Nguyễn Thanh Giang (Danlambao) - ...Để xứng đáng là một trí thức, Phạm Đình Trọng đã phải trả giá. Một cái giá chua xót như Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận, Vi Đức Hồi... Sáng ngày 26 tháng 4 năm 2010, bí thư chi bộ đến tận nhà tống đạt quyết định khai trừ ông ra khỏi ĐCSVN mặc dù trước đó gần nửa năm, ngày 23 tháng 11 năm 2009, PĐT đã đưa Thông báo từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản cho chi bộ...
*
Nhan đề bài viết này có vẻ không ổn. Đã là người, ai không suy tư. Triết gia Blaise Pascal từng nói: Người là một cây sậy yếu ớt trong thiên nhiên, nhưng là cây sậy biết suy tư (L’homme est un roseau pensant). Nhà hiền triết René Descartes lại nói: “Je pense, donc je suis”. (Tôi suy tư, vậy thì tôi tồn tại)
Con người có suy tư thì mới tồn tại. Song, suy tư khác với “biết suy tư” cũng như người làm nghề lao động trí óc không hẳn là trí thức. Định nghĩa sau đây trong Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam có vẻ không ổn:
“Trí thức là tầng lớp xã hội làm nghề lao động trí óc, trong đó, bộ phận chủ yếu là những người có học vấn cao, hiểu biết sâu rộng về chuyên môn của mình, có sáng tạo và phát minh. Trí thức bao gồm các nhà khoa học, kỹ sư, kỹ thuật viên, thầy giáo, thầy thuốc, luật sư, nhà văn, nghệ sĩ...”.
Có chăng, cái vế này mới khả dĩ tiếp thu được:
“Trí thức nói chung, thường nhạy cảm với cái mới, tiếp thu và truyền bá những tư tưởng cách mạng, tiến bộ trong nhân dân, có vai trò rất lớn đối với sự phát triển lịch sử…”.
Gần đây một số diễn đàn bàn bạc nhiều đến chức năng phản biện xã hội của người trí thức. K. Marx cũng đã từng cổ vũ cho chức năng này: “...dám phê phán không xót thương tất cả những gì hiện hữu, không xót thương ở chỗ sự phê phán đó không lùi bước trước chính những kết luận của nó, hay trước mọi đụng chạm dù với bất cứ thứ quyền hành nào”.
Về nhà văn Phạm Đình Trọng
Vốn là một người lính, như ông đã kể:
“Tôi vào bộ đội trước khi cuộc kháng chiến chống Mĩ nổ ra và tôi rời quân ngũ khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài suốt mười năm trời, 1979-1989, vừa kết thúc. Cuộc đời lính của tôi gánh trên vai trọn vẹn ba cuộc chiến tranh, chống Mĩ, chống Pôn Pốt và chống bành trướng. Chiến tranh chống Mĩ tôi có mặt ở Tây Nguyên. Trong chiến dịch đánh đuổi bọn Pôn Pốt giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, tôi là nhà văn đi với tàu chiến của hải quân, lên tàu từ cảng An Thới đảo Phú Quốc đổ bộ lên cảng Công Pông Xom, Campuchia. Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và giữ quần đảo Trường Sa, tôi có mặt ở mặt trận Cao Bằng, mặt trận Hà Giang và quần đảo Trường Sa. Cả tuổi trẻ của tôi đã hiến dâng cho cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo vệ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng những gì đang diễn ra của chính sự hôm nay cho tôi cảm nhận rằng những người lãnh đạo đất nước hôm nay đang phản bội lại máu những người lính đã đổ ra hôm qua!” (1)
Hầu hết đoạn văn trên là lời kể, riêng dòng cuối là suy tư: “Nhưng những gì đang diễn ra của chính sự hôm nay cho tôi cảm nhận rằng những người lãnh đạo đất nước hôm nay đang phản bội lại máu những người lính đã đổ ra hôm qua!”.
Với cả dặm đường trường chinh dài dặc như vậy, nếu PĐT suy tư bằng cái đầu của Đảng thì rất có thể ông đã thành tướng lĩnh hoặc được chuyển ngành để thành tiến sỹ, thành giáo sư. Tuy nhiên, ông không phải giáo sư, không phải tiến sỹ, không biết ông có quân hàm gì nhưng tôi nghĩ ông là một trí thức. Bởi vì, ông đã dám nghĩ bằng cái đầu của chính ông.
Tướng lĩnh, tiến sỹ, giáo sư, ủy viên Trung ương nọ, đại biểu Quốc hội kia... chưa hẳn là trí thức. Để được thăng tiến thành những thứ đó đôi khi (chứ không phải tất cả) chỉ cần biết nịnh Đảng, biết nói theo Đảng hay hay một chút để được Đảng cầm tay cắt đặt là thế nào cũng được. Có khi còn trở thành Tổng Bí thư.
Giáo sư mà làm gì, tiến sỹ mà làm gì, chức sắc này nọ mà làm gì, khi mà:
“... đảng Cộng sản Việt Nam đã thoải mái sử dụng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân dựng lên hàng loạt viện hàm lâm khoa học về chủ nghĩa Marx, thực tế là những viện vô tích sự và phản khoa học: Viện Marx Lénine, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Viện tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện lịch sử đảng … với hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ được đãi ngộ hậu hỉ, lương bổng, xe cộ, nhà cửa! Rồi hệ thống các cơ quan tuyên giáo các cấp, từ phường xã tới trung ương với hàng chục ngàn cán bộ đều có bằng cấp, học hàm học vị từ cử nhân trở lên! Rồi ban Lí luận trung ương tập hợp vài chục nhà lí luận hàm vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng! Đông đảo như vậy, danh xưng hào nhoáng như vậy, tốn kém tiền bạc của dân như vậy, nhưng khi những vấn đề lí luận của chủ nghĩa Marx Lénine đối mặt với cuộc sống cần sự giải đáp của những nhà lí luận Marxist, cần có tiếng nói của cơ quan Tuyên giáo cộng sản thì chẳng thấy ai! Chỉ thấy sự có mặt tức thì, hùng hổ, sôi sục, tàn bạo của công an, công cụ bạo lực!” (1)
Riêng ông, để xứng đáng là một trí thức, PĐT đã phải trả giá. Một cái giá chua xót như Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận, Vi Đức Hồi...
Sáng ngày 26 tháng 4 năm 2010, bí thư chi bộ đến tận nhà tống đạt quyết định khai trừ ông ra khỏi ĐCSVN mặc dù trước đó gần nửa năm, ngày 23 tháng 11 năm 2009, PĐT đã đưa Thông báo từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản cho chi bộ.
Nói chua xót vì, cái Đảng mà ông đã tưởng xả thân cho lý tưởng cùng nó mà sao nó nỡ tệ hại, sao nó hiếu thắng trẻ con đến nỗi ông đã từ bỏ đảng tịch mà nó vẫn còn bám đuổi theo ông để hạ nhục bằng quyết định khai trừ. (Họ từng làm như vậy với Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận …).
Chả trách mà Bùi Minh Quốc từng đã phải ngậm ngùi thốt lên:
“Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này”
“Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”
Phạm Đình Trọng phải quyết lòng từ bỏ ĐCSVN là để cùng các đồng chí, các bậc đàn anh khẳng khái sáng suốt trên đây, bằng hành động cụ thể của mình “Chỉ ra những sai lầm tệ hại của học thuyết Mác Lênin, của chủ nghĩa xã hội. Chỉ ra mối nguy cơ đe dọa đất nước từ đế quốc cộng sản Trung Hoa, nơi những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam gửi lòng tin, mộng tưởng tìm kiếm liên minh, tìm kiếm chỗ dựa để duy trì chủ nghĩa xã hội mất lòng dân. Chỉ ra những quyết sách, những toan tính thiển cận chỉ vì lợi ích phe nhóm mà hại dân, hại nước như bất chấp pháp luật, bất chấp ý chí nhân dân cho Trung Hoa vào Tây Nguyên khai thác bô xít, cho Trung Hoa thuê dài hạn diện tích rộng lớn rừng đầu nguồn, chấm cho Trung Hoa thắng thầu mọi công trình xây dựng lớn nhỏ để Trung Hoa tiêu thụ vật tư, kĩ thuật phế thải của Trung Hoa, để Trung Hoa ồ ạt đưa người xâm nhập, cài cắm khắp lãnh thổ Việt Nam” (2).
Chỉ ra rằng, ông không thể còn đồng hành với cái Đảng mà “Từ khi đảng thâu tóm đất nước trong tay, đất nước gấm vóc, nhân dân cần cù sáng tạo nhưng xã hội Việt Nam càng ngày càng tụt lại sau so với các nước vậy mà từ đỉnh Lũng Cú, Hà Giang đến chót mũi Năm Căn, Cà Mau, nơi nào cũng thấy hàng chữ cao ngạo Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm! Muôn năm cả cái Xã hội chủ nghĩa hư vô, không có thật. Chủ nghĩa xã hội không có thật đã gây bao đau khổ và nhiều nợ máu với nhân dân mà vẫn muôn năm: Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm! Còn nhân dân hết đời này đến đời khác lấy máu viết lên chữ Việt Nam thì Đảng không cần biết tới, thì chỉ là hư vô!”(3)
“Cao ngạo như vậy làm sao thấy được sự thật! Cao ngạo như vậy làm sao đến được với những lo toan, vất vả, khổ đau của dân! Cao ngạo như vậy nên ai thẳng thắn nói điều trái ý Đảng, đụng đến cái sai, cái yếu của Đảng, của Nhà nước, đều bị Đảng khép vào tội tuyên truyền chống Nhà nước của Đảng, đều bị Đảng trừng trị khắc nghiệt” (3).
Thâu tóm đất nước trong tay, đảng độc chiếm cả Quốc hội:
“Tính số tròn, dân số Việt Nam đến hôm nay là chín mươi triệu người, đảng viên cộng sản chỉ có ba triệu người, những người cộng sản chỉ chiếm hơn 3% dân số. Nhưng 500 Đại biểu Quốc hội khóa XIII của nhiệm kì 2011 – 2016 vừa bắt đầu, có tới 458 Đại biểu là đảng viên cộng sản. Hơn 3% dân số chiếm hơn 90 % ghế trong Quốc hội! Một sự bất công ngang nhiên ở ngay cơ quan lập pháp, nơi xác lập kỉ cương, công bằng xã hội! Một sự coi thường Dân đến đau lòng, đến xấu hổ! Chỉ một con số khách quan đã chứng minh Quốc hội đó là Quốc hội của một đảng chứ đâu phải của toàn Dân! Toàn bộ thành viên cơ quan thực quyền cao nhất của đảng Cộng sản là Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều là Đại biểu Quốc hội. Ban chấp hành Trung ương đảng có 175 ủy viên chính thức thì 84 ủy viên Trung ương đảng, một nửa Ban chấp hành Trung ương đảng tràn vào Quốc hội, chiếm ghế trong Quốc hội!” (4)
Dưới Quân kỳ, dưới Đảng kỳ ông từng cùng đồng đội tâm niệm với khúc quân hành dội lên từ lồng ngực: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình. Đoàn Vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra...” nhưng nay tất cả đã phải tráo trở hô vang: “Quân đội ta trung với Đảng”, cho nên ông không thể còn đồng hành nữa với cái thực thể mà ngày nay “...với sự độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản thì gần chín mươi triệu người dân Việt Nam chỉ là con số không tội nghiệp, không có vai trò gì đối với nhà nước của đảng Cộng sản! Bộ máy nhà nước do đảng dựng lên không mang ý chí của dân, chỉ mang ý chí của đảng! Ý chí của dân là độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ. Suốt chiều dài lịch sử, người dân Việt Nam đã không tiếc xương máu, hết thế hệ này đến thế hệ khác đổ máu hi sinh để giành độc lập và giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ! Còn ý chí của đảng là chủ nghĩa xã hội! Vì chỉ có duy trì chủ nghĩa xã hội mới duy trì được vị trí độc tôn thống trị xã hội của đảng!”(2)
ĐCSVN bỏ nhân dân để “định hướng XHCN” và, có phải vì “định hướng XHCN” mà ĐCSVN phải bỏ Tổ quốc để dốc lòng phụng thờ Trung Quốc?:
“Chủ nghĩa xã hội cho những người lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Việt Nam quyền lực vô hạn, quyền lực không bị giám sát, thì đế quốc Cộng sản Trung Hoa là sự bảo lãnh cho quyền lực đó tồn tại, bảo lãnh cho những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam giữ vững quyền lực đó! Họ bảo lãnh không phải vì nghĩa tình đồng chí Cộng sản mà chỉ để họ thực hiện mưu đồ thôn tính Việt Nam! Chỉ vì quyền lợi ích kỉ của đảng, những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam duy trì chủ nghĩa xã hội! Lại vì quyền lợi ích kỉ của đảng, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam thí bỏ lợi ích dân tộc đánh đổi lấy sự bảo lãnh của bành trướng Trung Hoa!” (4)
“... cắt nhượng cho phương Bắc nửa thác Bản Giốc hùng vĩ ở Cao Bằng, cắt nhượng cho phương Bắc cả tòa thành cổng nước cổ kính ở Lạng Sơn đã in bóng sừng sững trong lịch sử Việt Nam thì không thể lén lút giấu dân được mãi. Sự thật mất đất đai của tổ tiên phơi bày ra rồi, nhân dân chỉ còn biết nghẹn ngào, đau xót, khóc cho cơ thể Tổ quốc Việt Nam bị cắt xẻo ứa máu, khóc cho lịch sử Việt Nam phải ghi lại những năm tháng tủi nhục!” (3) chưa đủ, để “đánh đổi lấy sự bảo lãnh của bành trướng Trung Hoa!” những người lãnh đạo ĐCSVN sẵn sàng mở đường rước con voi Trung Hoa về giày mả tổ mình:
“Đảng Cộng sản Trung Hoa phát động cuộc chiến tranh biên giới đánh Việt Nam ác liệt suốt mười năm, 1979 – 1989. Tháng chín, năm 1989, Trung Hoa vừa ngừng đánh Việt Nam thì tháng chín năm 1990 các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vội hấp tấp sang gặp các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Hoa ở tỉnh lẻ Thành Đô cầu thân với Trung Hoa để dựa vào Trung Hoa duy trì sự thống trị xã hội của đảng Cộng sản Việt Nam, mở đường cho Trung Hoa trở lại tiếp tục công việc đồng hóa chính trị để xâm lược kinh tế và lãnh thổ Việt Nam mà họ đã thực hiện ngay sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, tháng mười, năm 1949 và sau khi Việt Nam quét sạch quân Pháp khỏi đường số Bốn, năm 1950, mở thông biên giới Việt – Trung! Đặt lợi ích của đảng Cộng sản Việt Nam lên trên lợi ích dân tộc Việt Nam, coi sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam cao hơn sự tồn tại của Tổ quốc Việt Nam, những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã làm một việc vô cùng nguy hại cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam, mở đầu cho những việc làm nguy hại ngày càng lớn sau này như nhân nhượng cho Trung Hoa lấn đất, lấn biển Việt Nam, nhân nhượng cho Trung Hoa vào khai thác bauxite ở Việt Nam! Từ tháng chín, năm 1990, đảng Cộng sản Việt Nam lại đưa dân tộc Việt Nam đến trước một hiểm họa ngày càng rõ, hiểm họa Bắc thuộc!” (1).
Cái hình ảnh ông Đỗ Mười đến Thành Đô hớn hở chạy tới, ngước lên, ôm chầm lấy Giang Trạch Dân trong khi ông này không buồn cúi xuống, đã làm cho không người dân Việt Nam có lòng tự trọng nào không khỏi tủi nhục thay. Tưởng rằng đấy chỉ là biểu hiện ngốc nghếch của một ông già lẩm cẩm, nào ngờ, ngài giáo sư – tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng cũng thật đáng phàn nàn khi uốn lưỡi nịnh nọt ngoại bang một cách rất không phải lối:
“Ngày đó ngài Nguyễn Phú Trọng vừa được đảng của ngài phân chia cho chức Chủ tịch Quốc hội, ngài vội mau mắn sang ngay Trung Hoa hớn hở khoe với những người đứng đầu đảng cộng sản đàn anh rằng Trung Hoa là hướng tốt lành ngài chọn xuất ngoại đầu tiên ngay sau khi trở thành người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam!
Không cần nói ra, ai cũng biết điều đó! Nhưng chẳng biết nói gì để giãi bày lòng trung, ngài chủ tịch Quốc hội Việt Nam liền hồ hởi nói ra như một lời khoe về tấm lòng thơm thảo của ngài với Thiên triều! Câu nói của ngài làm cho những người Việt Nam còn chút lòng tự trọng đều phải cúi mặt lắc đầu nhưng sẽ làm đẹp lòng những người Trung Hoa đang đối thoại với ngài! Hảo lớ!” (5)
“Ôi chao, nhục nhã, ê chề quá! Cố giữ liên minh với sức mạnh bạo lực Trung Hoa làm điểm tựa cho đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại, dân tộc Việt Nam phải chịu hết nỗi nhục này đến nỗi nhục khác rồi tất yếu dẫn đến tận cùng nỗi nhục là mất nước!” (2).
“Đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất Nhà nước Việt Nam có lòng thành với Trung Hoa như vậy nên tàu chiến Trung Hoa cứ mặc nhiên ngang dọc trên biển Việt Nam, ngang nhiên bắn giết, cướp bóc dân chài Việt Nam, cấm dân chài Việt Nam đánh cá trên biển Việt Nam, xua đuổi công ty nước ngoài vào thăm dò dầu khí trên biển Việt Nam! Trước thực tế đau lòng đó, chủ nhiệm ủy ban an ninh – quốc phòng của Quốc hội Việt Nam nêu ý kiến đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải có báo cáo với Quốc hội Việt Nam về tình hình biển Đông để Quốc hội xem xét, cho ý kiến, ngài liền gạt phắt: Tình hình biển Đông có gì mới đâu mà phải báo cáo!” (5)
“Nay một người Việt Nam hiếm hoi có tấm lòng thơm thảo với tham vọng bành trướng Đại Hán Trung Hoa, một người Việt Nam hiếm hoi không có được một chút khí phách làm nên lịch sử Việt Nam “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” đã trở thành Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, đã trở thành người đứng đầu hệ thống quyền lực Nhà nước Việt Nam, trở thành bí thư Quân ủy trung ương, Tổng tư lệnh quân đội! Đó là sự kích thích, khích lệ tham vọng bành trướng Đại Hán Trung Hoa lấn tới!” (5).
Thôi rồi! Lượm ơi!
Cái cổ Việt Nam mỗi ngày càng bị các ông TBT ĐCSVN, người sau hơn người trước, ấn càng sâu vào thòng lọng Trung Quốc.
Đau nỗi đau của toàn dân tộc, người lính trường chinh Phạm Đình Trọng lại xót thương cho mỗi đồng chí, đồng đội mình:
“Nhiều mảnh đất của tổ tiên người Việt để lại đã thấm đẫm máu nhiều thế hệ người Việt Nam đã không còn là đất đai Việt Nam nữa! Đặc biệt đất đai biên cương phía Bắc càng thấm đẫm nhiều hơn máu những người lính và cả nước mắt cha, mẹ, vợ, con người lính! Tháng ba năm 1987, chiến tranh biên giới Việt – Trung đang còn ác liệt, tôi ngồi cùng ô tô với phó tư lệnh Đặc công, Anh hùng, đại tá Đỗ Văn Ninh đưa mẹ con chị Nguyễn Thị Định là vợ và con của liệt sĩ thượng úy đại đội trưởng Cao Hoàng Việt lên viếng mộ anh Việt vừa hi sinh trước đó ít ngày trong cuộc chiến đấu giành lại điếm cao Xê Ba (C3) ở Vị Xuyên, Hà Giang. Đại đội đặc công của anh Việt vừa giành lại điểm cao Xê Ba thì pháo từ Trung Hoa bắn sang. Đạn pháo xé làm thân thể anh Việt không còn nguyên vẹn. Một phần thân thể người lính Cao Hoàng Việt đã lẫn ngay vào đất đá trên mỏm núi đá Xê Ba. Người đàn bà trẻ, nhân viên đánh máy viện Văn học Việt Nam mới ngoài hai mươi tuổi, vợ liệt sĩ Cao Hoàng Việt, khóc lặng lẽ bên nấm mộ còn tươi màu đất mới đắp trên sườn đồi hoang lạnh. Chị khóc cho cuộc đời tận tụy hi sinh cống hiến cho đất nước mà quá ngắn ngủi của anh! Chị khóc cho thân phận góa bụa còn quá trẻ của chị! Chị khóc cả cho đứa con trai côi cút mới bốn tuổi còn chưa biết khóc cha. Cho đến nay giọt nước mắt của người vợ liệt sĩ khóc chồng ở sườn đồi hoang lạnh biên giới phía Bắc vẫn còn mặn chát trong lòng tôi!” (1).
Xót thương mỗi đồng đội, đồng chí của mình, PĐT càng oán giận mấy vị “lãnh tụ” bạo tàn quyết xây vinh quang cho Đảng, quyết “làm công một người” bằng “giãi thây trăm họ”:
“Kế hoạch Tổng tiến công, Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 được soạn thảo theo ý chí của bí thư thứ nhất, người thực sự nắm toàn quyền trong đảng. Đinh ninh cú Mậu Thân 1968 là cú quyết định cuối cùng để ca khúc khải hoàn, trước khi mở màn Tổng tiến công, người nắm toàn quyền trong đảng liền đưa Hồ Chí Minh, danh nghĩa là chủ tịch đảng sang Trung Hoa an dưỡng dài ngày, uống thuốc bắc bồi dưỡng sức khỏe và đưa Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh quân đội sang Hungari nghỉ ngơi ngắm cảnh đẹp hồ Balaton để thế giới hiểu rằng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đều ngoài cuộc trong chiến thắng Mậu Thân 1968, để sử sách phải ghi chép rằng chiến công hiển hách Mậu Thân 1968 đánh thắng Mĩ, kết thúc chiến tranh là do thiên tài của bí thư thứ nhất đảng Lao động Việt Nam lúc đó. Là nhà quân sự thao lược, nắm chắc tình thế chiến trường và thực lực hai bên, là người cầm quân có lương tâm, biết quí từng giọt máu của lính, khi được bàn thảo chiến cuộc Mậu Thân 1968, Võ Nguyên Giáp chủ trương Mậu Thân 1968 chỉ thực hiện cuộc tập kích chiến lược, bất ngờ tập kích vào cơ quan đầu não chiến tranh, đồng loạt tập kích các căn cứ quân sự của địch. Lực lượng địch còn mạnh nhưng yếu tố bất ngờ sẽ đảm bảo cho thắng lợi của trận tập kích đánh đòn đau vào ý chí chiến tranh và tiêu hao lớn sinh lực địch, làm thay đổi cục diện chiến tranh. Khi yếu tố bất ngờ không còn nữa cần thu quân bảo toàn lực lượng để gia tăng những nhịp độ hoạt động quân sự tiếp theo mới dẫn đến kết thúc chiến tranh ở những chiến dịch gối đầu sóng nối tiếp” (1).
Nghĩ đến “giọt nước mắt của người vợ liệt sĩ khóc chồng ở sườn đồi hoang lạnh biên giới phía Bắc”, nghĩ đến từng lớp mảnh xương còn vùi trong bùn dưới đáy sông Thạch Hãn, PĐT thấy rợn người khi hát câu “cờ in máu chiến thắng mang hồn nước” nên đã nêu một đề xuất làm cho chính người đang viết cũng sửng sốt, nhưng, nghĩ kỹ lại thấy có lý:
“... chính những người cộng sản Việt Nam đã làm cho lá cờ của khởi nghĩa Nam Kỳ, lá cờ của cách mạng Tháng Tám không còn là lá cờ của cả dân tộc Việt Nam nữa! Và một vấn đề nghiêm túc, lớn lao, khẩn thiết đang đặt ra: Đã đến lúc cần có lá cờ tập hợp cả dân tộc Việt Nam! Không thể là lá cờ đỏ nhỏ nhen của một giai cấp, lá cờ lấy giai cấp thống trị dân tộc, đàn áp dân tộc! Không thể là lá cờ vàng vốn xuất xứ là lá cờ của một nhà nước chỉ là công cụ của nước ngoài! Cần có lá cờ mới mẻ, tinh khôi của cả dân tộc Việt Nam, của chín mươi triệu người Việt Nam đang sống trên đất nước Việt Nam thống nhất và đang sống trên khắp thế giới! Lá cờ xanh màu rừng, xanh màu biển, xanh màu đồng ruộng Việt Nam và sáng chói tinh thần yêu nước Nguyễn Thái Học!” (6).
Mong sao mỗi người lính, mỗi người dân Việt Nam đều biết suy tư, đều dám suy tư như người lính – nhà văn Phạm Đình Trọng.
Rút trong cuốn ‘ĐÊM DÀY LẤP LÁNH’
Mobi: 0984 724 165
Website: www.nguyenthanhgiang.com
____________________________________
Ghi chú:
(1) Phạm Đình Trọng – Thưa chuyện với công cụ bạo lực chuyên chính vô sản
(2) Phạm Đình Trọng – Không thể đi ngược ý chí của nhân dân
(3) Phạm Đình Trọng – Bi kịch Việt Nam
(4) Phạm Đình Trọng – Ngước nhìn Quốc hội
(5) Phạm Đình Trọng – Thói ngạo mạn AQ
(6) Phạm Đình Trọng – Đi xa nhìn về