Ba mẩu chuyện về “từ chức” - Phút thư giãn - Dân Làm Báo

Ba mẩu chuyện về “từ chức” - Phút thư giãn

Trần Kỳ Trung - Chúng tôi cho bà con phát biểu, bà con cũng không phát biểu, sau này không thắc mắc, thưa kiện nữa nhé. Bây giờ đến lượt chúng tôi có ý kiến. Xét và ký quyết định cho ông Ba từ chức là chúng tôi. Nhưng nếu như... ông Ba từ chức thì làm sao khắc phục được hậu quả trên. Nên chúng tôi đã thống nhất ý kiến, ông Ba nên ở lại, bao giờ khắc phục được hậu quả, lúc đó từ chức cũng không muộn! Chúng tôi vừa là lãnh đạo cấp trên của ông Ba ,vừa là họ hàng thân thuộc, sẽ theo dõi sát sao việc này, rồi báo cáo cho bà con biết...

Mẩu chuyện thứ nhất

Ông Ba, chủ tịch xã, tham ô, hối lộ… nhiều, nhân dân lên án ghê gớm, viết đơn tố cáo lên trên. Huyện Uỷ quyết định họp công khai, cho dân biết, đồng thời lấy ý kiến tập thể có nên động viên cho ông Ba “từ chức” hay không?

Cuộc họp có đông đảo bà con trong xã đến dự, oai linh hơn, có rất đông cán bộ của Huyện về dự, đủ các thành phần.

Ông Ba đứng dậy phát biểu:

- Kính thưa đồng chí Bí thư kiêm chủ tịch Huyện, đó chính là bố vợ của tôi.
- Kính thưa đồng chí Trưởng ban kiểm tra đảng, đó chính là cậu ruột của tôi.
- Kính thưa đồng chí Trưởng công an huyện, đó chính là chú ruột của tôi.
- Kính thưa đồng chí Bí thư huyện đoàn, đó chính là em vợ của tôi.
….

Cuối cùng, kính thưa đồng chí Chủ tịch hội phụ nữ huyện, đó chính là vợ của tôi…

Tôi nhận thấy, tôi có lỗi với bà con trong xã để xảy ra hiện tượng xấu như tham ô, hối lộ, ăn chặn tiền của gia đình có công với cách mạng, thương binh, liệt sỹ. Tôi, với cương vị đứng đầu một địa phương, phải liên đới chịu trách nhiệm. Theo ý kiến của bà con đang ngồi dưới đây và của các đồng chí lãnh đạo ngồi trên đây, tôi có nên từ chức hay không?

Bà con nghe ông Ba "Kính thưa..." nhiều như vậy, nhiều người có ánh mắt sợ sệt, không dám nói. Có người lắc đầu chán nản.

Các đồng chí lãnh đạo nói:

- Chúng tôi cho bà con phát biểu, bà con cũng không phát biểu, sau này không thắc mắc, thưa kiện nữa nhé. Bây giờ đến lượt chúng tôi có ý kiến. Xét và ký quyết định cho ông Ba từ chức là chúng tôi. Nhưng nếu như... ông Ba từ chức thì làm sao khắc phục được hậu quả trên. Nên chúng tôi đã thống nhất ý kiến, ông Ba nên ở lại, bao giờ khắc phục được hậu quả, lúc đó từ chức cũng không muộn! Chúng tôi vừa là lãnh đạo cấp trên của ông Ba ,vừa là họ hàng thân thuộc, sẽ theo dõi sát sao việc này, rồi báo cáo cho bà con biết.

Hết cuộc họp.

Ông Ba không “ từ chức”.

Mẩu chuyện thứ hai

Ông Tư , Chủ tịch huyện, khả năng lãnh đạo rất kém, trình độ dở, phát hiện toàn xài bằng giả, ai cũng biết, đã đến lúc nên “từ chức”.

Chuyện động viên ông Tư “từ chức” được thảo luận sôi nổi trong cơ quan, hội, đoàn...

Đầu tiên trong huyện uỷ. Cũng phải đến cả chục cuộc họp, kéo dài gần như hết một nhiệm kỳ, chỉ nhỏn một nội dung là đánh giá ông Tư “tốt” hay “xấu” . Suốt gần mấy năm, trong một nhiệm kỳ, tỷ lệ đánh giá ông Tư cứ năm mươi, năm mươi.

Bên chính quyền cũng đưa vấn đề này ra, thảo luận trong nhiều kỳ đại hội. Thảo luận ghê gớm lắm, nhưng khi có một ý kiến: “Với tình hình nuớc sôi, lửa bỏng như thế này, ai trong chúng ta dám thay ông Tư lãnh đạo huyện...”

Mọi người đưa mắt nhìn nhau, rồi quan sát xung quanh.

Không có ai.

Tiếp đến đoàn thanh niên, cứ đến nội dung thảo luận việc ông Tư có nên “từ chức” hay không? Là bọn thanh niên im lặng, có một, hai người đứng lên đề nghị bàn chuyện này. Y như rằng, lại có ý kiến phản bác: “Đồng chí mà nói thế không sự bị trù úm à! Mình chỉ là bọn “chỉ đâu, đánh đấy” đã là cái gì mà đề nghị người ta từ chức!”.

Thế là bên đoàn thanh niên không có ý kiến!

Bên hội phụ nữ, sau khi thảo luận đủ mọi vấn đề từ xoá đói, giảm nghèo, đến việc tìm mọi cách chặn đứng chuyện bạo hành trong gia đình, xâm phạm tình dục trẻ em... hết đề tài, là đến chuyện thảo luận động viên ông Tư từ chức.

Cuộc họp cuối cùng chuẩn bị kết thúc một nhiệm kỳ, mà chuyện “động viên ông Tư từ chức” vẫn chẳng đi đâu vào đâu. Thấy thế, chị chủ tịch hội kết luận:

- Chúng ta đã thảo luận vấn đề này trong rất nhiều cuộc họp, khó kết luận. Tôi cũng thấy khó, vì ông Tư không phải là tuổi tiền mãn kinh hay có tâm lý bất thường, cũng không phải là người “không chồng mà chửa” cùng giới với chúng ta để phân tích thiệt, hơn, cũng không phải người ngồi lê đôi mách, để cần góp ý. Hơn nữa ông Tư đối với hội ta rất tốt như hay cho tiền, rồi động viên chồng chúng ta dùng bao cao su, gặp chị em ông tỏ thái độ rất qúy mến... Tôi thấy, hội ta nên đứng ngoài chuyện này, không có ý kiến. Như vậy, ông Tư muốn từ chức hay không? Tuỳ vào suy nghĩ của ông ấy chứ hội ta không nên tham gia!

Mọi người ngồi dưới rất nhất trí ý kiến của Chủ tịch hội phụ nữ huyện


Cũng vì thế nên ông Tư không thể “từ chức”.

Mẩu chuyện thứ ba

Ông Năm, Chủ tịch tỉnh lãnh đạo bi bét về kinh tế, có biểu hiện tha hóa đạo đức, cần động viên từ chức. Chuyện tưởng đơn giản lại hóa ra phức tạp, không như người ta tưởng.

Bên doanh nghiệp, mấy mái đầu bạc lẫn xanh chụm vào nhau thì thầm:

- Bố ấy mà từ chức thì bỏ mẹ! Hợp đồng ký rồi, thoả thuận ăn chia xong rồi. bên ông ấy bao nhiêu, bên mình bao nhiêu, tiền chuyển vào tài khoản, xong. Giờ ông ấy từ chức phải làm lại từ đầu à!!! Không có ngu.

Bên tổ chức chính quyền cũng thẻ thọt, đủ nghe:

- Anh ấy với bọn mình, ngoài cái lý, còn cái tình. Mấy đứa cháu đang thất nghiệp, anh ấy chỉ thị cho mấy doanh nghiệp nhà nước nhận vào, mừng còn hơn bố chết sống lại. Còn mình chỉ có mỗi một việc là cơ cấu con anh ấy vào chức trưởng phòng bên ngoại vụ…đang suông sẻ như thế, bây giờ động viên anh từ chức. Mặt mũi nào nhìn nhau, đã thế lộ chuyện này ra, anh ấy từ chức trước, hay chúng mình… Thôi quên chuyện này đi!

Bên đảng, họp kín, bàn hệ trọng, nói chỉ mấy người nghe, tuyệt đối không ghi chép, ghi âm:

- Chính chúng ta đặt anh ấy vào vị trí đó, nhiều việc thường vụ chúng ta thông qua, anh ấy mới thực thi. Thậm chí, những lần anh ấy trả lời công luận, đều thông qua thường vụ, được sự nhất trí thống nhất cao. Còn một chuyện nữa, dù sao anh ấy cũng là thường vụ, phó bí thư trực. những chuyện hệ trọng trong nội bộ đảng, anh ấy nắm rất rõ. Giờ anh ấy từ chức, một lúc nào đó, anh ấy nói công khai mọi chuyện. Sẽ rất nguy hiểm, nếu như những thế lực thù địch phản động lợi dụng chuyện này. Lúc đó làm sao chúng ta đối phó, rơi vào thế bị động, nhân dân sẽ mất niềm tin…Hơn nữa, những việc anh ấy làm đâu cho riêng anh ấy!!! Nói thế là mọi người đều hiểu . Vì thế, lúc này không nên động viên anh Năm từ chức…

Thế là ông Năm cũng không “từ chức”.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo