Bộ trưởng Tư pháp: “Đưa Hiến pháp ra trưng cầu ý dân” - Dân Làm Báo

Bộ trưởng Tư pháp: “Đưa Hiến pháp ra trưng cầu ý dân”

Người đứng đầu ngành Tư pháp cũng thận trọng đưa ra cảnh báo, việc thực hiện trưng cầu ý dân có thể gặp phải sự chống phá của các thế lực thù địch cơ hội về chính trị. Tuy nhiên Bộ trưởng Cường cho rằng, với sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng, sự chuẩn bị chu đáo của nhà nước về mặt pháp lý, với truyền thống yêu nước, ý thức tự tôn tự cường… những khó khăn phức tạp đó sẽ không khó vượt qua...

*

Nguyễn Dũng (Infonet) - Chiều 16/11, góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường kiến nghị: đưa Hiến pháp ra trưng cầu ý dân và tán thành việc thành lập Hội đồng Hiến pháp. 

Theo Bộ trưởng Cường, nhân dân là nguồn gốc của mọi quyền lực, bởi vậy nhân dân phải là người quyết định những vấn đề trọng đại nhất của đất nước. Hiến pháp là đạo luật gốc, việc làm ra Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp là việc làm hệ trọng nhất trong các việc hệ trọng của quốc gia. Do vậy Hiến pháp phải do nhân dân làm ra, do nhân dân quyết định, nhân dân là chủ thể. 

“Hiến pháp năm 1992 đã tái xác lập quyền công dân được quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay quyền dân chủ của công dân chưa được cụ thể hóa về luật, hoặc chưa được thực hành trong đời sống chính trị của đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 đã xác định một trong các yêu cầu sửa đổi Hiến pháp là phải đồng bộ, phù hợp với kinh tế và chính trị, phải thể chế hóa phát huy dân chủ XHCN, đảm bảo tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. 

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị đưa Hiến pháp ra trưng cầu ý dân Ảnh ĐĐK 

Bộ trưởng Tư pháp dẫn dụ hơn 100 quốc gia trên thế giới với trình độ khác nhau, họ quy định bắt buộc phải đưa sửa đổi Hiến pháp ra trưng cầu ý dân trước hoặc sau khi Quốc hội thông qua. Nhất trí về quy trình sửa đổi Hiến pháp lần này, Bộ trưởng Cường kiến nghị lấy ý kiến nhân dân như trong dự thảo Nghị quyết. Đồng thời đề nghị đưa vào dự thảo để áp dụng cho những lần sửa đổi hiến pháp sau này. 

“Việc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua sẽ là sự kết hợp tốt nhất giữa thẩm quyền Quốc hội với quyền làm chủ của nhân dân. Lấy ý kiến nhân dân hi vọng Hiến pháp sẽ có đời sống lâu dài hơn. Động thái này sẽ thể hiện sự kính trọng của Quốc hội với nhân dân, với cử tri – những người bầu ra chúng ta. Điều này sẽ đem lại những hệ quả to lớn có thể góp phần trấn hưng đất nước. Quyết định của nhân dân sẽ là động lực để mỗi người thể hiện trách nhiệm cá nhân của mình” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói. 

Người đứng đầu ngành Tư pháp cũng thận trọng đưa ra cảnh báo, việc thực hiện trưng cầu ý dân có thể gặp phải sự chống phá của các thế lực thù địch cơ hội về chính trị. Tuy nhiên Bộ trưởng Cường cho rằng, với sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng, sự chuẩn bị chu đáo của nhà nước về mặt pháp lý, với truyền thống yêu nước, ý thức tự tôn tự cường… những khó khăn phức tạp đó sẽ không khó vượt qua. Bộ trưởng Cường cũng dẫn dụ câu nói của Bác Hồ về việc tận dụng sức dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. 

Nếu đề nghị trên được chấp thuận có nghĩa là Hiến pháp sẽ do nhân dân làm ra, sửa đổi và biểu quyết thông qua. Bên cạnh đó Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đồng tình với một số ý kiến cho rằng Hiến pháp phải được bảo vệ đặc biệt, mọi vi phạm Hiến pháp sẽ phải xử lý nghiêm minh. 

Cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành do nhiều cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện có nhiều hạn chế. Báo cáo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 đã đưa ra kiến nghị về sự cần thiết đưa ra một cơ chế hiến định để phán quyết về những vi phạm Hiến pháp, phù hợp với yêu cầu Đại hội Đảng thứ 10, 11 đã đề ra. 

“Tôi đồng tình với quy định trong tờ trình về việc thành lập hội đồng Hiến pháp do QH thành lập, hoạt động chuyên trách độc lập. Tổ chức này sẽ giúp nhân dân kiểm tra kết luận và xử lý những vi phạm Hiến pháp trong các văn bản pháp luật cũng như các vi phạm Hiến pháp trong hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước. Việc thành lập hội đồng hiến pháp sẽ tạo ra một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả để nhân dân giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, cũng là để bảo vệ quyền lợi của mình”, Bộ trưởng Cường nói. 

Trước những nhận định trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị Quốc hội giao đơn vị soạn thảo Hiến pháp tiếp tục nghiên cứu cả hai vấn đề trưng cầu ý dân và thành lập Hội đồng Hiến pháp để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo