Duy Hưng (Lao Động) - Quốc hội (QH) đã thống nhất thông qua nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo đó, dự thảo này được thiết kế thêm hẳn một số điều (Đ) mới và sửa đổi, bổ sung một số điều. Chúng tôi xin lược trích một số nội dung được sửa đổi, bổ sung mà dư luận quan tâm.
Một số điều mới hoàn toàn
Ngay từ khi chuẩn bị ra đời cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ở QH đã có nhiều ý kiến trái chiều nhau: Nên trực thuộc QH, trực thuộc Chính phủ hay hoàn toàn độc lập? Sau thời gian hoạt động chưa dài, những mặt được, chưa được đã lộ rõ. Vì vậy, dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này thiết kế hẳn hai điều (Đ123, 124) mới hoàn toàn về KTNN.
Theo đó, “KTNN là cơ quan do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Theo đó Tổng Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ “báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Và “Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của UBTVQH”. Thực sự, nếu 2 điều này được thông qua, khi đó KTNN là cơ quan độc lập, không bị phụ thuộc vào Chính phủ để có những kết quả kiểm toán một cách khách quan nhất, được báo cáo trước QH. Có những báo cáo này, chắc chắn các vị đại biểu QH sẽ ấn nút thông qua các báo cáo về kinh tế của Chính phủ một cách có cơ sở hơn.
Hiện tại, một số người của công chúng hoặc người bình thường bị bêu riếu một cách quá dễ dàng (thậm chí cả trên các phương tiện thông tin đại chúng). Theo Đ16 (được thiết kế mới) nêu rõ: “1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
Môi trường hiện là vấn đề rất quan trọng và cũng rất bức xúc nên dư luận rất quan tâm. Trong dự thảo đã thiết kế một điều (Đ 69) mới có tới 3 khoản nhằm mục đích “bảo đảm phát triển bền vững” môi trường.
Nhằm phòng những vấn đề lớn xảy ra, dự thảo thiết kế Đ 84 (mới): “Khi cần thiết, Quốc hội thành lập uỷ ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định. Đây là nội dung rất quan trọng để giám sát hoạt động của các cơ quan hữu quan.
Một số điều được bổ sung
Về quyền bất khả xâm phạm của con người, Đ22 đã bổ sung thêm (so với Đ71 của HP 92) khoản 3: “Không ai phải chịu thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác nếu không được người đó đồng ý”.
Tương tự , Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 73, HP 92) thêm đoạn “Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật gia đình và bí mật cá nhân của người khác nếu không được người đó đồng ý”.
Còn nếu Đ62 (HP 92) ghi khá dài dòng giải thích về quyền xây dựng nhà ở theo quy hoạch, thì Đ37 của dự thảo ghi khá gọn: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để công dân có nơi ở”.
Riêng về lĩnh vực đất đai – một vấn đề nhạy cảm nhất hiện nay, Đ59 (sửa đổi, bổ sung Điều 18) ghi rõ: “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có đền bù theo quy định của pháp luật”. Còn hiện tại, việc thu hồi đất quá dễ dàng cho nhiều mục đích, nên dẫn tới sự tùy tiện, lạm dụng của một số cá nhân, chính quyền địa phương.
Về quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch Nước (liên quan đến lực lượng vũ trang), trong Hiến pháp 1992 (Đ103) chỉ nêu đơn giản: “Quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang ...”. Trong khi đó, K5, Đ 94 trong dự thảo nêu rõ: Chủ tịch Nước “quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam..”.
Cũng về thẩm quyền của Chủ tịch Nước, nếu như tại Đ105 Hiến pháp 92 chỉ nêu: “Chủ tịch Nước có quyền tham dự các phiên họp của UBTVQH. Khi thấy cần thiết, Chủ tịch Nước có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ” thì trong dự thảo (Đ96) nêu rõ ràng: “Chủ tịch Nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban Tthường vụ Quốc hội và Chính phủ”.
Như vậy, nếu điều này được thông qua, cũng đồng nghĩa với việc thẩm quyền của Chủ tịch Nước được tham dự bất cứ kỳ họp nào của Chính phủ mà không phải thêm điều kiện “khi xét thấy cần thiết”.
Dự thảo sửa đổi hiến pháp có hai điều (Đ123, 124) mới hoàn toàn về KTNN: “KTNN là cơ quan do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và “Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của UBTVQH”. Khi đó KTNN sẽ được thực hiện một cách khách quan nhất.
Duy Hưng
http://laodong.com.vn/chinh-tri/chu-tich-nuoc-co-quyen-tham-du-cac-phien-hop-cua-chinh-phu/93080.bld