Bộ Chính trị VN ‘sẽ giáo dục thân nhân’ - Dân Làm Báo

Bộ Chính trị VN ‘sẽ giáo dục thân nhân’

Lê Hồng Anh: Các lãnh đạo đương chức của Việt Nam đã cam kết với các cựu lãnh đạo đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân. Nhiệm vụ của các lãnh đạo phải “giáo dục gia đình, vợ (chồng), con, người thân, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng”. Thân nhân của các lãnh đạo cũng được yêu cầu phải tuân theo “chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống...”

*

BBC - Các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư của Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam vừa có kỳ họp để thông báo kết quả tự phê bình trước một loạt cựu lãnh đạo cao cấp. 

Cuộc họp sáng 8/11/2012 ở Hà Nội được truyền thông nhà nước đưa tin là dịp để các lãnh đạo đương nhiệm thông báo “kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hiện nay với các đồng chí nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước”. 

Trang của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho hay các ông Lê Hồng Anh (Thường trực Ban Bí thư), Tô Huy Rứa (Trưởng Ban Tổ chức), Đinh Thế Huynh (Trưởng ban Tuyên giáo) và bà Hà Thị Khiết (Trưởng ban Dân vận), đã đón các vị cựu lãnh đạo cao cấp. 

Trong số này báo chí Việt Nam cho hay có hai cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Cựu Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Văn An và một loạt vị cựu phó chủ tịch nước và phó thủ tướng. 

Nhưng trong số các ủy viên Bộ Chính trị đương chức, không thấy có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. 

'Lợi ích cá nhân' 

Đại tướng Lê Hồng Anh có bài phát biểu nêu cam kết về tự phê bình 

Điều đáng chú ý là trong bài phát biểu do ông Lê Hồng Anh đọc tại hội nghị, các lãnh đạo đương chức của Việt Nam đã cam kết với các cựu lãnh đạo đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích cá nhân”.

Bài diễn văn cũng nhắc đến nhiệm vụ của các lãnh đạo phải “giáo dục gia đình, vợ (chồng), con, người thân, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng”. 

Thân nhân của các lãnh đạo cũng được yêu cầu phải tuân theo “chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống”. 

Các quan chức cao cấp nhất của Đảng trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũng phải “tăng cường giám sát, nhắc nhở nhau để sớm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý những biểu hiện vi phạm Quy định 19 điều đảng viên không được làm”. 

Trong văn bản do Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố ngày 15/3/2012 có ghi chi tiết hàng loạt hành vi mà đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam và thân nhân họ không được làm. 

Đảng viên cao cấp ở Việt Nam không được 'tư vấn' cho 
bố mẹ, vợ chồng, con...để kinh doanh trong lĩnh vực liên quan đến chức vụ của họ 

Đó là những chuyện nhỏ như "đốt đồ mã, hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói" (điều 18), tới lớn hơn như "tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ và các tổ chức kinh doanh khác của bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến thẩm quyền quyết định" (điều 8). 

Thậm chí, đảng viên còn không được "làm những việc pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên" (điều 1). 

Bài của VOV chỉ nói rằng nhiều vị cựu cán bộ cao cấp dự Hội nghị đã phát biểu về công tác thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng nhưng không nói rõ ai nói và không trích thuật lời của họ. 

Nghị quyết Trung ương 4 là văn kiện về “kiểm điểm, phê bình và tự phê bình” trong Đảng nhằm trấn an người dân Việt Nam rằng Đảng cầm quyền vẫn còn đủ tư cách để lãnh đạo đất nước. 

Thời gian qua, các vụ tham nhũng lớn, thất thoát tài sản công và rối loạn trong lĩnh vực ngân hàng đã làm suy yếu uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Đặc biệt, sự hoành hành của các nhóm lợi ích nhiều khi tập trung các nhóm thân hữu, thân nhân và thân quen của lãnh đạo cao cấp đã góp phần tạo tâm lý bất công xã hội, và cản trở chính sách đúng.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo