Trường Giang (Sống Mới) - Luật pháp có nhiều kẽ hở, chính sách thiếu thống nhất và thông tin không minh bạch đã biến đất đai thành thánh địa cho nạn tham nhũng hoành hành. Đây cũng là nguyên nhân khiến xã hội bất ổn với gần 1 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo trong vòng 7 năm qua. Song cho đến nay, vẫn chưa xuất hiện một cơ chế khả thi nào có thể can thiệp tận gốc vào tệ nạn này.
Trong phiên làm việc với Thanh tra Chính phủ về chính sách pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai sáng 7/11, Thường vụ QH cho biết đã tổ chức nhiều đoàn giám sát làm việc với các địa phương về tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong khiếu nại, tố cáo với các quyết định hành chính về đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, các chương trình giám sát “định kỳ” được các Ủy ban của Quốc hội thực hiện với địa phương thường không mang lại kết quả như người dân mong đợi. Báo cáo của chính quyền địa phương thường có xu hướng nặng về thành tích, báo công, trong khi các vấn đề nghiêm trọng hay bị bỏ qua hoặc không được truy xét đầy đủ. Lẽ ra, trong hoạt động giám sát về đất đai cần phải có sự hiện diện của người dân với vai trò như một bên thứ ba, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến các vụ khiếu kiện, tố cáo. Chỉ qua tiếp xúc trực tiếp với dân, ĐBQH mới có cơ hội được tiếp nhận và cảm nhận vấn đề khách quan và toàn diện hơn.
Nguyên nhân bùng phát tiêu cực trong lĩnh vực đất đai những năm qua xuất phát từ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến các dự án, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị mới đồng loạt nở rộ trên khắp cả nước, cùng hoạt động chia tách sáp nhập địa giới hành chính… liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư.
Theo đoàn giám sát của QH thì để xảy ra tình trạng khiếu kiện gia tăng có nhiều nguyên nhân phải kể đến nhu sự thiếu trách nhiệm, tư lợi, của “một bộ phận” cán bộ, công chức, người đứng đầu trong quá trình thực thi công vụ, gây nên tình trạng cửa quyền, sách nhiễu. Không dừng ở đó, “một bộ phận” cán bộ, công chức cơ sở sa sút phẩm chất đạo đức, tiêu cực, gian lận trong phương án bồi thường đất đai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, chia chác đất đai, bao che cán bộ sai phạm. Trong khi đó, kết quả của Thanh tra Chính phủ lại cho thấy trong số 840 ngàn trường hợp khiếu nại tố cáo có tới 20% vụ khiếu nại đúng, có đúng có sai chiếm 28%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6%. Như vậy mỗi năm có cả trăm ngàn trường hợp được xác định là sai phạm về quản lý đất đai. Liệu con số này có được coi là “một bộ phận” và chỉ xảy ra ở “cấp cơ sở”?!
Từ 2005 đến tháng 6/2009, cả nước có hơn 3.800 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người. Năm 2010 có trên 3.200 đoàn, năm 2011 có gần 4.200 đoàn. Trên 70% số vụ là khiếu nại, còn lại là tố cáo hoặc vừa khiếu nại, vừa tố cáo. Đa phần đơn thư đều xuất phát từ việc người dân không đồng tình với các quyết định của chính quyền. Số lượng khiếu nại, tố cáo đông người ngày càng tăng. (Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu)
Trên thực tế, tình trạng khiếu nại, tố cáo do cán bộ-lãnh đạo làm sai trong chính sách đất đai phổ biến đến mức đã tạo nên nỗi bất bình thường trực trong người dân, và chỉ một phần nhỏ được phản ảnh khi sự việc không thể bưng bít do tính chất nghiêm trọng của nó, như vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Phú Quốc… Như vậy, cái gọi là “một bộ phận” kia cần phải được nhìn nhận lại một cách chính xác để các bên liên đới có căn cứ xử lý. Bên cạnh đó, việc nhận diện cụ thể từng cá nhân trong “một bộ phận” là điều quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng tình trạng khiếu kiện đất đai đang ở mức rất nghiêm trọng và yêu cầu Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tìm ra địa chỉ sai của từng sai phạm.
Nếu không chỉ được đích danh, quy được trách nhiệm từng cá nhân cụ thể và xử lý thích đáng đối với những sai phạm trong hoạt động quản lý đất đai thì những hoạt động giám sát, báo cáo, đề xuất… chung chung của QH cũng chỉ gây tốn thêm tiền ngân sách của nhà nước, tiền thuế của người dân. Và giải pháp cũng chỉ quanh quẩn ở mức kỷ luật hoặc không kỷ luật “một bộ phận” mà không đưa ra được một bộ luật thì cũng chỉ tăng thêm nỗi bức xúc của xã hội.
Trường Giang tổng hợp