Đại Nam Kinh Châu.
Ông Nguyễn Thái Bình, một người có tên trong danh sách 22 người bị cáo buộc với tội danh hoạt động nhằm âm mưu lật đổ chính quyền theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên nói về việc nhận cáo trạng và ý kiến đối với một số điều buộc tội trong đó:
"Cáo trạng nhận được rồi, nhưng nội dung cáo trạng là ‘ép buộc tội đó’; nhưng bên này có 55 điều trợ luật, mà chính quyền không nói đúng như những điều đó mà cho chúng tôi là phản cách mạng, lật đổ chính quyền. Bản cáo trạng này còn nặng nề hơn bản kết luận điều tra nữa."
Ông này cũng trình bày lại lần được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên gọi đến để tống đạt cáo trạng hồi đầu tháng 10 vừa qua:
"Viện Kiểm sát có mời ra một lần để nói là hỏi cung lại. Nhưng việc hỏi cung chỉ để như có hình thức mà thôi. Họ yêu cầu có luật sư, nhưng luật sư cũng chính là người của họ. Kiểm sát viên nói phải có luật sư, nhưng bên chúng tôi từ đầu biết rằng sự việc như thế không cần luật sư. Họ hỏi tôi thuyết Công bản của ông Trần Công là thuyết về sự công bằng, nhân quyền. Theo những người tu đạo như chúng tôi thì đó là thuyết logic, khoa học. Chính quyền nói Thuyết Công Bản đó là gốc của sự công bằng? Tôi nói đúng thế. Họ hỏi lại như thế chính quyền Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam không có sự công bằng?"
Tu đạo & làm sinh thái
Trong thời gian sau khi cơ quan an ninh bắt giữ thành viên và phong tỏa khu du lịch sinh thái Đá Bia, những người trong giáo phái Ân Đàn Đại đạo cho phổ biến trên mạng một đơn xin minh xét.
Nội dung đơn kêu oan về những cáo buộc mà chính quyền. Những người viết đơn nói họ thuộc một tổ chức thuần túy tôn giáo mà thôi. Giáo lý đạo Phật là căn bản để họ tu tập chuyển hóa thân tâm, góp phần ổn định gia đình, xã hội an lành, hạnh phúc.
Đơn cho biết khu du lịch sinh thái Đá Bia được các thành phần trong đạo góp công, góp của để gây dựng nên. Những người làm đơn nhắc đến các khu du lịch khác hiện hoạt động tại Việt Nam như Suối Tiên ở Sài Gòn và Đại Nam ở Bình Dương cũng có chùa trong đó cho khách du lễ bái. Nhóm này cũng mong mỏi được như thế.
Ông Nguyễn Thái Bình cho biết băn khoăn trong việc gửi đơn minh xét:
"Trên đất nước Việt Nam có biết bao nhiêu đơn kêu oan, đơn kêu cứu mà người ta đâu có đếm xỉa gì tới. Chúng tôi không dám đi nộp đơn vì nếu có 160 người ký mà chính quyền gọi chúng tôi nếu oan làm đơn; nhưng rồi họ không nhìn nội dung đơn và cho rằng 160 chữ ký đúng là một tổ chức rồi. Bản thân 22 chúng tôi không sợ chết, nhưng chỉ lo cho những người bị liên lụy."
Khả năng lật đổ?
Lập luận của người trong cuộc như ông Nguyễn Thái Bình về cáo buộc cho rằng nhóm của ông có những hoạt động nhằm âm mưu lật đổ chính quyền được nêu rõ như sau:
"Ví dụ một tảng đá, khúc cây thì 22 người chúng tôi có thể xúm lại lật; nhưng còn chính quyền thì làm sao mà lật. Ngày xưa, Bác Hồ cần biết bao nhiêu quân lính, rồi bộ đội, súng ống đạn dược biết bao nhiêu nước cung cấp mới lật đổ được ‘ngụy quyền’. Bây giờ chúng tôi 22 người lật thế nào? Tôi không hiểu thế nào. Chúng tôi có nghe phong phanh công an nói là bắt bị lầm, mà thả ra không được.
Họ là người già đi tu, người trình độ thấp, mà chỉ 300 người lật một xã không được, chứ sao lật được cả nước Việt Nam."
Sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên tống đạt bản cáo trạng, chính bản thân ông Nguyễn Thái Bình cho biết thái độ của ông và những người bị cho là bị can trong vụ án:
"Bây giờ tôi không còn sợ gì nữa rồi. Sự thật thì tôi vẫn nói. Đây là những con người thật, việc thật.
Người ta nói là nếu các ông nói chúng tôi có tội thì mang ra giữa dân và bắn chúng tôi đi. Chúng tôi chấp nhận. Ông đó nói gia đình có hai mẹ già, con ở trong trại, vợ ung thư. Ngày xưa tôi tin tưởng cách mạng bao nhiêu thì nay chúng tôi thấy cách mạng càng ớn."
Vụ việc vừa nêu được công an tỉnh Phú Yên công bố hồi tháng 2 năm nay sau khi đột nhập vào Khu du lịch sinh thái Đá Bia, thuộc Công ty TNHH Quỳnh Long. Theo cơ quan an ninh thì họ bắt giữ tại đó một số kíp nổ và chất nổ.
Những người trong cuộc thì cho rằng số chất nổ đó được sử dụng để phá đá làm công trình xây dựng.
Hồi ngày 24 tháng 7, cơ quan an ninh đưa ra bản kết luận điều tra về vụ việc. Những người trong cuộc cho biết cáo trạng ký hôm 28 tháng 9. Nhưng mãi đến cuối tuần rồi tin tức mới được một số báo chí trong nước loan đi.