“Đầu đường, xó chợ” - Dân Làm Báo

“Đầu đường, xó chợ”

Xèng La Bở (Danlambao) - Định giá bán sản phẩm thì dựa vào giá thành sản xuất hoặc cung cầu thị trường, chứ chẳng có sách vở nào dạy cách định giá bán sản phẩm dựa vào “nhìn mặt khách hàng” cả. Thế nhưng ở Việt nam có khối người bán hàng hóa nhìn mặt khách hàng rồi ra giá bán. Kiểu kinh doanh đó gọi là “nói thách”, thực chất nó là một kiểu lừa khách hàng mua, kiểu kinh doanh này thường xảy ra khi mua bán ở các chợ hoặc bên vệ đường đi.

Từ đó dân gian mới có câu “đầu đường, xó chợ ” là để chỉ những hành vi mua bán xấu xa này. 

Bây giờ ở nước ta đâu đâu cũng “đầu đường xó chợ.” 

Hôm vừa rồi tôi có bạn đi ô tô đến nhà chơi, vợ bảo tôi đi mua dưa hấu, vì dưa hấu to và tròn nên cô ta đi mua sẽ không chở được. Nghe vợ nói thế bạn liền đánh ô tô đưa tôi đi mua dưa hấu để tiện cho việc chuyên chở. Khi thấy tôi đi xe ô tô con mua dưa hấu chất vào cóp sau xe thì người bán bỗng dưng đòi giá bán gần gấp hai lần giá bán thường ngày. Lý do bán đắt hơn là vì tôi là khách hàng “xịn” đi mua dưa bằng xe ô tô con. 

Tôi định cãi với người bán là xe ô tô tôi đi nhờ nhưng vì có bạn đang ngồi trên xe nên tôi nhịn cãi mà đành chịu thiệt.

Về đến nhà, lúc “tiệc” dưa hấu mở ra thì câu chuyện đi mua dưa hấu được tôi kể lại cho mọi người cùng nghe. Nghe xong mọi người than phiền rằng đất nước này chỗ nào cũng vậy, toàn là một kiểu kinh doanh “chụp giựt”. Kinh doanh nhìn mặt khách hàng rồi ra giá bán, như vậy thì xã hội làm sao công bằng và làm sao có người tử tế được.

Vợ tôi nói rằng sao không thấy ai lên tiếng kiến nghị với các tổ chức xã hội để giáo dục tuyên truyền, hoặc kiến nghị với nhà nước để ra một đạo luật hẳn hoi về vấn đề này nhằm đem lại công bằng và văn minh cho xã hội.

Nghe vợ nói thế bạn tôi cười và nói lại rằng: chính ông nhà nước ta đã kinh doanh theo kiểu chụp giựt đầu đường xó chợ rồi, thì không thể trách cả xã hội cùng hội cùng thuyền với nhà nước cũng kinh doanh theo kiểu chụp giựt như thế.

Tôi không hiểu câu nói này. Bạn tôi giải thích: này nhé, nhà nước bán điện cho dân đến kWh thứ 101 thì tính giá cao hơn, như thế là nhà nước nhìn vào mặt dân, thằng nào là dân giàu là ra giá cắt cổ, có phải vậy không.

Bạn tôi còn nói tiếp: truyền thống ông cha ta có câu “cái nào bán thì bán, cái nào cho thì cho” thật là rõ ràng và minh bạch. Nhưng nhà nước ta thì lợi dụng chuyện mua bán hàng thiết yếu mà cắt cổ cái thằng nhà giàu, rồi nói là cho thằng dân nghèo, để từ đó dân nghèo mang ơn nhà nước về giá bán điện.

Nhà nước mà hành xử theo kiểu “đầu đường xó chợ” thì xã hội tìm đâu ra công bằng văn minh và những con người tử tế! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo